Đặc trưng về nội dung và nghệ thuật của Thơ mới

dac-trung-noi-dung-va-nghe-thuat-cua-tho-moi-tho-moi

Đặc trưng về nội dung và nghệ thuật của Thơ mới.

I. Đặc trưng về nội dung.

Đặc sắc nhất của Thơ mới, những gì còn lại qua thời gian, là đã xây dựng được hình ảnh một cái tôi cá nhân – cá thể. Theo chúng tôi, cái tôi Thơ mới có hai đặc điểm lớn:

a. Một cái tôi ấp ủ tinh thần dân tộc.

Tuy các nhà thơ mới không đủ dũng khí đối diện với hiện thực để phản ánh như các nhà thơ hiện thực trào phúng, cũng không dám đấu tranh giành độc lập dân tộc như các nhà thơ cách mạng, họ tìm đến con đường thoát ly hiện thực như một giải pháp an toàn, nhưng không có nghĩa họ hoàn toàn toàn thờ ơ, quay lưng lại với dân tộc mình.

Đây đó trong một số bài Thơ mới, ta bắt gặp một thái độ phủ nhận đối với thực tại đen tối, một tâm sự đau buồn trước tình cảnh đất nước lầm than. Không một nhà thơ mới nào lên tiếng ủng hộ giai cấp thống trị, hoặc công nhận trật tự xã hội bấy giờ là tốt đẹp. Họ biết rõ ai là “mẹ thật”, ai là “mẹ ghẻ” của mình. Trong khi có một số tác phẩm của Tự lực văn đoàn còn ngợi ca trật tự xã hội đương thời, tô hồng lối sống tư sản thì các nhà thơ mới luôn quay lưng lại hiện thực đen tối. Họ thấy cuộc đời toàn những cảnh tù hãm đau xót:

“Đời cũng đìu hiu như dặm khách”

(Xuân Diệu)

“Quê hương ơi trăm năm như giấc điệp
Việc đổi thay không thể nói cho cùng
Có vùng vẫy cũng không qua số kiếp
Ta chỉ là phòng nhỏ của buồng chung

(Tế Hanh)

– “Mẹ ơi ! sao mẹ giống
Đất nước sinh ra con
Cùng một bầu khổ thống
Cũng bấy nhiêu đau buồn”

(Huy Cận)

Mượn lời con hổ “nhớ rừng”, Thế Lữ cũng nói lên tình trạng “sa cơ, nhục nhằn, tù hãm” mất tự do và khao khát tự do của cả dân tộc ta lúc bấy giờ.

Trong Thơ mới, ta cũng bắt gặp hình ảnh những con người mang lý tưởng đẹp đẽ. Ở người khách chinh phu trong “Tiếng gọi bên sông” của Thế Lữ, dù chưa có được cái “hùng tâm tráng chí” của người cách mạng nhưng đã dám “dấn bước truân chuyên khắp hải hồ”, ra đi vì “ghét lũ vô nhân giận nỗi đời”, từ chối mọi hạnh phúc riêng, kể cả tình yêu để kiếm tìm, thực hiện lý tưởng. Trong bài “Con voi già”, Huy Thông đã ca ngợi hình ảnh của Phan Bội Châu, của người chí sĩ cách mạng nói chung, tuy chiến bại mà vẫn uy nghi lẫm liệt…

Cũng có nhà thơ, trước tình cảnh lầm than của đất nước đã tìm về quá khứ vàng son với một lòng hoài niệm xót đau. Chế Lan Viên là một nhà thơ như thế. Nhà thơ mượn chuyện dân tộc Chiêm Thành để thổ lộ nỗi đau thầm kín của một người dân Việt Nam mất nước. Chiêm Thành với những đổ nát tan tành hôm nay cũng giống như đất nước Việt Nam đang chìm đắm trong lầm than nô lệ, trở về quá khứ rực rỡ huy hoàng của Chiêm Thành trong quá khứ cũng là khao khát của thi sĩ về độc lập, tự do cho đất nước.

Bởi vậy không phải ngẫu nhiên có lúc, nhà thơ cách mạng Tố Hữu đã ít nhiều gặp gỡ Thế Lữ, Huy Thông, Chế Lan Viên. Tố Hữu nói: “Trong tâm hồn của các anh lúc đó, tôi tìm thấy những nỗi băn khoăn đau buồn của những người cùng thế hệ, đòi hỏi tự do, ước mơ hạnh phúc, tuy các anh chưa tìm thấy lối ra và nhiều khi rơi vào chán nản”.

Nhưng phải nói rằng, tinh thần dân tộc ở các nhà Thơ mới thể hiện rõ nhất trong việc ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên đất nước, ca ngợi những giá trị văn hoá cổ truyền, và đặc biệt là tình yêu đối với tiếng Việt. Mỗi nhà thơ có thể tìm đến một khung cảnh gắn với những ký ức, những kỷ niệm riêng tư.

Đây là hình ảnh một làng sơn cước thuộc Hương Sơn – Hà Tĩnh, ở tả ngạn sông Thâm, bên núi Mồng Gà trong thơ Huy Cận:

“Tới ngã ba sông nước bốn bề
Nửa chiều gà lạ gáy trên đê”

Đây là hình ảnh đẹp và thơ của Vĩ Dạ trong thơ Hàn Mặc Tử:

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Đây là hình ảnh sông nước Quảng Ngãi trong thơ Tế Hanh:

“Làng tôi vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông
Khi trời trong, gió nhẹ sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá”

Và đây là hình ảnh mùa xuân ở Bình Định trong thơ Chế Lan Viên:

“Hàng dừa cao say sưa ôm bóng ngủ
Vài quả xanh khảm bạc hớ hênh phô
Xoan vườn cành khoèo mặt trời rực rỡ
Bên bóng râm lơi lả nhẹ nhàng đu…”

Đặc biệt có một hình ảnh xuất hiện rất nhiều trong Thơ mới, đó là hình ảnh làng quê Việt Nam, vùng Bắc Bộ. Trong thơ Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ… ta thấy hiện lên không gian sống rất thân thuộc với mỗi người, những thôn Đoài, thôn Đông, bến đò, gốc đa, quán chợ, cổng làng, mái nhà tranh, giậu mùng tơi, rặng hoa xoan, hàng hoa phượng…

Các nhà thơ mới cũng có xu hướng tìm về những giá trị văn hoá cổ truyền. Đoàn Văn Cừ miêu tả “Chợ Tết”, Vũ Đình Liên viết về “Ông đồ” bằng tất cả những gì yêu thương, trìu mến nhất cùng sự nuối tiếc về những giá trị văn hoá đang dần bị mai một theo thời gian… Tấm lòng đó của các nhà thơ mới thật đáng trân trọng !

Có một tình yêu vừa tha thiết, vừa đằm sâu, vừa đau đáu trong Thơ mới. Tình yêu đó vừa bộc lộ ở dạng thức cảm xúc vừa thể hiện ra bằng hành động cụ thể, đó là tình yêu đối với tiếng mẹ đẻ. Thời kỳ đó, tiếng Pháp mới là ngôn ngữ chính thống còn tiếng Việt bị khinh rẻ như một nàng hầu. Trong khi có những nhà văn chuyên viết văn bằng tiếng Pháp thì các nhà Thơ mới đã hết lòng yêu thương và bảo vệ tiếng Việt. Huy Cận có một bài thơ hay ca ngợi ngôn ngữ của dân tộc:

“Nằm trong tiếng nói yêu thương
Nằm trong tiếng Việt vấn vương một đời
Sơ sinh lòng mẹ đưa nôi
Hồn thiêng đất nước cũng ngồi bên con
Tháng ngày con mẹ lớn khôn
Yêu thơ, thơ kể lại hồn ông cha
Đời bao tâm sự thiết tha
Nói trong tiếng nói lòng ta thuở giờ…”

Nhưng phải nói, tình yêu tiếng Việt bộc lộ rõ nhất qua thực tiễn sáng tác. Nhiều nhà thơ không gọi thành tên thứ tình cảm đó nhưng trong sáng tác của họ, ta thấy họ miệt mài, chắt chiu, vun đắp, sáng tạo trong cách dùng từ, đặt câu góp phần làm phong phú kho từ vựng tiếng Việt và làm trong sáng, linh hoạt, hoàn thiện, uyển chuyển câu văn Việt, ngữ pháp Việt…

Trên đây là đặc điểm thứ nhất của cái tôi Thơ mới. Có nhiều nhà nghiên cứu không mấy để ý đến điều này, nhưng chúng tôi cho rằng đây là một đặc điểm quan trọng tạo nên ý nghĩa tích cực của tiếng nói cá nhân trong Thơ mới.

b. Một cái tôi buồn và cô đơn.

Trước hết, cần khẳng định rằng: Thơ mới lãng mạn vẫn có nhiều bài thơ yêu đời, yêu cuộc sống, ca ngợi nét đẹp của tình yêu trong sáng hồn nhiên tuổi học trò, những kỷ niệm tươi thắm của một thời e ấp như “Xuân đầu”, “Tặng thơ” (Xuân Diệu), “Đi giữa đường thơm” (Huy Cận), “Chùa Hương” (Nguyễn Nhược Pháp), “Tương tư” (Nguyễn Bính)… Nhưng dựa vào đây để nói rằng cái tôi Thơ mới yêu đời thì không thỏa đáng. Có thể nói, sắc nét hơn cả ở thơ lãng mạn vẫn là cái tôi buồn bã và cô đơn. Thơ mới từ khi ra đời đã “buồn từ trong bản chất”. Nỗi buồn này xuất phát từ nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Về nguyên nhân chủ quan: Nhiều nhà thơ mới phải trả qua cảnh ngộ éo le, cuộc đời nhiều chuyện đau buồn, thậm chí bất hạnh ngay từ “những ngày thơ ấu”. Xuân Diệu là con một bà vợ bé, phải sống với mẹ cả, chịu sự khinh miệt, bị đối xử lạnh lùng. Lưu Trọng Lư cũng là con một bà vợ bé, ngay từ nhỏ đã phải chứng kiến những giọt nước mắt buồn tủi của mẹ cho đến khi bà nhắm mắt. Huy Cận sinh ra trong một gia đình nhà nho phong kiến tàn tạ, có nhiều chuyện bất hòa, không vui. Tế Hanh là con một ông đồ từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, sau bị thực dân quản thúc. Hàn Mặc Tử mắc bệnh hiểm nghèo khi tuổi đời còn quá trẻ, tài năng đang ở độ chín… Tất cả những cái buồn trong cuộc đời thực đã biến thành những dòng lệ trong văn chương.

Về nguyên nhân khách quan (đây mới là nguyên nhân chủ yếu): Nỗi buồn riêng của họ lại bắt gặp một tiếng khóc dài trong văn học (nỗi buồn trong sáng tác của những bậc đàn anh). Cái đau buồn riêng đã gặp cái đau buồn của xã hội, cái tủi nhục mất nước. Thi sĩ lãng mạn vì không có sự gắn bó mật thiết với các phong trào đấu tranh lành mạnh chống thực dân phong kiến của nhân dân, của dân tộc, họ e sợ không dám tham gia vào cuộc đấu tranh đó nên tìm cách lẩn tránh bằng con đường thoát ly. Họ trốn vào vỏ bọc cá nhân tưởng là bình yên nhưng càng đào sâu vào cái tôi họ càng cảm giác buồn, bất an, bơ vơ, mất phương hướng. Hoài Thanh đã đúng khi nói về tình trạng cô đơn cùng cực của cái tôi Thơ mới: “Đời chúng ta nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ra đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh… Thực chưa bao giờ thơ Việt Nam buồn và nhất là xôn xao như thế. Cùng lòng tự tôn, ta mất luôn cả cái bình yên thuở trước” (“Thi nhân Việt Nam”)

Nỗi buồn của cái tôi Thơ mới thực ra có nhiều cung bậc biểu hiện đa dạng và phức tạp. Có cái buồn hắt hiu, cái buồn mưa gió, cái buồn “tràng giang”, cái buồn “điệp điệp”, cái buồn đứng, cái buồn ngồi, cái buồn tàn tạ, cái buồn đưa ma tiễn cảnh đời tàn vào cõi chết… Qua các chặng đường của Thơ mới, cái buồn như mỗi lúc một nhân lên. Ở thơ Thế Lữ thời kỳ đầu mới chỉ là cái buồn “xa vắng”, “mênh mông”, đến Lưu Trọng Lư và Xuân Diệu, cái buồn ấy đã trở nên thấm thía. Lưu Trọng Lư nghe thấy một tiếng gà trưa mà cảm thấy:

“Tiếng gà gáy buồn nghe như máu ứa,
Chết không gian khô héo cả hồn cao”

Còn Xuân Diệu, một con người yêu đời, say đời là thế mà cũng không tránh khỏi cảm giác buồn, đổ vỡ:

“Vàng son đang lộng lẫy buổi chiều xanh
Quay mặt lại cả lầu chiều đã vỡ”

Vũ Hoàng Chương thì nghe mưa rơi lá rụng mà thấy “đời hiu hiu xế tà”, thấy buồn suốt cả cuộc đời.

Nhưng phải nói cái buồn da diết ảo não nhất là trong thơ Huy Cận. Nó bàng bạc khắp không gian, kéo dài trong thời gian, đó là nỗi sầu nhân thế, nỗi sầu “vạn cổ” từ “Lửa thiêng” cho đến “Kinh cầu tự”…

Đi liền với nỗi buồn là sự cô đơn, nhưng cái cô đơn của cái tôi Thơ mới cũng thật đặc biệt. Nhà thơ xưa, chỉ có một mình uống rượu dưới trăng, đối diện với bóng của mình, cô đơn lẻ loi, đã đành. Nhà thơ mới sống giữa bao nhiêu người vẫn cảm thấy cô đơn:

“Trăng sáng, trăng xa, trăng lạnh quá
Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ”

Phải chăng cô đơn của nhà thơ xưa là cô đơn hướng ngoại, còn cô đơn của nhà thơ mới hướng nội sâu sắc, trở thành một đặc điểm thường trực khi họ không tìm được một điểm tựa vững chắc trong đời, nơi nào cũng thấy chông chênh, mong manh,dễ đổi thay, dễ đổ vỡ…

Nhà thơ mới luôn có tâm trạng “ngơ ngác y như lạc giữa đời”. Thế Lữ như “một kẻ bộ hành ngơ ngác” trên con đường vắng, Lưu Trọng Lư như “con nai vàng ngơ ngác trong rừng thu”, còn Xuân Diệu thì tự ví mình:

“Tôi là con nai bị chiều đánh lưới
Không biết đi đâu, đứng sầu bóng tối…”

Huy Cận thì thấy mình “lủi thủi”, “suốt cuộc đời như núi đứng riêng tây”. Vũ Hoàng Chương thì nhận thấy:

”Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ…”

Cảm nhận về sự cô đơn thấm thía nhất phải nói đến Xuân Diệu. Càng yêu đời, khao khát giao cảm gắn bó với đời khi chỉ nhận được sự lạnh lùng thì càng cảm thấy cô đơn. Mượn “Lời kỹ nữ”, ông diễn tả cảm giác cô đơn đó:

“Em sợ lắm, giá băng tràn mọi nẻo
Trời đầy trăng lạnh lẽo khắp xương da”

Vì buồn và cô đơn, cái tôi trong Thơ mới tìm cách thoát ly, trốn vào nhiều nẻo. Trở về quá khứ với hi vọng tìm lại ánh hào quang, huy hoàng rực rỡ là con đường mà nhiều nhà Thơ mới đã đi, điển hình là Huy Cận và Chế Lan Viên. Chế Lan Viên tìm lại quá khứ vàng son của nước Chiêm Thành nhưng quá khứ vàng son đối lập với hiện tại đổ vỡ, tan nát, càng làm cho hiện tại trở nên xám xịt, lầm than. Huy Cận cũng tìm về quá khứ xa xưa, nhưng trên con đường heo hút đó, không những không nguôi cảm giác buồn mà nhiều lúc nhà thơ thấy rợn ngợp trước cái xa vắng của thời gian, cái mênh mông vô cùng vô tận của không gian, cảm nhận mình chỉ là:

“Một chiếc linh hồn nhỏ
Mang mang thiên cổ sầu”

Tìm về quá khứ không trốn được cô đơn, nhà thơ mới tìm đến cuộc sống ở một thế giới khác. Từ trước khi Thơ mới xuất hiện, cái tôi lãng tử Tản Đà đã xuất hiện hồi đầu thế kỷ giữa văn đàn với bao giấc mơ tiên, muốn được lên “hầu trời”; “muốn làm thằng Cuội”… để thỏa mãn cái tôi phóng túng, chán cảnh trần gian mà hướng về thượng giới. Đến Thơ mới, ta bắt gặp một Thế Lữ say sưa với “tiếng sáo Thiên thai”, Chế Lan Viên với khao khát:

“Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh
Một vì sao trơ trọi cuối trời xa
Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh
Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo”

Và đến Hàn Mặc Tử, những tác phẩm càng về cuối đời càng thấy ngự trị bao trùm là một cõi – “ngoài cõi người”: cõi “Thượng thanh khí”, nơi có những “Cẩm châu duyên”, “Duyên kỳ ngộ”, “Quần tiên hội”… Ở thi sĩ bất hạnh này, cõi siêu hình mà ông vươn tới còn chứa đựng một niềm tin tôn giáo mãnh liệt với hình ảnh thánh nữ đồng trinh, đức mẹ Maria – điểm tựa tinh thần duy nhất của nhà thơ những năm tháng cuối đời.

Trong tất cả những con đường thoát ly hòng trốn tránh sự cô đơn, con đường phổ biến nhất mà nhiều nhà thơ mới đã trải qua là con đường tình yêu. Thơ tình yêu tràn ngập trên báo chí, trong sách vở đương thời. Nhà thơ mới nào cũng có khoảng mươi bài thơ về tình yêu, đến nỗi chính Xuân Diệu – ông hoàng của thơ tình mà đã phải thốt lên: “những giọng anh em đầy rẫy trong văn chương, không khí trĩu nặng những chàng những nàng, không khéo thở thì đến chết ngạt mất”.

Trong Thơ mới, gương mặt tình yêu cũng thật đa dạng, có đủ sắc độ bảy thứ tình: cái tình non, cái tình già, cái tình mới hé, cái tình nở hoa, cái tình thấp thoáng, cái tình mặn mà, cái tình chia li… Và tình yêu của cái tôi Thơ mới cũng trải qua khá nhiều chặng đường. Ban đầu, tình yêu vẫn còn đầy khoảng cách, dường như yêu mới chỉ là một khái niệm, một cảm xúc chỉ ở trong lòng, chưa thể, chưa dám bày tỏ.

Cho nên, trong thơ tình Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, yêu mà chỉ “kính nhi viễn chi”; đứng xa mà ngắm “cô em” , chiêm ngưỡng vẻ đẹp của người yêu như ngắm một nhan sắc, một cái đẹp nghệ thuật hơn là một người tình bằng xương bằng thịt. Đến Huy Cận, khoảng cách tình yêu được rút ngắn, đó là tình yêu ban đầu “trong như suối”, phảng phất chút “thần tiên” thơ mộng. Với anh, “em” chính là ánh sáng, là hương thơm, là niềm vui, là cả trời đất đầy ý nghĩa, cả khi “em đến” và khi:

“Em nói, anh nghe tiếng lẫn lời
Hồn em anh thở ở trong hơi
Nắng thơ dệt sáng trên tà áo
Lá nhỏ mừng vui phất cửa ngoài”

Trong thơ Nguyễn Bính, tình yêu cũng thật đẹp, thật duyên dáng. Đó là cái tình chất phác của một chàng trai chân quê, yêu say đắm mà cũng thật kín đáo, ý nhị, ngại tỏ bày nhưng nhiều lúc trách móc, giận hờn vu vơ, rồi nhiều khi khó nói, mượn cả những cỏ cây quê nhà mà gửi lời yêu thương trìu mến…

Đến Xuân Diệu, Thơ mới biết đến một tình yêu đúng nghĩa, nồng nàn, mãnh liệt:

”Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh
Anh nhớ em, anh nhớ lắm em ơi !

Và những khát khao gần gũi “vô biên và tuyệt đích”: “Hãy sát đôi đầu ! Hãy kề đôi ngực !

Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài !
Những cánh tay ! Hãy quấn riết đôi vai !
Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt
Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt
Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng”

Nhưng tình yêu cuồng nhiệt trong thơ Xuân Diệu cũng đi liền với cảm giác “xa cách”, yêu cuồng nhiệt mà không được thỏa vì yêu không đơn thuần là sự gần gũi thể xác mà là sự gặp gỡ tâm hồn, nên trong gặp gỡ đã thấy chia li, trong khát vọng đã vội dâng lên thất vọng. Và Xuân Diệu cảm nhận rõ ràng về cảm giác “Cho rất nhiều song nhận chả bao nhiêu”, vì:

“Lòng anh là một cơn mưa lũ
Đã gặp lòng em là lá khoai
Mưa biếc tha hồ rơi giọt ngọc
Lá xanh không ướt đến da ngoài…”

Cho nên mới nói trong tình yêu, Xuân Diệu vồ vập nhất, ham hố nhất mà cũng cô đơn thấm thía nhất. Hóa ra, đường tình đâu phải là con đường dễ đi, và càng không dễ với những ai có ý định trốn vào nó mà tìm sự bình yên !

Đến chặng đường cuối cùng, khi cái tôi Thơ mới rơi vào bế tắc, thì gương mặt tình yêu cũng biến dạng, méo mó khi Vũ Hoàng Chương tìm đến “Thơ say” mà ca ngợi tình yêu xác thịt:

“Hai xác thịt lẫn vào nhau mê mải
Chút ngây thơ còn lại cũng vừa chôn”

Rõ ràng là từ những câu chuyện tình yêu với những kết cục buồn của cái tôi Thơ mới đã đặt ra một vấn đề: Tình yêu đâu phải đơn thuần chỉ là chuyện cá nhân, chuyện của hai người. Đó còn là vấn đề mối liên hệ vững chắc giữa cá nhân đó với tập thể, với môi trường xung quanh. Tình yêu đó nếu chỉ vì mình hoặc cùng lắm vì người mình yêu mà quên đi bao người khác thì đôi tình nhân dù có quấn quýt, yêu thương nhau tha thiết (chứ chưa nói đến chuyện hờ hững như trong thơ Xuân Diệu), thì hình ảnh họ trong thơ vẫn cô đơn, tội nghiệp. Mất đi căn cốt lành mạnh là điểm tựa xã hội, tình yêu của cái tôi trong Thơ mới cuối cùng chỉ thu hẹp lại trong quan niệm “xác thịt” âu cũng là điều dễ hiểu.

Nói tóm lại, cái tôi trong Thơ mới dù trốn vào nhiều nẻo, nhưng ở đâu nó cũng buồn và cô đơn. Mặt tích cực của tâm trạng này là nó thể hiện chân thật, thấm thía thái độ thù địch, không chấp nhận đối với trật tự xã hội đương thời – xã hội thực dân nửa phong kiến, bóp nghẹt tự do, kìm hãm sự phát triển và ngăn cản con người tìm đến hạnh phúc. Nhưng mặt khác, tác động tiêu cực của cái buồn, sự cô đơn trong Thơ mới là nó dễ làm cho người ta say sưa trong cái buồn vơ vẩn, cô đơn, chán nản, làm mất nhuệ khí đấu tranh, ít nhiều hạn chế việc tham gia các phong trào cách mạng của một bộ phận thanh niên trí thức đương thời.

Vả lại, cái đáng nói hơn nữa là ở quan niệm và cách ứng xử của nhà thơ mới trước cái buồn, cái cô đơn. Nếu coi cô độc là một căn bệnh của cái tôi lãng mạn thì vấn đề là: liệu người ta có muốn thoát khỏi tình trạng đó không, có muốn chữa khỏi căn bệnh đó không mới là điều quan trọng. Khi Lưu Trọng Lư viết: “Hãy lịm người trong thú đau thương” và Xuân Diệu viết: “Rồi bị thương người ta giữ gươm đao/ Không muốn chữa, không chịu lành thú độc”, khi “đau thương” mà trở thành cái “thú”, cô đơn trở thành niềm kiêu hãnh không muốn chữa lành thì cái tôi trong Thơ mới kia, ngàn đời vẫn như ngọn Hy Mã Lạp Sơn cao vút, sẵn sàng gánh chịu nỗi giá rét ngàn đời, tự hào kiêu hãnh trong cảm giác được “Là Một. Là Riêng. Là Thứ nhất” .

II. Đặc trưng về nghệ thuật.

Thực ra, đặc trưng quan trọng nhất của Thơ mới thể hiện ở phương diện nội dung, ở cái tôi cá thể, còn nghệ thuật biểu hiện có phần mờ nhạt hơn. Tuy vậy, nói gì thì nói, tác phẩm văn học bao giờ cũng phải là sự hài hòa giữa nội dung và nghệ thuật, nội dung sẽ không được thể hiện ra nếu không có hình thức nghệ thuật tương ứng. Với quan niệm đó, chúng tôi xin điểm qua một số nét thuộc về hình thức mà chúng tôi tạm cho là đặc trưng nghệ thuật của Thơ mới.

a. Thể thơ:

Cuộc đấu tranh giữa Thơ mới và thơ cũ không chỉ ở cách nhìn, quan điểm thẩm mỹ mà còn ở thể thơ. Không kể đến những bài thơ chạy theo hình thức, Thơ mới hầu hết đều được viết khá tự do. Tự do hiểu theo nghĩa là không bị ràng buộc khắt khe về niêm, luật như thơ cũ, nhà thơ mới có thể linh hoạt hơn trong cách gieo vần, hiệp vần, sử dụng thanh điệu, thay đổi nhịp… trong những bài thơ được viết theo thể thất ngôn, ngũ ngôn quen thuộc. Điều này khiến cho Thơ mới uyển chuyển, linh hoạt, mềm mại, dễ tiếp nhận hơn thơ cũ.

b. Tính nhạc trong thơ:

Ngôn ngữ tiếng Việt vốn đã giàu nhạc điệu, ngôn ngữ đó đi vào Thơ mới một lần nữa được gia tăng chất nhạc nhờ có sự sắp xếp, tổ chức ngôn từ, thanh điệu rất tài hoa. Nếu như trong thơ cũ, yêu cầu về sự phối kết các thanh điệu (bằng – trắc) rất nghiêm ngặt (nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh), thì Thơ mới sử dụng thanh điệu khá thoải mái, có câu hầu như thanh trắc, có câu toàn thanh bằng… Và thanh điệu trở thành một yếu tố hình thức mang tính nội dung rất rõ rệt, thanh điệu, nhạc điệu của câu thơ góp phần biểu đạt ý nghĩa tả thực và sắc thái cảm xúc của câu thơ, bài thơ.

Thơ mới là thơ buồn, dễ hiểu vì đó mà thanh bằng thường được sử dụng nhiều hơn thanh trắc để kiến trúc thơ. Chẳng hạn Bích Khê dùng thanh bằng tạo âm hưởng nhẹ nhàng, man mác cho câu thơ, gợi không gian mùa thu vàng mênh mang và gợi nỗi buồn xa vắng:

“Ô hay ! Buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi ! Vàng rơi ! Thu mênh mông”

Hay trong thơ Hàn Mặc Tử, thanh bằng gợi tả khung cảnh đẹp đẽ, nên thơ, huyền ảo của đêm trăng và sự rung động nhẹ nhàng, bâng khuâng trong lòng thi sĩ:

“Tơ trăng buông rèm trên muôn cành
Tơ trăng vàng rung như âm thanh”

Hoặc trong thơ Xuân Diệu, thanh bằng gợi một không gian vấn vương, với những hình ảnh quấn quýt, nương tựa nhau khiến cho lòng người cũng vấn vương nhung nhớ:

“Sương nương theo trăng ngừng lưng trời
Tương tư nâng lòng lên chơi vơi …”

c. Ngôn từ trong thơ và cấu trúc câu thơ:

Thơ mới đã đem đến một khả năng kết hợp từ rất mới và nhiều khi rất táo bạo. Điều này đem đến cho cấu trúc câu thơ mới một diện mạo mới, giúp cho khả năng biểu đạt nội dung tinh tế hơn, phong phú hơn. Có những từ trong thực tế tưởng như không thể đi liền với nhau, nhưng đứng vào trong câu thơ lại khá xứng đôi:

– “Huy hoàng trăng rộng, nguy nga gió”

– “Long lanh tiếng sỏi vang vang hận”

Có rất nhiều hình dung ngữ mới xuất hiện, làm giàu thêm cho vốn ngôn ngữ dân tộc:

– “Còn đâu những giờ nhung lụa”
– “Nắng nhỏ bâng khuâng chiều lỡ thì”
– “Một chiều ong vàng đẹp sắc năm mây”…

Đặc biệt, kiểu cấu trúc câu thơ Pháp đã ảnh hưởng đến Thơ mới Việt Nam, tuy chưa
thật sự nhuần nhị nhưng được ghi nhận là bước đầu phá cách, đổi mới:

– “Hơn một loài hoa đã rụng cành”
– “Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ”…

d. Biện pháp tu từ:

Ngoài những biện pháp tu từ quen thuộc trong văn học dân tộc như so sánh, nhân hóa… Thơ mới sử dụng phổ biến nghệ thuật đối lập và ẩn dụ chuyển đổi cảm giác.

Đối lập là một nghệ thuật đặc thù của văn học lãng mạn, bởi vì cũng giống như văn học lãng mạn Pháp, đối lập xét trên bình diện rộng là tâm thế của nghệ sĩ lãng mạn trước thực tại xã hội. Họ luôn đối lập mình với thực tế đen tối, tù túng, muốn thoát ra khỏi hiện thực đó. Sự đối lập này biểu hiện trong thế giới nghệ thuật của tác phẩm trên những khía cạnh cụ thể. Đó có thể là sự đối lập của những tâm trạng, cảm xúc: sung sướng – vội vàng, khát khao gần gũi – thực tế cô đơn trong sáng tác của Xuân Diệu.

Điển hình nhất trong Thơ mới có lẽ là đối lập giữa quá khứ và hiện tại. Đối lập này được khai thác trong nhiều tác phẩm của nhiều nhà thơ mới như Thế Lữ, Phạm Huy Thông, Vũ Đình Liên, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Huy Cận… Điều này có thể lý giải ở cơ sở sâu xa chính là sự ý thức về tồn tại của cái tôi cá nhân cá thể ở quan niệm động, mới mẻ về thời gian, ở nỗi đau xót trước hiện thực ngột ngạt đen tối muốn tìm lại thời vàng son đã mất… Như vậy, sự đối lập của các cặp phạm trù đã nói lên một cách chân thật tình yêu đối với cuộc sống của các nhà thơ mới.

Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác cũng là một biện pháp nghệ thuật quen thuộc trong Thơ mới. Đây là một nét đặc trưng của văn học lãng mạn Việt Nam, ảnh hưởng từ trường phái thơ tượng trưng của Pháp, với quan niệm về thuyết tương giao: ánh sáng – hương thơm – màu sắc tương giao với nhau, vì thế có thể dùng từ chỉ giác quan này để chỉ giác quan khác. Điều này đòi hỏi sự cảm nhận tinh tế của mọi giác quan cũng như cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ. Đây đúng là lĩnh vực để cái tôi cá nhân phát huy vai trò bản thể của mình.

Ví dụ:

– “Đã nghe rét mướt luồn trong gió”

– “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”…

Nhờ đó, những hình ảnh quen thuộc người ta vẫn bắt gặp hàng ngày tưởng như đã nhàm chán nay trở nên vô cùng mới lạ và hấp dẫn.

e. Hệ thống thi ảnh.

Hệ thống thi ảnh được hiểu là hệ thống những hình ảnh được miêu tả trong thơ. Thơ mới lãng mạn phát huy cao độ vai trò tưởng tượng của người nghệ sĩ, vì thế đã sáng tạo ra được một hệ thống thi ảnh vừa phong phú vừa mới mẻ, độc đáo. Mỗi bài thơ tạo ra được một hệ thống thi ảnh, mỗi nhà thơ cũng tạo ra một thế giới thi ảnh riêng, in đậm dấu ấn của phong cách cá nhân, góp phần thể hiện tâm trạng và những quan niệm riêng về cuộc đời.

Trong thơ Chế Lan Viên, ta hay bắt gặp hình ảnh đổ nát của tháp Chàm với những đầu lâu, xương sọ… Những hình ảnh đó thể hiện nỗi buồn chán, tuyệt vọng của Chế Lan Viên khi hiện tại chỉ còn là một đống hoang tàn của quá khứ và tương lai thì mịt mờ, vô định…

Trong thơ Nguyễn Bính, ta bắt gặp cả một thế giới hình ảnh của làng quê Việt Nam, từ cảnh vật cho đến con người đều mang nét hồn nhiên chất phác, mộc mạc, đáng yêu, hệ thống thi ảnh đó chở theo khát vọng về một cuộc sống bình dị gắn với những giá trị truyền thống của nhà thơ “chân quê”.

Trong thơ Xuân Diệu, hiện lên cả một thế giới những hình ảnh đầy màu sắc, đẫm xuân tình, với sự sinh động và sức sống chứa chan (của mùa xuân) bên cạnh những hình ảnh báo hiệu sự tàn phá, phôi phai (của mùa thu). Tất cả được gợi lên từ những đối lập của cùng một cái tôi yêu đời thiết tha, cuồng nhiệt Xuân Diệu.

Còn trong thơ Hàn Mặc Tử, rõ ràng có sự đan xen phức tạp của hai hệ thống thi ảnh: vừa trong sáng, hồn nhiên, thuần khiết vừa kì dị, ma quái, rùng rợn. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến hiện tượng đó là do tình trạng bệnh tật của nhà thơ và quan niệm thẩm mỹ riêng về quá trình sáng tạo nghệ thuật. Qua hệ thống thi ảnh trong thơ Hàn Mặc Tử, ta hình dung ra một con người vừa ngoan cường, âm thầm bền bỉ vượt lên trên bệnh tật để sáng tác, vừa không tránh khỏi có lúc bị chế ngự bởi hoàn cảnh. Chính hệ thống thi ảnh là một tín hiệu nói cho ta về tâm trạng đau khổ bi kịch và về một tình yêu đời mãnh liệt, đầy uẩn khúc của Hàn Mặc Tử.

Những đóng góp của phong trào Thơ mới về mặt thi pháp đối với sự phát triển của nền thi ca dân tộc

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.