Dàn bài phân tích văn bản “ĐẤU TRANH CHO MỘT THẾ GIỚI HÒA BÌNH” (Mác két)

dan-bai-phan-tich-van-ban-dau-tranh-cho-mot-the-gioi-hoa-binh-mac-ket

Dàn bài phân tích văn bản “ĐẤU TRANH CHO MỘT THẾ GIỚI HÒA BÌNH” (Mác két)

  • Mở bài:

Mác-két là nhà văn người Cô-lôm-bi-a. Ông là tác giả của nhiều tiểu thuyết nổi tiếng theo khuynh hướng hiện thực huyền ảo, từng được nhận giải thưởng Nô-ben văn học năm 1982. Văn bản “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình” được trích từ bài tham luận “Thanh gươm Đa-mô-lét” của G.G Mác – két trong buổi gặp gỡ lần thứ hai vào tháng 8 năm 1986 giữa nguyên thủ 6 nước Ấn Độ, Mê-hi-cô, Thụy Điển, Ác-hen-ti-na, Hi Lạp, Tan-da-ni-a tại Mê-hi-cô để cùng đưa ra một bản tuyên bố kêu gọi chấm dứt chạy đua vũ trang, thủ tiêu vũ khí hạt nhân để bảo vệ an ninh và hòa bình thế giới. Qua bài viết, nhà văn Mác-két đã nêu lên nguy cơ của chiến tranh hạt nhân, chỉ rõ sự tốn kém một cách vô lí để chạy đua vũ trang. Nhà văn kêu gọi mọi người hãy đấu tranh vì một thế giới hoà bình không có vũ khí hạt nhân.

  • Thân bài:

1. Chiến tranh hạt nhân là mối nguy hại khủng khiếp đe dọa đến loài người và mọi sinh vật sinh sống trên Trái đất

– Nguy cơ chiến tranh hạt nhân hủy diệt toàn bộ sự sống trên Trái đất.

+ Đặt câu hỏi “Chúng ta đang ở đâu?” để khơi gợi sự tò mò, chú ý của độc giả. Tác giả mở đầu bằng một câu hỏi rồi tự trả lời bằng một thời điểm hiện tại rất cụ thể với những con số cụ thể, cách tính toán cụ thể, đơn giản.

+ Đưa ra lý lẽ chiến tranh hạt nhân có sức tàn phá khủng khiếp, tiêu diệt tất cả các hành tinh và phá hủy thế thăng bằng của mặt trời.

+ Dẫn chứng: Hơn 50000 ngàn đầu đạn hạt nhân trên toàn cầu, tương đương với việc mỗi người đang ngồi trên 4 tấn thuốc nổ.

+ Tất cả sẽ nổ tung không chỉ 1 lần mà lên tới 12 lần tất thảy.

+ Kho vũ khí hạt nhân đang được tàng trữ có khả năng hũy diệt cả trái đất và các hành tinh khác trong hệ mặt trời.

→ Nguy cơ ghê gớm đó đang đè nặng lên chúng ta như thanh gươm Đa-mô-clet → mối nguy cơ đe dọa trực tiếp sự sống của con người.

2. Chạy đua vũ trang giữa các nước làm mất khả năng để con người được sống tốt đẹp hơn, chiến tranh hạt nhân đi ngược lại lí trí của loài người và quy luật tự nhiên.

– Tốn kém:

+ Lý lẽ: Bảo tồn sự sống trên trái đất ít tốn kém hơn so với “dịch hạch” hạt nhân.

+ Dẫn chứng bằng cách so sánh nguồn kinh phí các hoạt động trong lĩnh vực cứu trợ trẻ em, y tế, tiếp tế thực phẩm, giáo dục, … với kinh phí của việc chạy đua vũ trang, nhìn nhận thấy sự tương phản rõ ràng rằng chiến tranh tốn kém gấp nhiều lần các hoạt động khác.

– Phi lý: Đi ngược lại lý trí con người và tự nhiên.

+ Lý lẽ: So sánh trái đất đã có quá trình tiến hóa vô cùng dài và chiến tranh sẽ đưa tất cả những thành quả ấy về vạch xuất phát.

+ Dẫn chứng “Từ khi mới nhen nhúm…mới chết vì yêu”.

→ Chiến tranh hạt nhân không chỉ đi ngược lại lí trí loài người mà còn ngược lại lí trí của tự nhiên, phản lại sự tiến hóa, đưa tất cả thế giới về lại điểm xuất phát cách đây hàng triệu năm. 

3. Nhiệm vụ đấu tranh ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, hướng đến một thế giới hòa bình, văn minh.

– Chiến tranh hạt nhân xảy ra sẽ phá huỷ, xoá sạch những thành quả tiến hoá của văn minh loài người cũng như tiến trình tiến hoá của sự sống, tự nhiên trên Trái Đất. Lời cảnh báo của nhà văn G.Macket đã đặt ra trước toàn thể nhân loại một nhiệm vụ cấp bách. Đó là chúng ta phải đoàn kết, kiên quyết ngăn chặn nguy cơ chiến tranh hạt nhân, đấu tranh cho một thế giới hòa bình.

– Nhiệm vụ của chúng ta: Chống lại vũ khí hạt nhân, đòi hỏi thế giới không có vũ khí, có một cuộc sống hòa bình, công bằng.

– Lời đề nghị của tác giả:

+ Mở ra một nhà băng lưu giữ trí nhớ, có thể tồn tại sau thảm họa hạt nhân

+ Mục đích: Nhân loại biết rằng có sự sống tồn tại, tội ác của chiến tranh đã gây ra, lên án tố cáo những kẻ gây ra chiến tranh.

4. Nghệ thuật biểu hiện:

– Đấu tranh cho một thế giới hòa bình, vì chủ đích của người viết không phải chỉ là chỉ ra mối đe dọa hạt nhân, mà muốn nhấn mạnh vào nhiệm vụ đấu tranh để ngăn chặn nguy cơ ấy. Nhan đề ấy thể hiện luận điểm cơ bản của bài văn, đồng thời như một khẩu hiệu, kêu gọi, hướng nhân loại tới một thái độ đấu tranh tích cực.

– Bằng thao tác lập luận chứng minh với những mốc thời gian cụ thể, số liệu chính xác, tác giả đã thu hút người đọc, gây ấn tượng mạnh mẽ về một hiểm họa khủng khiếp đang đe dọa toàn thế giới.

– Dẫn chứng cụ thể, sinh động, lập luận hùng hồn, thuyết phục, lời kêu gọi thiết tha…

– Sử dụng nghệ thuật so sánh sắc sảo, giàu sức thuyết phục.

  • Kết bài:

Đấu tranh cho thế giới hòa bình là một văn bản chính luận xuất sắc, đã nêu ra được những vấn đề cấp bách mà các cuộc chạy đua vũ trang cùng với nền khoa học hạt nhân đang mang lại. Nhiệm vụ chính mà cả thế giới cần chung tay góp sức để chống lại chiến tranh hủy diệt, đồng thời đưa ra một đề nghị rất hay, là lời cảnh tỉnh cho thế hệ tương lai và cũng chính là lời tố cáo cho những kẻ gây ra các cuộc chiến phi nghĩa, vô nhân đạo. Văn bản thể hiện những suy nghĩ nghiêm túc, đầy trách nhiệm của G.G Mác-két đối với hòa bình nhân loại.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.