Đặc trưng của tác phẩm văn học

dac-trung-cua-tac-pham-van-hoc

Đặc trưng của tác phẩm văn học.

1. Tác phẩm văn học là bức tranh sinh động về đời sống và con người.

Qua bức tranh về đời sống, người viết luôn muốn gửi gắm những tình cảm, tư tưởng và thể hiện thái độ của mình trước cuộc sống.

Văn học nhận thức, phản ánh đời sống theo quy luật của cái đẹp nhằm thỏa mãn những nhu cầu về tình cảm vô cùng phong phú của con người. Dù các tác phẩm không trực tiếp miêu tả con người (như ngụ ngôn .. ) nhưng con người vẫn là trung tâm mà văn học hướng tới .

Tác phẩm văn học là sự kết hợp giữa khách quan (hiện thực đời sống ) và chủ quan (tình cảm người viết ). Nhà văn không chỉ tái hiện lại những chi tiết của đời sống mà mình mắt thấy tai nghe, mà qua đó còn muốn nói một điều gì mới mẻ, lớn lao hơn. Cái đẹp của nghệ thuật trước hết nằm ở hiện thực được phản ánh. Điều thu hút độc giả chính là sự chân thật. Sự chân thật ấy nằm ở đời sống vì độc giả chỉ tin vào những điều có thực và gần với cuộc đời họ mà thôi. “Một nhà văn không thành thực không bao giờ là nhà văn có giá trị. Nhưng không phải cứ thành thực là trở nên nghệ sĩ. Nhưng nghệ sĩ không thành thực chỉ là một người thợ khéo tay thôi” ( Thạch Lam ).

Dù văn học phản ánh hiện thực nhưng nó không phải là bản sao chép nô lệ hiện thực. Nhà văn không phải là mật thám cuộc đời hay là tên hề lóc cóc chạy theo đuôi đời sống. Qua những điều mình mắt thấy tai nghe, nhà văn còn thâm nhập, cắt nghĩa hiện thực theo cách của riêng mình, từ đó nâng lên thành những giá trị có tính chất phổ quát. Thế giới nứt làm đôi, vết nứt xuyên qua con tim nhà thơ. Nỗi đau ấy, khi đến với chúng ta đã nhuốm máu” người nghệ sĩ. Cái độc giả cần không phải là hiện thực được phản ánh một cách xuôi chiều, khách quan ( vì ai sống trong thời đó cũng biết cả rồi ) mà từ tác phẩm của nhà văn, họ muốn hiểu thêm bản chất của thời đại mà họ đang sống và những tư tưởng, triết lý được nhà văn chung đúc và tổng hợp nên từ cuộc sống này.

Những tác phẩm lớn không chỉ đem cho ta cái nhìn khái quát về thời cuộc mà còn cho ta hiểu thêm về lẽ đời, về con người, về xã hội mà ta đang sống. Những tác phẩm ấy khiến độc giả phải nghiền ngẫm, suy nghĩ để thấu hiểu những điều mà nhà văn viết trong đó, từ đó tác phẩm mới neo lại trong trái tim người đọc. Từ những yêu ghét, ngợi ca hay phê phán của bản thân về thời đại, nhà văn cũng làm cho người đọc đồng cảm, có những suy nghĩ giống mình. Hơn cả trách nhiệm nhà văn, họ còn mang trách nhiệm cứu rỗi con người. Chính những điều họ viết sẽ đem con người đến với những chân trời mới, bầu trời của chân – thiện – mỹ, để cho độc giả biết ước mơ, từ đó mà sống cao đẹp hơn, tương lai nhân loại cũng nhờ đó mà thêm tuơi sáng.

2. Văn học là nghệ thuật ngôn từ.

Nói đến văn học là nói đến quy luật của tình cảm, của con tim. Ở những tác phẩm thơ, tư tưởng và tình cảm được biểu hiện trực tiếp trong tác phẩm. Đối với các tác phẩm truyện thì điều đó được ẩn giấu đi dưới các hình thái ở ngôn ngữ, tức biểu hiện gián tiếp.

Ngôn từ tồn tại ở hai dạng : nói và viết. Văn học vì thế cũng tồn tại dưới hai dạng : văn học dân gian và văn học viết.

Cần phân biệt được ngôn ngữ đời sống (ngôn ngữ của quần chúng, dùng trong sinh hoạt để nhận và phát thông tin) và ngôn ngữ văn học (là ngôn ngữ quần chúng nhưng được cách điệu hóa nhằm tạo ra ý nghĩa thẩm mỹ)

* Vì sao văn học là nghệ thuật của ngôn từ ?

Mỗi bộ môn nghệ thuật đều có một chất liệu riêng tạo nên đặc trưng của hình tượng. Nếu âm nhạc dùng âm thanh, hội họa dùng đường nét và màu sắc, điêu khắc dùng mảng khối thì văn học chọn ngôn từ làm chất liệu

Ngôn từ văn học vốn không như ngôn từ ta hay dùng trong sinh hoạt hằng ngày. Ngôn ngữ đời sống dùng trong lao động và sinh hoạt hằng ngày là chủ yếu, có tác dụng nhận và phát thong tin nên người ta thường đơn giản ngôn từ đến mức tối đa sao cho người nghe dễ hiểu, dễ tiếp thu là được. Ngôn từ văn học vốn bắt nguồn từ ngôn ngữ của quần chúng lao động nhưng nó lại không dùng một cách đơn giản như lời nói thong thường. Từ lời nói thô mộc thong thường, chỉ có ý nghĩa thong báo nhất thời, nhà văn đã nhào nặn và tái tạo lại nó, khoác cho nó tấm áo mới. Bấy giờ, lời nói bình thường trở thành ngôn ngữ nghệ thuật, có tác dụng thể hiện cái vô cùng, vô tận của cuộc đời tâm hồn con người một cách hình tượng. Nó gợi dậy những cảm xúc nơi độc giả, cho ta cảm giác mới mẻ và trong ngần. Mỗi từ, mỗi câu như khêu gợi một cái gì lớn hơn, tràn ra ngoài nó, tạo dựng ý ngoài lời, hình thành một chỉnh thể hình tượng mới mẻ. Ta có thể lấy ví dụ sau :

Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san

Hai chữ “lên ngựa”, “chia bào” vốn là những từ gợi những hành động thường nhật khi hai người gắn bó thân thiết mà phải xa nhau. Nhưng trong câu thơ của cụ Nguyễn Du, những chữ ấy đảm nhận một nhiệm vụ mới. Nó không chỉ gợi hành động đơn thuần mà nó còn gợi cả sự lưu luyến, bịn rịn, muốn níu kéo cho khoảnh khắc bên nhau dài thêm chút nữa, tức nỗi lòng đầy tâm sự của nhân vật trong phút chia tay.

Mặt khác, sở dĩ nói văn học là nghệ thuật ngôn từ là vì đó là cách dụng từ ngữ đầy nghệ thuật của nhà văn. Ngôn từ văn học mang tính tổ chức cao để khi đọc lên, độc giả có thể cảm nhận được cuộc sống và nỗi lòng người viết, từ đó tác phẩm nằm lại ở trong tim độc giả. Ngôn ngữ là tài sản chung của xã hội nhưng việc dùng nó thế nào cho hợp lý là chuyện cá nhân nhà văn :

Phải tổn phí ngàn câng quặng chữ
Chỉ thu về một chữ mà thôi
Những chữ ấy làm cho rung động
Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài

Từ hàng vạn ngôn từ, nhà văn chứ không phải ai khác, sẽ ngồi gạn lọc lại nó. Vì không phải ngôn từ nào cũng hay, cũng phù hợp với văn cảnh, đúng người, đúng việc mà nhà văn định miêu tả. Do đó, nó buộc nhà văn phải lựa chọn từ ngữ để nó phục vụ ý đồ của mình. Trong lao động nghệ thuật, nhà văn thực sự là phu chữ. Gia Bảo đời Đường Ba năm chỉ làm được hai câu thơ. Nguyễn Tuân – nhà văn được coi là kho từ vựng khổng lồ. ấy thế mà cũng có lúc ngồi thâu đêm bên chiếc bàn trong vẻ tuyệt vọng “thấy nguyền rủa bẽ lũ chữa nghĩa, nó cứ hè nhau rời mình. Mình bỗng chốc thành kẻ cùng đường bên sông chữ quạng vắng thê lương”.

Nhà văn Tô Hoài kể chuyện có lần ông muốn mô tả sự mệt nhọc của con người khi làm việc dưới trời nóng bức. Đã có nhiều cách diễn đạt về chuyện “đổ mồ hôi” này, nào là: mồ hôi nhễ nhại, mồ hôi ướt đầm, mồ hôi như tắm… Thế rồi một hôm, nhà văn nghe một bà nông dân thốt lên: “Nóng gì mà nóng khiếp! Mồ hôi mẹ mồ hôi con ở đâu mà tuôn ra lắm thế này!”. Ông mừng như bắt được vàng vì vừa tìm ra một hình ảnh mới thật hay và đầy ý nghĩa.

Vài dẫn chứng trên cho thấy rằng mỗi từ, mỗi chữ trong tác phẩm đều được nhà văn chọn lựa và cân nhắc hết sức kĩ càng để nó phát huy hiệu quả cao nhất. Nhà văn lao tâm khổ trí hàng năm trời chỉ để chọn ra một chữ cho hợp với tác phẩm của mình. Người viết phải tinh ý và dùng chữ một cách thật nghệ thuật và thần tình, tác phẩm mới có thể đạt đến cảnh giới cao nhất.

3. Đặc điểm của ngôn từ văn học.

a. Tính chính xác và tinh luyện:

Trong đời sống cũng như trong văn ọc, chính xác là yếu tố rất quan trọng trong việc dùng ngôn ngữ. Để diễn tả cho ra được đúng và chính xác cái thần của người và việc thì từng câu từng chữ cũng phải thật chính xác, chi tiết và cụ thể. Qua cách lựa chọn từ ngữ, ta còn thấy được tài năng của nhà văn : gọi đúng tên, đúng bản chất đối tượng. Mỗi từ trong văn học là duy nhất, không có từ nào thay thế. Dù đối tượng anh viết là ai đi nữa thì cũng chỉ có một từ để nói. Các nhà văn lớn đều là những bậc thầy trong việc dùng từ, chẳng hạn như Nguyễn Du. Nguyễn Du “giết” Mã Giam Sinh bằng chữ “tót” : “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng”

Chữ “tót” đã phơi bày một cách đầy đủ, rõ nét bản chất giả dối, vô học của Mã Giam Sinh. Nếu chữ tót đưa Kim Trọng lên đến đỉnh của bậc tài tử giai nhân thì chữ “tót” lại dìm Mã Giam Sinh xuống tận cùng của sự thô bỉ. Nguyễn Trãi viết :

Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén
Ngày vắng xem hoa, bợ cây

Nhưng, có người lại đọc “bợ” thành “bẻ”. Bao nhiêu đó cũng đủ làm thay đổi toàn bộ ý nghĩa câu thơ rồi. Chữ “bợ” mới gợi đúng phong thái của người anh hùng nhưng có trái tim nghệ sĩ. Nguyễn Trãi yêu thiên nhiên. Ngày ngày, ông bợ hoa vì hoa là cái đẹp mong manh và yếu ớt, cần nâng đỡ. Chữ bợ gợi cốt cách thanh cao của nhà hiền triết, còn dùng bẻ thì vô tình đày ải thơ Nguyễn Trãi vào chốn trần tục đầy thô bạo. Ấy mới thấy, ngôn từ trong văn học đòi hỏi tính chính xác cao độ, đòi hỏi cả người đọc lẫn người viết sự nhạy cảm, tinh tế.

b. Tính hàm súc và đa nghĩa:

Điều này làm nên ý tại ngôn ngoại, tạo dư ba cho tác phẩm. Ngôn từ trong văn học phải cô đọng, nén chặt ý tồi đa tạo sức nặng, độ thừa và nhiều lượng ngữ nghĩa.

Từ ngữ tiếng Việt vốn có khả năng chuyển nghĩa tạo nghĩa mới hay do tu từ nên ngôn từ văn học cũng có tính đa nghĩa. Văn bản văn học, do đó, nó cũng có tính đa nghĩa. Chẳng hạn bài Thề non nước của Tản Đà. Một mặt, đó là bức tranh non nước tang thương, một trái núi đứng chơ vơ bên cạnh dòng sông đã cạn. Mặc khác, bài thơ còn là câu chuyện của hai người tình đã thề nguyền chung thủy, hiện tại chia phôi và ngày mai gắn bó.

“Ngắn gọn là bà chị của thiên tài” (Sê khốp ).

“Ý hết mà lời dừng, ấy là lời rất mừng trong thiên hạ. Nhưng lời dừng mà ý chưa hết lại càng hay tuyệt” (Lê Qúy Đôn)

“Công phu của thơ là ở ngoài thơ” (Lục Du)

c. Tình hình tượng:

Tính hình tượng là quan trọng nhất. Tính hình tượng biểu hiện ở việc làm sống dậy hiện thực trong tâm trí độc giả, tái hiện được trạng thái, truyền được động tác hoặc sự vận động của con người, cảnh vật và toàn bộ thế giới mà tác phẩm nói tới. Ngoài ra, nó còn biểu hiện ở sự nắm bắt những cái mơ hồ, mong manh, vô hình chứ không chỉ dừng lại ở những cái hữu hình.

Cơ sở từ trong nội dung của lời nói nghệ thuật nằm ở tính hình tượng. Nhà văn viết ra những câu chữ ấy, không chỉ để giải tỏa tâm sự mà còn thể hiện tư tưởng, tình cảm của giai cấp mình, tầng lớp mình. Lời nói tuy là của chủ thể sáng tạo nhưng lại mang tầm vóc khái quát là ở chỗ đó. Nhà văn đại diện cho giai cấp, thế hệ mình đang sống, thay họ cất tiếng nói.

Mặt khác, trong văn học, sức mạnh của lời nói nằm ở tầm khái quát của chủ thể hình tượng, ở khả năng đại diện cho tư tưởng, tình cảm, lương tâm của thời đại chứ không phải phụ thuộc vào địa vị xã hội của nhà văn. Từ phương trời của một người mà thành phương trời của nhiều người, tác phẩm từ đó trường tồn mãi với thời gian.

d. Tính biểu cảm:

Nghệ thuật nói bằng thứ tiếng duy nhất : thứ tiếng của cảm xúc. Bản chất người nghệ sĩ là giài tình cảm và nhạy bén trước cuộc đời. “khi tôi viết là tôi đau ở đâu đó trong người” ( Rospuchin ). Tố Hữu trong những đêm dài thao thức triền mien, lòng băn khoăn, không ngủ được thì ông viết. Do đó, ngôn từ văn học mang tính biểu cảm. Nó biểu hiện ở nhiều dạng thức khác nhau : gián tiếp hay trực tiếp, có hình ảnh hay chỉ là thuần túy, rõ nhất là khi nhấn mạnh những cảm xúc nội tâm.

Tóm lại, trong văn chương, chữ nghĩa là quan trọng nhất. Không gì bảo vệ uy tín của nhà văn bằng chính tác phẩm của ông ta. Không có nhà văn nào viết xong tác phẩm mà lại đến từng độc giả giảng giải, chỉ ra ý đồ nghệ thuật cả. Chỉ có chữ nghĩa mới có thể cho biết ông ta định nói gì. Từ chữ nghĩa mà ta nhận ra được hiện thực, tài năng, tâm tính và cả thái độ của nhà văn trước hiện thực mà ông ta miêu tả.

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Lí luận văn học và cách làm bài văn dạng đề lí luận văn học - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.