Chứng minh Vũ Nương là một người phụ nữ đức hạnh nhưng cuộc đời bất hạnh, ngang trái

chung-minh-vu-nuong-la-mot-nguoi-phu-nu-duc-hanh-nhung-cuoc-doi-bat-hanh-ngang-trai

Chứng minh Vũ Nương là một người phụ nữ đức hạnh nhưng cuộc đời bất hạnh, ngang trái

  • Mở bài:

Chuyện người con gái Nam Xương là truyện thứ 16 trong 20 thiên truyện của tác phẩm “Truyền ki mạn lục”. Ở tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương”, ngòi bút Nguyễn Dữ đã xây đựng nên hình tượng của nhân vật Vũ Nương, một hình tượng nhân vật điển hình cho số phận có tính bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến đầy những bất công. Vũ Nương là một người phụ nữ đức hạnh nhưng cuộc đời bất hạnh, ngang trái.

  • Thân bài:

Nguyễn Dữ là một trong những học trò xuất sắc của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sống trong cảnh chế độ phong kiến mục nát, sau khi đỗ hương cống, Nguyễn Dữ chỉ làm quan một năm rồi lui về ở ẩn. Đó là hành động bày tỏ thái độ chán nản trước thời cuộc của một trí thức tâm huyết nhưng sinh ra không gặp thời. Cảm thương số kiếp lầm than của những con người bất hạnh, ông kí thác tất cả tâm tư của mình vào trong các tác phẩm. Hình tượng nhân vật Vũ Nương là một thành công lớn của ông không chỉ về mặt hình thức nghệ thuật mà còn ở chỗ nhân vật đại diện cho tiếng nói bi thương, tiếng thét đòi quyền sống của người phụ nữ trong xã hội cũ vốn tồn tại nhiều bất công, bạo ngược.

Phẩm đức cao đẹp của Vũ Nương:

Mở đầu tác phẩm, tác giả đã có lời giới thiệu bao quát về Vũ Nương “Tính đã thuỳ mị nết na lại thêm tư dung tốt đẹp” tạo ấn tượng về một chân dung phụ nữ hoàn hảo. Sau đó ông đi sâu miêu tả vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất của nhân vật trong các mối quan hệ khác nhau, trong các tình huống khác nhau.

Vũ Nương là một người phụ nữ thuộc giới bình dân “vốn con kẻ khó”. Ngay từ đầu, Nguyễn Dữ đã thể hiện cái nhìn tiến bộ: quan tâm đến đời sống của người phụ nữ xuất thân từ tầng lớp bình dân.

Vũ Nương mang vẻ đẹp của một người phụ nữ lí tưởng. Chỉ bằng một vài câu văn, Nguyễn Dữ đã phác họa vẻ đẹp hoàn hảo. Nàng tính tình  thùy mị nết na lại thêm tư dung tốt đẹp. Ở nàng là sự dịu dàng, hiền hậu, tốt nết, dễ mến. Vẻ đẹp cân đối hài hòa, tươi tẳn của Vũ Nương khiến người đọc ngay lập tức ấn tượng và cảm mến vô cùng.

Không chỉ ở hình thức, đức hạnh của Vũ Nương cũng trọn vẹn theo tiêu chuẩn đương thời. Khi về làm vợ Trương Sinh, biết tính chồng, lúc nào nàng cũng cư xử đúng mực, hết lòng vun vén cho hạnh phúc gia đình “giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đền thất hòa. Hẳn đó là một người phụ nữ biết kính nhường, tuân thủ nguyên tắc tốt đẹp, lúc nào cũng hướng đến việc làm tròn bổn phận.

Chiến tranh đã khiến cho hạnh phúc lứa đôi chưa kịp mặn nồng thì chồng nàng phải ra trận. Khi tiễn chồng ra trận, nàng đằm thắm thiết tha, ân cần đưa tiễn, nỗi lòng lo lắng ngổn ngang như thấy trước những khó khăn nơi chiến trận: “chỉ xin ngày về mang theo hai chữ hình vén” chứ không mong gì phong ấn công hầu. Đó là người vợ không tham quyền quý, chẳng cậy giàu sang, thật đáng kính trọng.

Khi Trương Sinh đi chiến trận, Vũ Nương một mình nuôi dạy con thơ, phụng dưỡng mẹ chồng chu đáo, canh cánh bên lòng nỗi mong nhớ cô đơn. Lời nói của mẹ chồng trước lúc lâm chung “xanh kia quyết chẳng phụ con cũng như con đõ chẳng phụ mẹ” đã khẳng định mạnh mẽ quý phẩm, cao đức của nàng.

Bi kịch cuộc đời Vũ Nương:

Trước hết là vị thế thấp kém của nàng. Cuộc hôn nhân giữa Vũ Nương và Trương Sinh có phần không bình đẳng. Vũ Nương “vốn con kẻ khó” còn Trương Sinh lại là “nhà giàu” đến độ khi muốn Sinh có thể xin mẹ trăm lạng vàng để cưới Vũ Nương về. Sự cách bức giàu nghèo ấy khiến Vũ Nương sinh mặc cảm và cũng là cái thế khiến Trương Sinh có thể đối xử thô bạo, gia trưởng với nàng.

Chiến tranh gây cảnh sinh li, làm nên từ biệt, cộng với thói gia trưởng, đa nghi đã bóp chết niềm khao khát nghi gia nghi thất một đời của Vũ Nương, dẫn đến bi kịch thảm khốc. Chiến tranh gieo rắc oan nghiệt vào số phận của nàng. Chiến tranh đã làm xa cách, tạo điều kiện cho sự hiểu lầm trở thành nguyên nhân gây bất hạnh. Đó cũng là ngòi nổ cho thói hay ghen, đa nghi của Trương Sinh nảy nở, phát triển.

Tiếp đến, chính lời nói ngây thơ của bé Đản làm bùng lên tất cả những hoài nghi và bất ổn trong lòng ích kỉ và mù quáng của Trương Sinh khiến chàng hành động hồ đồ đến nỗi vô tình bức hại Vũ nương. Quá oan ức, Vũ Nương gieo mình ở bến Hoàng Giang để người đời mãi xót xa về tấn bi kịch về số phận đau xót của người phụ nữ thời phong kiến – tấn bi kịch về cái đẹp bị chà đạp trong cuộc sống. Đó là bản án đanh thép đối với xã hội đương thời.

Nguyễn Dữ như muốn minh oan và bù đắp cho những đức tính tốt đẹp của nàng bằng một cuộc sống khác với chốn dương gian. Nơi cung nước, Vũ Nương vẫn không nguôi nhớ đến gia đình – khóc thương gia cảnh tiêu điều, xơ xác. Và khi gặp được Phan Lang, người làng cũ, nàng kể rõ sự tình và gửi lời thiết tha, xin lập đàn giải oan, khao khát được trả lại danh dự, được rửa oan.

Hình tượng nhân vật Vũ Nương là hiện thân của lòng vị tha, vẻ đẹp người phụ nữ đức hạnh. Song cuộc đời nàng gặp nỗi bi kịch lớn. Đó cũng là bi kịch của những người phụ nữ trong chế độ xã hội phong kiến bất công, hà khắc.

  • Kết bài:

Tuy có những phẩm chất tâm hồn đáng quý nhưng nhân vật Vũ Nương đã phải chịu một số phận cay đắng, oan nghiệt. Nghịch lí ấy tự nó đã là tiếng nói tố cáo xã hội phong kiến bất công phi lí đương thời chà đạp lên hạnh phúc của con người. Xây dựng hình tượng Vũ Nương, một mặt nhà văn ngợi ca những phẩm chất tâm hồn đáng quý của người phụ nữ, mặt khác thể hiện thái độ cảm thông thương xót cho số phận bất hạnh của họ và cực lực lên án xã hội phong kiến đương thời bất công, phi lí chà đạp, rẻ rúng con người đặc biệt là người phụ nữ. Có lẽ chưa cần nhiều, chỉ cần khai thác chân dung Vũ Nương đã đủ thấy chiều sâu hiện thực và nhân đạo của ngòi bút Nguyễn Dữ.

Ý nghĩa hình tượng chiếc bóng trên tường của Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.