Nội dung:
Con đường dẫn đến tài năng trong sáng tác văn học
1. Lập trường tư tưởng chính trị.
Mĩ học Marx Lénine xem sáng tác là một sức mạnh về thể chất và tinh thần của con người dưới ánh sáng của một lập trường tư tưởng nhất định. Nghĩa là, thế giới quan thống nhất với sáng tác, quyết định sáng tác.
Như thế, tài năng gắn rất chặt với lập trường tư tưởng. Trong lịch sử văn chương nhân loại, những nhà văn lớn đồng thời cũng là những nhà nhân đạo lớn. Thành công trong sáng tác Balzac, Tolstoi, Nguyễn Du là thành quả của chủ nghĩa nhân đạo, chủ nghĩa dân chủ, thái độ phê phán xã hội thối nát.
Ngày nay, muốn trở thành nghệ sĩ vĩ đại, nhà văn phải sáng tác dưới ánh sáng của thế giới quan Mác Lênin. Bởi vì, theo Trường Chinh thì: Chủ nghĩa MácLênin vũ trang cho ta thế giới quan cách mạng, làm cho ta sáng mắt sáng lòng, giúp cho ta tìm ra lí tưởng của đời mình, mục đích của cuộc sống. Nó giúp cho ta nắm được qui luật phát triển của tự nhiên, của xã hội và tư duy. Nó đặt ta vào trung tâm của cuộc đấu tranh giữa các mặt đối lập của những mâu thuẫn để cho ta nhìn thấy mọi khía cạnh của sự vật, nhìn thấy chân lí. Nó giúp cho ta nắm được những cái bản chất, quan trọng nhất và nổi bật nhất trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Nó giúp ta không những hiểu rõ hiện tại mà còn nhìn thấy tương lai, làm cho ta có ý thức trách nhiệm của mình đối với cuộc sống.
M.Gorky đã từng nhấn mạnh: Nghệ sĩ là người xướng lệnh của giai cấp mình, là tiếng kèn chiến đấu và ngọn kiếm đầu tiên của giai cấp, nghệ sĩ bao giờ cũng luôn luôn thèm khát tự do, trong cái tự do này có cái đẹp và sự thật. Và Nghệ sĩ là một đại giác quancủa đất nước mình, là tai, là mắt là tim của nó; nghệ sĩ là tiếng nói của thời đại mình.
Xuân Diệu được ánh sáng của thế giới quan mới chiếu dọi, đã tâm sự: Cám ơn tư tưởng vô sản: Quý biết bao cái chất tư tưởng tiến bộ nhất, hoàn mĩ nhất, mạnh mẽ nhất, tinh hoa của lịch sử tư tưởng loài người.
Ðồng chí Phạm Văn Ðồng đã xem chính trị tư tưởng là linh hồn của người nghệ sĩ: Vốn chính trị tư tưởng là linh hồn của người nghệ sĩ trong thời đại chúng ta.
Người nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa xem việc chăm lo trau dồi phẩm chất chính trị, thế giới quan Mác Lênin và nắm vững đường lối Ðảng là công việc thường xuyên và một thứ vốn quan trọng quyết định sự thành bại của mình.
Nhưng vốn chính trị ở đây – chủ nghĩa Mác Lênin và đường lối Ðảng – muốn trở thành nguyên nhân thắng lợi của người nghệ sĩ thì nhất thiết nó không được dừng lại ở sách vở như một giáo điều, ở lí luận trừu tượng, tức là ở trong nhận thức lí luận mà phải được dấy lên thành tình cảm, thành cảm hứng, thành máu thịt của tâm hồn tư tưởng của anh ta.
2. Sự hiểu biết cuộc sống.
Nhà văn cần thiết phải am hiểu cuộc sống, phải có một vốn sống đa dạng, phong phú sâu sắc và đúng đắn. Sự hiểu biết rộng là cần thiết cho mọi người và cho cả những nhà chuyên môn. Tuy vậy, nhà chuyên môn văn chương đối tượng của anh ta là thế giới hiện thực quay quanh tiêu điểm là con người nên đối với anh ta hiểu biết rộng là yêu cầu bắt buộc.
Muốn có sáng tác tốt, thì sự hiểu biết đó phải đúng đắn. Nhưng sự hiểu biết đúng đắn chỉ có thể gắn với một thế giới quan đúng đắn. Ơû đây vốn chính trị và vốn sống gắn chặt với nhau. Ngoài hiểu biết đúng đắn, người ta phải có một tri thức đa dạng, phong phú và sâu sắc về cuộc sống.
Balzac khẳng định: Trước khi viết một quyển sách, nhà văn phải phân tích hết mọi tính cách, thâm nhập được vào mọi tính tình, chạy vòng khắp trái đất, cảm hiểu hết được mọi say mê. Gorky: Nhà văn bắt buộc phải hiểu biết: phải biết tất cả các dòng cuộc sống và tất cả những nhánh nhỏ của dòng, tất cả các mâu thuẫn của hiện thực.
Lê Quý Ðôn viết : Trong bụng không có 3 vạn quyển sách, trong mắt không có núi sông kỳ lạ thì không thể làm văn được.
Vì tầm quan trọng của vốn sống mà nhà văn phải là người lịch lãm – từng trải, người tham gia tích cực vào cuộc sống. Gorky: … Thật ra, bất kỳ lúc nào cũng cần thiết phải tham gia trực tiếp vào những quá trình của cuộc sống mà mình muốn hiểu. Ðiều này đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với nhà văn. Chính Engels đã cắt nghĩa về sự vĩ đại của các nhà hoạt động Phục hưng có nguyên nhân quan trọng là họ đã tham gia trực tiếp vào cuộc đấu tranh cải tạo xã hội: Ðiều làm cho họ đặc biệt nổi làở chỗ hầu hết họ đều hoà mình vào phong trào của thời đại họ, vào cuộc đấu tranh thực tế; họ tham gia chính đáng, tham gia chiến đấu, người thì dùng lời nói về cây bút, người thì chỉ dùng kiếm, thường là dùng cả hai”.
Tham gia tích cực vào cuộc sống, nhà văn có thể là nhà hoạt động xã hội, nhà chính trị và chiến sĩ ngoài mặt trận. Chính các nhà văn lớn thường là những người đã từng nếm trải. Họ đấu tranh chống cường quyền bạo lực, chống áp bức, bất công. Các nhà văn Nga thế kỷ XIX như Puskin, Lermontov, Nekrasov, Saltukov – Shedrin, Lev Tolstoi đã tham gia vào cuộc sống đấu tranh chống chế độ nông nô đến mức phải chịu tù đày khổ sai…
Ở ta, có thể nói các thế hệ nhà văn, nhà thơ cách mạng đều trực tiếp lăn lộn với cuộc sống, sản xuất và chiến đấu mới có những tác phẩm ưu tú. Một loạt bài thơ của Phạm Tiến Duật được hâm mộ ra đời dọc trường sơn, các tác phẩm của Nguyễn Thi hầu hết ra đời ở chiến trường Nam bộ v.v…
Ngoài trực tiếp tham gia cuộc sống nhà văn phải đi nhiều, qua các cuộc du lịch để hiểu, nhận thức thế giới một cách đầy đủ và toàn diện. Tchekhov đã khuyên Telechov: Anh hãy đi đâu thật xa, đi một nghìn dặm … biết bao nhiêu điều anh sẽ thấy, biết bao nhiêu truyện ngắn anh sẽ có thể đưa về. Anh sẽ trông thấy cuộc sống nhân dân, anh sẽ ngủ đêm trong những túp lều, trong những trạm bưu vụ hẻo lánh … Có điều khi đi tàu hỏa, anh nhất thiết phải lấy vé hạng ba, ngồi cùng với nhân dân bình thường,nếu không anh sẽ chẳng nghe thấy một điều gì thú vị đâu. Nếu muốn thành nhà văn, ngày mai anh hãy lấy vé đi Nijni, rồi từ đấy đi dọc theo sông Volga, sông Kama. Chính Tchekhov đã thực hiện chuyến đi gian khổ nhất thời bấy giờ: xuyên qua Xiberi rồi tới đảo Xakhaline (năm 1890). Kết quả của chuyến đi là thế giới quan của ông đã thay đổi. Ý nghĩa của các chuyến đi là đưa nhà văn đến tắm mình trong thế giới hiện thực, làm phong phú thêm kinh nghiệm sống.
Ði trong nước đã đành, đồng thời phải đi ra nước ngoài. Ði nước ngoài để hiểu biết, học tập đất nước người, nhưng đồng thời để hiểu hơn đất nước mình. Ibsen: Về phương diện tinh thần, con người là một sinh vật viễn thị. Chúng ta thấy rõ hơn khi đứng cách xa sự vật, các chi tiết thường làm người ta mờ mắt đi, phải biết tách mình ra khỏi mọi mối quan hệ với điều mình muốn xét đoán; miêu tả mùa hè dễ đạt hơn khi quanh ta là mùa đông. Hugo đã từng đến Tây Ban Nha. Các nhà văn Nga thế kỷ XIX đã từng sang Tây Âu: Turgenjer, Gogol, Gersene.
Ðể đi vào cuộc sống, thông thường nhà văn không đơn thuần sống bằng nghề viết văn. Họ có nghề thứ 2 – nghề phụ. Các nhà văn lớn, ngoài viết văn thường là thầy thuốc, kĩ sư, nhà giáo. Nghề phụ đối với nhà văn là một bộ phận cấu thành vốn sống của nhà văn. Lev Tolstoi: Không cần biến viết văn thành kiếm sống cho mình. có thể cày ruộng hay thêu giày, hoặc làm một việc gì đấy để nuôi thân, còn viết thì chỉ khi nào thấy không thể không viết được, hãy viết. Nghề cónghĩa to lớn đối với thành đạt của nhà văn.
Nghề viên chức tồi ở cơ quan hành chánh ở Peterburg đã để lại cho Gogol những nhận xét về thời kỳ này mà ông đưa vào Quan thanh tra, Những linh hồn chết. Một thời tòng ngũ ở miền nam nước Nga đã để lại cho Lev Tolstoi những ấn tượng, mà những ấn tượng đó là cơ sở cho việc xây dựng những cảnh chiến trận trong Chiến tranh và Hoà bình. Ðặc biệt, Gorky là nhà văn phải trải qua nhiều loại nghề mạt hạng khác nhau: anh ký quèn ở ga xe lửa, nướng bánh mỳ, phụ bếp trên tàu … những nghề này đã đưa lại cho Gorky tấm giấy thông hành vào đời độc đáo – những hiểu biết phong phú và toàn diện về cuộc sống của nhân dân. Ðương nhiên, không thể trong mọi trường hợp nghề phụ phải có đối với nhà văn. Ðến một lúc nào đó, nghề phụ lại cản trở nghề chính.
3. Trí thức văn hóa dồi dào.
Tác phẩm văn chương là cuốn sách giáo khoa về đời sống. Vì vậy, nhà văn cần phải có vốn văn hóa toàn diện và sâu sắc. Mọi tri thức về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội là điều cần thiết cho nhà văn. Các nhà văn thiên tài luôn luôn cố gắng chiếm lĩnh những đỉnh cao của văn hóa. Ðó là con đường làm phong phú tài năng của mình.
Tri thức về khoa học tự nhiên đã giúp Goethe thành công trong Faust (Những đoạn bàn về triết học và khoa học); trí thức hóa học, cổ sinh vật học là những ham thích Balzac và đã có ảnh hưởng mạnh đến việc hình thành chủ đề sáng tác Tấn trò đời; Zola viế tiểu thuyết thực nghiệm Gia đình Rugong – Macca đã dựa vào di truyền học.
Tri thức về y học giúp cho nhà văn phân tích tâm lí nhân vật. Nghề thầy thuốc – nghề thứ 2 của Tchekhov đã giúp tác giả rất nhiều trong xây dựng nhân vật. Trí thức về địa lí học giúp nhà văn hiểu biết về tự nhiên và đất nước. Ðiều đó tạo điều kiện thuận lợi cho nhà văn miêu tả phong cảnh thiên nhiên. Việc ham mê nghiên cứu về nông nghiệp của Lev Tolstoi làm tăng tính nghệ thuật của các tác phẩm của ông như Anakarenina, Phục sinh.
Tri thức về xã hội học là đặc biệt quan trọng, đối với nhà văn. Trí thức về kinh tế chính trị học đã là một thành công của Balzac trong Tấn trò đời ; Engels đã học tập được ở các tác phẩm của Balzac những chi tiết kinh tế hơn cả các sách chuyên môn lịch sử, kinh tế thống kê thời đó cộng lại. Trí thức về lịch sử là cực kỳ quan trọng. Chỉ có trên cơ sở nghiên cứu về quá khứ và nắm bắt khuynh hướng phát triển của lịch sử xã hội, con người thì nhà văn mới nắm bắt được và phản ánh đúng đắn con người xã hội và đất nước. Gorky nói “Càng hiểu quá khứ bao nhiêu, càng hiểu hiện tại bấy nhiêu”.
Trí thức về triết học là chỗ dựa cho nhà văn trong sáng tác. Cơ sở triết học sẽ là phương pháp và tri thức của nhà văn. Các nhà văn XHCN lấy chủ nghĩa Mác Lênin làm cơ sở triết học. Vì nó là toàn năng, vì nó đúng, nó đầy đủ và có hệ thống, nó đưa lại cho người ta một thế giới quan hoàn chỉnh.
Trí thức và tài năng nghệ thuật nói chung sẽ chắp cánh cho nhà văn. Pautovski đã khẳng định: Những hiểu biết tất thảy các lĩnh vực nghệ thuật lân cận: thơ ca, hội họa, kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc … nhất định sẽ làm phong phú thế giới bên trong của người viết văn xuôn và đưa lại cho lời văn một khả năng diễn đạt đặc biệt. Trong lời văn sẽ tràn đầy ánh sáng và màu sắc của hội họa, sự tươi tắn của từ ngữ thơ ca, tính cân xứng của kiến trúc, tính rõ nét và hình khối của điêu khắc, tính nhịp nhàng và uyển chuyển của âm nhạc. Tất cả những tài phụ này chẳng khác nào những màu sắc bổ sung cho văn xuôi. Vân, vân …
Trí thức văn hóa nói chung cần cho nhà văn là vô cùng phong phú, khó có thể nói hết. Một nhà văn mà hạn chế về trí thức văn hóa thì khó có thể là văn ưu tú được.
Để lại một phản hồi