Chủ nghĩa tượng trưng

chu-nghia-tuong-trung

Chủ nghĩa tượng trưng.

I. Chủ nghĩa tượng trưng là gì?

1. Lịch sử hình thành.

Chủ nghĩa tượng trưng là một trào lưu nghệ thuật và là một quan điểm triết học – mỹ học xuất hiện ở Phương Tây cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, bao gồm nhiều hiện tượng văn học – nghệ thuật như: thơ, kịch, tiểu thuyết, hội hoạ…

2. Khái niệm “Tượng trưng” là gì?

Luận giải về chủ nghĩa tượng trưng, các nhà nghiên cứu có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, dù xuất phát từ cách tiếp cận nào thì những nội dung chính được các nhà nghiên cứu quan tâm đến cũng tập trung vào khái niệm “tượng trưng”, sự ra đời của chủ nghĩa tượng trưng và cơ sở triết học của chủ nghĩa tượng trưng.

Từ điển Cambridge định nghĩa “symbol” (tượng trưng) nghĩa là:

1. Một vật, biểu tượng hoặc đối tượng được dùng để đại diện cho một điều nào đó, ví dụ: trái tim là tượnga trưng cho tình yêu..

2. Một vật được sử dụng để biểu thị cho chất lượng hoặc ý tưởng, ví dụ: nước, biểu tượng của sự sống.

3. Con số, bức thư, ký hiệu được sử dụng trong toán học, âm nhạc, khoa học,… ví dụ: Kí hiệu của Oxy là O

4. Một vật có thể được mô tả như biểu tượng của một vật khác nếu nó được xem như là đại diện bởi vì nó kết nối rất nhiều ý tưởng của mọi người với nhau.

Qua định nghĩa trên ta có thể thấy rằng “tượng trưng” và “biểu tượng” là hai khái niệm rất gần gũi. Khi chuyển dịch khái niệm “symbol” sang tiếng Việt, thuật ngữ này được dùng với cả nghĩa “tượng trưng” và “biểu tượng”.

Từ  điển  tiếng  Việt của  Hoàng  Phê  chủ  biên,  định  nghĩa  tượng  trưng  là:

1. dùng một sự vật cụ thể có hình thức hoặc tính chất thích hợp để gợi ra sự liên tưởng đến một cái trừu tượng nào đó, ví dụ: Chim bồ câu tượng trưng cho hòa bình.

2. sự vật cụ thể được dùng để tượng trưng cho một cái trừu tượng nào đó, ví dụ: Xiềng xích là tượng trưng cho nô lệ”

Theo Hegel, tượng trưng được hiểu như một kiểu tư duy nghệ thuật và đã xuất hiện từ rất lâu: “là một sự vật bên ngoài, một dấu hiệu trực tiếp nói thẳng với trực giác chúng ta: tuy sự vật này không phải được lựa chọn và được chấp nhận như nó tồn tại trong thực tế vì bản thân nó. Trái lại, nó được chấp nhận với một ý nghĩa rộng lớn và khái quát hơn nhiều. Do đó, phải phân biệt ở trong tượng trưng hai yếu tố: ý nghĩa và biểu hiện. Ý nghĩa là sự gắn liền với một biểu hiện hay một sự vật dù cho nội dung của biểu hiện này hay của sự vật này là cái gì. Còn sự biểu hiện là một tồn tại cảm quan hay một hình ảnh nào đó”. Cách định nghĩa này xem xét khái niệm tượng trưng trong phạm trù nghệ thuật, trong đó bao gồm cả văn học nghệ thuật.

Theo Chu Quang Tiềm, tượng trưng là: “dùng những sự vật cụ thể để diễn tả những gì mang tính chất trừu tượng. Mỹ cảm phát sinh ở chỗ trực giác được hình tượng, cho nên tác phẩm văn nghệ là sự biểu hiện những ý tưởng cụ thể, nó trực tiếp lay động sự xúc cảm của giác quan”.

Khi nhắc đến khái niệm tượng trưng, các nhà nghiên cứu thường đề cập đến khái niệm “biểu tượng” vì trong nhiều trường hợp, hai khái niệm này được đồng nhất với nhau. Từ điển thuật ngữ văn học viết: “Biểu tượng như là thuật ngữ của mĩ học, lí luận văn học và ngôn ngữ học còn được gọi là tượng trưng, nó có nghĩa rộng và nghĩa hẹp”. Theo chúng tôi, hai khái niệm này có điểm thống nhất vì mọi biểu tượng đều có tính tượng trưng nhất định. Tuy nhiên, trong mỗi biểu tượng ngoài  tính tượng trưng nó còn  có  những ý nghĩa khác. Đồng  thời, mỗi hình ảnh tượng trưng cũng mang trong nó những thông điệp khác nhau. Chính vì thế, không thể đồng nhất tượng trưng và biểu tượng.

Trong luận án này, tượng trưng được hiểu với nội hàm là một phương diện đặc  thù  của  sáng  tạo  nghệ  thuật,  nó  trở  thành  phương  thức  khái  quát  đời  sống, nghiêng về tính chất ổn định và đa nghĩa. Tượng trưng phải xuất phát từ một hình tượng nghệ thuật nhất định, từ đó mở ra nhiều liên tưởng phong phú, có khả năng khám phá hiện thực và nâng tầm hình tượng ở mức độ ngưng kết ý nghĩa.

3. Đặc điểm của chủ nghĩa tượng trưng.

– Chủ nghĩa tượng trưng quan niệm nghệ thuật không phải phản ánh thế giới thực tại, thế giới của hiện tượng mà là một thế giới siêu tưởng, một thế giới mơ hồ của sự tương hợp giữa ánh sáng, sắc màu, âm thanh, mùi hương và nhạc điệu.

Chủ thể tiếp nhận thơ tượng trưng cùng một lúc có thể cảm ứng tổng hòa thế giới âm thanh, sắc màu, mùi hương bằng tất cả các giác quan tương ứng. Các nhà tượng trưng xem thế giới hữu hình chỉ là hình ảnh, là cái bóng, là biểu trưng cho một thế giới mà ta không thấy được. Họ quan niệm chính cái không nhìn thấy đó mới là bản thể của thế giới. Nhà thơ nhận thức thế giới bằng trực giác, bởi chỉ có trực giác mới nắm bắt được cái đằng sau, vô hình, mới ứng cảm được thế giới đích thực mà ta không nhìn thấy. Họ cho rằng, nghệ thuật, muốn phản ánh thế giới phải tìm ra những “hiện thực ẩn dấu” và thể hiện nó bằng các biểu trưng thẩm mỹ. Họ quan niệm thơ là kẻ thù của “sự mô tả khách quan”, thơ“trước hết phải có nhạc tính”.

 a. Về quan niệm thơ: Chủ nghĩa tượng trưng xem thơ như một thứ siêu cảm giác, không giải thích được. Thơ phải gắn chặt với âm nhạc, phải gợi chứ không vẽ các đường nét, hình thể (Verlaine). Nghĩa là thơ không cần có hình tượng rõ nét, và được quan niệm như một bản hoà âm huyền ảo. Mỗi từ trong thơ phải gắn liền với một nốt nhạc.

b. Về đặc điểm thơ tượng trưng: Chủ nghĩa tượng trưng xem thế giới hữu hình chỉ là hình ảnh, là cái bóng, là tượng trưng cho một thế giới mà ta không nhìn thấy được. Đây mới chính là bản thể của thế giới. Cho nên, nhà thơ phải đến với cuộc sống bằng trực giác vì chỉ có trực giác mới tìm ra cái bí ẩn nằm sau thế giới hữu hình, mới nhìn thấy thế giới đích thực là cái thế giới không nhìn thấy ấy.

c. Về mặt ngôn từ và phương thức thể hiện: Thơ tượng trưng dùng biểu tượng như là một cấu tạo hình tượng đặc biệt để chống lại lối miêu tả và biểu lộ tình cảm trực tiếp của chủ nghĩa lãng mạn. Nói cách khác, chủ nghĩa tượng trưng tôn trọng điều bí ẩn của thơ. Họ tránh dùng miêu tả mà dùng những từ gợi lên ý nghĩa. Tức là dùng biểu tượng như là một phương tiện biểu hiện.

Đến thời kỳ cuối thơ tượng trưng rơi vào tình trạng phi giao tiếp, có tính chất loại bỏ sự giao tiếp của người đọc.

4. Nguyên tắc mỹ học của chủ nghĩa tượng trưng.

– Tính cách biểu trưng nghệ thuật cho các “vật tự nó” và các ý niệm nằm ngoài giới bạn của sự tri giác cảm tính. Ở đây biểu tượng nghệ thuật được xem là công cụ hữu hiệu hơn hình tượng để chọc thủng cái vỏ quen thuộc hàng ngày nhằm vươn tới cái bản chất lý tưởng siêu thời gian của thế giới – cái vẻ đẹp siêu nghiệm. Các yếu tố then chốt của chủ nghĩa tượng trưng là : trực giác, âm nhạc, trữ tình.

– Thơ trữ tình là thể loại mà ngôn ngữ thi ca giữ địa vị thống trị, có một sức mạnh siêu nhiên, đầy ma lực; ở đây, thế giới nội tâm của nhà thơ gần gũi với cái tuyệt đối. Mỗi bài thơ đối với họ phải là một “giai diệu chủ quan” nhầm thay thế vần điệu và thi luật của thi pháp cổ điển.

– Chủ nghĩa tượng trưng xuất hiện là do có cuộc tổng khủng hoảng của nền văn hoá nhân văn tư sản, có sự dè bỉu có tính chất thực dụng chống các nguyên tắc thực chúng luận của phái Thi san và chủ nghĩa tự nhiên. Tuy vậy, sáng tác của nhiẻu nhà thơ lớn của chủ nghĩa tượng trưng có ý nghĩa xã hội và giá trị nhân văn rộng lớn (nỗi đau khổ về tự do tinh thần ; sự chán ghét những hình thức tư hữu của xã hội đang tàn phá tâm hồn con người, niềm tin vào những giá trị văn hoá lâu đời,…

Các nhà thơ Pháp nổi tiếng như P.Véc-len (1844 – 1896), A. Ranh-bô (1854 – 1891), Lốt-tơ-rê-a-mông (1846 – 1870), S. Man-lác-mê (1842 – 1898) vừa là những người sáng lập vừa là những đại biểu xuất sắc của trường phái này.

II. Ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng đến Thơ mới Việt Nam (1932 – 1945).

Quan niệm Tương ứng các giác quan trong thơ tượng trưng của Baudelaire đã ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào Thơ mới Việt Nam. Mùi hương, màu sắc và âm thanh tương hợp lẫn nhau. Xuân Diệu là nhà thơ đã thể hiện cảm quan hết sức tinh nhạy, bằng sự tương hợp các giác quan, ông có thể “nghe” được những âm thanh bí ẩn huyền diệu của đất trời, cảm nhận được các “gam” của sắc màu không gian, và “chiết suất” hương thơm tạo vật muôn loài qua thơ:

“Này lắng nghe em khúc nhạc thơm,
Say người như rượu tối tân hôn;
Như hương thấm tận qua xương tuỷ,
Âm điệu, thần tiên, thấm tận hồn

Hãy tự buông cho khúc nhạc hường,
Dẫn vào thế giới của Du Dương:
Ngừng hơi thở lại, xem trong ấy,
Hiển hiện hoa và phảng phất hương”.

( Xuân Diệu – Huyền diệu).

Sự tương ứng các giác quan tạo nên hiệu ứng lan tỏa, đan xen nhiều tầng cảm xúc và thực sự đem lại cho thơ những cảm nhận mới lạ. Một khúc nhạc, đối với Xuân Diệu, không phải chỉ để thưởng thức một cách thuần túy bằng những cung bậc “du dương” của thanh nhạc (tương ứng với thính giác) mà cùng một lúc, nhiều giác quan ứng cảm, hợp phối để có thêm khúc nhạc hường (màu của nhạc), rồi lan tỏa thành khúc nhạc thơm (hương của nhạc) và rồi, hãy uống thơ tan trong khúc nhạc (vị của nhạc). Chỉ một khổ gồm bốn câu thơ, Xuân Diệu đã tổng hòa bốn giác quan tương ứng, nghe – nhìn – ngửi – uống, nhà thơ như đã nhập thần, hóa thân, hòa tan vào khúc nhạc đất trời Huyền diệu.

Sự tương ứng các giác quan cũng thể hiện rất rõ nét trong một số bài thơ của Huy Cận. Thế giới thơ ông là một thế giới ngát mùi hương với âm thanh, sắc màu xen lẫn, cùng các giác quan giao hòa, cảm ứng, phức hợp hơn là cụ thể; mỗi câu thơ luôn mở ra nhiều tầng cảm xúc, khơi gợi, dẫn dắt bước chân người thơ dập dìu đi giữa đường thơm:

“Đường trong làng: hoa dại với mùi rơm…
Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm;
Lòng giắt sẵn ít hương hoa tưởng tượng.
Đất thêu nắng, bóng tre, rồi bóng phượng

Lần lượt buông màn vướng nhẹ chân lâu:
Lên bề cao hay đi xuống bề sâu?
Không biết nữa.– Có chút gì làm ngợ
Trong không khí…hương với màu hoà hợp…”.

(Huy Cận – Đi giữa đường thơm).

Mùi hương, màu sắc, âm thanh cùng tương hợp gây hiệu ứng mơ hồ lẫn lộn giữa các giác quan. Đoàn Phú Tứ, Thơ mới còn có thêm một cảm quan mới về thời gian, đó là “màu thời gian”:

“Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh”.

Với “màu thời gian”, Đoàn Phú Tứ đã góp thêm cách cảm nhận mới, ông đã điểm thêm vào diện mạo thời gian, làm cho thời gian vừa có hương, lại vừa có sắc.

Ngoài quan niệm Tương ứng các giác quan, chủ nghĩa tượng trưng rất chú trọng tiết điệu, âm nhạc trong thơ. Các nhà thơ tượng trưng đều thống nhất là sự quan tâm đến nhạc điệu tinh tế của thơ. Không phải ngẫu nhiên Thơ mới đạt tới sự tuyệt tác ở những bài thơ nội dung trực tiếp là nhạc cảm: “Nhị hồ”, “Nguyệt cầm” (Xuân Diệu), “Thu” (Chế Lan Viên), “Tỳ bà” (Bích Khê)…

Âm nhạc trong thơ tượng trưng được khai thác triệt để, âm nhạc được chú trọng đến mức nhiều khi từng chữ thơ chỉ cần vang mà không cần nghĩa như: “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà” của Nguyễn Xuân Sanh.

Yếu tố nhạc trong thơ tượng trưng được khai thác tối đa ở thơ Bích Khê; toàn bộ thơ Bích Khê, trước hết, được dựng lên trên một nền nhạc; trong rất nhiều sáng tác, ông đã dụng ý chọn những từ ngữ thanh bằng (bình thanh) đưa vào trong mỗi câu thơ, mỗi khổ thơ, thậm chí nguyên cả bài thơ. Trên nền nhạc -thơ hòa phối ấy, âm thanh, màu sắc, mùi hương cứ truyền lan vang tỏa, tạo nên sự liên tưởng trùng phức, đầy mê hoặc: “Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng./ Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông” – Câu thơ mà Hoài Thanh cho là hay vào bậc nhất trong thơ Việt Nam.

Trong một bài thơ khác, bài Hoàng hoa, dài 18 câu, Bích Khê cũng đã “thiết kế” toàn những thanh bằng, từ đầu cho đến cuối bài thơ:

“Lam nhung ô! Màu lưng chừng trời;
Xanh nhung ô! Màu phơi nơi nơi.

Vàng phai nằm im ôm non gầy;
Chim yên eo mình nương xương cây.
Đây mùa Hoàng hoa, mùa Hoàng hoa:
Đông nam mây đùn nơi thành xa…

Oanh già theo quyên quên tin chàng!
Đào theo phù dung: thư không sang!
Ngàn khơi, ngàn khơi, ta ngàn khơi!:
Làm trăng theo chàng qua muôn nơi;

Theo chàng ta làm con chim uyên
Làm mây theo chàng bên nhung yên.
Chàng ơi! hồn say trong mơ màng,
– Hồn ta? Hay là hồn tình lang?

Non yên tên bay ngang muôn đầu…
Thâm khuê oan gì giam xuân sâu?
– Ai xây bờ xanh trên xương người?!
Ai xây mồ hoa chôn đời tươi?!

(Bích Khê – Hoàng hoa)

Bài thơ hiện lên toàn những từ ngữ mang hình ảnh tượng trưng, ám gợi, rất mơ hồ về nghĩa; chỉ có thanh âm của nhạc-thơ cứ vang rung trùng điệp. Nếu không có tiêu đề Hoàng hoa, một điển tích lấy từ Kinh Thi nói về người lính đi thú phương xa nhớ nhà, có lẽ ta sẽ mất hẵn sự gợi ý liên tưởng, khi tìm hướng để cảm nhận bài thơ.

Tóm lại, trong dòng chảy văn học, hiện tượng kế thừa, tiếp thu những thành tựu tư tưởng, nghệ thuật là hiện tượng phổ biến, như một quy luật. Kế thừa thơ truyền thống dân tộc, tiếp thu chủ nghĩa lãng mạn, tượng trưng, siêu thực của văn học Pháp, thanh niên trí thức Việt Nam đầu thế kỷ XX đã sáng tạo ra một thời đại thi ca hoàn toàn khác trước. Phải nói rằng Thơ mới 1932 – 1945 là một sự tích hợp nghệ thuật kỳ diệu, độc đáo trong lịch sử văn học Việt Nam và nó đã đi trọn hành trình thi ca trước lúc hạ cánh để chuyển sang bước ngoặt mới khi lịch sử đã sang trang. Một thế kỷ thi ca Pháp với những đỉnh thơ lừng danh như: Lamartine, V.Hugo, Chateaubriand, Baudelaire, Verlaine, Valéry, Mallarmé… đã được các nhà thơ mới thâu tóm, tiếp biến trong vòng 13 năm.

Thơ mới, một hiện tượng độc đáo có một không hai trong tiến trình thơ Việt Nam. Chỉ trong một thời gian ngắn của lịch sử, Thơ mới đã khởi đi từ lãng mạn, đến tượng trưng và siêu thực. Ba trào lưu thơ đã tích hợp, tổng hoà, đan xen nhau trong trong khá nhiều tác giả, tác phẩm tiêu biểu, làm cho Thơ mới trở nên giàu có, đa thanh, đa sắc, trong đó, ngoài sự hiện diện tiên phong của chủ nghĩa lãng mạn, còn có phần đóng góp không nhỏ của nghệ thuật tượng trưng – siêu thực, được các nhà thơ mới tiếp biến đầy sáng tạo.

2 Trackbacks / Pingbacks

  1. Tri thức Ngữ văn bài 2 (Ngữ văn 11, tập 1, Kết Nối Tri Thức) - Theki.vn
  2. Tác giả Hàn Mặc Tử - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.