Chủ nghĩa xê dịch và nhà văn Nguyễn Tuân

chu-nghia-xe-dich-va-nha-van-nguyen-tuan

Chủ nghĩa xê dịch và nhà văn Nguyễn Tuân

Nguyễn Tuân (1910 – 1987), là một tác gia lớn của văn học hiện đại Việt Nam, “là một trong mấy nhà nhà văn lớn mở đường, đắp nền cho văn xuôi Việt Nam thế kỷ XX” (Nguyễn Ðình Thi), đồng thời cũng là một trong những hiện tượng phức tạp của văn học. Ông là một cây bút có sức hút kì lạ, có cách viết độc đáo lôi cuốn.

Chủ nghĩa xê dịch được hiểu như là sự chuyển đổi vị trí về địa lý, chuyển đổi cảm giác về hình ảnh. Trong văn học, xê dịch là luôn phát hiện ra những yếu tố mới và tìm cách biểu hiện mới mẻ, tinh tế, đậm chất văn chương.

Xê dịch là một đề tài quen thuộc, chiếm một mảng quan trọng của sáng tác Nguyễn Tuân. Đề tài này phù hợp với tâm hồn lãng mạn, tự do, phóng túng, ghét sự gò bó của nhà văn. Đọc những sáng tác này người đọc vô cùng thích thú, như được nhập cuộc trong những cuộc du hí hấp dẫn qua những miền đất lạ, khám phá cảm giác mới mẻ, lạ lẫm trước phong cảnh, phong tục, con người; thấy rõ hơn những tâm tư sâu kín của tác giả và thêm yêu mến thiên nhiên, con người của đất nước quê hương

Đọc Nguyễn Tuân độc giả cảm nhận được những nét đặc biệt, mới mẻ, không bị hoà lẫn vào những cái lờ nhờ, không màu sắc. Trong hơn 50 năm cầm bút, với tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc, ông đã để lại một di sản văn học đồ sộ, với nhiều thể loại từ tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự, tùy bút… làm phong phú, đa dạng cho văn học hiện đại Việt Nam.

Nguyễn Tuân còn là một định nghĩa về người nghệ sĩ tài hoa. Ông viết văn với phong cách lạ, “ngông”, uyên bác, là bậc thầy trong việc sáng tạo và sử dụng tiếng Việt. Nói đến Nguyễn Tuân là nói đến một giá trị hiển nhiên, gợi nhắc một vùng trời riêng, xôn xao thanh âm ngôn ngữ dân tộc. Sáng tác của ông tồn tại vừa như những giá trị thẩm mỹ độc lập vừa gợi ý, kích thích tìm tòi, sáng tạo nên các giá trị mới.

Có thể nói trong suốt cuộc đời, bằng ngòi bút điêu luyện, Nguyễn Tuân đã làm cho cái đẹp thăng hoa. Ông là nhà văn duy mĩ, có quan niệm nghiêm túc về văn chương nghệ thuật: là nhà văn thì phải để lại một dấu ấn độc đáo, không giống ai trong cuộc đời. Sinh thời, Nguyễn Tuân từng ao ước không ai giống được mình, khi chết là đem theo nguyên cảo, nguyên bản không để lại một bản sao nào ở đời. Ông đến với cuộc đời, đến với làng văn để đóng một dấu ấn lạ, đem đến một luồng gió mới rồi đột ngột biến mất. Không giống tiền nhân, chẳng có hậu duệ, ông là người cực đoan, hết mình, đã đẩy sự độc đáo lên thành chủ nghĩa độc đáo. Giống như một số nhà văn, nhà thơ lớn cùng thời như Tô Hoài, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên…

Nguyễn Tuân có hai chặng đường sáng tác, trước và sau Cách mạng. Chặng đường nào cũng thành công, đều có những thành tựu nổi bật, những cống hiến nghệ thuật lớn lao cho nền văn học hiện đại của dân tộc. Trước Cách mạng, Nguyễn Tuân say mê đi tìm hạnh phúc trong chủ nghĩa xê dịch, trong quá khứ Nho giáo đẹp đẽ, đôi khi lại là tìm quên trong truỵ lạc.

Sau Cách mạng, nhà văn lại hăm hở hoà mình vào cuộc sống muôn màu muôn sắc của nhân dân. Người đọc luôn bắt gặp một Nguyễn Tuân đầy cá tính với những trang văn độc đáo, tinh thần lao động nghệ thuật công phu, nghiêm túc trên hành trình đi khám phá tìm hiểu cái đẹp.

Văn Nguyễn Tuân còn là một lối văn kén độc giả, chỉ người ưa suy xét đọc Nguyễn Tuân mới thấy thú vị, vì văn Nguyễn Tuân không phải thứ văn để người nông nổi thưởng thức (Vũ Ngọc Phan). Là một nhà văn tài hoa, người đọc mến Nguyễn Tuân về tài nhưng còn trọng về nhân cách. Mặc dù những sáng tác của ông coi trọng tính thẩm mĩ cao nhưng Nguyễn Tuân không phải là người theo chủ nghĩa hình thức. Các tác phẩm của ông bộc lộ quan niệm Tài phải đi với Tâm. Đó là Thiên lương trong sạch, là lòng yêu thiên nhiên yêu nước thiết tha, là nhân cách cứng cỏi trước uy quyền phi nghĩa và đồng tiền phàm tục.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.