Chứng minh: “Truyền kỳ mạn lục tuy có vẻ ngoài là những truyện kỳ lạ xảy ra hàng nghìn năm về trước nhưng thực chất lại phản ánh được những phần sâu sắc của hiện thực đương thời”.

chung-minh-truyen-ky-man-luc-tuy-co-ve-ngoai-la-nhung-truyen-ky-la-xay-ra-hang-nghin-nam-ve-truoc-nhung-thuc-chat-lai-phan-anh-duoc-nhung-phan-sau-sac-cua-hien-thuc-duong-thoi

Giáo sư Đinh Gia Khánh trong giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam đã viết: “Truyền kỳ mạn lục tuy có vẻ ngoài là những truyện kỳ lạ xảy ra hàng nghìn năm về trước nhưng thực chất lại phản ánh được những phần sâu sắc của hiện thực đương thời”. Bằng hiểu biết về Truyền kỳ mạn lục, em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.


* Gợi ý làm bài:

1. Mở bài:

– Giới thiệu tác giả Nguyễn Dữ và tác phẩm “Truyền kỳ mạn lục”.

– Nêu vấn đề: “Truyền kỳ mạn lục tuy có vẻ ngoài là những truyện kỳ lạ xảy ra hàng nghìn năm về trước nhưng thực chất lại phản ánh được những phần sâu sắc của hiện thực đương thời”

2. Thân bài:

a. Khái quát về “Truyền kỳ mạn lục”:

Truyền kỳ mạn lục là tác phẩm viết bằng chữ Hán, gồm 20 truyện của tác giả Nguyễn Dữ
Truyền kỳ mạn lục là sự ghi chép một cách rộng rãi (mạn lục) những truyện lạ lưu truyền ở đời (truyền kỳ). Vì vậy trong tác phẩm này có nhiều yếu tố kỳ ảo. Tuy nhiên kỳ ảo là bút pháp nghệ thuật hơn là thế giới quan của Nguyễn Dữ. Nhà văn mượn yếu tố kì ảo để phản ánh hiện thực.

b. Giải thích, phân tích, chứng minh nhận định:

– Nhận định của GS Đinh Gia Khánh đã nêu bật được một phương diện nội dung của Truyền kỳ mạn lục. “Truyền kỳ mạn lục có vẻ ngoài là những truyện kỳ lạ xảy ra hàng nghìn năm về trước” bởi trong số 20 truyện của tác phẩm, thời gian xảy ra đều được tác giả xác định cụ thể là thời Lý, thời Trần, Hồ, thuộc Minh và thời Lê sơ. Đó đều là những mốc thời gian trong quá khứ hết sức cụ thể, được tác giả gọi bằng năm hoặc bằng những tên nhân vật nổi tiếng của thời kỳ đó.

– Tuy nhiên nếu đọc Truyền kỳ mạn lục”, bóc tách cái vỏ kỳ ảo sẽ thấy cái cốt lõi hiện thực, phủ đi lớp sương khói thời gian quá vãng sẽ thấy bộ mặt xã hội đương thời. Tác phẩm đã “phản ánh được những phần sâu sắc của xã hội đương thời”, phê phán những tệ lậu của chế độ phong kiến:

+ Đó là cảnh binh lửa rối ren gây nên bao đau khổ cho nhân dân. Gia đình li tán, nhân tài, vật lực bị tàn phá “phục dịch nhọc nhằn, anh nghỉ em đi, chồng về thì vợ đổi, ai nấy đều vai sưng, tay rách rất là khổ sở” (Chuyện Lý tướng quân). Binh lửa chiến tranh với những cuộc chiến tranh phi nghĩa đã tàn phá biết bao gia đình, gây nên bao đau khổ (Chuyện người con gái Nam Xương)

+ Đó là nạn tham quan, vua “thường dối trá, tính nhiều tham dục, vung vãi châu ngọc, dùng vàng như cỏ rác, tiêu tiền như đất bùn, hình phạt có của đút là xong, quan chức có tiền mua là được…” (Chuyện đối đáp của người tiều phu núi Na). Quan lại thì hung tợn, tham lam hiếu sắc như Lý Hữu Chi (Chuyện Lý tướng quân), nham hiểm và thâm độc như Thân trụ quốc (Chuyện nàng Túy Tiêu). Khi phê phán hôn quân bạo chúa, Nguyễn Dữ dùng hình thức gián tiếp qua lời các nhân vật trong truyện, còn khi tố cáo bọn quan lại tham nhũng, tác giả dựng lên nhiều hình tượng nhân vật phản diện. Lí Hữu Chi “có sức khỏe, giỏi chiến trận nhưng tính tình vốn dữ tợn”, Thân trụ quốc “làm quan đến ngôi thượng công”, có uy thế rất lớn nên không tòa sở nào dám xét tội hắn.

+ Là một nhà nho nên trọng tâm phản ánh và phê phán của Nguyễn Dữ khi viếtTruyền kỳ mạn lục” là thực trạng suy đồi về mặt đạo đức của xã hội. Đạo Nho có những biểu hiện suy thoái. Tầng lớp nho sĩ nhiều người hư hỏng, nho phong sĩ khí không còn được như trước nữa. Kẻ đến cửa Khổng sân Trình chẳng mấy thiết tha với đạo lí, học vấn thánh hiền mà chạy theo sự hưởng lạc đồi bại. Chàng Hà Nhân từ Thiên Trường lên kinh sư theo đòi nghiên bút nhưng học hành thì chểnh mảng còn son phấn thì tình nồng, đắm chìm trong những thú vui hoan lạc với hai nàng Đào, Liễu rồi tàn đời vì hai cô gái vốn là hai cây đào, liễu hóa thành tinh (Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây). Đạo Phật bị lợi dụng, bộc lộ những mặt tiêu cực. Sư bác trong Chuyện nghiệp oan của Đào thị say mê ca kĩ, thiền viện trở thành nơi hoan lạc, bọn người vô lương mượn chùa chiền làm nơi ẩn nấp, hành nghề trộm cắp (Chuyện cái chùa hoang ở Đông Triều)

+ Bên cạnh đó, Nguyễn Dữ cũng phê phán, lên án thế lực đồng tiền làm băng hoại đạo đức của con người trong xã hội. Đồng tiền có sức mạnh phá hủy nhân cách, phá hủy mối quan hệ đạo lý giữa con người với con người. Trong Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu, Trọng Quỳ chơi bời, cờ bạc đến khánh kiệt gia sản, phải đem vợ ra đánh bạc với Đỗ Tam đến nỗi người phụ nữ tiết hạnh như Nhị Khanh phải tìm đến cái chết để khỏi rơi vào tay tên lái buôn giàu có, quỷ quyệt. Trong Chuyện người con gái Nam Xương, đồng tiền cũng đã xuất hiện và chi phối hạnh phúc gia đình. Trương Sinh đã bỏ ra 100 lạng vàng để cưới Vũ Nương về làm vợ, để sau này Vũ Nương bị đẩy vào cái chết oan nghiệt vì lời của con trẻ và sự đa nghi, hay ghen của chồng.

– Nguyễn Dữ đã mượn chuyện xưa để nói chuyện nay, đó chính là thực trạng của xã hội Việt Nam thế kỷ XVI với những rối ren, suy đồi về đạo đức.

c. Bình luận:

– Văn học lấy hiện thực làm đối tượng để phản ánh, Nguyễn Dữ cũng không nằm ngoài quy luật sáng tác văn học đó.

– Điểm riêng trong cá tính sáng tạo của Nguyên Dữ: cách nhìn nhận, phản ánh của một nhà Nho ẩn dật.

3. Kết bài:

– Khẳng định lại vấn đề và giá trị của tác phẩm.

1 bình luận

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.