Dẫn chứng về ý chí, nghị lực trong cuộc sống, vượt lên chính mình, chiến thắng bản thân và nghịch cảnh

dan-chung-ve-y-chi-nghi-luc-trong-cuoc-song-vuot-len-chinh-minh-chien-thang-ban-than-va-nghich-canh

Dẫn chứng về ý chí, nghị lực trong cuộc sống, vượt lên chính mình, chiến thắng bản thân và nghịch cảnh

Cuộc sống không bao giờ dễ dàng với bất cứ ai. Muốn đạt đến thành công, con người cần biết nỗ lực, có ý chí, nghị lực vượt lên chính mình và nghịch cảnh để chiến thắng. May mắn luôn có nhưng không dành cho tất cả chúng ta. Bởi thế, hãy biết tự hoàn thiện bản thân, kiên cường trước nghịch cảnh và sống một cuộc đời rạng rỡ hơn là than vãn cho số phận của mình.

1. Nhà văn Andecxen và hành trình trở thành tài năng.

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở thành phố Odense, cuộc sống nghèo khổ, không lúc nào có đủ bành mì để ăn, đi học lại luôn bị bạn bè chê cười vì ngoại hình xấu xí, nhưng vượt qua tất cả với ước mơ trở thành nghệ sĩ, Andecxen đã lang thang lên thành phố Copenhaghen, đóng những vai kịch tầm thường, làm quét dọn. Cuối cùng nghị lực và tình yêu nghệ thuật đã giúp ông thành công. Những câu chuyện của ông mãi mãi tồn tại trong tâm trí độc giả, mang lại cho trẻ thơ niềm hạnh phúc, thắp lên những ước mơ đẹp.

2. Thà sống tỏa sáng một lần hơn là ngàn lần sống trong trầm lặng.

Mở đầu cuốn tiểu thuyết “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” tác giả có nhắc đến: Con chim chỉ hót 1 lần nhưng tiếng hót hay nhất thế gian, tiếng hót làm muôn loài thảng thốt, thượng đế trên trời cũng phải lắng tai nghe, đó là tiếng của con họa mi, nhưng chỉ khi nó đâm mình vào bụi gai, chiếc gai dài, nhọn xuyên qua trái tim bé nhỏ của nó thì tiếng hót ấy mới trở nên tuyệt diệu.

Không có vinh quang nào mà không trải qua nỗi đau khổ và hy sinh, vượt lên trên nỗi đau ấy, những gì mình đạt được, những gì mình cống hiến trở nên có ý nghĩa và quý giá hơn gấp nhiều lần.

3. Câu chuyện của viên Kim cương.

Kim cương và than chì đều hình thành từ nguyên tố Cacbon, nhưng tại sao, kim cương vô giá còn than chì gần như thứ bỏ đi, kim cương đẹp lộng lẫy, lấp lánh còn than chì đen đúa, lem luốc…. Vì kim cương bị nén ở độ sâu hơn 1000km, chịu áp suất 900 Giapascal, còn than chì bị thiêu rụi trong ngọn lửa với nhiệt độ vài trăm độ C, vì cấu trúc bên trong của kim cương là cấu trúc vững chắc và hoàn hảo, còn than chì thì ngược lại

Khó khăn, thử thách là môi trường tôi luyện nên ý chí, bản lĩnh của mỗi người. Mỗi lần vấp ngã là một lần trưởng thành, là một lần mạnh mẽ hơn.

4. Câu chuyện về chiếc tách.

Từ một nhúm đất sét màu đỏ, chiếc tách bị nhào nặn trong đau đớn, bị xoay đến chóng mặt, bị nung đến tưởng như rạn nứt, rồi tiếp tục phải khoác lên mình cái mùi men khó chịu, và phải chịu tiếp một lượt nung với sức nóng còn cao hơn nhiều lần nung đầu… trước khi nó có thể đường hoàng được trưng bày trên những kệ sang trọng dưới ánh sáng lấp lánh.

Chiếc tách phải hiểu rằng nó có thể bị đau đớn khi nhào nặn, nhưng nếu không, nó sẽ ngày một khô héo đi; nó có thể chóng mặt khi bị đặt lên bàn xoay, nhưng nếu nó bỏ cuộc thì nó sẽ méo mó và bị vỡ vụn; trong lò nung rất nóng và khó chịu. Nhưng nếu không làm như thế, cái tách có thể dễ dàng vỡ nát; nếu không chịu đựng được mùi sơn và mùi men kinh khủng kia, nó sẽ trở nên mờ nhạt với cuộc đời. Và nếu nó không vượt qua được thử thách lửa đốt lần thứ hai, nó sẽ không tồn tại được lâu bởi vì không giữ được độ rắn chắc.

Trải qua biết bao thử thách và đau đớn, nhưng biết nhẫn nại và vượt lên trên những cơn đau ấy chiếc tách đã trở nên đẹp đẽ, có giá trị, và xứng đáng được bày trong tủ kính trong sự ngưỡng mộ và nâng niu của mọi người.

5. Bài học từ những chú hươu cao cổ.

Khi sinh con, hươu mẹ không nằm mà lại đứng, như vậy hươu con chào đời bằng một cú rơi hơn 3m xuống đất và nằm ngay dưới đó. Sau vài phút, hươu mẹ làm một việc hết sức kỳ lạ, đó là đá vào người con mình cho đến khi nào nó chịu đứng dậy mới thôi.

Khi hươu con mỏi chân và nằm, hươu mẹ lại thúc chú đứng lên. Cho đến khi thực sự đúng được, hươu mẹ lại đẩy chú ngã xuống để hươu con phải nỗ lực tự mình đứng dậy trên đôi chân còn non nớt của chính mình.

Nếu không “tàn nhẫn” như thế, hươu con sẽ không tự rèn cho mình đôi chân cứng cáp, cơ thể khoẻ mạnh để nhanh chóng thích nghi với cuộc sống.

Khó khăn thử thách là để tôi luyện chúng ta, trải qua điều đó bằng chính nỗ lực của bản thân sẽ giúp chúng ta có được những thành quả xứng đáng.

6. Câu chuyện của ốc sên.

Ốc sên con ngày nọ hỏi mẹ: “Mẹ ơi! Tại sao chúng ta từ khi sinh ra phải đeo cái bình vừa nặng vừa cứng trên lưng như thế? Thật mệt chết đi được!”

“Vì cơ thể chúng ta không có xương để chống đỡ, chỉ có thể bò, mà bò cũng không nhanh” – Ốc sên mẹ nói.

“Chị sâu róm không có xương cũng bò chẳng nhanh, tại sao chị ấy không đeo cái bình vừa nặng vừa cứng đó?”

“Vì chị sâu róm sẽ biến thành bướm, bầu trời sẽ bảo vệ chị ấy”.

“Nhưng em giun đất cũng không có xương, cũng bò chẳng nhanh, cũng không biến hoá được, tại sao em ấy không đeo cái bình vừa nặng vừa cứng đó?”

“Vì em giun đất sẽ chui xuống đất, lòng đất sẽ bảo vệ em ấy”.

Ốc sên con bật khóc, nói: “Chúng ta thật đáng thương, bầu trời không bảo vệ chúng ta, lòng đất cũng chẳng che chở chúng ta”.

“Vì vậy mà chúng có cái bình!” – Ốc sên mẹ an ủi con – “Chúng ta không dựa vào trời, cũng chẳng dựa vào đất, chúng ta dựa vào chính bản thân chúng ta”.

Sinh ra trên đời không phải ai cũng được may mắn, ngay cả những người may mắn cũng luôn gặp phải những điều khó khăn trong cuộc sống. Điều quan trọng là phải biết dựa vào chính bản thân mình, nỗ lực vượt qua những khó khăn ấy chứ không phải trông chờ, ỷ lại vào người khác. Cái vỏ ốc – trong mắt ốc sên con là những gì nặng nề vướng víu và bất hạnh, nhưng theo lời mẹ dạy, đó lại là cái có thể bảo vệ cho ốc -> sức mạnh nằm ngay bên trong chúng ta, hãy biết biến khó khăn của hoàn cảnh thành cơ hội, thành lợi thế của bản thân mình.

7. Câu chuyên của Nick Vujicic

Nick Vujicic – sinh ra đã không có tứ chi, trong những năm đầu cuộc đời, anh đã phải đối mặt với sự chế giễu của những người xung quanh, sự từ chối nhận học của nhiều trường, rơi vào trầm cảm tồi tệ và nhiều lần có ý định từ bỏ cuộc sống, năm anh 10 tuổi anh đã cố tự dìm mình trong bồn tắm, nhưng tình yêu đối với cha mẹ không cho phép anh làm điều đó.

Thế rồi anh nhận ra trên thế giới này không phải chỉ có mình anh chịu những thiệt thòi, bất hạnh đó, anh dần chấp nhận khuyết tật của bản thân mà có suy nghĩ vô cùng tích cực rằng “Chúa đã tạo ra anh ắt có dụng ý nào đó và sẽ không để anh trở nên vô dụng mãi” “tôi được sinh ra không phải là một sự trừng phạt mà là sự sáng tạo đặc biệt của Chúa để Chúa hiển lộ những công việc đặc biệt của Người qua tôi”. Nick dần tìm ra cách sống một cuộc sống đầy đủ mà không có tứ chi, học được thành thạo những kỹ năng đời thường mà một người bình thường thực hiện dễ dàng.

Tốt nghiệp đại học với tấm bằng kép, trở thành nhà diễn thuyết và tuyên truyền động lực nổi tiếng, thành đại sứ của nghị lực phi thường, anh đã đem đến cho biết bao con người niềm tin, ý chí, nghị lực đối với bản thân họ, đối với cuộc sống này.

Trên đời này không có điều gì quá tồi tệ và không thể vượt qua, cũng không có bất hạnh nào không thể chịu đựng được, quan trọng là cách bạn chấp nhận nó, vượt qua nó như thế nào.

8. Bản lĩnh của người dẫn Nhật Bản.

Thảm hoạ kép – động đất 9,0 độ rich te và sóng thần cùng lúc giáng xuống thành phố Fukoshima của Nhật Bản năm 2011 đã khiến không chỉ thành phố này mà cả nước Nhật chịu những thiệt hại vô cùng nặng nề về người và của. Sau thảm họa kép, cả thế giới khâm phục trước một Nhật Bản kiên cường vượt lên nỗi đau và sự phục hồi thần kỳ ở những khu vực bị ảnh hưởng.

Sự kiên cường, kỷ luật, tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm của cả dân tộc Nhật Bản đã giúp đất nước này vượt qua được biến cố nặng nề vào hàng bậc nhất ấy.

9. Câu chuyện của con bướm.

Mỗi một con sâu khi muốn trở thành con bướm xinh đẹp với đôi cánh tự do, lộng lẫy và mềm mại đều phải nhẫn nại trải qua thời gian chịu đựng khổ sở trong cái kén bé nhỏ và sự đau đớn tưởng như không vượt qua nổi khi tách cái kén để chui ra.

Nếu nó không dùng sức lực của chính mình để vượt qua những thử thách ấy, đôi cánh của nó sẽ sưng phồng lên và èo uột, không thể cứng cáp khoẻ mạnh, đầy đủ sắc màu lộng lẫy và sống một cuộc sống tự do bay lượn như nó hằng mơ ước.

10. Phần thưởng cho tính tự giác.

Có một vị vua nọ cố ý sai người đặt một hòn đá to giữa đường đi lại của mọi người và nấp ở một chỗ quan sát. Đã rất nhiều người qua lại và bực mình vì sự bất tiện mà tảng đá mang lại nhưng không ai dừng lại để “dọn” tảng đá đi mà chỉ tìm cách đi vòng qua nó.

Có một người nông dân gánh rau củ ra chợ bán nhìn thấy tảng đá như vậy đã đặt gánh hàng của mình xuống và cố gắng đến toát cả mồ hôi để đẩy tảng đá gọn vào bên vệ đường. Khi anh ta quay trở lại chỗ gánh rau của mình thì nhặt được một túi tiền có ghi là “phần thưởng dành cho người không chỉ nghĩ cho bản thân”.

Có lẽ ngoài ý nghĩa như mảnh giấy đã ghi trên túi tiền, chúng ta nên hiểu rằng: mọi nỗ lực đều được trả công xứng đáng và đằng sau khó khăn bao giờ cũng là một cơ hội – món quà quý giá.

11. Câu chuyện của nhà hiền triết Heghen.

Ông kể cho chúng ta nghe về ba người thầy mà ông gặp được trong cuộc sống:

– Người thầy thứ nhất là một gã ăn trộm. Anh ta cho Heghen thấy được niềm tin và sự lạc quan, thanh thản ngay cả khi có những đêm anh ta trở về mà không trộm được món đồ nào “Ngày mai tôi sẽ kiếm được thứ gì đó, nếu không phải ngày mai thì sẽ là ngày kia..”

– Người thầy thứ hai là một con chó. Khi nó khát nước, nó đến bên bờ sông nhưng nhìn thấy cái bóng của mình ở dưới nước nó đã chực quay đi. Song, sau một hồi suy nghĩ nó đã nhảy xuống nước và tha hồ vẫy vùng ngụp lặn trong sự sung sướng, khoái chí của mình. Cái quan trọng là phải biết chiến thắng, vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân thì bạn mới đạt được những thứ mà bạn muốn.

– Người thầy thứ ba là một cậu bé trong nhà thờ. Heghen đến, khi nhà thờ tối om, ông thắp lên một cây nến và đưa cho cậu bé, một lúc sau ông thổi tắt cây nến và hỏi cậu bé “con có biết ngọn lửa ở cây nến đã đi đâu không?”. Cậu bé trả lời Heghen “vậy ngọn lửa ban đầu do đâu mà có?”. Câu hỏi của cậu bé làm ông lúng túng và trong phút chốc thấy hổ thẹn với bản thân vì sự ngạo nghễ lúc đầu. Nó khiến Heghen nhận ra rằng trong cuộc sống này phải không ngừng học hỏi, đừng sớm vội tự tin về những gì mình đã biết..

12. Thói quen ràng buộc.

Nhìn những con voi ở rạp xiếc, chắc hẳn chúng ta sẽ có thắc mắc trong đầu “tại sao con voi to lớn là thế mà phải chịu trói buộc bằng sợi xích sắt quá bé nhỏ so với nó, sao phải chịu sự điều khiển của roi điện”. Nó hoàn toàn có thể dùng sức mình để thoát ra. Là bởi vì ngay từ khi chúng còn nhỏ, chưa thể phản kháng, chúng đã chịu sự kìm hãm của dây xích, đã chịu sự điều khiển của roi vọt. Đối với chúng, đó là những thứ chúng không thể tự mình vượt qua được, và rồi năm tháng qua đi, vẫn với suy nghĩ đó chúng không thể nào thoát ra, trong khi chúng không biết rằng chúng hoàn toàn có thể làm điều đó.

Mặc cảm và nỗi sợ hãi trong quá khứ, không thể chiến thắng được bản thân đã khiến voi kia suốt đời chịu sự điều khiển, giam hãm của người khác, không được sống là mình.

13. Chuyện con bọ chét.

Các nhà khoa học khi nghiên cứu về thói quen của bọ chét đã nhốt chúng trong một cái hộp trong suốt có đậy nắp. Ban đầu những con bọ này nhảy rất mạnh, chúng đập đầu vào nắp hộp và đau điếng. Những lần nhảy sau, chúng cố điều chỉnh để nhảy thấp hơn so với lần trước, giảm đi lực va chạm với nắp hộp. Kết quả là cứ thế cho đến một lúc nào đó, các nhà khoa học mở nắp hộp, những con bọ này cũng không thể bay, nhảy ra ngoài được nữa.

Niềm tin “đau lắm, mình không thể làm được”, sự sợ hãi khó khăn khiến chúng ta ngại dấn thân, ngại cố gắng, lâu dần cái suy nghĩ muốn thoát ra, muốn thực hiện mục tiêu của mình cũng sẽ không còn nữa.

14. Tương lai phụ thuộc vào nhiều thứ nhưng phần lớn phụ thuộc vào chính bạn.

Người cha nọ nghiện rượu nặng và có hai cậu con trai. Khi lớn lên, người anh là phiên bản thứ hai của ông bố, còn người em lại đi đầu trong phong trào tuyên truyền tác hại của bia rượu. Kỳ lạ là khi được hỏi “điều gì khiến anh thành như ngày hôm nay” thì cả hai đều chung một câu trả lời “có một người bố như thế thì tất nhiên tôi phải trở thành thế này rồi”

Hoàn cảnh không phải là cái cớ để chúng ta vin vào đó bào chữa cho sự hèn nhát của bản thân mà chúng ta phải biết vượt lên trên hoàn cảnh vốn có của mình, chiến thắng nó. Đây cũng là một ví dụ cho việc làm chủ bản thân, làm chủ cuộc sống của mình. “Tôi chỉ có thể trở thành người do chính tôi tạo ra”

15. Lời khuyên:

– Tôi đã khóc vì không có giày để đi cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đi giày (Hellen Keller)
– Chiến thắng bản thân là chiến công hiển hách nhất (Platon)
– Sứ mệnh của người mẹ không phải là làm chỗ dựa cho con cái mà là làm cho chỗ dựa ấy trở nên không còn cần thiết nữa.
– Cây cải đắng quên mình trong đắng/ Trổ hoa vàng bên bờ suối để ong bay
– Ngay cả cái bóng của bạn cũng sẽ rời bỏ bạn khi bạn ở trong bóng tối (Hitler)
– Đường đi khó không phải vì ngăn sông cách núi . Mà khó vì lòng người ngại núi e sông (Nguyễn Thái Học)
– Nếu hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ ngả về sau bạn (ngạn ngữ Nam Phi)
– Thiên đường ở chính trong ta, địa ngục cũng từ lòng ta mà có.


Dàn ý nghị luận về ý chí, nghị lực sống của con người

I. Mở bài:

Dẫn dắt, nêu vấn đề cần nghị luận: ý chí nghị lực sống của con người.

II. Thân bài:

* Luận điểm 1: Giải thích khái niệm ý chí, nghị lực:

Ý chí, nghị lực là bản lĩnh, sự dũng cảm và lòng quyết tâm cố gắng vượt qua thử thách dù khó khăn, gian khổ đến đâu để đạt được mục tiêu đề ra.

Người có ý chí nghị lực là người có ý chí sức sống mạnh mẽ, luôn kiên trì, nhẫn nại vượt qua những khó khăn, chông gai trong cuộc đời để vươn lên, khắc phục hoàn cảnh đi đến thành công.

* Luận điểm 2: Nguồn gốc, biểu hiện của ý chí nghị lực

– Nguồn gốc: Nghị lực của con người không phải trời sinh ra mà có, nó xuất phát và được rèn luyện từ gian khổ của cuộc sống.

– Biểu hiện của ý chí nghị lực:

Người có nghị lực luôn có thể chuyển rủi thành may, chuyển họa thành phúc, không khuất phục số phận và đổ lỗi thất bại do số phận. Ví dụ: Milton, Beethoven…

Luôn biết khắc phục hoàn cảnh khó khăn bằng cách tự lao động, mưu sinh, vừa học vừa làm, tự mở cho mình con đường đến tương lai tốt đẹp.
Những người bị bệnh tật hiểm nghèo hoặc bị khiếm khuyết trên thân thể: cố gắng tự chăm sóc cho bản thân, cố gắng tập luyện, làm những việc có ích.

* Luận điểm 3: Vai trò, ý nghĩa của ý chí nghị lực

Nghị lực giúp con người đối chọi với khó khăn, vượt qua thử thách của cuộc sống một cách dễ dàng hơn. Ví dụ: Bill Gate…

Có niềm tin vào bản thân, tinh thần lạc quan để theo đuổi đến cùng mục đích, lí tưởng sống.
Thay đổi được hoàn cảnh số phận, cuộc sống có ích, có ý nghĩa hơn.

Trở thành những tấm gương về ý chí, nghị lực vượt lên số phận.

Người có ý chí nghị lực sẽ luôn được mọi người ngưỡng mộ, cảm phục, đồng thời tạo được lòng tin ở người khác.

* Bình luận, mở rộng:

– Phê phán những người không có ý chí, nghị lực:

Những người chưa làm nhưng thấy khó khăn đã nản chí, thấy thất bại thì hủy hoại và sống bất cần đời.

Những người có điều kiện đầy đủ nhưng không chịu học tập, buông thả, không nghĩ đến tương lai.

Những người khi gặp khó khăn là buông xuôi, nản chí, phó mặc cho số phận.

=> Lối sống cần lên án gay gắt.

– Phương hướng rèn luyện:

Rèn luyện ý chí, nghị lực, luôn biết vươn lên, vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Biết chấp nhận những khó khăn, thử thách, coi khó khăn, thử thách là môi trường để tôi luyện.

* Bài học nhận thức và hành động:

Cuộc sống nhiều gian nan, thử thách thì nghị lực sống là rất quan trọng.

Cần phải học cách rèn luyện mình để có thể vững vàng và trưởng thành hơn sau mỗi lần vấp ngã.

Rèn luyện bản thân thành người có ý chí và nghị lực để vượt qua mọi chông gai và thử thách trên chặng đường dài.

Lên án, phê phán những người sống mà không có ý chí nghị lực, không có niềm tin về cuộc sống.

Học tập những tấm gương sáng để đi tới thành công.

III. Kết bài

Khẳng định lại vai trò quan trọng của ý chí nghị lực trong cuộc sống.. Liên hệ bản thân.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.