Dàn bài phân tích bài thơ “CHIỀU TỐI” (Hồ Chí Minh).

nhan-tu

Dàn bài phân tích bài thơ “CHIỀU TỐI” (Hồ Chí Minh).

Dàn bài:

  • Mở bài:

– Hồ Chí Minh (1890- 1969) là một nhà chính trị lỗi lạc, nhà ngoại giao kiệt xuất, một nhà văn, nhà thơ lớn, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.

– Tập thơ “Nhật kí trong tù”: Sáng tác trong thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam từ mùa thu 1942 – 1943 tại tỉnh Quảng Tây. Tập thơ gồm 134 bài bằng chữ Hán.

– Bài thơ Chiều tối (Mộ) là bài thơ thứ 31, tập “Nhật ký trong tù”.

  • Thân bài:

1. Hai câu thơ đầu: bức tranh thiên nhiên.

– Đối chiếu nguyên tác và dịch thơ:

+ Câu 1: dịch khá sát nguyên tác.

Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

(Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ)

+ Câu 2:

“Cô vân mạn mạn độ thiên không”.

(Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không)

  • Dịch thơ đã bỏ mất đi chữ “cô”: cô đơn, lẻ loi.
  • Bản dịch “mạn mạn”:“trôi nhẹ”.

→ Bản dịch chưa thoát ý.

– Thời gian: Chiều tối.

– Không gian: Bầu trời mênh mông.

→ Miêu tả từ xa, tầm nhìn bao quát, rộng lớn.

– Hình ảnh ước lệ, tượng trưng: “cánh chim” “chòm mây”.

+ Cánh chim mỏi: sự uể oải, mệt mỏi của những chú chim sau một ngày kiếm ăn đang về rừng tìm tổ ấm →  Đồng cảm giữa Bác với những cánh chim.

  • Chim mỏi sau một ngày kiếm ăn.
  • Người tù mệt mỏi sau một ngày lê bước trên đường

+ “Cô vân mạn mạn độ thiên không”:

  • “Cô vân” (nhân hóa): chòm mây lẻ loi cô đơn.
  • Mạn mạn”: chậm, trôi nổi lững lờ.

→ Cô vân như mang tâm trạng lẻ loi, cô đơn, lặng lẽ lửng lờ trôi giữa không gian lớn rộng của trời chiều.

– Vẻ đẹp tâm hồn của Bác:

+ Lòng yêu thiên nhiên, hòa mình vào thiên nhiên.

+ Phong thái ung dung, tự tại thưởng ngoạn cảnh chiều của Bác.

2. Hai câu cuối: Bức tranh cuộc sống sinh hoạt của con người.

“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”.

(Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết, lò than đã rực hồng)

* Đối chiếu bạn dịch thơ và phần phiên âm:

– Câu 3:Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc” → Cô em xóm núi xay ngô tối.

  • “Thiếu nữ” dịch là “cô em”.
  • Thừa chữ “tối”.

→ Sự khác biệt đó phần nào làm giảm đi ý nghĩa của nguyên tác.

– Câu 4: Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng  → Xay hết, lò than đã rực hồng.

→ Tương đối đúng ý.

– Bức tranh cuộc sống ở vùng sơn cước:

+ “cô em xóm núi xay ngô”:

  • Vẻ đẹp trẻ trung, khỏe khắn tràn đầy sức sống.
  • Cuộc sống lao động đời thường bình dị quen thuộc..
  • Điệp liên hoàn “ma bao túc”, “bao túc ma hoàn”, gợi vòng quay không dứt của cối xay

→ Cô gái lao động cần mẫn chăm chỉ.

– Sự vận động của thiên nhiên: chiều → tối.

– Bức tranh thiên nhiên lại mở ra bằng ánh sáng rực hồng của lò than.

 Chữ “hồng”nhãn tự của bài thơ.

– Sử dụng thi pháp cổ điển lấy ánh sáng để tả bóng tối.

  • Bức tranh ấm áp, tươi vui, hạnh phúc.
  • Sự vận động của mạch thơ và tư tưởng Hồ Chí Minh từ tối đến sáng, từ buồn đến vui, lạc lẽo cô đơn đến ấm áp tình người

– Tâm trạng: niềm vui của Bác trước cuộc sống lao động thường nhật của con người → Vẻ đẹp tâm hồn:

+ Vượt lên trên hoàn cảnh → chia sẻ niềm vui lao động, cảm thông sự vất vả của người lao động.

+ Niềm lạc quan, yêu đời → Luôn hướng về sự sống, ánh sáng, tương lai → Tinh thần thép của người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh.

→ Trong thơ của Bác luôn có sự kết hợp hài hòa giữa chất tình và chất thép.

3. Nghệ thuật biểu hiện.

– Bài thơ “Chiều tối” cho thấy tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, ý chí vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt của nhà thơ chiến sĩ Hồ Chí Minh.

– Bài thơ bộc lộ tấm lòng nhân đạo cao cả, luôn luôn hướng tới ánh sáng, sự sống và tương lai của Bác. Đặt trong hoàn cảnh ra đời của bài thơ, khi đang bị tù đày, gông cùm xiềng xích nhưng tâm hồn của con người ấy vẫn hoàn toàn tự do ta thấy ngời sáng lên vẻ đẹp của người chiến sĩ – nghệ sĩ Hồ Chính Minh. Đó là một tình yêu thiên nhiên, tình thương với những con người cùng khổ trong tâm hồn người thi sĩ và ý chí sắt đá trong suy nghĩ của người chiến sĩ.

– Bài thơ vừa mang nét đẹp cổ điển, vừa mang nét đẹp hiện đại; là sự kết hợp khéo léo giữa chất thép và chất tình, giữa tinh thần của người thi sĩ và ý chí của người chiến sĩ.

– Bút pháp vừa đậm màu sắc cổ điển vừa thể hiện tinh thần cách mạng thời đại:

+ Cổ điển: Thể thơ tứ tuyệt hàm súc; bút pháp chấm phá, gợi hơn là tả; thi đề, hình ảnh quen thuộc; nhân vật trữ tình hòa hợp với thiên nhiên, ung dung tự tại. Thi pháp ước lệ, tượng trưng trong thơ cổ điển.

+ Hiện đại: Bút pháp tả thực, hình ảnh dân dã đời thường. Miêu tả con người trung tâm của bức tranh thiên nhiên. Tư tưởng và hình tượng thơ vận động từ bóng tối, lạnh lẽo ra ánh sáng, ấm áp, luôn hướng đến sự sống, lạc quan.

– Ngôn ngữ trong bài thơ hàm súc, chân thực nhưng giàu sức gợi, giàu cảm xúc khiến bài thơ không chỉ chân thực mà còn mang cả tâm hồn của con người ấy. Hình tượng thơ luôn vận động.

– Bác cũng sử dụng các biện pháp tu từ trong bài Chiều tối như: điệp ngữ vòng, ẩn dụ, bút pháp miêu tả thời gian để vừa tả cảnh vừa tả tâm tư của chính mình, gửi gắm nỗi lòng qua từng câu từng chữ.

  • Kết bài:

Bài thơ vừa mang nét đẹp cổ điển, vừa mang nét đẹp hiện đại; là sự kết hợp khéo léo giữa chất thép và chất tình, giữa tinh thần của người thi sĩ và ý chí của người chiến sĩ.


Dàn bài chi tiết:

Phân tích bài thơ “CHIỀU TỐI” (Hồ Chí Minh).

  • Mở bài:

– Hồ Chí Minh (1890-1969) là một nhà cách mạng vĩ đại, một danh nhân văn hóa thế giới đồng thời cũng là một nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc. Phong cách thơ Hồ Chí Minh đa dạng, phong phú. Những bài thơ nghệ thuật viết theo cảm hứng thẩm mĩ hầu hết là thơ tứ tuyệt cổ điển, bằng chữ Hán, mang đặc điểm của thơ cổ phương Đông với sự kết hợp hài hòa giữa màu săc cổ điển với bút pháp hiện đại.

Chiều tối” là bài thơ xuất sắc trích trong tập “Nhật kí trong tù” của Hồ Chí Minh. Bác sáng tác vào cuối mùa thua năm 1942, trên con đường chuyển lao từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo.Bài thơ thể hiện tình yêu cuộc sống thiết tha và ý chí sắt đá của người tù cách mạng trong cảnh tù đày.

  • Thân bài:

1. Bức tranh thiên nhiên chiều tối nơi rừng núi (Hai câu thơ đầu).

Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không.

(Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không)

– Khung cảnh thiên nhiên nơi núi rừng khi chiều muộn với cánh chim mệt mỏi tìm chốn ngủ, và chòm mây cô đơn lững lờ giữa tầng không đã được phác họa bằng những nét chấm phá theo bút pháp cổ điển, người đọc vẫn cảm nhận được cảnh núi rừng chiều thật âm u, không hề gợi đến âm thanh mà nghe thật vắng vẻ và quạnh hiu.

– Với đôi nét chấm phá theo bút pháp cổ điển, bức tranh núi rừng khi chiều tối đã hiện ra rõ nét. Trong khung cảnh núi rừng lúc trời sắp tối, những cảnh chim mỏi mệt đang tìm về tổ ấm. Trên lưng trời là vài chòm mây chầm chậm trôi qua. Vì chiều là thời gian của một ngày tàn nên mọi vận động của thiên nhiên đều nhẹ nhàng, có phần mệt mỏi.

– Bức tranh phong cảnh tuy đẹp và nên thơ nhưng vẫn có nét buồn. Mỗi nỗi niềm man mác, bâng khuâng trải ra với bầu trời cao rộng, với cánh chim rong ruổi tìm chốn ngủ trong mệt mỏi, với chòm mây lẻ loi, cô đơn. Trong ý thơ có biết bao sự hòa hợp, cảm thông giữa tâm hồn nhà thơ với cảnh vật thiên nhiên. Cội nguồn của sự cảm thông ấy chính là tình yêu thương mênh mông của Bác dành cho thiên nhiên cho mọi sự sống trên đời.

– Hơn thế, chòm mây như có hồn người, như mang tâm trạng, nó cô đơn, lẻ loi, và lặng lẽ, lững lờ trôi giữa không gian rộng lớn của trời chiều, nó mang nỗi buồn trong cảnh ngộ chia lìa: cánh chim mải miết bay về rừng xanh, chòm mây trôi chậm như ở lại giữa tầng không. Tuy vậy, vẻ đẹp cổ điển của hai câu thơ đã thể hiện bản lĩnh kiên cường của người chiến sĩ, bởi vì nếu không có ý chí và nghị lực không có phong thái ung dung tự chủ và sự tự do hoàn toàn về tinh thần thì không thể có những câu thơ cảm nhận thiên nhiên thật sâu sắc và tinh tế như thế trong hoàn cảnh khắc nghiệt của cảnh tù đày. Nói khác đi đó là chất thép ẩn sau chất tình.

2. Bức tranh cuộc sống con người và tâm trạng của nhà thơ (Hai câu thơ cuối).

Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.

(Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết, lò than đã rực hồng). 

– Bức tranh cuộc sống ở vùng sơn cước với vẻ đẹp khỏe khoắn của người con gái xóm núi đang xay ngô bên lò than. Hình ảnh người phụ nữ lao động ở đây được gợi tả một cách cụ thể, sinh động như một bức tranh hiện thực. Chính nét vẽ đời thường ấy làm cho bài thơ theo dáng vẻ hiện đại, hơn thế, hình ảnh cô gái xay ngô, hình ảnh con người nổi bật lên như là trung tâm của bức tranh thiên nhiên. Cuộc sống đời thường đã đem lại cho người tù hơi ấm, niềm vui.

– Bài thơ chuyển một cách đột ngột, từ quang cảnh buổi chiều tôi buồn bã sang những hình ảnh sinh động, đầy sức sống. hình ảnh thiếu nữ nơi rừng núi xuất hiện với hoạt động xay ngô làm cho không khí buổi chiều có chút náo nhiệt, có thêm một chút sinh khí. Chính nét vẽ đời thường ấy làm cho bài thơ theo dáng vẻ hiện đại, hơn thế, trong sự hình dung về cự li, khoảng cách với cánh chim và chòm mây ( ở viễn cảnh), hình ảnh cô gái xay ngô, hình ảnh con người (ở cận cảnh) nổi bật lên như là trung tâm của bức tranh thiên nhiên. Trong bài thơ của Bác, hình ảnh cô gái xay ngô toát lên vẻ trẻ trung, khỏe mạnh, sống động và chính cuộc sống lao động bình dị đó càng trở lên dáng quý, đáng trân trọng biết bao giữa núi từng chiều tối âm u, heo hút. Nó đưa lại cho người đi đường lúc chiều hôm chút hơi ấm của sự sống, chút niềm tin niềm vui và hạnh phúc trong lao động của con người, con người ấy tuy vất vả mà tự do.

– Những chữ “ma bao túc” ở dưới câu 3 được điệp vòng ở đầu câu 4 “Bao túc ma hoàn” đã tạo nên sự nối âm liên hoàn, nhịp nhàng như diễn tả cái vòng quay không dứt của động tác xay ngô – qua đó có thể thấy cô gái thật chăm chỉ, kiên nhẫn, cần mãn với công việc của chính mình. Đến khi cối xay dừng lại thì “lỗ dĩ hồng” – lò đã rực hồng, tức trời đã tối thì mới thấy lò than đỏ rực lên. Nếu hình dung cả bài thơ là một bức tranh thì chính cái chấm lửa đỏ mà người nghệ sĩ tài hoa chấm lên đó đã mang lại thần sắc cho toàn cảnh, đường như nó làm tăng thêm niềm vui và sức mạnh cho người đang cất bước trên con đường xa.

– Trong cảnh tù đầy khổ sai, chưa bao giờ Bác thôi lưu tâm đến những người lao động. Không kết thúc bài thơ trong u ám, lạnh lẽo. Bác đã lồng vào đó vẻ đẹp tâm hồn người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, rực lên sắc hồng thiết tha tin yêu vào cuộc sống.

– Trong câu thơ cuối, sự vận động của tự nhiên cũng là sự vận động của tư tưởng, hình tượng thơ Hồ Chí Minh, chiều chuyển dần sang tối nhưng bức tranh thơ lại mở ra bằng ánh sáng rực hồng. cùng với sự vận động của thời gian là sự vận động của mạch thơ, tư tưởng của nhà thơ, từ tối đến sáng, từ tàn lụi đến sinh sôi, từ buồn sang vui, từ lạnh lẽo cô đơn sang ấm áp nóng tình người. Bức tranh khắc họa lại thời khắc đầu đêm bên xóm núi cho thấy Bác đã quên cảnh ngộ đau khổ của mình để cảm nhận cuộc sống của nhân dân, vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt để đồng cảm với niềm vui đời thường. Nó nói lên sự quan tâm, tình thương của Bác với những người lao động nghèo.

– Bài thơ đã vận động từ hình ảnh chiều u ám, tăm tối đến ánh lửa rực hồng, ấm áp từ nỗi niềm buồn đau đến niềm vui. Nó cho thấy cái nhìn tràn đầy niềm lạc quan yêu đời và tình yêu thương nhân dân của một con người “đại nhân, đại trí, đại dũng”.

3. Nghệ thuật biểu hiện.

– Bút pháp vừa đậm màu sắc cổ điển vừa thể hiện tinh thần cách mạng thời đại:

+ Cổ điển: Thể thơ tứ tuyệt hàm súc; bút pháp chấm phá, gợi hơn là tả; thi đề, hình ảnh quen thuộc; nhân vật trữ tình hòa hợp với thiên nhiên, ung dung tự tại

+ Hiện đại: Nhân vật trữ tình chiếm vị trí chủ thể trong bức tranh phong cảnh. Tư tưởng và hình tượng thơ vận động từ bóng tối , lạnh lẽo ra ánh sáng, ấm áp, luôn hướng đến sự sống, lạc quan..

– Ngôn ngữ trong bài thơ hàm súc, chân thực nhưng giàu sức gợi, giàu cảm xúc khiến bài thơ không chỉ chân thực mà còn mang cả tâm hồn của con người ấy.

  • Kết bài:

– Bài thơ vừa mang nét đẹp cổ điển, vừa mang nét đẹp hiện đại; là sự kết hợp khéo léo giữa chất thép và chất tình, giữa tinh thần của người thi sĩ và ý chí của người chiến sĩ. Tấm lòng nhân đạo cao cả, luôn luôn hướng tới ánh sáng, sự sống và tương lai của Bác. Đặt trong hoàn cảnh ra đời của bài thơ, khi đang bị tù đày, gông cùm xiềng xích nhưng tâm hồn của con người ấy vẫn hoàn toàn tự do ta thấy ngời sáng lên vẻ đẹp của người chiến sĩ – nghệ sĩ Hồ Chính Minh. Đó là một tình yêu thiên nhiên, tình thương với những con người, yêu cuộc sống, phong thái ung dung tự chủ và niềm lạc quan, nghị lực kiên cường vượt qua hoàn cảnh khắc nghiệt tăm tối.

Phân tích bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.