Dàn bài phân tích bài thơ “ĐÂY THÔN VĨ DẠ” (Hàn Mặc Tử).

dan-bai-phan-tich-bai-tho-day-thon-vi-da-han-mac-tu

Dàn bài phân tích bài thơ “ĐÂY THÔN VĨ DẠ” (Hàn Mặc Tử)

  • Mở bài:

Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ có sức sáng tạo mạnh mẽ nhất trong phong trào thơ mới: “Ngôi sao chổi trên bầu trời thơ Việt Nam” (Chế Lan Viên). Thơ Hàn Mặc tử là một thế giới nghệ thuật kì dị. Ở đó có sự đan xen, biến hóa của nhiều hình ảnh phức tạp, bí ẩn. Tuy nhiên đằng sau thế giới hình ảnh đó là một tâm hồn tràn ngập tình yêu đời, chan chứa khát khao sống. Tâm hồn thơ ông đã thăng hoa thành những vần thơ tuyệt diệu, gợi cho ta niềm thương cảm qua những cảm xúc thẩm mĩ kì thú và niềm tự hào về sức sáng tạo của con người. Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” được sáng tác năm 1938. Ban đầu bài thơ có tên “Ở đây thôn Vĩ Dạ”, về sau đổi lại thành “Đây thôn Vĩ Dạ”. Theo một số tài liệu, bài thơ được gợi cảm hứng từ tấm bưu thiếp của Hoàng Thị Kim Cúc – một cô gái ở thôn Vĩ Dạ gửi cho Hàn Mặc Tử, khi tác giả đang dưỡng bệnh ở Quy Hoà. Bài thơ khắc họa cảnh Vĩ Dạ lúc đêm trăng và tâm trạng ngóng trông đầy khắc khoải và hình bóng con người cùng những hoài nghi, mơ tưởng trong tâm trạng của nhà thơ

  • Thân bài:

1. Vẻ đẹp tinh khôi của thôn Vĩ lúc bình minh (khổ thơ 1):

* Câu thơ mở đầu:

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”

– Hình thức: Câu hỏi tu từ nhiều thanh bằng gợi âm hưởng nhẹ nhàng, bâng khuâng, da diết.

– Sắc thái biểu cảm: hỏi han; mời mọc; trách móc.

– Chủ thể trữ tình: Tác giả.

→ Câu hỏi thể hiện sự phân thân tác giả, thể hiện sự băn khoăn, day dứt trong tâm trạng của thi nhân. Đó là một ước ao được trở về thôn Vĩ trong sự mặc cảm và bất lực. Câu thơ còn được xem như một lời mở đầu, một cái cớ để nhà thơ có thể đưa hồn mình về với thôn Vĩ một cách thật tự nhiên.

* Ba câu thơ tiếp:

“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”

– Thiên nhiên thôn Vĩ:

+ “nắng hàng cau”: Cau là cây cao nhất, cây đầu tiên đón ánh nắng trong vườn. Nắng rọi vào sương trên những lá cau, tạo thành sự hoà phối giữa màu và ánh, gợi vẻ đẹp tinh khôi, thanh khiết; giản dị mà giàu sức gợi. Thân cau, bóng cau là những nét mảnh mai, thanh thoát. Thân cau thẳng tắp và chia những đốt đều đặn, hiện lên như cây thước để đo mực nắng của thiên nhiên

+ “nắng mới lên”: Cái nắng đầu tiên của một ngày – tinh khôi, trong trẻo Câu thơ lặp lại từ nắng như nhấn mạnh một hình ảnh ám ảnh và đầy ấn tượng trong lòng nhà thơ, đồng thời khái quát nét đặc trưng của nắng miền Trung: nắng tràn ngập, hàng cau tắm mình trong biển nắng mai.

+ “vườn ai”: gợi cảm giác mơ hồ, bất định gây ấn tượng về một vẻ đẹp bí ẩn không thể chiếm lĩnh, không thể sở hữu.

+ “mướt quá” vừa là một sự cực tả cái vẻ mượt mà, non tơ, óng chuốt, mơn mởn xanh tươi, vừa thể hiện giọng điệu trữ tình mê đắm, say sưa.

+ “xanh như ngọc” là một hình ảnh so sánh rất tự nhiên, giản dị. Câu thơ Vườn ai mướt quá xanh như ngọc: gợi một vẻ đẹp trong sáng thanh thoát và sang trọng. Hình ảnh so sánh này còn gợi lên vẻ đẹp tốt tươi, màu mỡ và trù phú của làng quê này.

– Con người nơi thôn Vĩ:

+ “mặt chữ điền” là biểu tượng của nét đẹp phúc hậu, hiền lành, trung thực.

+ “lá trúc che ngang”: lá trúc mảnh mai, gợi nét đẹp kín đáo, dịu dàng của con người xứ Huế. Câu thơ Lá trúc che ngang mặt chữ điền giàu chất tạo hình: sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người trong vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng.

* Nhận xét: Cảnh trong sáng, người thuần hậu. Thiên nhiên và con người hài hòa trong vẻ đẹp dịu dàng, thắm đượm tình quê, hồn quê. Vĩ Dạ hừng đông đúng là cảnh của sự mời gọi, dù là mời gọi trong tưởng tượng, trong kí ức nhưng ta nghe như có tiếng thì thầm của gặp gỡ, vui tươi. Đó là tình yêu và nỗi nhớ của Hàn Mặc Tử đối với cảnh và người xứ Huế…

2. Bức tranh đìu hiu, chia lìa của cảnh vật (khổ thơ 2):

“Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?”

– Câu mở đầu với hình ảnh gió theo lối gió, mây đường mây biểu hiện của sự chia cách. Bút pháp lấy động tả tĩnh ở câu thơ thứ hai làm cho bức tranh Vĩ Dạ hoàn toàn mang màu sắc khác lạ so với khổ thơ 1: Bức tranh buồn tĩnh lặng.

– Hình ảnh “bến sông trăng” là một hình ảnh lạ, gợi lên vẻ đẹp lãng mạn, nhẹ nhàng, tất cả đang đắm chìm trong bồng bềnh mơ mộng, như thực như ảo

– Câu hỏi “Có chở trăng về kịp tối nay?” sáng lên hi vọng gặp gỡ nhưng lại thành ra mông lung, xa vời

* Nhận xét: Cảm xúc chuyển biến đột ngột từ niềm vui của hi vọng gặp gỡ sang trạng thái lo âu đau buồn thất vọng khi tác giả nhớ và mặc cảm về số phận bất hạnh của mình. Ở đó ta còn thấy được sự khao khát tha thiết đợi chờ một cách vô vọng.

3. Nỗi hoài nghi, cô đơn và tuyệt vọng của nhà thơ (khổ thơ 3):

“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra…
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”

– Câu thơ “Mơ khách đường xa khách đường xa”: Khoảng cách về thời gian, không gian giữa thi nhân và người trong mộng. Điệp ngữ khách đường xa và động từ mơ thể hiện rất rõ niềm mong mỏi của thi nhân về một sự gặp gỡ đã thành ám ảnh.

– Hình ảnh “Áo em trắng quá nhìn không ra”: hư ảo, mơ hồ – hình ảnh người xưa xiết bao thân yêu nhưng xa vời, không thể tới được nên nhân vật trữ tình rơi vào trạng thái hụt hẫng, bàng hoàng, xót xa.

– Cụm ngữ chỉ không gian xác thực “sương khói mờ nhân ảnh”: ở đây với hình ảnh sương khói mờ nhân ảnh nhấn mạnh thêm vào sự hư ảo, mơ hồ khi thi nhân càng mong muốn thì sự mong muốn càng xa xôi.

– Câu hỏi cuối bài biểu lộ nỗi cô đơn trống vắng trong tâm hồn của thi nhân đang ở thời kì đau thương nhất. Lời thơ bâng khuâng hư thực gợi nỗi buồn xót xa trách móc: “Ai biết tình ai có đậm đà”.

* Nhận xét: Khi hoài niệm về quá khứ xa xôi hay ước vọng về những điều không thể nhà thơ càng thêm đau đớn. Điều đó chứng tỏ tình yêu tha thiết cuộc sống của một con người luôn có khát vọng yêu thương và gắn bó với cuộc đời.

4. Đánh giá chung:

– Cả bài thơ là một bức tranh thôn Vĩ vừa mang vẻ đẹp rất thực với tất cả nét trong sáng, tinh khôi, thơ mộng với những đặc trưng của thiên nhiên xứ Huế. Nhưng dường như những hình ảnh ấy mơ hồ, mờ nhòe như thực, như ảo. Tất cả được tái hiện lại qua kí ức của người nghệ sĩ.

– Ba khổ thơ với những hình ảnh dường như không liên quan nhưng sự thực chúng là những mảnh ghép kí ức của nhà thơ. Đồng thời cũng là nỗi đau đớn, quằn quại của Hàn Mặc Tử khi khao khát được sống, tha thiết với đời còn quá sâu nặng mà thời gian còn lại của đời người lại quá ngắn ngủi.

– Bài thơ vừa là tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước nhưng đồng thời cũng là khao khát sống đến cháy bỏng của nhà thơ.

– Nghệ thuật biểu hiện độc đáo. Mạch thơ đứt nối không theo tính liên tục của thời gian và duy nhất của không gian nhưng lại diễn tả mạch vận động nhất quán của dòng tâm tư. Hình ảnh độc đáo giàu sức gợi, ngôn ngữ cực tả trong sáng, súc tích khiến cho trường liên tưởng được mở rộng, khung cảnh thiên nhiên trở nên đẫy đà, giàu sức sống để nhấn mạnh hơn khao khát sống của người nghệ sĩ. Sử dụng hàng loạt câu hỏi tu từ, giọng điệu da diết khắc khoải khiến cho bài thơ đọng lại trong lòng người đọc là một nỗi băn khoăn, day dứt về cuộc đời.

  • Kết bài:

“Đây thôn Vĩ Dạ” là một trong số ít tác phẩm có ngôn từ và hình ảnh thơ trong sáng, nhẹ nhàng, êm dịu của Hàn Mặc Tử. Một bức tranh thiên nhiên xứ Huế mộng mơ và một tấm chân tình sâu nặng của nhà thơ đối với cảnh và người xứ Huế. Bài thơ vừa là tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước nhưng đồng thời cũng là khao khát sống đến cháy bỏng của nhà thơ.

Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.