Dàn bài nghị luận “Hãy cố gắng thắp lên ngọn lửa…”

dan-bai-nghi-luan-hay-co-gang-thap-len-ngon-lua

Suy nghĩ của anh (chị) về ý nghĩa câu nói “Hãy cố gắng thắp lên một ngọn nến còn hơn cứ ngồi nguyền rủa bóng tối”.

I. Mở bài:

– Khi cuộc đời cho bạn cả trăm lý do để khóc, hãy cho đời thấy bạn có cả ngàn lý do để cười. Hạnh phúc không phải là không gặp phải rắc rối, mà là khả năng đối phó chúng. Đừng mong cuộc sống không có một khó khăn nào mà hãy mong rằng bạn luôn có cách để vượt qua chúng. Bàn về điều này, kho tàng danh ngôn thế giới có câu: “Hãy cố gắng thắp lên một ngọn nến còn hơn cứ ngồi nguyền rủa bóng tối”.

II. Thân bài:

1. Giải thích:

– “Bóng tối”: là khó khăn, thất bại, nghịch cảnh.

– “Ngọn nến”: là biểu tượng cho ánh sáng, hi vọng. Trong bóng tối con người ta rất cần ánh sáng và dù chỉ là một ngọn nến thôi cũng có thể soi đường cho ta thoát ra khỏi bóng tối.

– “Thắp lên ngọn nến”: lối sống tích cực, có niềm tin, nghị lực vượt qua nghịch cảnh, không chấp nhận bóng tối, không đầu hàng cái xấu, cái ác.

– “Nguyền rủa bóng tối”: tinh thần bi quan, lối sống tiêu cực, vô nghĩa, nhàm chán, dễ bị nghịch cảnh đánh gục.

Câu danh ngôn đã nêu lên bài học về thái độ sống, là lời khuyên mỗi chúng ta phải sống tích cực, dám đương đầu và vượt qua khó khăn thử thách, không thụ động than vãn, thở dài, đòi hỏi mà không tự chủ động cải thiện cuộc sống.

2. Bàn luận:

– Trong cuộc sống con người phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, trở ngại, nếu mỗi lần như thế đều bị đánh gục hay đắm chìm trong khó khăn thì không thể trưởng thành và thành công được. Cũng như khi bị lạc trong bóng tối, nếu ta buông xuôi thì không bao giờ nhìn thấy được ánh sáng.

– Khi có thái độ sống tích cực, có lẽ sống cao đẹp, ta sẽ sống yêu đời, nhiệt tình, hăng hái. Khi đối diện và vượt qua khó khăn, ta sẽ dày dạn và bản lĩnh hơn, năng lực và phẩm chất cũng được trau dồi, nâng cao để đứng vững và thành công trong cuộc sống à lối sống tích cực trở thành thước đo phẩm chất và năng lực con người.

Dẫn chứng:

+ Mạc Đĩnh Chi sinh ra trong một gia đình nghèo khó, từ nhỏ đã mồ côi cha. Hoàn cảnh khó khăn khiến Mạc Dĩnh Chi không có điều kiện theo thầy học tập. Thay vì buông bỏ, hằng ngày, ông đứng ở ngoài cửa lén nghe thầy dạy. Về nhà, ông chăm chỉ luyện viết lại những chữ đã học được. Ông học tập không biết mệt mỏi. Cuối cùng không những đỗ trạng nguyên mà còn lập nhiều công trạng to lớn, vinh danh đất nước.

+ Dưới chế độ cai trị hà khắc của thực dân Pháp, nhân dân Việt Nam đã chịu không biết bao nhiêu đau khổ. Chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc với tấm lòng yêu nước nồng nàn thay vì chấp nhận kiếp dời nô lệ, đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước. Ngọn lửa yêu nước, yêu tự do đã soi sáng con đường Bác đi. Cuối cùng, bằng ý chí và nghị lực phi thường, Người lãnh đạo nhân dân giải phóng đất nước, giành lấy độc lập và tự do.

– Có thể thấy, Mạc Đĩnh Chi và Bác Hồ không chỉ tự thoát ra bóng tối của mình mà còn mang ánh sáng đến cho những người khác. Đó là lối sống tích cực đáng được trân trọng và ngợi ca.

– Sự vươn lên không ngừng của từng cá nhân sẽ là nền tảng và động lực cho sự đi lên của cả tập thể. Nếu mỗi người đều không chấp nhận cái xấu, cái ác hay run sợ trước khó khăn thì xã hội sẽ ngày càng phát triển, văn minh và tiến bộ.

3. Mở rộng:

– Sống có lí tưởng và vượt lên hoàn cảnh không đồng nghĩa với lối suy nghĩ và hành động hão huyền. Sự huyễn hoặc về khả năng của bản thân sẽ làm cho con người bị nhấn chìm sâu hơn vào trong thất bại.

– Nhiều ngọn nến cháy góp lại sẽ làm bùng lên một ngọn lửa lớn để đẩy lùi bóng tối. Nếu tất cả chúng ta đều giữ cho mình niềm tin vào cuộc sống, thái độ sống tích cực và lương thiện thì xã hội sẽ ngày càng văn minh và tốt đẹp hơn.

4. Phê phán:

– Những kẻ sống không có mục đích hay chỉ đơn thuần sống vì những mục đích tầm thường, nhỏ nhoi và vị kỉ.

– Những kẻ dễ dàng bị “bóng tối” khuất phục, không chủ động thoát khỏi nghịch cảnh. Họ dễ dàng buông xuôi, mệt mỏi dẫn đến thất bại và mất đi sự tôn trọng và đề cao của mọi người.

5. Bài học nhận thức và hành động:

– Mỗi chúng ta hãy xác định cho mình một lối sống tích cực, không để khó khăn khuất phục và luôn có ý chí vươn lên trong cuộc sống.

– Đối diện với thất bại, ta hãy bình tĩnh tìm ra khuyết điểm để sửa chữa và trên hết là giữ vững niềm tin để có thể khuất phục khó khăn, trưởng thành và thành công hơn.

III. Kết bài:

– Câu danh ngôn là bài học về thái độ sống vô cùng đúng đắn với mọi thời đại và với mỗi con người, nhất là những con người trẻ tuổi chưa có nhiều kinh nghiệm trên đường đời.

– Mỗi học sinh chúng ta ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường hãy thấm thía và xem đó như một lời khuyên quý báu để có thể vững bước và thành công trong cuộc sống.


Tham khảo:

“Hãy cố gắng thắp lên một ngọn nến còn hơn cứ ngồi nguyền rủa bóng tối”.

  • Mở bài:

Khi chúng ta mong ước cuộc đời không nghịch cảnh, hãy nhớ rằng cây sồi trở nên mạnh mẽ trong gió ngược, và kim cương hình thành dưới áp lực. Bởi thế, có người khuyên rằng, khi bạn rơi vào nghịch cảnh “hãy cố gắng thắp lên một ngọn nến còn hơn cứ ngồi nguyền rủa bóng tối”.

  • Thân bài:

Thông qua cách diễn đạt bóng bẩy, câu châm ngôn nêu lên một gợi ý hay là sự đòi hỏi về một thái độ sống đầy tinh thần trách nhiệm của từng cá nhân. Ở đây có sự đối lập giữa hai hình ảnh: ngọn nến và bóng đêm; giữa hai lối ứng xử: thắp và nguyền rủa.

Cuộc sống không phải bao giờ cũng được như ta mơ ước. Không gian, môi trường tồn tại của ta thường vẫn tồn tại nhiều điều không như ý khiến ta phải phiền lòng hay buồn bực, khó chịu. Chuyện này có từ muôn xưa và có lẽ không bao giờ chấm dứt.

Nguyền rủa bóng đêm, trút giận dữ bằng lời nói vào môi trường sống tệ hại là phản ứng bình thường, quen thuộc của bất cứ ai chưa hay không chịu thoả hiệp với cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, trì trệ. Phản ứng đó, thái độ đó cần được cảm thông, bỏi nó không phải không chứa đựng những yếu tố tích cực. Tuy nhiên, nếu tất cả chỉ dừng lại ở đây thì không khéo ta chỉ làm cho môi trường bị ô nhiễm trầm trọng thêm, do ít nhất nó phải gánh thêm những lời không tốt đẹp (dù những lời đó hướng vào đối tượng nào đi nữa).

Nguyền rủa suông không làm thay đổi được hoàn cảnh. Rốt cục, nó chỉ chứng tỏ sự bất lực của người nguyền rủa, xét theo quan điểm phát triển. Rõ ràng, đây chưa thể, chưa phải là một sự lựa chọn tối ưu. Người thực sự có bản lĩnh là người biết thực thi những hành động cụ thể để làm thay đổi hoàn cảnh, cải biến nó từng bước một cho tới khi đạt được kết quả cuối cùng.

Tất cả giống như việc thắp một ngọn nến. Một ngọn nến chưa xua được bóng đêm nhưng mỗi người thắp một ngọn nến thì không gian bóng đêm sẽ bị thu hẹp cho đến khi biến mất. Như vậy, mỗi người, ai cũng cố gắng làm một điều gì đó tốt đẹp thì thành tựu đạt được sẽ trở nên lớn lao. Câu châm ngôn không chỉ có ý nghĩa khích lệ những hành động tích cực ở từng cá nhân mà còn ngầm ẩn một lời kêu gọi họp quần, nghĩa là kêu gọi sự chung sức, chung lòng.

  • Kết bài:

Cuộc sống xung quanh ta còn nhiều điều tiêu cực. Mọi người, ai cũng thế, trên cương vị và trong phạm vi của mình, tuỳ theo khả năng của bản thân, hoàn toàn có thể làm được những điều tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa.

Nghị luận “Hãy cố gắng thắp lên ngọn lửa nhỏ còn hơn chỉ ngồi nguyền rủa bóng tối”

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.