Dàn bài: Cảm nhận vẻ đẹp hình tượng sóng trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh

dan-bai-cam-nhan-ve-dep-hinh-tuong-song-trong-bai-tho-song-cua-xuan-quynh

Dàn bài: Cảm nhận vẻ đẹp hình tượng sóng trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh

Dàn bài:

  • Mở bài:

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
– Giới thiệu vấn đề nghị luận.

  • Thân bài:

– Giới thiệu hình tượng sóng: là một sáng tạo độc đáo của Xuân Quỳnh. Sóng là sự ẩn thân, hóa thân của nhân vật trữ tình “em”. Qua hình tượng sóng, Xuân Quỳnh diễn tả cụ thể, sinh động những trạng thái, cung bậc tình cảm, tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu: nhân hậu, khao khát yêu thương và luôn hướng tới một tình yêu cao thượng, lớn lao.

– Vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu:

+ Cởi mở, chân thành.

  • Cởi mở để bộc bạch, giới thiệu về tâm hồn mình rất chân tình với những trạng thái, cảm xúc phong phú và đối nghịch. Cởi mở và chân tình để thú nhận em đến với anh như sông về với biển.
  • Bộc lộ suy tư, trăn trở của mình về cội nguồn tình yêu, về nỗi nhớ thương, khát vọng. Dường như “em” không muốn che dấu một điều gì cả. Em nữ tính nhưng cũng rất táo bạo, hiện đại nhưng vẫn rất cổ điển.

+ Táo bạo, mãnh liệt:

  • Thể hiện qua cách tìm đến tình yêu: “Sông không hiểu nổi mình, sóng tìm ra tận bể”.
  • Sự mãnh liệt, táo bạo còn được thể hiện qua nỗi nhớ thương.
  • Anh là nỗi nhớ duy nhất và là nỗi nhớ suốt cuộc đời kể cả trong cõi thực hay cõi mơ, kể cả trong tiềm thức lẫn vô thức, bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào; ở phương Bắc hay Nam, ngày hay đêm thì Anh là phương duy nhất em hướng về.

+ Thuỷ chung: Em luôn hướng về anh, nghĩ về anh, luôn nhớ về anh và muốn hoà tan trong tình yêu rộng lớn của anh: “Nơi nào em cũng nghĩ, hướng về anh một phương”

+ Khát vọng tình yêu vĩnh hằng: “Làm sao được tan ra, thành trăm con sóng nhỏ…”.

– Đặc sắc nghệ thuật: thể thơ năm chữ với nhịp điệu linh hoạt, nhịp nhàng gợi âm vang của sóng; ngôn từ trong sáng, giản dị, hình ảnh thơ giàu sức gợi tả, các biện pháp tu từ: ẩn dụ, điệp…

– Đánh giá: Bài thơ đã thể hiện nổi bật vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu: cởi mở và chân thành; táo bạo và nồng nàn, mãnh liệt; thủy chung và luôn có khát vọng về một tình yêu vĩnh hằng, bất tử. Nó vừa mang nét đẹp tình yêu của người phụ nữ Việt Nam truyền thống, vừa có nét táo bạo, chủ động đến với tình yêu của người phụ nữ Việt Nam hiện đại.

  • Kết bài:

– Khẳng định lại vấn đề.


Tham khảo:

  • Mở bài:

Khái quát trước khi phân tích: Sóng là hình tượng trung tâm của bài thơ và là một hình tượng ẩn dụ. Cùng với hình tượng em (hai hình tượng này song hành suốt tác phẩm), sóng thể hiện những trạng thái, quy luật riêng của tình yêu cùng vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ rất truyền thống mà rất hiện đại.

  • Thân bài:

Sóng có nhiều đối cực như tình yêu có nhiều cung bậc, trạng thái và như tâm hồn người phụ nữ có những mặt mâu thuẫn mà thống nhất. Hai câu đầu với kết cấu đối lập – song hành và với việc đặt các từ dịu êm, lặng lẽ ở cuối câu tạo điểm nhấn:

“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ”

Hành trình của sóng tìm tới biển khơi như hành trình của tình yêu hướng về cái vô biên, tuyệt đích, như tâm hồn người phụ nữ không chịu chấp nhận sự chật hẹp, tù túng:

“Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”.

Khi đối diện với biển khơi bao la, người phụ nữ sẵn sàng cho một hành trình tìm kiếm, lòng bề bộn với bao suy nghĩ, tuy âu lo nhưng rất tin tưởng. Điệp từ “nghĩ” và sự xuất hiện của nhiều câu hỏi đã thể hiện tâm trạng ấy:

“Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?”

Điểm khởi đầu bí ẩn của sóng giống điểm khởi đầu và sự mầu nhiệm, khó nắm bắt của tình yêu:

Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau?

Nỗi nhớ trong tình yêu âm thầm mà mãnh liệt, gần như chiếm lĩnh hết cả ý thức lẫn tiềm thức:

Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”

Sóng luôn vận động như tình yêu gắn liền với những khát khao, trăn trở không yên, như người phụ nữ khi yêu luôn da diết nhớ nhung, cồn cào ước vọng về một tình yêu vững bền, chung thủy:

Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương

Ở ngoài kia đại dương
Trăm nghìn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở

Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa”

Lối sử dụng điệp từ, điệp ngữ, điệp cú pháp; với hiệu quả của hình thức đối lập trên – dưới, thức – ngủ, bắc – nam, xuôi – ngược…; với kiểu giãi bày tình cảm bộc trực như “Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức…”

Sóng là hiện tượng thiên nhiên vĩnh cửu như tình yêu là khát vọng muôn đời của con người, trước hết là người phụ nữ (nhân vật trữ tình) muốn dâng hiến cả cuộc đời cho một tình yêu đích thực. Với ý nghĩ và cách nói rất táo bạo của một người con gái hiện đại:

“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”.

Bài thơ thể hiện vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu qua hình tượng sóng. Trước hết, hình tượng sóng cho ta thấy được những nét đẹp truyền thống của người phụ nữ trong tình yêu: thật đằm thắm, dịu dàng, thật hồn hậu dễ thương, thật chung thủy.

Hình tượng sóng cũng thể hiện được nét đẹp hiện đại của người phụ nữ trong tình yêu: táo bạo, mãnh liệt, dám vượt qua mọi trở ngại để giữ gìn hạnh phúc, dù có phấp phỏng trước cái vô tận của thời gian, nhưng vẫn vững tin vào sức mạnh của tình yêu.

  • Kết bài:

Sóng là bài thơ tình thuộc loại hay nhất của Xuân Quỳnh nói riêng và thơ Việt Nam hiện đại nói chung. Riêng việc sử dụng hình tượng sóng làm ẩn dụ thì không mới, nhưng những tâm sự về tình yêu cùng cách khai thác sức chứa của ẩn dụ này lại có những nét thực sự mới mẻ. Xuân Quỳnh quả đã tìm được một hình tượng thơ đẹp để giãi bày tình yêu dịu dàng mà mãnh liệt, gần gũi, riêng tư mà rộng mở, phóng khoáng của người phụ nữ.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.