Dàn bài phân tích bài thơ “BÀI CA NGẤT NGƯỞNG” (Nguyễn Công Trứ).

dan-bai-phan-tich-bai-tho-bai-ca-ngat-nguong-nguyen-cong-tru

Dàn bài phân tích bài thơ “BÀI CA NGẤT NGƯỞNG” (Nguyễn Công Trứ).

  • Mở bài:

– Nguyễn Công Trứ là nhà nho tài tử, cuộc đời phong phú đầy thăng trầm, sống bản lĩnh, phóng khoáng và tự tin, có nhiều đóng góp cho dân, cho nước. Ông là người góp phần quan trọng vào việc phát triển thể hát nói trong văn học Việt Nam.

Bài ca ngất ngưỡng” được viết trong thời kì cáo quan về hưu. Ở ngoài vòng quan trường và những ràng buộc của lễ giáo phận sự, có thể bộc lộ hết tâm tư phóng khoáng của bản thân đồng thời là cái nhìn mang tính tổng kết về cuộc đời phong phú. Bài thơ là một trong số những bài hát nói tiêu biểu thể hiện tài năng, chí khí và ý thức cá nhân của Nguyễn Công Trứ.

  • Thân bài:

1. Quan điểm sống ngất ngưởng trên con đường công danh, sự nghiệp (6 câu đầu):

“Vũ trụ nội mạc phi phận sự
Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng
Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng
Lúc bình Tây, cờ đại tướng
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên”

“Vũ trụ nội mạc phi phận sự”: thái độ tự tin khẳng định mọi việc trong trời đất đều là phận sự của tác giả  → Tuyên ngôn về chí làm trai của nhà thơ.

“… đã vào lồng”: coi nhập thế là việc làm trói buộc nhưng đó cũng là điều kiện để bộc lộ tài năng

– Nêu những việc mình đã làm ở chốn quan trường và tài năng của mình:

” Ngất ngưởng” khi làm quan: Tài năng và danh vị xã hội

+ Tài năng: giỏi văn chương (khi thủ khoa), tài dùng binh (thao lược) → Tài năng lỗi lạc xuất chúng: văn võ song toàn.

+ Khoe danh vị, xã hội hơn người: Tham tán, Tổng đốc, Đại tướng (bình định Trấn Tây), Phủ doãn Thừa Thiên → Tự hào mình là một người tài năng lỗi lạc, danh vị vẻ vang văn vẻ toàn tài.

– Ông ngất ngưởng khi làm quan: là người thẳng thắn, liêm khiết, có tài năng và lập được nhiều công trạng nhưng ông nhưng ông cũng phải chấp nhận cuộc đời làm quan không mấy thuận lợi.

→ Sáu câu thơ đầu là lời từ thuật của nhà thơ lúc làm quan, khẳng định tài năng và lí tưởng phóng khoáng khác đời ngạo nghễ của một người có khả năng xuất chúng. Tự khẳng định mình là người có tài gò bó, mất tự do nhưng Nguyễn Công Trứ vẫn ra làm quan vì đó là phương tiện thực hiện hoài bão vì dân, vì nước.

2. Quan điểm sống ngất ngưởng trong lối sống, suy nghĩ khi về hưu (10 câu tiếp):

“Đô môn giải tổ chi niên
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng
Kìa núi nọ phau phau mây trắng
Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng
Được mất dương dương người tái thượng
Khen chê phơi phới ngọn đông phong
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng
Không Phật, không tiên, không vướng tục”.

“Ngất ngưởng” khi cáo quan về hưu: Phong cách sống khác đời, khác người.

+ Cách sống theo ý chí và sở thích cá nhân: Hành động cưỡi bò vàng – đeo đạc; chơi chùa – đủng đỉnh đôi dì; uống rượu hát ca; không quan tâm đến phú quý, bần hàn, được mất, bỏ ngoài tai mọi lời khen chê. Bậc tài tử phong lưu không ngần ngại khẳng định cá tính của mình → Sở thích kì lạ, khác thường, thậm chí có phần bất cần và ngất ngưởng.

+ Bụt cũng nực cười: thể hiện hành động của tác giả là những hành động khác thường, ngược đời, đối nghịch với quan điểm của các nhà nho phong kiến → Cá tính người nghệ sĩ mong muốn sống theo cách riêng.

– Quan niệm sống:

+ Xem thường việc được – mất: “Được mất… ngọn đông phong” . Tự tin đặt mình sánh với “thái thượng”, tức sống ung dung tự tại, không quan tâm đến chuyện khen chê được mất của thế gian

+ Vui với cuộc sống đời thường: “Khi ca… khi tùng” : tạo cảm giác cuộc sống phong phú, thú vị, từ “khi” lặp đi lặp lại tạo cảm giác vui vẻ triền miên.

+ Tự tôn bản thân và giữ mình trước thế tục: “Không… tục” : không phải là Phật, không phải là tiên, không vướng tục, sống thoát tục → sống không giống ai, sống ngất ngưởng.

→ Tất cả thể hiện cá tính, bản lĩnh, sự tự tin của con người có cốt cách độc đáo khi nhìn lại đời mình và tự thể hiện mình. Trên cơ sở đó thấy rõ vẻ đẹp nhân cách của Nguyễn Công Trứ: một con người giàu năng lực dám sống cho mình, bỏ qua sự gò bó của lễ giáo, theo đuổi cái tâm tự nhiên.

3. Lời khẳng định về sự ngất ngưởng vô địch (3 câu cuối).

“Chẳng trái Nhạc… Nghĩa vua tôi cho trọn đạo sơ chung”: Sử dụng điển cố, ví mình sánh ngang với những người nổi tiếng có sự nghiệp hiển hách như Trái Tuân, Hàn Kì, Phú Bật… → Khẳng định bản lĩnh, khẳng định tài năng sánh ngang bậc danh tướng. Tự khẳng định mình là bề tôi trung thành.

– “Trong triều ai ngất ngưởng như ông” : vừa hỏi vừa khẳng định vị trí đầu triều về cách sống “ngất ngưởng” → Tuyên ngôn khẳng định cá tính, sự mong muốn vượt ngoài quan điểm đạo đức Nho gia thông thường. Đối với ông, ngất ngưởng phải có thực danh và thực tài.

4. Nghệ thuật biểu hiện.

– Đây là tác phẩm được viết theo thể loại hát nói, với lối tự thuật, có hình thức tự do, phóng khoáng, đặc biệt là tự do về vần, nhịp thích hợp với việc thể hiện con người cá nhân.

– Giọng điệu thơ hóm hỉnh, trào phúng. Sử dụng điển tích, điển cố.

– Bài thơ có sự kết hợp hài hòa giữa hệ thống từ ngữ Hán Việt với từ ngữ Nôm thông dụng trong đời sống hàng ngày

→ Nguyễn Công Trứ là người đầu tiên có công đem đến cho hát nói một nội dung phù hợp với chức năng và cấu trúc của nó. 

  • Kết bài:

– Qua thái độ “ngất ngưởng”, tác giả muốn thể hiện một phong cách sống tốt đẹp, một bản lĩnh cá nhân của mình trong khuôn khổ của xã hội phong kiến chuyên chế: Hết lòng vì vua, vì nước, bất chấp hết những được – mất, những lời khen – chê ở đời. Đồng thời, bài thơ cũng cho người đọc thấy được sự tự ý thức của tác giả về giá trị của bản thân mình: tài năng, địa vị, phẩm chất – một con người toàn tài với những giá trị mà không phải ai cũng có được.

Phân tích bài thơ “Bài ca ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.