Cuộc đời và sự nghiệp văn học Nguyễn Du.

cuoc-doi-va-su-nghiep-van-hoc-nguyen-du

Cuộc đời và sự nghiệp văn học Nguyễn Du.

I. Cuộc đời lênh đênh, chìm nổi của Nguyễn Du.

Nguyễn Du tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, sinh năm Ất Dậu (1765), niên hiệu Cảnh Hưng triều vua Lê Hiển Tông. Nơi sinh là phường Bích Câu, thành Thăng Long (Hà Nội). Lúc bấy giờ, cha là Nguyễn Nghiễm đang làm tể tướng. Bốn năm trước, người anh cùng mẹ Nguyễn Nễ cũng sinh tại đây. Mẹ đẻ của Nguyễn Du là Trần Thị Tần vợ thứ ba của Nguyễn Nghiễm. Bà là con gái thứ ba của một vị quan nhỏ coi việc sổ sách kế toán (chức Câu Kê) dưới trướng Nguyễn Nghiễm, người xã Hoa Thiều, huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc xã Hương Mặc, huyện Từ Sơn). Bà Trần Thị Tần sinh năm Canh Thân (1740) và mất ngày mùng 6 tháng 7 năm Mậu Tuất (1778) thọ 39 tuổi. Năm đó Nguyễn Du mới 13 tuổi. Bà Trần Thị Tần thuộc dòng dõi Trần Phi Chiêu (1549 – 1623), ông đậu tiến sỹ năm Kỷ Sửu (1589) làm quan đến chức thượng thư bộ Hộ, kiêm Đô Ngự Sử, tước Diên Quận công. Bà là một phụ nữ nết na, thông minh, và xinh đẹp, lại sinh ra tại xứ Kinh Bắc vùng quê quan họ. Điều đó ảnh hưởng tốt đến hồn thơ Nguyễn Du từ những ngày còn bé.

Lên sáu tuổi Nguyễn Du bắt đầu đi học. Những năm tuổi nhỏ nhà thơ sống trong vàng son, nhung lụa của một cuộc sống quý tộc, giàu sang.

Nguyễn Du mười tuổi thì mồ côi bố, mười hai tuổi mồ côi cả bố lẫn mẹ. Bốn anh em cùng mẹ với Nguyễn Du chưa một người nào đến tuổi trưởng thành, gia đình bên ngoại không phải nơi quyền quý, nên anh em Nguyễn Du phải đến ở với người anh cả khác mẹ là Nguyễn Khản, bấy giờ đang làm Tả thị lang Bộ Hình kiêm Hiệp trấn xứ Sơn Tây. Năm 1780, Triều đình có biến, Nguyễn Khản về quê ở Hà Tĩnh. Năm 1783 Nguyễn Du mười tám tuổi, đi thi hương ở Sơn Nam, đậu tam trường.

Một ông quan họ Hà, làm việc dưới triều Nguyễn Nghiễm giữ chức Chánh thủ hiệu đội quân hùng hậu ở Thái Nguyên, không có con trai, trước đây có xin Nguyễn Du làm con nuôi. Sau khi người họ Hà mất, Nguyễn Du được kế chân làm chức ấy.

Năm 1789, Tây Sơn kéo quân ra Bắc đánh tan hai mươi vạn quân Thanh, Nguyễn Du trở về quê vợ ở xã Hải An, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Sơn Nam (Thái Bình), vài năm sau ông về quê ở Hà Tĩnh sống thời gian khá dài. Trong thời gian “mười năm gió bụi” và những năm về quê sống “dưới chân Hồng Lĩnh”, nhà thơ có dịp hiểu biết quần chúng, sống gần gũi quần chúng, ngọn nguồn của mọi giá trị tinh thần cao quý nhất của dân tộc.

Có thể nói, thiên tài lỗi lạc của Nguyễn Du, những gì là của hồn thơ bất diệt ấy đã được ấp ủ và nảy nở chủ yếu trong những năm tháng buồn vui lẫn lộn này.

Nguyễn Du sống ở Hồng Lĩnh cho mãi đến mùa thu 1802, Triều Gia Long, tháng 8 năm này Nguyễn Du được bổ làm Tri huyện Phù Dung (thuộc Khoái Châu, Sơn Nam, nay là tỉnh Hưng Yên). Tháng 11 đổi làm Tri phủ Thường Tín. Năm 1803 ông được cử lên cửa Nam Quan tiếp sứ thần Trung Quốc. Năm 1805 Nguyễn Du được thăng Đông các điện học sỹ, phong tước Du Đức hầu. Năm 1807 được cử làm giám khảo trường thi hương ở Hải Dương. Năm 1809 được bổ làm Cai bạ dinh Quảng Bình. Nguyễn Du giữ chức này trong bốn năm liền. Gia phả chép: “Phàm những việc công trong hạt như lính tráng, dân sự, kiện thưa, tiền nong, lương thực và các hạng thuế, ông đều bàn bạc thương thuyết với các quan lưu thủ, ký lục để thi hành. Ông giữ chức Cai bạ bốn năm, chính sự giản dị, không cầu tiếng tăm, nên được sĩ phu và nhân dân yêu mến”.

Năm 1813, Nguyễn Du thăng Cần chánh điện học sĩ và được cử làm Chánh sứ đi Trung Quốc. Sau khi về nước, năm 1815 ông được thăng Hữu Tham tri Bộ Lễ. Năm 1820 Minh Mệnh lên ngôi, định cử ông làm Chánh sứ sang Trung Quốc lần nữa, để cầu phong, nhưng chưa kịp đi thì ngày 10 tháng 8 năm Canh thìn, tức ngày 16 tháng 9 năm 1820 ông mất đột ngột trong một nạn dịch ghê gớm làm chết hàng vạn người.

II. Sự nghiệp văn chương vĩ đại của Nguyễn Du.

1. Tác phẩm bằng chữ Nôm.

Những tác phẩm bằng chữ Nôm của Nguyễn Du gồm có:

Đoạn trường tân thanh” còn có tên gọi khác làTruyện Kiều”, được viết bằng chữ Nôm, gồm 3.254 câu thơ theo thể lục bát. Nội dung của truyện dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc. Nội dung chính của truyện xoay quanh quãng đời lưu lạc sau khi bán mình chuộc cha của Thúy Kiều, nhân vật chính trong truyện, một cô gái có tài sắc. Về thời điểm sáng tác, Từ điển văn học (bộ mới) ghi: “Có thuyết cho rằng Nguyễn Du viết ra sau khi ông đi sứ Trung Quốc (1814-1820), có thuyết cho nói ông viết trước khi đi sứ, có thể vào khoảng thời gian làm Cai bạ ở Quảng Bình (1804-1809). Thuyết sau được nhiều người chấp nhận hơn”.

“Văn chiêu hồn” (tức Văn tế thập loại chúng sinh, dịch nghĩa: Văn tế mười loại chúng sinh), còn có tên gọi khác là Văn chiêu hồn, Văn tế chiêu hồn. Tác phẩm hiện chưa rõ thời điểm sáng tác. Trong văn bản do Đàm Quang Thiện hiệu chú có dẫn lại ý của ông Trần Thanh Mại trên “Đông Dương tuần báo” năm 1939, thì Nguyễn Du viết bài văn tế này sau một mùa dịch khủng khiếp làm hằng triệu người chết, khắp non sông đất nước âm khí nặng nề, và ở khắp các chùa, người ta đều lập đàn giải thoát để cầu siêu cho hàng triệu linh hồn. Ông Hoàng Xuân Hãn cho rằng có lẽ Nguyễn Du viết Văn chiêu hồn trước cả Truyện Kiều, khi ông còn làm cai bạ ở Quảng Bình (1802-1812). Tác phẩm được làm theo thể song thất lục bát, gồm 184 câu thơ chữ Nôm, nhằm mục đích gọi hồn những người đã khuất, nhờ phép Phật siêu sinh tịnh độ giúp họ thoát khỏi cảnh bơ vơ lạc lõng của kiếp cô hồn để được tới cõi thiên đường.

“Thác lời trai phường nón”, gồm 48 câu, được viết bằng thể lục bát. Nội dung là thay lời anh con trai phường nón ở làng Tiên Điền làm thơ tỏ tình với cô gái phường vải ở làng Trường Lưu. Bài thơ tình mang âm hưởng của vè, ca dao rất đậm nét.

“Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ”, 98 câu, viết theo lối văn tế, để bày tỏ nỗi uất hận vì mối tình với hai cô gái phường vải khác.

2. Tác phẩm bằng chữ Hán.

Thơ chữ Hán giữ một vai trò quan trọng trong sự nghiệp văn chương của Nguyễn Du, bởi nó vừa là nhật ký tâm trạng, vừa là nhật ký có tính hành trình của chính đại thi hào trong suốt một thời kỳ dài. Đó là mảng thơ ông sáng tác gần như trọn đời (khoảng trên dưới 30 năm), qua nhiều vùng lãnh thổ khác nhau. Những tác phẩm bằng chữ Hán của Nguyễn Du rất nhiều, nhưng mãi đến năm 1959 mới được ba nhà nho là: Bùi Kỷ, Phan Võ và Nguyễn Khắc Hanh sưu tầm, phiên dịch, chú thích và giới thiệu tập: Thơ chữ Hán Nguyễn Du (NXB Văn hóa, 1959) chỉ gồm có 102 bài. Đến năm 1965 NXB Văn học đã ra Thơ chữ Hán Nguyễn Du tập mới do Lê Thước và Trương Chính sưu tầm, chú thích, phiên dịch, sắp xếp, gồm 250 bài như sau:

“Thanh Hiên thi tập” còn gọi là “Thanh Hiên tiền hậu tập” (Tập thơ của Thanh Hiên) gồm 67 đề mục, cộng là 78 bài thơ trong giai đoạn 1786-1804, gồm 10 năm gió bụi, ông sống ở Thái Bình quê vợ, 6 năm trở lại nhà dưới chân núi Hồng, và 2 năm làm quan ở huyện Bắc Hà. Tập thơ là các bài viết chủ yếu trong những năm tháng trước khi làm quan nhà Nguyễn.

“Nam trung tạp ngâm” (Ngâm nga lặt vặt lúc ở miền Nam) gồm 27 đề mục, cộng là 40 bài, giai đoạn 1805-1812, ông được thăng hàm Đông các đại học sĩ, làm quan ở Kinh Đô 5 năm và làm cai bạ ở Quảng Bình 3 năm.

“Bắc hành tạp lục” (Ghi chép linh tinh trong chuyến đi sang phương Bắc) gồm 132 bài thơ, giai đoạn 1813-1814, viết trong chuyến đi sứ sang Trung Quốc.

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Tác giả Nguyễn Du (Bài 6, Ngữ văn 11, tập 2, Kết Nối Tri Thức) - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.