Làm sáng tỏ nhận định: Cũng như nụ cười và nước mắt, thực chất của thơ là phản ánh một cái gì đó hoàn thiện từ bên trong (R.Tagore).

cung-nhu-nu-cuoi-va-nuoc-mat-thuc-chat-cua-tho-la-phan-anh-mot-cai-gi-do-hoan-thien-tu-ben-trong

Bàn về thơ, nhà thơ Ấn Độ R.Tagore viết: “Cũng như nụ cười và nước mắt, thực chất của thơ là phản ánh một cái gì đó hoàn thiện từ bên trong”.

Anh (chị) hãy bình luận và làm sáng tỏ ý kiến trên qua một số bài thơ đã học trong chương trình Ngữ văn 11.

–  R.Tagore là nhà thơ lớn của văn học ấn Độ và của thơ ca thế kỷ XX. Là người đầu tiên châu Á đạt giải thưởng  Nobel (1913). Trong cuộc đời sáng tạo, R.Tagore hoạt động trên nhiều lĩnh vực (Chính trị, Triết học, âm nhạc, hội hoạ, VHNT), nhưng lĩnh vực kết tinh tài năng của R.Tagore là thơ ca. R.Tagore được xem là một trong những tác giả lớn của thế kỷ XX.

– Có thể nói, ý kiến của R.Tagore như một sự đúc rút từ những trải nghiệm của hơn 70 năm sáng tạo của ông…

1. Giải thích nhận định.

Cũng như nụ cười và nước mắt, thực chất của thơ là phản ánh một cái gì hoàn thiện từ bên trong”.

Nụ cười và nước mắt: là những trạng thái cảm xúc của tâm hồn, là niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc và đau khổ… Đó là những cung bậc, sắc thái phong phú đa dạng của tâm hồn, là biểu hiện của thế giới “bên trong” con người.

Phản ánh một cái gì đó hoàn thiện từ bên trong: là cảm xúc đã đến độ chín, cao hơn, là sự thống nhất giữa cảm xúc và lí trí, giữa tư tưởng và tình cảm của nhà thơ. Thơ là tình nhưng không phải là những cảm xúc hời hợt mà là lí trí đã chín muồi, nhuần nhuyễn. Bài thơ nào cũng gói ghém bên trong một chiều sâu suy nghĩ, tư tưởng, chứa đựng ít nhiều chân lí của cuộc đời.

 Câu nói của Tagore đã nêu chính xác bản chất, đặc trưng của thơ là sự bộc lộ tình cảm, cảm xúc mãnh liệt đã được ý thức, được lắng lọc qua cảm xúc thẩm mĩ của nhà thơ.

– Khi con người khóc hay cười đều thể hiện một trạng thái hay một nỗi niềm bên trong. “Thơ phản ánh một cái gì hoàn thiện từ bên trong”.

Cái gì đó mà R.Tagore  muốn nói chính là cảm xúc đã đến độ chín, và hơn thế nữa, không chỉ có cảm xúc mà còn là tư tưởng tình cảm, thái độ của nhà thơ trước cuộc đời. Nói khái quát hơn nữa đó là sự thống nhất giữa cảm xúc và lý trí, giữa tư tưởng và tình cảm của nhà thơ.

“Thơ là tình của tình nhưng không phải là những cảm xúc hời hợt mà là lý trí đã chín muồi nhuần nhuyễn. Bài thơ bao giờ cũng gói ghém bên trong một chiều sâu suy nghĩ, chứa đựng ít nhiều chân lý tinh tế của cuộc đời” (Phương Lựu)

(Ví dụ: Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên, Đất nước của NĐT, BKSĐ của Hoàng Cầm…).

2. Lí giải vì sao thực chất của “thơ là phản ánh một cái gì đó hoàn thiện từ bên trong”.

Vì văn học bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống, phản ánh cuộc sống trực tiếp hoặc gián tiếp. Tuy nhiên, không phải đơn giản là mô phỏng, sao chép, miêu tả sự vật bên ngoài, các sự kiện xảy ra mà là sự tái tạo thông qua thế giới chủ quan của người nghệ sĩ. Đối với thơ, điều này lại càng rõ nét . Nói đến thơ là nói đến cảm xúc. Nhà thơ tái hiện cuộc sống thông qua những rung động của chủ thể trữ tình – nhà thơ. Trước một hiện thực có người có thể làm được thơ nhưng có người lại không làm thơ được. Không thể ép người ta làm thơ.

Do đặc trưng của thơ ca:

+ Nói đến thơ là nói đến cảm xúc, nhà thơ tái hiện cuộc sống thông qua những rung động của chủ thể trữ tình, bằng những xúc cảm mãnh liệt. Tình cảm mãnh liệt ở đây không phải là những khóc cười ồn ào bên ngoài mà là sự rung động mãnh liệt ở bên trong, sự giày vò, chấn động trong tâm hồn. Nhà thơ phải sống rất sâu vào tâm hồn mình, lắng nghe các xao động, đau đớn, sướng vui với những xúc động nội tâm. Thiếu tình cảm mãnh liệt và sâu sắc thì sẽ không có thơ. Độ chín của cảm xúc nhà thơ làm nên chiều sâu của sự thể hiện cuộc sống và lay động tâm hồn người đọc.

+ Thơ tuy biểu hiện những cảm xúc, tâm sự riêng tư, nhưng những tác phẩm thơ chân chính bao giờ cũng mang ý nghĩa khái quát về con người, về cuộc đời, về nhân loại. Đó là cầu nối dẫn đến sự đồng cảm giữa người với người trên khắp thế gian này.

+ Thơ chú trọng đến cái đẹp, phần thi vị của tâm hồn con người và cuộc sống khách quan. Vẻ đẹp và tính chất gợi cảm, truyền cảm của thơ có được còn do ngôn ngữ thơ cô đọng, hàm súc, giàu hình ảnh và nhạc điệu. Sự phân dòng, và hiệp vần của lời thơ, cách ngắt nhịp, sử dụng thanh điệu…làm tăng sức âm vang và lan tỏa, thấm sâu của ý thơ. Bàn về đặc điểm này, nhà thơ Sóng Hồng viết: “Thơ là một hình thái nghệ thuật cao quý, tinh vi. Người làm thơ phải có tình cảm mãnh liệt thể hiện sự nồng cháy trong lòng. Nhưng thơ là có tình cảm, lí trí kết hợp một cách nhuần nhuyễn và có nghệ thuật. Tình cảm và lí trí ấy được diễn đạt bằng những hình tượng đẹp đẽ qua những lời thơ trong sáng vang lên nhạc điệu khác thường”.

+ Chiều sâu của sự thể hiện cuộc sống là ở sức lay động tâm hồn người đọc, trước hết phụ thuộc vào độ chín của cảm xúc nhà thơ. “Khi tình cảm tự tìm cho mình một hình thức để bộc lộ ra ngoài thì ta có thơ” (R.Tagore )

3. Chứng minh nhận định.

– “Thơ phải là bông hoa nảy nở ra từ lòng mình” (Quách Mạt Nhược-  Nhà thơ cổ Trung Quốc)

– “Đối với thơ: Tình là gốc, lời là cành, thanh là hoa, nghĩa là quả” (Bạch Cư Dị)

– Tố Hữu khi nói chuyện về thơ: “Tôi làm thơ không có bố cục trước mà cứ viết theo dòng cảm xúc tuôn chảy, khi nào hết cảm xúc thì hết thơ”

Từ những ý kiến trên đây, có thể thấy ý kiến của R.Tagore đã lột tả được bản chất của quá trình sáng tạo thơ ca, giúp chúng ta hiểu được mối quan hệ giữa nhà thơ và cuộc đời

(Thí sinh cần lấy được dẫn chứng tiêu biểu (một số bài thơ đã học trong chương trình 11) và phân tích một cách thuyết phục để làm sáng tỏ các khía cạnh của vấn đề nghị luận).

4. Mở rộng, nâng cao.

– Câu nói của R.Tagore đã nêu chính xác đặc trưng nội dung của thơ là sự thổ lộ tình cảm mãnh liệt đã được ý thức, là những rung động rất sâu ở bên trong tâm hồn nhà thơ, là tấc lòng, tư tưởng tình cảm mà thi sĩ kí thác, gửi gắm. Đó không phải là sự bộc lộ tình cảm một cách bản năng, trực tiếp mà là tình cảm nảy sinh từ những tiếp xúc với cuộc sống, là tình cảm được ý thức, được lắng lọc qua những xúc cảm thẩm mĩ, gắn liền với sự tự ý thức của nhà thơ về mình và cuộc đời.

– Thơ là kết quả của sự thăng hoa cảm xúc, là sự kết tinh vốn văn hoá, thể hiện cái nhìn về cuộc đời và biểu hiện những trạng thái xúc cảm của nhà thơ.

– Tình cảm trong thơ phải là tình cảm lớn, cao đẹp, cao thượng, mang tư tưởng sâu sắc, thấm nhuần chất nhân văn, mang giá trị Chân – Thiện – Mĩ… thì thơ mới có sức vang động trong lòng người, tạo nên sức sống lâu bền.

– Ý kiến của Tagore mới chỉ nhấn mạnh đến đặc trưng nội dung của thơ là tình cảm đã được ý thức, mang đậm tính cá thể mà chưa đề cập đến đặc trưng hình thức của thơ. Thơ là tình đời, tình người ngân lên trong những âm vang ngôn ngữ, kết cấu, hình ảnh, giọng điệu, nhịp điệu… Sự hoàn thiện từ bên trong cần được biểu hiện bằng sự hoàn thiện của hình thức nghệ thuật để có thơ hay.

Nghị luận: Thơ cần có hình cho người ta thấy, có ý cho người ta nghĩ và cần có tình để rung động trái tim (Chế Lan Viên)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.