Phân tích “Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh” của Phạm Đình Hổ

chuyen-cu-trong-phu-chua-trinh

Phân tích “Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh” của Phạm Đình Hổ

I. Tác giả, tác phẩm:

Văn bản “Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh” của Phạm Đình Hổ trích trong Vũ trung tuỳ bút (Tuỳ bút viết trong những ngày mưa), bản dịch của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, được viết đầu thế kỉ XIX, NXB Văn học, Hà Nội, 1972.

II. Nội dung kiến thức cơ bản:

1. Cuộc sống hưởng thụ của Trịnh Sâm:

– Thú chơi đèn đuốc, xây dựng nhiều cung điện, đình đài lãng phí.

– Những cuộc dạo chơi của chúa ở Tây Hổ được miêu tả tỉ mỉ: diễn ra thường xuyên “tháng ba, bốn lần” huy động rất đông người hầu hạ.

– Thú chơi trân cầm dị thú, cổ mộc, quái thạch… cướp đoạt của quý tô điểm cho cuộc sống xa hoa…Tất cả thể hiện sự suy vong tất yếu của một triều đại.

2. Sự nhũng nhiễu của bọn quan lại trong phủ chúa:

– Nhờ gió bẻ măng, vu koan giá họa, ngang ngược, tham lam, tàn bạo

– Dân chúng bị đe doạ, cướp bóc, sợ hãi,

→ Bọn quan hầu cận trong phủ chúa rất được sủng ái, bởi chúng có thể giúp chúa đắc lực trong việc bày các trò ăn chơi, hưởng lạc, do thế, chúng cũng ỷ thế nhà chúa mà hoành hành, tác oai tác quái trong nhân dân. Thủ đoạn của chúng là hành động vừa ăn cướp vừa la làng. Đó là điều hết sức vô lí và bất công.hứng sự việc, câu chuyện, con người đương thời một cách cụ thể, chân thực, sinh động.

III. Tổng kết:

1. Nội dung:

Đời sống xa hoa vô độ của bọn vua chúa quan lại phong kiến thời vua Lê, chúa Trịnh suy tàn.

2. Nghệ thuật:

Tuỳ bút chữ Hán, ghi chép theo cảm hứng sự việc, câu chuyện, con người đương thời một cách cụ thể, chân thực, sinh động.


* Tham khảo:

Phân tích bút kí “CHUYỆN CŨ TRONG PHỦ CHÚA TRỊNH” (Phạm Đình Hổ)

  • Mở bài:

– Phạm Đình Hổ (1768-1839). Sống trong thời chế độ PK khủng hoảng trầm trọng nên muốn ẩn cư.

Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh trích trong Vũ trung tùy bút (viết vào những ngày mưa). Tác phẩm ghi lại một cách chân thực và sinh động hiện thực đen tối lịch sử nước ta lúc bấy giờ.

  • Thân bài:

1. Cuộc sống hưởng thụ của Trịnh Sâm:

– Cảnh vật trong phủ chúa là cảnh xa hoa, lộng lẫy, bóng bẩy, điểm xuyết bày đủ thứ.

– Đi kèm với cảnh xa hoa như thế thì cuộc sống trong phủ cũng rất bóng bẩy, chúa chơi đủ các loài “chân cầm dị thú, cổ mộc quái thạch, chậu hoa cây cảnh ở chốn dân gian”:

+ Thú chơi đèn đuốc, bày đặt nghi lễ, xây dựng đền đài, … →  Ý nghĩa khách quan của sự việc cho thấy cuộc sống của vua chúa thật xa hoa.

+ Thú chơi trân cầm dị thú, cổ mộc quái thạch, chậu hoa cây cảnh, … → Để thỏa mãn thú chơi, chúa cho thu lấy sản vật quý từ khắp kinh thành đưa vào trong phủ.

– Đúng là cá trời Nam sang nhất là đây” (Lê Hữu Trác). Cuộc sống ấy vương giả, thâm nghiêm, đầy quyền uy nhưng “kẻ thức giả biết đó là triệu bất thường“, báo trước sự suy vong sụp đổ tất yếu của một triều đại chỉ biết ăn chơi, không lo nghĩ gì cho nhân dân.

→ Cảnh nơi phủ chúa được miêu tả là cảnh thực được bày vẽ, tô điểm như “bến bể đầu non”, xa hoa lộng lẫy. Nhưng âm thanh lại gợi những cảm giác ghê rợn, bí hiểm, ma quái trước một cái gì đang tan tác đau thương, chứ không phải trước cảnh đẹp yên bình,phồn thực. “Mỗi khi đêm thanh cảnh vắng,tiếng chim kêu vượn hót ran khắp bốn bề, hoặc nửa đêm ồn ào như trận mưa sa gió táp, vỡ tổ tan đàn, kẻ thức giả biết đó là triệu bất tường”. Cảm xúc chủ quan của tác giả đến đây mới được bộc lộ, nhất là khi ông xem đó là “triệu bất tường”- tức là điểm gở, điểm chẳng lành. Nó như báo trước sự suy vong tất yếu của một triều đại chỉ biết chăm lo đến việc ăn chơi hưởng lạc trên mồ hôi, nước mắt và xương máu của dân lành. Và lịch sử cũng đã ứng nghiệm: sau khi Thịnh Vương mất thì nhà Trịnh cũng đi vào hồi kết, khép lại một trang sử thấm đẫm những bi kịch và cũng là để mở ra một trang sử khác với những bi kịch mới báo trước sự suy vong tất yếu của chế độ phong kiến Việt Nam.

2. Thói nhũng nhiễu của bọn quan lại:

– Con người trong phủ chúa đa dạng, nhưng phần lớn là những kẻ ăn chơi, hoang dâm vô độ, vô trách nhiệm thậm chí là vô lương tâm, không còn nhân tính. Chúng chỉ biết ăn cướp của dân để ních cho đầy túi, để thoả cái thú vui chơi đèn đuốc hay chơi chậu hoa cây cảnh của mình.

+ Thủ đoạn : nhờ gió bẻ măng, vu khống, …

+ Hành động : dọa dẫm, cướp, tống tiền ,…

– Thái độ của tác giả: thể hiện qua giọng điệu, qua một số từ ngữ lột tả bản chất của bọn quan lại.

→  Thái độ nhũng nhiễu, ngang ngược của bọn hoạn cung giám “nhờ gió bẻ măng”,ỷ thế nhà chúa mà ngang nhiên hoành hành, tác oai tác quái, giở trò bịp bợm,dùng mọi thủ đoạn để dọa dẫm lấy tiền cướp của của nhân dân. Điều bất công vô lí ở đây là những tên hoạn quan đó vừa vơ vét ních đầy túi tham, vừa được tiếng mẫn cán trong việc nhà chúa. Chúng đã khiến cho dân chúng quanh vùng phải rơi vào một cuộc sống bất ổn, cơ cực,khi thì phải bỏ của ra để kêu oan, khi thì phải tự mình đập bỏ núi non bộ, chặt cây cảnh để tránh tai vạ…

– Từ đây có thể thấy rằng thời đại phong kiến Lê – Trịnh là thời đại thối nát, mục ruỗng. Vua và quan đều chỉ lo vui chơi, lo bày trò, những trò lố lăng, kịch cỡm và vô cùng tốn kém, quan thì nịnh hót, cướp của dân về dâng cho chúa ; chúa thì mải hưởng thụ cuộc sống xa hoa, phú quý. Còn “nhân dân” họ không chỉ chịu đói chịu khổ mà còn phải chịu ấm ức bởi bị bóc lột, bị ăn cướp trắng trơn tiền bạc và những đồ mà họ yêu quý, nâng niu. Triều đại ấy sụp đổ là một lẽ tự nhiên không thể tránh khỏi.

3. Nghệ thuật biểu hiện:

– Phạm Đình Hổ thành công ở thể loại tùy bút, sự ghi chép rất chân thực, sinh động mà lại giàu chất trữ tình. Cùng với đó là các chi tiết miêu tả chọn lọc kĩ càng, đắt giá, giàu sức thuyết phục, tả cảnh đẹp vô cùng tỉ mỉ nhưng lại nhuốm màu u ám, mang tính dự báo. Giọng điệu gần như khách quan nhưng cũng rất khéo léo thể hiện thái độ đó là sự lên án bọn vua quan qua thủ pháp liệt kê.

  • Kết bài:

“Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh” là một tác phẩm độc đáo, có giá trị đặc biệt quan trọng. Các sự việc được tác giả đưa ra cụ thể, chân thực (có thời gian, địa điểm rõ ràng), miêu tả tỉ mỉ, chi tiết và có kèm theo những lời bình, cảm xúc, thái độ phê phán. Tất cả đều có giá trị phản ánh khách quan bản chất hiện thực xã hội đương thời. Vì thế, chuyện không chỉ có giá trị văn học mà còn là tư liệu lịch sử quí giá. Đồng thời, qua tác phẩm, người đọc cũng thấy được công lao đóng góp của Phạm Đình Hổ đối với thể loại tùy bút, bước đầu chỉ ra những đặc điểm của thể loại này: ghi chép sự việc cụ thể, chân thực, sinh động.


Phân tích “Chuyện cũ trong phủ chúa trịnh” của Phạm Đình Hổ.

  • Mở bài.

Phạm Đình Hổ (1768 1839), là người có bút pháp nghệ thuật tinh tế tài hoa, một phong thái thư nhàn cao nhã, ông tiêu biểu cho cốt cách kẻ sĩ Bắc Hà cuối thời Lê Trịnh và thời kì đầu nhà Nguyễn. Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh là một trang tuỳ bút đặc sắc, rút trong Vũ trung tuỳ bút của Phạm Đình Hổ. Tác phẩm tập trung đi sâu vào phản ánh cảnh ăn chơi xa hoa của Chúa Trịnh Sâm, cảnh bán hàng của bọn nội thần nội thị, cảnh tấu nhạc của bọn nhạc công cung đình tại chùa Trấn Quốc nơi Hồ Tây giữa TK XVIII, sự nhũng nhiễu của bọn hoạn quan khắp chốn dân gian

  • Thân bài.

Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh đã sảy ra vào 2 năm Giáp Ngọ ất mùi (1774 1775), đó là lúc Đàng Ngoài vô sự, là những năm tháng hoàng kim của Chúa Trịnh Sâm Khi Đặng Thị Huệ được Chúa sùng ái trở thành nguyên phi Trịnh Sâm sống xa hoa thích đi chơi ngắm cảnh đẹp, thường ngự ở các li cung trên Tây Hồ, núi Tử Trầm, núi Dũng Thuý.

Cảnh đón tiếp với các nghi lễ thật tưng bừng độc đáo. Có binh lính dàn hầu vòng quanh bốn mặt hồ. Có tổ chức hội chợ, do quan nội thần cải trang đầu bịt khăn, mặc áo đàn bà, bày bách hoá chung quanh hồ để bán. Thuyền ngự đi đến đâu thì các quan hô tụng đại thần tuỳ ý nghé vài bờ để mua bán các thứ Gác chuông chùa Trấn Quốc trở thành nơi hoà nhạc của bọn nhạc công cung đình. Đền đài cung điện được xây dựng liên tục nhằm thoả mãn cuộc sống ăn chơi của bọn vua chúa và bọn quan lại. Bao nhiêu tiền của, vàng bạc, châu báu, nước mắt, mồ hôi của nhân dân bị bòn vét đến kiệt cùng. Phạm Đình Hổ đã được mắt thấy, tai nghe những Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh nên cách kể , cách tả của ông ở đây hết sức sống động.

Để được sống trong xa hoa, hưởng lạc cuộc đời vàng son đế vương, từ Chúa đến quan đều trở thành bọn cướp ngày ra sức hoành hành, trấn lột khắp chốn cùng quê. Chúa thì sức thu lấy những loài trân cầm dị thú, cổ mộc quái thạch, chậu hoa cây cảnh ở chốn nhân gian, không thiếu một thứ gì. có những cây cảnh cành lá rườm rànhư cây cổ thụ mọc trên đầu non hốc đá, rễ dài đến vài trượng ở bên bắc phải dùng dến một cơ binh mới mang về nổi cũng được chúa trở qua sông đem về. Trong phủ chúa điểm xuyết bao núi non bộ trông lạ mắt như bến bể đầu non. Vườn ngự uyển trong những đêm thanh cảnh vắng, tiếng chim kêu vượn hót ran khắp bốn bề, hoặc nửa đêm ồn ào như trận mưa xa, bão táp, vỡ tổ tan đàn.

Bọn hoạn quan trong phủ Chúa vừa trắng trợn vừa xảo quyệt, như dân gian đã khinh bỉ chửi vào mặt Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan. Chúng dùng thủ đoạn nhờ gió bẻ măng, ra ngoài doạ dẫm. Chỉ bằng hai chữ phụng thủ biên ngay vào chậu hoa cây cảnh, chim tốt khiếu haycủa bất cứ nhà nào là chúng cướp được. Chúng còn lập mưu đêm đến cho tay chân sai lính lẻn vào lấy phăng đi, rồi buộc tội đem dấu vật cung phụng để doạ dẫm lấy tiền. Chúng ngang ngược phá nhà, huỷ tường của dân để khiêng hòn đá hoặc cây cối gì mà chúng cướp được. Đối với nhà giàu thì chúng lập mưu vu cho là dấu vật cung phụngđể hành hạ, để làm tiền, nhiều người phải bỏ của ra kêu van chí chết, có gia đình phải đập bỏ núi non bộ, hoặc phá bỏ cây cảnh để tránh khỏi tai vạ.

Gia đình tác giả thuộc hàng quan lại, quý tộc thời Lê Trịnh. Trước sự nhũng nhiễu hoành hành, mẹ của Phạm Đình Hổ là bà Cung Nhân phải sai người nhà chặt cây lê cao vài mươi trượng, lúc nở hoa, trắng xoá thơm lừng đây là chi tiết rất sống, rất thực là chuyện có thực của chính gia đình tác giả nhằm tạo niềm tin cho người đọc, vừa phê phán bộ mặt tham lam, ghê tởm của bọn quan lại thời Lê Trịnh, vạch trần sự thối tha trong phủ Chúa.

Cuộc sống cực kì xa hoa và tàn ác ấy chính là nguyên nhân cho sự sụp đổ ngai vàng sảy ra đối với nhà Chúa Lê Trịnh sau này – Đó là vào năm 1782, Trịnh Sâm qua đời, loạn kiêu binh bùng nổ, kinh thành Thăng Long bị đốt phá tan hoang. Đến năm 1786, Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc Hà lần thứ nhất, cơ nghiệp họ Trịnh đã tan trong nháy mắt. Đó là quy luật cuộc đời vô cùng cay nghiệt nhưng cũng hết sức sòng phẳng như Nguyễn Du đã từng nói trong tác phẩm Văn chiêu hồn.

“Thịnh mãn lắm, oán thù càng lắm,
Trăm loài ma mồ nấm chung quanh.
Nghìn vàng không đổi được mình
Lầu ca viện hát, tan tành còn đâu?” .

  • Kết bài.

Trang tuỳ bút Chuyện cũ trong phủ Chúa Trịnh của Phạm Đình Hổ là tác phẩm có giá trị lịch sử sâu sắc, nó đã làm hiện lên cảnh vật và con người, cuộc sống ăn chơi xa hoa của vua chúa, hành động ăn cướp, làm tiền trắng trợn của bọn quan lại trong phủ Chúa. Tác phẩm thể hiện một ngòi bút rất trầm tĩnh và hết sức sâu sắc. Mọi cảm hứng, suy nghĩ của tác giả về nhân tình thế sự đã được gửi gắm qua những chi tiết, tình tiết, mẩu chuyện rất sống, rất chọn lọc, đậm đà và sâu sắc.

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Đọc hiểu văn bản: Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh (trích Vũ Trung tuỳ bút của Phạm Đình Hổ) - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.