Đặc trưng của tác phẩm tự sự

Đặc trưng của tác phẩm tự sự.

1. Phản ánh đời sống trong tính khách quan của nó thông qua các sự kiện.

Tác phẩm văn học là sự tái hiện đời sống khách quan thông qua nhận thức, khái quát, đánh giá, thể hiện mang tính chủ quan của nghệ sĩ, là sự thống nhất biện chứng giữa chủ quan và khách quan. Đứng về phương thức phản ánh đời sống, tác phẩm tự sự là loại tác phẩm phản ánh đời sống trong tính khách quan của nó: qua con người, hành vi, sự kiện được kể lại bởi một người kể chuyện nào đó. Nó mang một nội dung tương đối so với chủ quan của người trần thuật.

Người trần thuật, ở mức độ nào đó đứng ở bên ngoài câu chuyện được kể. Tác phẩm tự sự phải có các sự kiện khách quan xảy ra để tạo thành một câu chuyện hoàn chỉnh. Muốn có các sự kiện thì phải có con người tức các nhân vật hoạt động, cảm xúc và quan hệ với nhau. Tất cả những con người và sự kiện đó hoạt động và tồn tại trong những không gian và thời gian nhất định.

Tính khách quan ở đây thực chất chỉ là nguyên tắc tái hiện đời sống và thuyết phục người đọc của loại tác phẩm tự sự. Tác phẩm tự sự tập trung phản ánh đời sống, con người qua các biến cố, sự kiện xảy ra với nó, có tác dụng phơi bày những mặt nhất định của bản chất con người. Ví dụ, nói về bản chất xấu xa của Lí Thông người ta kể hắn kết anh em với Thạch Sanh rồi lừa chàng đi gác miêu trằn tinh nhằm lấy thân chàng thay thế cho hắn. Theo Phương Lựu, “tính khách quan đây lại là một nguyên tắc của hình thức mang tính nội dung, thể hiện những khả năng phản ánh hiện thực rất quan trọng của loại tự sự”. Nhà văn kể lại, tả lại những gì xảy ra bên ngoài mình, khiến cho người đọc có cảm giác rằng hiện thực được phản ánh trong tác phẩm tự sự là một thế giới tạo hình xác định đang tự phát triển, tồn tại bên ngoài nhà văn, không phụ thuộc vào tình cảm, ý muốn của nhà văn. Để có cái nhìn khách quan, tác phẩm tự sự tập trung phản ánh đời sống qua các sự kiện, hệ thống sự kiện.

Tác phẩm tự sự không chỉ phản ánh cái phần tồn tại vật chất với các việc làm, hành động của con người. Nó cũng phản ánh thế giới bên trong bao gồm tâm trạng, cảm xúc, ý nghĩ của con người nữa. Hêghen cho rằng: “Cần phải trần thuật về những tình cảm, những suy nghĩ, cũng như về tất cả những gì bề ngoài như một cái gì đã xảy ra, đã nói ra, nghĩ ra … “Sự kiện cá biệt”, như tôi đã nói nhiều lần, là cái hình thức làm cho tự sự trở thành tự sự trong ý nghĩa đích thực của từ đó”. Nhà văn đã kể về việc nhân vật nghĩ những gì, cảm thấy sướng vui hay khổ đau, xấu hổ thế nào, … như những đối tượng đem ra phân tích, nhận biết.

Như vậy, tác phẩm tự sự tái hiện toàn bộ thế giới bao gồm những sự kiện bên ngoài và bên trong của con người, xem chúng như là những sự kiện khác nhau về đời sống con người, xã hội. Nó có khả năng phản ánh cuộc sống một cách bao quát rộng lớn như miêu tả con người trong mối quan hệ phức tạp với môi trường xung quanh.

2. Khả năng phản ánh hiện thực một cách rộng lớn, bao quát.

Nhà văn tái hiện toàn bộ thế giới, thế giới mọi biểu hiện bên trong và bên ngoài của con người nhưng đều xem chúng như là những sự kiện khác nhau về cuộc sống con người. Sự kiện là sản phẩm của quan hệ giữa con người và hoàn cảnh, môi trường, cho nên nó mở ra một khả năng phản ánh cuộc sống một cách bao quát rộng lớn, miêu tả con người trong nhiều quan hệ phức tạp giữa nó và môi trường xung quanh.

Nguyên tắc phản ánh hiện thực trong tính khách quan đã đặt trần thuật vào vị trí của nhân tố tổ chức ra thế giới nghệ thuật của tác phẩm tự sự đòi hỏi nhà văn phải sáng tạo ra hình tượng người trần thuật. Có thể dựa vào tiêu chí nội dung hoặc tiêu chí hình thức để phân chia các tác phẩm tự sự thành các thể loại nhỏ hơn. Theo Lê Bá Hán, “chia theo nội dung thể loại, ta sẽ có: tác phẩm mang chủ đề lịch sử dân tộc, thế sự, đạo đức, đời tư. Chia theo hình thức ta sẽ có các thể loại cơ bản: anh hùng ca, truyện, tiểu thuyết, truyện ngắn, ngụ ngôn, …”.

Trong tác phẩm tự sự thì sự kiện là những mối liên hệ của thế giới, cho thấy các phương diện khác nhau của nó. Phương Lựu cho rằng: “Theo mối liên hệ của sự kiện, tác giả tự sự có thể dẫn dắt người đọc đi về những miền khác nhau nhất, có thể lùi về dĩ vãng hay đắm mình trong hiện tại, có thể lướt qua mặt này, mà tập trung vào mặt kia. Chính vì vậy, so với kịch và tác phẩm trữ tình, tác phẩm tự sự hầu như không bị hạn chế bởi không gian và thời gian. Nó có thể kể về những khoảnh khắc, lại có thể kể các sự kiện xảy ra hàng bao thế hệ hàng chục năm, trăm năm”. Điều này chứng tỏ tác phẩm tự sự có khả năng bao quát hiện thực cuộc sống trong một phạm vi rộng lớn. Trong tác phẩm tự sự, không gian và thời gian không bị hạn chế. Nhà văn có thể thể hiện những vùng đất khác nhau, có thể lùi về dĩ vãng hay đắm mình trong hiện tại, có thể kể về một khoảnh khắc hoặc một sự kiện dài chục năm trong một không gian nhất định hoặc ở nhiều vùng đất khác nhau.

Nhân vật thường có số phận, con đường đi và quá trình phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau. So với các loại nhân vật khác, nhân vật trong tác phẩm tự sự được khắc họa tỉ mỉ từ ngoại hình đến nội tâm, cả quá khứ, hiện tại và trong xu thế phát triển, … Nhân vật tự sự được miêu tả nhiều mặt, toàn diện và sinh động, nhiều màu sắc thẩm mĩ.

3. Nhân vật trong tác phẩm tự sự.

Trong tác phẩm tự sự thì nhân vật cũng là yếu tố cơ bản, đó là loại nhân vật có tên tuổi, có lịch sử, có quá trình, có số phận, … Khác với nhân vật trữ tình, nhân vật tự sự được tập trung khắc họa tương đối cụ thể ở nhiều phương diện: ngoại hình, hành động, nội tâm và đặc biệt là trong mối quan hệ với các nhân vật khác. Từ đó, nhân vật mới bộc lộ hết bản chất của mình, cũng như những biến đổi trong cuộc đời nhân vật cũng tùy thuộc vào mối quan hệ này.

Nhân vật dường như hoạt động tự do theo ý muốn của nó, nhưng thật ra mọi hoạt động của nó đều do tác động của hoàn cảnh và môi trường xung quanh. Nhân vật tự sự có thể được miêu tả một cách kĩ càng từ chân dung ngoại hình cho đến những suy tư thầm kín bên trong, từ quan hệ này đến quan hệ khác. Thông qua mạch tự sự, nhà văn sẽ kể về nhân vật nghĩ gì, cảm xúc vui buồn, tuyệt vọng hay tin tưởng như những đối tượng đem ra phân tích, nhận biết.

Nhân vật tự sự có thể được miêu tả cả bên trong lẫn bên ngoài, cả điều nói ra và điều không được nói ra, cả tình cảm, cảm xúc, ý thức và vô thức, cả quá khứ, hiện tại và tương lai, … Khi nói đến xung đột nội tâm của nhân vật tự sự chủ yếu là để lí giải nguyên nhân những hành động tiếp theo, dẫn đến những sự kiện kế tiếp trong cuộc đời nhân vật. Ví dụ, trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao, lúc Chí Phèo tỉnh dậy sau cơn say, ta thấy có đoạn miêu tả nội tâm dài về nguyên nhân khát khao hạnh phúc, để tiếp theo là hành động đòi quyền được làm người.

4. Hình tượng người trần thuật.

Người trần thuật là một nhận vật đặc biệt, đó là người trần thuật trong tác phẩm, kể về nhân vật và các sự kiện, biến cố nào đó. Trần thuật có ngôi kể, vai kể, điểm nhìn, giọng điệu kể. Nhân vật này có nhiệm vụ phân tích, nghiên cứu, giải thích, khêu gợi, bình luận, làm sáng tỏ mọi quan hệ phức tạp giữa nhân vật và hoàn cảnh. Người kể chuyện đã giới thiệu, giải thích lai lịch nhân vật trong đoạn mở đầu truyện Tấm Cám: “Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Mẹ Tấm chết từ hồi Tấm mới biết đi. Ít lâu sau, người cha cũng chết. Tấm ở với dì ghẻ là mẹ Cám. Nhân vật này có thể lộ diện, nhưng cũng có thể vô danh, nhưng bao giờ người đọc cũng cảm nhận được linh hồn của người kể chuyện này một cách rõ rệt, gần gũi thông qua lời kể, giọng điệu, điểm nhìn, cách dẫn dắt và phân tích, lí giải cốt truyện”.

Trong tác phẩm tự sự, tác giả xuất hiện dưới hình thức người trần thuật để phân tích, nghiên cứu, khêu gợi, bình luận, làm sáng tỏ mọi quan hệ phức tạp giữa nhân vật và hoàn cảnh. Người đọc nhận ra hình tượng người trần thuật qua cái nhìn, cách cảm thụ, phương thức tư duy, năng lực trí tuệ và chất tình cảm, … cùng với hình tượng người trần thuật, còn có quan điểm trần thuật, thể hiện góc nhìn, khoảng cách xa gần đối với các hiện tượng được miêu tả.

Người trần thuật quan tâm tới các chi tiết tiểu sự, các lời nói, việc làm, không bỏ qua việc nhỏ, cốt làm bật lên phẩm hạnh, đức tính của nhân vật. Do đó, lời giới thiệu nhân vật, lời kết cuối truyện thường khách quan, hàm súc, không để lộ cảm xúc. Người trần thuật đối thoại với người nghe, người xem, thay họ nêu thắc mắc, giải thích về cách kể của mình, chỗ nào dừng, tách mỗi chuyện ra, chỗ nào kể tiếp, … Người trần thuật là nhân vật kể chuyện của mình, kể chuyện cho người, có khi kể chuyện quá khứ, có khi kể chuyện hiện tại.

Những đặc điểm trên làm cho tác phẩm tự sự trở thành loại văn học có khả năng quan trọng trong đời sống tinh thần của con người hiện đại. Nguyên tắc phản ánh hiện thực trong tính khách quan đã đặt trần thuật với vị trí của nhân tố tổ chức ra thế giới nghệ thuật của tác phẩm tự sự, đòi hỏi nhà văn phải sáng tạo ra hình tượng người trần thuật. Trong truyện truyền thống, nhân vật người kể chuyện thường là người đứng ngoài câu chuyện, hoặc là chính tác giả, thường ít xưng danh. Nhưng trong truyện hiện đại, nhân vật người kể chuyện có thể ở ngôi thứ nhất, xưng tôi, nhân vật có thể là một nhân vật trong câu chuyện (ông giáo trong truyện ngắn Lão Hạc – Nam Cao), hoặc ngôi thứ ba (người kể chuyện đứng bên ngoài câu chuyện).

Loại nhân vật này có một giọng điệu thể hiện qua cách nhìn, cách cảm thụ, phương thức tư duy, năng lực trí tuệ, tình cảm, bộc lộ qua ngôn ngữ. Như vậy là nhân vật người kể chuyện cũng được cá tính hóa. Chính giọng điệu này đã xác định được phần nào phong cách của tác giả. Ví dụ, lời người kể chuyện trong tác phẩm của Thạch Lam luôn chứa đầy những miêu tả cảm giác, mang thiên hướng trữ tình.

Tác phẩm tự sự nào cũng có hình tượng người trần thuật của nó. Tác giả xuất hiện dưới hình thức người trần thuật để phân tích, nghiên cứu, khêu gợi, bình luận, làm sáng tỏ mọi quan hệ phức tạp giữa nhân vật và hoàn cảnh. Trong tiểu thuyết, trong truyện, những con người được tác giả thể hiện đều hành động với sự giúp đỡ của tác giả, tác giả luôn luôn ở bên cạnh họ. Tác giả làm cho người đọc biết rõ cần phải hiểu nhân vật như thế nào, giải thích cho người đọc hiểu những ý nghĩ thầm kín, những động cơ bí ẩn phía sau những hành động của các nhân vật miêu tả, tô đậm thêm cho tâm trạng của họ bằng những đoạn mô tả thiên nhiên, trình bày hoàn cảnh và nói chung là luôn luôn giật dây cho họ thực hiện những mục đích của mình.

5. Lời văn trong tác phẩm tự sự.

Lời văn tác phẩm tự sự có cấu trúc, thành phần khác hẳn lời văn kịch và trữ tình. Văn tự sự có thể là văn vần hoặc văn xuôi bao giờ cũng hướng đến đối tượng. Nó luôn hướng người đọc ra thế giới đối tượng, khác hẳn lời trữ tình hay lời thoại của kịch, hướng chú ý đến cảm xúc, ý định người nói. Nhà văn thường dùng câu tồn tại hoặc miêu tả thuộc tính, đặc trưng, hình dáng, động tác của nhân vật, gọi tên các sự vật. Lời văn của nhân vật trong tác phẩm tự sự là một bộ phẩm của văn tự sự, do đó nó thường được giải thích, cắt nghĩa trước khi nhân vật phát biểu.

Lời văn tự sự có khả năng trần thuật bao quát, hướng tới những bức tranh toàn cảnh về các tình huống, thời đại hoặc các quá trình của tính cách diễn ra trong những không gian, thời gian rộng lớn. Nhờ đó mà tác phẩm tự sự trở thành một loại văn có khả năng phản ánh hiện thực sâu rộng và chi tiết, có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tiinh thần con người.

Văn tự sự có chức năng tái hiện và phân tích các sự kiện, hiện tượng tĩnh tại như phong cảnh, chân dung, tâm trạng, môi trường, ngoài hình, đồ vật hoặc các hiện tượng lặp đi lặp lại đều đặn. Văn tự sự cũng có thành phần trần thuật bao quát, đứng trên cả sự miêu tả cụ thể về cảnh vật và lời nói, có khả năng bao quát rộng lớn. Phương Lựu cho rằng: “Văn tự sự có một khả năng bao quát vô song mà chỉ có nghệ thuật điện ảnh là có thể sánh được, khi ống kính mang chức năng trần thuật miêu tả”. Lời văn trong tác phẩm tự sự chủ yếu là lời văn kể chuyện, miêu tả. Ví dụ, trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao đã sử dụng lời văn miêu tả về cái mặt của Thị Nở: “Cái mặt của Thị là sự mỉa mai của hóa công”. Nó có thể được viết bằng văn vần hoặc văn xuôi nhưng bao giờ cũng hướng người đọc đến đối tượng mà nó miêu tả.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang