Dàn bài: so sánh cảm hứng lãng mạn trong Thơ mới 1930-1945 và thơ ca cách mạng 1945-75

dan-bai-so-sanh-cam-hung-lang-man-trong-tho-moi-1930-1945-va-tho-ca-cach-mang-1945-75

Dàn bài: so sánh cảm hứng lãng mạn trong Thơ mới 1930 – 1945 và thơ ca cách mạng 1945 – 1975

I. Mở bài:

– Giới thiệu Thơ Mới 1930-1945 và thơ ca giai đoạn 1945-1975.

– Giới thiệu cảm hứng lãng mạn trong 2 giai đoạn thơ ca.

II. Thân bài

– Khái quát về phong trào Thơ mới và thơ ca cách mạng 45-75

* Cảm hứng lãng mạn là gì?

Những điểm chung về cảm hứng lãng mạn trong phong trào Thơ mới và thơ cách mạng 45-75:

– Thi vị hóa hiện thực.

+ Thơ mới: Hiện thực xã hội có nhiều trái ngang, bất công nhưng bằng cái nhìn lãng mạn, các tác giả của phong trào Thơ mới đã thi vị hóa hiện thực, miêu tả hiện thực không phải như nó vốn có mà như mình mong ước, tưởng tượng.

VD: Xuân Diệu trong Vội vàng.

“Của ong bướm này đây tuần trăng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si.
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;
Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”

VD: Lưu Trọng Lư trong Tiếng thu:

“Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?

Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?”

VD: Hàn Mặc Tử trong Đây thôn Vĩ Dạ:

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”

+ Thơ cách mạng 1945 – 1975: Thi vị hóa hiện thực đấu tranh, có cái nhìn đẹp hơn về hiện thực đầy gian khổ, vượt lên trên những khó khăn, mất mát, hi sinh.

“Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
Ðường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn Ðông nhớ Trường Sơn Tây”.

(Trường sơn đông , Trường sơn tây – Phạm Tiến Duật)

“Không có kính, ừ thì có bụi,
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.

Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.”

(Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật)

Thơ cách mạng 1945 – 1975 đi sâu khai thác thế giới cảm xúc của cái tôi, phát huy trí tưởng tượng, liên tưởng phong phú. Chú trọng diễn tả những cảm xúc mạnh mẽ, những tương phản gay gắt, những biến thái tinh vi trong tâm hồn con người.

Những điểm riêng:

* Thơ mới:

Thơ mới đề cao cái Tôi cá nhân, một cái tôi không tìm được sự đồng điệu với thực tại. Thơ mới thi vị hóa hiện thực nhưng theo hướng tiêu cực, là thoát ly hiện thực, tìm đến một thế giới khác. Vì là cái Tôi cá nhân nên rất đa dạng, mỗi tác giả lại thể hiện một cái tôi riêng, một cách thoát ly riêng.

+ Thế Lữ: Thoát ly vào cõi tiên.

+ Chế Lan Viên thoát ly vào cõi chết, cõi hư vô.

+ Nguyễn Bính thoát ly vào thế giới của những giấc mộng.

+ Xuân Diệu thoát ly vào thế giới của tình yêu.

+ Hàn Mặc Tử tìm về một thế giới mang màu sắc tôn giáo.

+ Vũ Đình Liên tìm về với quá khứ.

+ “Đời chúng ta nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ….Huy Cận” (Thi nhân Việt Nam)

+ Thơ mới chú trọng thể hiện tiếng nói cá nhân đầy cảm xúc. Đó là nỗi buồn lãng mạn, là sự chán chường, là sự lo âu, hoài nghi, băn khoăn,

VD:

“Đem thu buồn lắm chị hằng ơi
Trần thế em nay chán nửa rồi”

(Muốn làm thằng cuội – Tản Đà)

“Trời hỡi trời! Hôm nay ta chán hết
Những sắc màu hình ảnh của Trần Gian!
Thịt bại rồi, nhãn quan đà lả mệt
Thú điên cuồng ao ước vẫn khôn ngăn!

Ta nhắm mắt mặc yên cho Hiện Tại
Biến dần ra Dĩ Vãng ở trên mi
Thay đổi rồi vẫn còn thay đổi mãi
Không gian kia còn lúc chuyển thiên đi!”

(Tạo lập – Chế Lan Viên)

“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.
Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu đến nữa không phải rằng gặp lại.
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi”

(Vội vàng – Xuân Diệu)

– Chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Việt Nam giai đoạn 30-45 nói chung, trong Thơ mới nói riêng là chủ nghĩa lãng mạn tiêu cực, “tô vẽ hiện thực, hòng làm cho con người thỏa hiệp với hiện thực, chạy trốn vào cõi sâu xa vô ích của thế giới nội tâm bản thân, chạy trốn vào cõi mê muội của số kiếp con người với những tư tưởng về tình yêu và cái chết” (Gorki).

Thơ cách mạng 1945 – 1975:

– Cái tôi trữ tình trong thơ cách mạng 1945-1975 là cái tôi gắn bó với cộng đồng, gắn liền với nhân dân, tìm được tiếng nói chung, đi theo một đường hướng chung. Mỗi bài thơ thể hiện một cái tôi trữ tình khác nhau nhưng đều mang một điểm chung là gắn bó với nhân dân, với hiện thực cách mạng.

– Thơ cách mạng thi vị hóa hiện thực nhưng theo hướng tích cực, có cái nhìn đẹp hơn về thực tại, vượt lên trên thực tại gian khổ, hi sinh. Vì thế, cái tôi không thoát ly thực tại mà hướng về thực tại, hướng về cuộc sống xây dựng và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của dân tộc. Các nhân vật lí tưởng của thơ cách mạng 45-75 không chán ghét thực tại, bất hòa với thực tại mà gắn cuộc đời riêng của mình với cuộc đời chung của dân tộc.

VD:

+ “Tây Tiến”: vượt lên thực tại khắc nghiệt.

+ Đoàn thuyền đánh cá: Niềm vui lao động trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

+ Việt Bắc: Hướng đến một tương lai tươi sáng hơn.

+ Thơ cách mạng cũng chú trọng diễn tả tiếng nói cá nhân tràn đầy cảm xúc, phát huy cao độ trí tưởng tượng nhưng đó là những niềm vui lớn, tình cảm lớn, lẽ sống lớn, gắn liền với vận mệnh của dân tộc.

VD: Đất nước – Nguyễn Đình Thi

“Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha!
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa”

VD: “Tây Tiến” – Quang Dũng.

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.”

  • Nguyên nhân của sự khác biệt: Do sự khác biệt về hoàn cảnh lịch sử và quan niệm nghệ thuật.

– Phong trào Thơ mới:

+ Ra đời, phát triển trong giai đoạn 1930-1945. Đây là thời kì khó khăn của lịch sử dân tộc. Đất nước bị xâm chiếm, rất nhiều cuộc khởi, nghĩa, đấu tranh giành độc lập đã diễn ra nhưng chưa có kết quả cuối cùng. Một bộ phận tầng lớp trí thức, thanh niên rơi vào tâm trạng bế tắc, hoang mang. Lại thêm ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933, một cuộc khủng hoảng thừa, đời sống càng thêm khó khăn, nạn cờ bạc, đĩ điếm, trộm cướp, thuốc phiện tràn lan. Tầng lớp trí thức càng thêm chán ghét thực tại, bất hòa với thực tại nhưng cũng bất lực, chưa biết làm gì. Họ tìm cách thoát ly, lẩn tránh thực tại chính trị xã hội của đất nước.

+ Quan niệm nghệ thuật: Ý thức cá nhân phát triển, văn học phát triển theo nhiều xu hướng. Các tác giả đều tìm cho mình một cách thể hiện cái Tôi riêng.

– Thơ cách mạng 1945-1975:

+ Ra đời trong một bối cảnh thời đại có nhiều khó khăn nhưng hết sức oai hùng. Đất nước chưa hoàn toàn thống nhất, chưa sạch bóng quân thù nhưng thắng lợi của Khởi nghĩa tháng Tám đã tạo niềm tin tưởng của người dân ở sự lãnh đạo của Đảng.

+ Cuộc kháng chiến trường kì của ta cũng liên tiếp giành thắng lợi. Con người không hoang mang, bơ vơ, lạc lõng giữa thời đại mà tràn đầy khí thế, sức mạnh đánh giặc, chan chưa niềm tin vào tương lai tất thắng. Mỗi người dân đều hăng hái xung phong ra trận, cho rằng, cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù, nên ra trận đầy niềm vui và chiến đấu đầy hào khí, sức mạnh.

+ Văn học phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng, văn học phục vụ sự nghiệp cách mạng nên đi theo một đường lối chung.

III. Kết bài: 

Khẳng định vẻ đẹp tính sử thi trong 2 giai đoạn văn học.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.