Đặc trưng của lời văn nghệ thuật trong tác phẩm văn học

dac-trung-cua-loi-van-nghe-thuat-trong-tac-pham-van-hoc

Đặc trưng của lời văn nghệ thuật trong tác phẩm văn học

1. Tính hình tượng.

Tính hình tượng không chỉ có trong ngôn từ văn học, mà còn có cả trong ngôn từ thực tế đời sống. Đặc trưng này thể hiện hoàn toàn khác nhau giữa ngôn từ văn học và ngôn từ thức tế đời sống. Lời nói thực tế trong đời sống, có thể là rất bóng bẩy, văn hoa, chẳng hạn như ngôn từ ngoại giao, nhưng phải hiểu nó một cách thực tế, phải có ý thức về tác giả là ai, nói trong trường hợp nào, nhằm mục đích gì. Bởi vì, trong thực tế, tác giả lời nói và chủ thể lời nói là một. Trong văn học, tác giả và chủ thể lời nói không phải là một, và điều quan trọng là chủ thể lời nói. Trong thực tế, cái quan trọng quyết định là tác giả nói. Trong lời văn thì địa vị cao thấp, tình trạng giàu nghèo của tác giả phần nhiều không đóng vai trò quyết định. Văn học dân gian hầu hết là vô danh. Nhiều tác giả văn học viết mai danh ẩn tích. Ở đây, lời văn là lời của một chủ thể hình tượng và sức mạnh của lời văn nằm ở tầm vóc khái quát của chủ thể ấy, ở khả năng đại diện cho tư tưởng, lương tâm thời đại, cho giai cấp, thế hệ, cho non sông đất nước.

Lời văn trong tác phẩm văn học phải có sức gợi tả, có sức khái quát cao nhằm bộc lộ tư tưởng, tình cảm của chủ thể. Tính hình tượng đặc trưng nằm sâu trong bản chất hình tượng sáng tác. Ví dụ, trong trường ca Theo chân Bác của Tố Hữu, các câu thơ đâu chỉ bộc lộ tư tưởng của nhà thơ mà còn thể hiện tư tưởng của cả dân tộc đối với sự nghiệp chống Mỹ cứu nước được nhà thơ trình bày bằng những từ ngữ giàu tính hình tượng:

“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Các hình thức ngôn ngữ bóng bẩy như các biện pháp tu từ thường được sử dụng phổ biến. Nhưng sẽ là sai lầm nếu đóng khung hình tượng của lời văn vào các hình thức đó. Nó chính là tư tưởng của cả dân tộc đối với sự nghiệp chống Mỹ cứu nước được nhà thơ trình bày bằng những từ ngữ giàu tính hình tượng.

Tính hình tượng là khả năng tái hiện một thế giới sinh động với đầy đủ mọi ấn tượng về không gian, thời gian, nhịp điệu, âm thanh, sắc màu một cách sinh động khiến người đọc có thể dễ dàng hình dung thế giới ấy và có những ấn tượng khó quên:

“Trong làn nắng ửng khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng,
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lí bóng xuân sang”.

(Mùa xuân chín – Hàn Mặc Tử)

Chính sự chi phối cao với xa, và đặc tính của cái “bên dưới” đã tạo ra một khuynh hướng không gian rộng mở trong Mùa xuân chín, càng lên cao thì không gian rộng hơn. Nhà thơ đang say đắm trong thời khắc hiện tại. Tạo nên một bức tranh mùa xuân được trải dài trước mắt người đọc.

Như vậy, tình hình tượng của lời văn bắt nguồn từ chỗ đó là lời của một chủ thể tư tưởng thẩm mĩ xã hội có tầm khái quát nhất định. Nhờ thế, lời của một người dễ dàng đi vào lòng người, trở thành lời nói của nhiều người.

2. Tính tổ chức cao.

Ngôn từ trong các loại hình văn bản đều đòi hỏi phải có tính tổ chức cao. Do đặc thù của mỗi loại văn bản, tính tổ chức cao thực hiện những chức năng khác nhau. Lời văn trong khoa học cũng có tính tổ chức cao để đảm bảo nội dung, khái niệm của từ trong tư duy lôgíc chính xác, chặt chẽ, còn lời văn nghệ thuật tổ chức cao để giải quyết tính hình tượng của từ. Tính tổ chức cao của lời thơ là chỗ thơ phải có vần, có nhịp, có niêm, luật làm người đọc thích thú.

Trong văn xuôi, tính nghệ thuật của lời văn cũng đòi hỏi phải có tính tổ chức cao. Đặc điểm này làm cho lời văn trong tác phẩm thể hiện sâu sắc tư tưởng, tình cảm của chủ thể hình tượng. Ví dụ, truyện ngắn Trăng sáng của Nam Cao, để diễn tả quyết tâm dứt bỏ những ước mơ lãng mạn viển vông của nhân vật Điền. Hầu như không dùng cách nói bóng bẩy nào, nó được tổ chức như “những đợt sóng dạt dào” dâng lên trong lòng nhân vật. Sự đối lập gay gắt của ánh trăng đẹp và những sự thật đau đớn mà ánh trăng che đậy, sự sử dụng các từ ngữ như dịu dàng, trong trẻo, bình tĩnh, quằn quại, nhăn nhó, đau thương, tiếng nghiến răng, chửi rủa, cực khổ, lầm than, biết bao, chao ôi, đã làm cho cảm giác đẹp thêm thấm thía. Chính sự tổ chức đặc biệt đã làm cho đoạn văn liên mạch, chứa đầy cảm xúc và ý tứ hàm ẩn:

“Điền thấy Điền không thể nào đi được. Điền không thể sung sướng khi con Điền còn khổ. Chao ôi! Trăng đẹp lắm! Trăng dịu dàng và trong trẻo và bình tĩnh. Nhưng trong những căn lều nát mà trăng làm cho cái bề ngoài trông cũng đẹp, biết bao người quằn quại, nức nở, nhăn nhó với những đau thương của kiếp mình! Biết bao tiếng nghiến răng và chửi rủa! Biết bao cực khổ và lầm than? … Không, không. Điền không thể nào mơ mộng được”.

Lời văn nghệ thuật nói chung không bao giờ chỉ thông báo đơn giản các việc xảy ra với nhân vật, mà còn tái hiện cả một “phức hợp” quan hệ chủ quan và khách quan trong sự kiện. Sự tổ chức đặc biệt đó đã tạo ra một ý nghĩa lớn ngoài lời, hình thành một hình tượng mới thể hiện qua các từ đó, mà mỗi từ đều đóng vai trò khêu gợi một cái gì lớn hơn nó. Yêu cầu tổ chức lời văn một cách đặc biệt là nhằm khắc phục ý nghĩa thông thường của chất liệu lời nói. Cũng như hình khối trong điêu khắc, kiến trúc không phải là hình khối đồ vật thực tế, âm thanh trong âm nhạc không phải là âm thanh đời thực, màu sắc trong hội họa cũng không giản đơn là màu sắc tự nhiên mặc dầu có nguồn gốc ở vật thực tế, đời thực, tự nhiên, thì lời văn nghệ thuật không giản đơn là lời nói thông thương.

3. Tính chính xác và trong sáng.

Chỉ với những lời văn chính xác, trong sáng, nhà văn mới có thể biểu hiện một cách đúng đắn và đầy đủ những sắc thái, cảm xúc, những điều mà nhà văn muốn diễn đạt. Ngôn ngữ nói chung có thể diễn đạt được mọi thứ nhưng để đạt được điều đó, nhà văn phải vật lộn, học hỏi, tích lũy… Nói như một nhà văn: “Trên đời không có sự giày vò nào ghê gớm hơn sự giày vò của ngôn ngữ” hoặc như Maiacôpxki từng viết:

Làm thơ
Chẳng khác gì khai thác
Chất hiếm radium
Lấy một gam
Mất hàng năm lao lực
Chỉ mỗi một từ
Có khi mất đứt
Hàng trăm nghìn
Tấn quặng xỉn ngôn từ.

(Nói chuyện với người thanh tra tài chánh)

Tính chính xác của lời văn nghệ thuật cần được hiểu không phải theo nghĩa cơ giới, toán học mà là sự diễn đạt hoàn hảo nhất một tâm trạng, một sự vật, một ý nghĩ, một hiện tượng bằng một từ duy nhất đúng. Guy de Maupassant cho rằng “Ðối tượng mà anh (nhà văn) muốn nói đến, dù là cái gì đi nữa, cũng chỉ có một từ biểu hiện nó”. Người ta thường nhắc đến việc chọn lựa từ ngữ trong sáng tạo nghệ thuật qua câu chuyện “thôi, xao”. Một hôm, Giả Ðảo (779-843), một nhà sư hoàn tục cưỡi ngựa về Tràng An. Ông đương bận nghĩ đến 2 câu thơ vừa mới sáng tác:

Ðiểu túc trì biên tụ
Tăng thôi nguyệt hạ môn”

(Chim đậu ở cây bờ ao
Nhà sư đẩy cửa dưới trăng)

Giả Ðảo băn khoăn không biết nên dùng chữ thôi (đẩy cửa) hay xao (gõ cửa). Ông buông cương, huơ tay bắt chước nhà sư lúc đẩy cửa, lúc gõ cửa. Ngựa đi vào đám quân của một vị quan đang đi kinh lí. Quân lính bắt Giả Ðảo trình quan. May thay, viên quan đó chính là Hàn Dũ. Sau khi nghe Giả Ðảo bày tỏ sự việc, Hàn Dũ suy nghĩ và góp ý nên dùng chữ “xao” (gõ). Có lẽ gõ gợi lên được hình tượng về âm thanh. Sau này, người ta thường dùng chữ “thôi, xao” với ý nghĩa là cân nhắc từng chữ để sửa chữa bài văn, bài thơ cho thật tốt.
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã dùng hàng loạt các từ khác nhau để chỉ người phụ nữ nhưng ở mỗi lời văn lại có những sắc thái khác nhau:

– Ðau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

– Hồng quân với khách hồng quần
Ðã xoay đến thế vần vần chưa tha.

– Rằng: hồng nhan tự thuở xưa
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu.

– Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.

– Canh khuya bức gấm rủ thao
Dưới đèn tỏ rạng má đào thêm xuân.

– Cớ sao chị tốt một bề
Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao…

Lời văn nghệ thuật đòi hỏi nhà văn phải lựa chọn nghiêm khắc để có được những từ diễn đạt một cách đắc địa nhất tư tưởng, tình cảm của mình.

4. Tính hàm súc.

Ðặc điểm này bắt nguồn từ nguyên tắc tiết kiệm trong ngôn ngữ, nghĩa là nói và viết sao cho “lời chật mà ý rộng”, là sử dụng một số lượng chất liệu tối thiểu mà đạt được hiệu quả nghệ thuật tối đa. Mượn ý của Tô Ðông Pha, Lê Quí Ðôn viết: “Ý hết mà lời dừng, ấy là cái lời rất mực trong thiên hạ. Song lời dừng mà ý chưa hết được lại càng hay tuyệt”.

5. Tính mơ hồ, đa nghĩa

Đây cũng là một đặc điểm của lời văn nghệ thuật dù đây cũng là đặc điểm dễ nhận thấy trong lời nói hằng ngày. Trong văn học, tính mơ hồ, đa nghĩa được nhân lên và trở thành một đặc điểm nổi bật bởi vì người nghệ sĩ thường hướng tới lời văn mơ hồ, đa nghĩa nhằm tạo nên những tầng lớp nghĩa khác nhau, nhằm “khêu gợi vô số những tư tưởng, những quan niệm, những cách giải thích”. Ðiều này về bản chất có thể phân biệt khá rõ giữa lời văn nghệ thuật và lời văn trong nhiều lĩnh vực khác của đời sống.

6. Tính tạo hình và biểu cảm.

Một đặc trưng có tầm quan trọng nhất nhằm phân biệt lời văn nghệ thuật với lời văn thuộc các lĩnh vực khác là tính tạo hình và biểu cảm. Tạo hình là tạo nên một lời văn giàu hình ảnh, tái tạo đối tượng trong hình thái cụ thể, không lặp lại của nó. Chỉ bằng tính chất tạo hình, nhà văn mới làm sống lại một cách cụ thể , cảm tính những dáng vẻ riêng biệt . Bên cạnh đó, lời văn nghệ thuật còn biểu hiện những cảm nhận độc đáo của nhà văn với tư cách là nghệ sĩ và những nhà văn lớn bao giờ cũng có những độc đáo trong phong phong cách. Tsêkhôp quan niệm “nếu tác giả nào không có lối nói riêng của mình thì người đó sẽ không bao giờ là nhà văn cả”.

Hai phẩm chất tạo hình và biểu cảm được kết hợp một cách hữu cơ, xuyên thấm vào nhau và trong nhiều trương hợp, khó thể tách rời. Vì vậy cần nhìn chúng là một đặc điểm thống nhất của lời văn nghệ thuật: tạo hình để biểu cảm, biểu cảm để tạo hình, trong tạo hình có biểu cảm và ngược lại. Lời văn nghệ thuật của tác phẩm nghệ thuật bao giờ cũng có chức năng xây dựng hình tượng nên luôn luôn mang tính thẩm mĩ cao.

Như vậy, sự tổ chức lời nói thành lời văn là để nâng lời nói lên mức nghệ thuật, nâng ý thức hàng ngày lên mức văn học. Nó làm cho người ta cảm thụ đời sống cũng như lời nói một cách mới mẻ.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.