Dàn bài: Phân tích 10 câu thơ đầu trong bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm

dan-bai-phan-tich-10-cau-tho-dau-trong-bai-tho-ben-kia-song-duong-cua-hoang-cam

Dàn bài: Phân tích 10 câu thơ đầu trong bài thơ “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm

“Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay”

(Bên kia sông Đuống – Hoàng Cầm, Ngữ văn 12 Nâng cao, Tập Một, NXB Giáo dục 2014, tr.71)


Gợi ý làm bài:

1. Bức tranh toàn cảnh sông Đuống:

– Toàn cảnh sông Đuống như hiện lên trước mắt với một không gian thoáng đạt, ngút ngàn. Có hình ảnh dòng sông, cát trắng, bãi mía, bờ dâu…bao phủ một màu xanh dịu nhẹ, sáng tươi: màu biếc của ngô khoai, màu xanh của bờ dâu, ánh sáng lấp lánh của dòng sông trôi, của cát trắng phẳng lì.

– Hình dung trước mắt là một miền quê thanh bình, trù phú với những cảnh vật thân thuộc, bình dị nhưng rất đỗi thơ mộng, trữ tình. Sông Đuống nằm nghiêng nghiêng trong suốt những năm kháng chiến như một sinh thể có hồn, vừa duyên dáng nhưng cũng đầy ưu tư, chất chứa bao tâm trạng.

– Những biện pháp nghệ thuật đặc sắc:

+ Đoạn thơ sử dụng khá nhiều những biện pháp nghệ thuật, thí sinh cần nêu được hai trong số các biện pháp nghệ thuật đặc sắc sau đây:

+ Hệ thống từ láy: Lấp lánh, nghiêng nghiêng, xanh xanh, biêng biếc, xót xa, kết hợp với nghệ thuật nhân hóa: sông Đuống như con người “nằm nghiêng nghiêng”.

+ Câu hỏi tu từ sao tiếc nuối, sao xót xa kết hợp với nghệ thuật chuyển đổi cảm giác: xót xa như rụng bàn tay. Nỗi đau trong tâm can khi biết tin quê hương bị giặc chiếm đóng đã cụ thể hóa và chuyển thành nỗi đau thể xác, khiến nhà thơ xót xa, nhức nhối như rụng rời, mất đi một phần cơ thể.

2. Tâm trạng, cảm xúc của nhà thơ:

– Với nỗi buồn chất chứa khi nghe tin quê hương bị giặc chiếm đóng, nhà thơ khao khát được giãi bày, sẻ chia, đồng cảm. Hình tượng em người con gái Kinh Bắc trong tưởng tượng đã hiện lên như cùng nhà thơ ngược dòng thời gian về với kí ức để sống lại ngày xưa bên kia sông Đuống một thuở yên bình.

– Tiếng lòng náo nức, bồi hồi của chính nhà thơ khi sống lại với những kỉ niệm đã lắng sâu trong kí ức về một quê hương thanh bình, trù phú và thơ mộng. Từ đó, thể hiện niềm yêu thương nhung nhớ, tự hào của nhà thơ về vẻ đẹp của quê hương mình.

– Cùng với nỗi nhớ là cảm giác nuối tiếc đến nghẹn ngào, da diết khi trở lại với hiện thực đau thương “ Đứng bên này sông sao nhớ tiếc”. Cảm giác “ bên này” thật gần mà không thể làm gì được, cảnh vật trìu mến,thân thương của làng quê đã rơi vào tay giặc.

– Nỗi đau đớn, xót xa như dâng lên, cắt cứa vào da thịt. Nỗi đau mất quê cứ nhức nhối, quặn thắt trong trái tim khiến nhà thơ như cảm thấy mất đi một phần máu thịt. “ Sao xót xa như rụng bàn tay”.

3 Trackbacks / Pingbacks

  1. Cảm nhận hình ảnh quê hương Kinh Bắc qua bài thơ "Bên kia sông Đuống" của Hoàng Cầm - Theki.vn
  2. Phân tích 7 câu cuối bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm - Theki.vn
  3.  Cảm nhận bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.