cuu-canh-co-nghia-la-gi

Cứu cánh có nghĩa là gì?

Cứu cánh có nghĩa là gì?

“Cứu cánh” là từ gốc Hán, theo Từ điển Tiếng Việt có nghĩa là “mục đích cuối cùng”. Theo Từ điển Hán – Việt của Đào Duy Anh (2001) thì “cứu cánh” là “cuối cùng, kết quả”. Ví dụ: Khi mải chạy đua theo thành tích, các nhà giáo dục đã quên mất cứu cánh của việc học tập là thay đổi nhận thức của con người cho tốt.

Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, từ “cứu cánh” thường bị dùng sai theo nghĩa như sự “cứu vớt”, “cứu vãn”, “cứu tinh”… cho một đối tượng, một tình trạng nào đó, hoặc “cứu cái gì đó”.

Ví dụ: Cầu thủ A sau khi vào sân thay người đã lập tức ghi bàn, trở thành “cứu cánh” cho đội bóng B. Hay, trong tình trạng thị trường bất động sản đóng băng, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng trở thành “cứu cánh” cho các nhà đầu tư.

Như vậy, từ nghĩa là “mục đích”, từ “cứu cánh” lại bị sử dụng thành “phương tiện”. Sở dĩ từ “cứu cánh” bị dùng sai là do người dùng hiểu sai từ “cứu”.

Trong tiếng Việt hiện đại, chữ cứu chúng ta dùng có ba nghĩa, đến từ ba chữ Hán khác nhau.

  1. Nghĩa đầu tiên bắt nguồn từ chữ Hán 救. Chữ cứu này nghĩa là giúp. Đây là chữ chúng ta dùng nhiều nhất, như cứu trợ, cứu hỏa, cứu tinh, cấp cứu... Nhiều khi chúng ta còn ghép vào với các từ Nôm để thành cứu giúp, cứu đói, cứu vớt
  2. Nghĩa thứ hai có chữ viết là 灸, nghĩa là đốt cỏ, hơ lên người để chữa bệnh. Chúng ta dùng chữ này trong ngải cứu, châm cứu
  3. Nghĩa thứ ba có chữ Hán là 究. Đây là chữ cứu chúng ta dùng trong nghiên cứu, truy cứu. Nghĩa này là xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo, tới tận cùng. Chữ cứu thứ ba này cũng có thể mang nghĩa là tột cùng, tột bậc, hay các từ điển tiếng Anh hay dịch là extreme.

Theo Từ điển Hán – Việt của Đào Duy Anh thì “cứu” trong từ “cứu cánh” có nghĩa là “cuối cùng”; chữ “cánh” cũng có nghĩa là “cuối cùng”, “xong”, “được rồi”,…”.

Tuy nhiên trong từ “cứu cánh”, từ “cứu” đã bị nhiều người hiểu sai sang nghĩa của từ tiếng Việt là “làm cho thoát khỏi mối đe dọa sự an toàn hoặc sự sống còn” như trong cụm từ “đánh giặc cứu nước”, “trị bệnh cứu người”… hay “yếu tố giúp đỡ (cuối cùng) trong tình trạng hiểm nghèo”. Từ đó, từ “cứu cánh” bị hiểu sai và sử dụng sai phổ biến đến mức nhiều người không còn biết nghĩa gốc của nó nữa; tai hại hơn, đã biến “mục đích” thành “phương tiện”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang