Dàn ý và bài văn nghị luận về căn bệnh vô cảm

dan-y-va-bai-van-nghi-luan-ve-can-benh-vo-cam

Dàn ý và bài văn nghị luận về căn bệnh vô cảm

  • Mở bài:

Nêu vấn đề nghị luận: Xã hội đang dần tiến bộ theo từng giây, từng phút kéo theo sự bận rộn, hối hả của nhịp sống con người. Trong hoàn cảnh ấy,bên cạnh những người sống tốt, biết nghĩ đến người khác, vẫn còn có những kẻ vô cảm trước những buồn vui, đau khổ hay khó khăn… của cộng đồng. Đó là một thực trạng mà mỗi người  chúng ta cần suy nghĩ …

  • Thân bài:

1. Bệnh vô cảm là gì?

– Vô cảm là trạng thái cảm xúc và thái độ ý thức của một người hay một nhóm người được thể hiện ở: sự thơ ơ, dửng dưng, không biết quan tâm đến chính mình và người khác và những gì diễn ra xung quanh mình..

2. Thực trạng và nguyên nhân của căn bệnh vô cảm:

– Bệnh vô cảm có mặt và chung sống với con người từ rất lâu và đang càng ngày càng có sức lây lan rộng lớn trên quy mô toàn xã hội.

– Nó xuất hiện ở mọi lứa tuổi; mọi nơi (từ bản thân từng người đến gia đình, nhà trường, xã hội…)

3. Tác hại và hậu quả:

– Với cá nhân từng người: Bệnh vô cảm làm chai sạn trái tim của con người (không biết buồn, vui hạnh phúc hay đau khổ trước những thành công hay thất bại, … của bản thân), không còn lòng tự trọng.

– Với gia đình, xã hội: Nó làm suy thoái đạo đức của cá nhân hay một tập thể à đẩy đất nước đến sự tụt hậu. (Thậm chí, sự vô cảm còn dẫn đến  chết người.

4. Giải pháp khắc phục:

–   Với mỗi người: quan tâm, chia sẻ với mọi người xung quanh. Sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

–   Với gia đình: xây dựng gia đình văn hóa, giàu tình yêu thương.

–   Với nhà trường: giáo dục cho học sinh biết yêu thưng, chia sẻ với người khác.

–   Với xã hội: gắn kết, sẻ chia, đề cao tình thân ái.

  • Kết bài:

–  Tình thương là cái quý giá của con người. Bệnh vô cảm đã làm mất đi phẩm chất ấy.

– Chống lại bệnh vô cảm sẽ làm cho cuộc đời có ý nghĩa.


Tham khảo:

Suy nghĩ về “căn bệnh vô cảm”  trong xã hội ngày nay.

Ngày nay, người ta đang đầu tư rất nhiều cho việc “Người hóa” robot: biến chúng ngày càng trở nên giống con người hơn, từ cấu tạo những khớp xương, giọng nói.. và giờ là tình cảm, cảm xúc.Chỉ lạ một điều: Trong khi người ta vò đầu bứt trán để cài chíp cảm xúc cho những cỗ máy, thì cùng lúc đó, loài Người lại có khuynh hướng đi ngược lại. Tức là, họ ngày càng giống với những con robot: không có cảm xúc, không có lương tri, vận hành theo một quy trình sắp đặt sẵn. Căn bệnh vô cảm đã không chỉ còn là căn bệnh của một cá nhân, mà nó đã len lỏi, lan rộng ra cả một lớp người, một thế hệ, một xã hội. Con người, hay là một cỗ máy cấp cao?

Đứng trước cái xấu xa, cái đê hèn, mà không cảm thấy đau xót, phẫn nộ; không cảm thấy nhức nhối trái tim. Đứng trước điều tốt đẹp, những nhân cách cao thượng mà không cảm thấy ngưỡng mộ, cảm phục; không cảm thấy rung động tâm can. Căn bệnh vô cảm kéo người ta đến gần với cái chết lâm sàng: não thì vẫn hoạt động, nhưng trái tim thì đã ngừng đập.. Đó là một căn bệnh nguy hiểm biết chừng nào ! Thế nhưng, căn bệnh đó lại không ngừng lan rộng trong một xã hội công nghệ – thông tin ngày nay. Đi ra ngoài đường, chỉ thấy những dòng người đông đúc cố gắng rảo bước thật nhanh, hay trên những tuyến xa buýt không có chỗ vịn tay; còn mấy ai chịu khó đi bộ thư giãn, hay đạp xe vòng quanh bờ Hồ nữa. Giống như một cỗ máy được lập trình chỉ được thực hiện việc này trong từng này phút, việc kia trong từng kia phút, phải thật nhanh và chính xác, nếu không sẽ bị đào thải. Chính vì phải thật nhanh, thật chuẩn xác, nên còn mấy khi kịp để ý đến xung quanh? Những dòng xe lao vun vút, còn mấy ai để ý đến một cụ già cần qua đường? Những chen lấn trên chiếc xe chật chội, còn mấy ai để ý đến việc nhường ghế cho trẻ nhỏ, người già, người khuyết tật?.

Bệnh vô cảm xuất phát bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt như thế. Để rồi tiến xa hơn là sự vô cảm trước cái tốt, và vô cảm trước cái xấu trong xã hội. Điều đáng sợ của căn bệnh này, là nó khiến con người trở nên ích kỷ, độc ác và tàn nhẫn hơn. Nếu như có cảm xúc, liệu những bà bảo mẫu ở trường tư thục Mầm non Hà Nội có bao giờ tát, lấy bát đũa đập váo đầu trẻ, hay giựt tóc trẻ chỉ vì trẻ không chịu ăn và quấy nhiễu? Nếu như có cảm xúc, liệu những người quản lý nhà máy Vê – đan có bao giờ dám thải những chất hóa học độc hại xuống dòng sông Đồng Nai, khiến cho hàng chục người đã và đang sinh sống ở những khu vực gần đó mắc phải căn bệnh ung thư? ..

Người ta dám làm những việc xấu, chỉ vì người ta vô cảm trước cái xấu: không cảm thấy phẫn nộ, đau xót, hay không cảm thấy day dứt, ăn năn trước những việc mà mình làm. Người ta có thể cười trước một cảnh bạo lực đẫm máu, nhưng lại không cười trước cảnh đoàn tụ của một gia đình nơi sân ga. Người ta có thể khóc khi bị thua cờ bạc, nhưng người ta lại không khóc trước sự ra đi của người thân, bạn bè.

Vô cảm trước cái xấu là một lẽ, nhưng vô cảm trước cái tốt còn đáng sợ hơn. Tình yêu thương là nguồn gốc của sự sống, của con người. Người ta mất đi tình yêu thương thì sự sống cũng không tồn tại. Khi đọc một cuốn sách hay, hay một câu châm ngôn trong cuộc sống, người ta vô cảm. Người ta thấy nó sáo rỗng và nhạt thếch. Thế nhưng người ta lại tìm thấy điều gì đó thú vị ở những câu chuyện hài tục tĩu truyền từ blog này sang blog kia.. Người ta nghe một bài hát kháng chiến, hay một bài nhạc vàng, người ta thấy nó cũ rích và không phù hợp. Nhưng người ta lại thấy cái hay, cái mới mẻ trong những bài hát thị trường mà âm nhạc bị sáo đi sáo lại, lời lẽ thì thẳng đuột và vô hồn. Người ta nhìn tấm gương đôi bạn Tây Nguyên cõng nhau đi học sáu năm trời, người ta thấy thật ngu ngốc và tẻ nhạt. Nhưng người ta tìm thấy điều đáng chú ý, đáng quan tâm ở những scandal của một cô ca sỹ, diễn viên nào đấy. Những thứ đáng đọc, đáng nghe, đáng nhìn ..để mà học tập, mà noi gương, mà xúc động, rung cảm.. thì người ta không đọc, không nghe, không nhìn.

Sự vô cảm trước cái tốt, bắt nguồn từ sự thờ ơ với xã hội, thờ ơ với cộng đồng. Tầm nhìn của họ bị bó hẹp lại cho bản thân chính họ mà thôi. Sẽ có người bảo: “Người ta vẫn biết cười, biết khóc, biết lắng nghe, biết đọc, biết nhìn.. tại sao lại bảo là vô cảm?”. Xin trả lời rằng, cảm xúc của họ chỉ tồn tại cho chính họ, mà không hề được chia sẻ, hòa chung cùng cộng đồng. Cảm xúc của họ không làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn mà ngược lại làm cho nó ngày càng giảm dần giá trị nhân văn, và kéo nó đi xuống.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh vô cảm, nhưng chủ yếu do hai yếu tố: bản thân, hay xã hội bên ngoài tác động vào. Là do bản thân họ không có tình yêu thương, không có trái tim, họ sống bằng thứ lý trí sắt đá, khô khan của mình. Họ dẫm đạp lên người khác để đạt được mục đích, bất chấp mọi thủ đoạn. Họ không cần biết điều đó là tốt hay xấu, chỉ cần biết thu lợi về cho bản thân mình. Một nguyên nhân khác là do ngoại cảnh tác động vào: khi một con người bị chính cái xấu hãm hại, khi mà những điều tốt đẹp không xảy đến với bản thân họ, thì họ sẽ trở nên hận đời,và vô cảm trước cuộc đời. Họ không còn lòng tin vào cái tốt, nên họ vô cảm trước những điều tốt đẹp. Họ bị cái xấu làm hại, nên họ muốn tất cả mọi người phải nếm thử cảm giác của mình. Như trường hợp những cô gái tỉnh lẻ bị lừa gạt, mang trong mình căn bệnh AIDS đáng nguyền rủa, nên họ muốn trả thù cuộc đời: họ làm gái mại dâm để truyền nhiễm thứ virus đó cho biết bao người đàn ông khác. Những con người mù quáng, nhưng lại đáng thương hơn đáng trách. Họ cũng muốn “được” có cảm xúc, muốn được yêu thương và an ủi, vỗ về. Thế nhưng, trả lại họ là sự bạc bẽo của người yêu, gia đình và cộng đồng. Những người mắc bệnh AIDS luôn muốn truyền thứ virus đó cho những người khác, chẳng phải là do họ độc ác, hay nhẫn tâm.. mà do chính xã hội, cộng đồng này đã phủ nhận và không đón nhận họ. Chính vì bị phủ nhận, nên họ càng muốn được khẳng định. Họ trả thù những kẻ coi khinh họ. Vậy rốt cuộc, ai mới là người vô cảm ? Là những con người đáng thương đó, hay là chính cộng đồng này ?

Nguyên nhân, nguồn gốc của bệnh vô cảm bắt nguồn từ tình yêu thương. Suy cho đến tận cùng, tình yêu là cảm xúc chi phối con người nhiều nhất; chính vì vậy, vô cảm tức là thiếu tình yêu thương. Họ không yêu thương bản thân, gia đình, xã hội này, nên mọi thứ đối với họ đều là “rỗng”, mà “rỗng” thì làm sao có cảm xúc cho được? Nếu như bắt nguồn từ tình yêu thương, thì kết thúc của nó cũng là tình yêu thương. Giải pháp duy nhất cho căn bệnh vô cảm này, chính là bù đắp tình yêu thương cho mình. Những kẻ sống bằng lý trí khô cứng, cần phải hiểu rằng: nên có một trái tim nóng. Để biết khóc, biết cười, biết lắng nghe, biết yêu thương, biết rung cảm. Nghe thì có vẻ sáo rỗng, nhưng thực sự là như thế. Nếu chúng ta biết mở lòng mình ra với thiên nhiên, ta sẽ thấy cuộc đời thật tươi đẹp, và quanh ta, sự sống đang nảy nở. Nếu chúng ta biết mở lòng mình ra với bạn bè, người thân, gia đình.., ta sẽ thấy: vẫn còn có người hiểu mình và ở bên cạnh mình; rằng mình không cô độc. Nếu chúng ta biết hòa mình vào xã hội, ta sẽ thấy những việc của ta giúp ích cho cộng đồng như thế nào, và ta sẽ thấy tự hào về chính bản thân mình. Chỉ mở lòng ra và đón nhận tất cả, ta sẽ thấy cảm xúc trong ta nảy bừng lên như chưa bao giờ bị chai sạn …

Còn đối với những người – vốn là nạn nhân của những kẻ vô cảm, thì cần phải biết kiềm chế mình lại, để nhìn xem xung quanh, vẫn còn biết bao người tốt, vẫn còn biết bao cánh tay đang chìa ra và những nụ cười rộng mở. Và chúng ta, những cá thể trong cộng đồng, phải biết mở lòng mình và đón nhận những con người trót một lần sai phạm. Nếu chúng ta mỉm cười với họ, họ sẽ yêu quý và biết ơn chúng ta suốt đời. Nhưng nếu chúng ta quay lưng lại với họ, sẽ có ngày họ đứng trước mặt ta và trả thù chúng ta một cách đau đớn nhất. Tình yêu thương, chúng ta phải biết rằng, bao giờ cũng làm nên điều kỳ diệu. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người Anh lại chọn động từ “yêu” là động từ hay nhất, tuyệt vời nhất.

Bệnh vô cảm không phải là một khối u ác tính có thể phá hủy chúng ta trong vài ngày, vài tháng. Nó là mầm bệnh HIV có thể ủ trong cơ thể ta hàng chục năm, và giết dần từng tế bào cảm xúc. Để rồi, cho đến một ngày, tất cả cảm giác, xúc cảm của chúng ta đều bị phá hủy, và chúng ta không còn có thể rung động trước một điều tốt, hay phẫn nộ trước một điều xấu.. Nó không phát bệnh trên bề mặt, mà thâm nhập từ bên trong. Một người vô cảm vẫn có thể cười, nói, lắng nghe, ngắm nhìn và khóc. Thế nhưng trái tim họ lại bị đóng băng. Họ không rung động, nhưng hoàn cảnh bắt buộc họ phải thể hiện cảm xúc, thì họ sẽ thể hiện cảm xúc.

Bệnh vô cảm không phải là căn bệnh thuộc về cơ thể – vật chất, mà nó thuộc về tâm hồn. Nó xuất phát từ thói ích kỷ, lối sống chạy theo vật chất mà xem nhẹ đạo đức, nhân phẩm, không có tình thương. “Chữa trị” căn bệnh vô cảm không có cách nào tốt hơn việc làm cho trái tim của học biết yêu thương, chia sẻ, cảm thông và trợ giúp. Đôi khi, những người vô cảm cũng có thể đang ở trong khó khăn của họ. Đừng vội phán xét trước khi chúng ta kịp tìm hiểu những nguyên nhân dẫn đến sự vô cảm ấy. Chúng ta cần phải biết lắng nghe và ngắm nhìn cuộc sống, để nghiệm ra nhiều điều. Đừng nhìn vào bên ngoài, hãy nhìn vào trái tim người khác, để biết rằng, họ có phải là những kẻ vô cảm hay không ? …

Một xã hội vô cảm là một xã hội chết. Một cuộc sống vô vị và tẻ nhạt của một cỗ máy vô tri, chắc hẳn chẳng ai muốn như vậy. Vậy thì hãy mở lòng mình ra, để cho cảm xúc của bản thân có cơ hội được bộc lộ, để hòa nhập vào cộng đồng. Chẳng phải ngẫu nhiên mà học thuyết của Mác – Ănghen lại đạt được thành công, chứ không phải là học thuyết duy tâm siêu hình “Con người là một cái đồng hồ, và trái tim là lò xo…” của những nhà nghiên cứu khoa học tự nhiên khác; bởi vì ông đã nhìn con người theo cái nhìn biện chứng rằng tình cảm, cảm xúc mới chi phối và tạo nên con người.


Tác hại cảu căn bệnh vô cảm trong cuộc sống ngày nay

  • Mở bài:

Có thể nói vô cảm là đứa con của nền kinh tế hiện đại. Khi nền kinh tế phát triển, xã hội tiến bộ thì lại diễn ra một nghịch lý: Con người sống dửng dưng lạnh nhạt với nhau. Đó là lối sống vô cảm đang lan tràn trong học sinh, nó trở thành nguy cơ lớn cho xã hội và là một thách thức không nhỏ đối với sự nghiệp giáo dục.

  • Thân bài:

Vô cảm là trạng thái cảm xúc và thái độ ý thức của một người hay một nhóm người thờ ơ, dửng dưng không biết quan tâm đến mình đến những gì đang diễn ra xung quanh mình. Nói cách khác là không có cảm xúc trước bất kỳ sự việc sự vật nào, không động lòng trước nỗi đau của người khác, không phẫn nộ trước những tệ nạn xảy ra hàng ngày.

Bệnh vô cảm lây lan rất nhanh trong xã hội hiện đại, trong học sinh với các mức độ và các biến chứng khác nhau. Người vô cảm không biết nói lời “xin lỗi” khi làm sai hay mắc lỗi và không biết “cảm ơn” khi được giúp đỡ. Họ tiếc cả tràng vỗ tay khi giới thiệu về một đại biểu, khi xem một tiết mục văn nghệ, thể thao …

Người vô cảm lạnh lùng, dửng dưng trước nghịch cảnh của người khác (gặp tai nạn giao thông, cháy nhà, gặp người đau ốm … ) họ đứng xem thậm chí còn lợi dụng cơ hội để đoạt tài sản của người bị nạn (trên các trang mạng, các nữ sinh ở Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng… đánh nhau, xé áo, cắt tóc, các nam sinh và một số bạn dửng dưng quay phim, đứng xem không vào can ngăn mà vừa chửi bới vừa cổ vũ nhiệt tình: cởi áo đi, cởi áo đi, xé áo đi …).

Không những với người khác, người vô cảm còn vô cảm với chính mình, vô cảm với những thành công, thất bại, với niềm vui hay nỗi buồn với kết quả học tập của bản thân (bị điểm 1, 2 không buồn, được điểm 8, 9 không vui, lạnh nhạt dửng dưng với tất cả …).

Vô cảm với cộng đồng với sự kiện lớn của dân tộc (bão lụt thiên tai, quyền về biển đảo … ) nhưng lại nhạy cảm về danh vị và quyền lợi của mình. Có trường hợp lại hãnh diện về sự vô cảm của mình đó là sự vô cảm cố ý được đẩy thành lối sống cực đoan, tất cả đều “Mặc kệ nó”

Sự vô cảm thụ động dẫn đến sự phủi tay không tham gia vào bất cứ việc gì của lớp, của trường như: văn nghệ, thể thao, cắm trại … Vô cảm dẫn đến bất cần đời, không chịu học hành, không tu dưỡng không cần tương lai, mọi cái đều không quan trọng, không có gì cả. Kẻ vô cảm tự biến mình thành kẻ vô tri vô giác, mọi lời dạy bảo, khuyên nhủ, phê bình không có tác động gì, con người trở nên trơ lì, không tự ái, không tự trọng, không xấu hổ …

Thói thờ ơ, vô cảm gây ra những tác hại to lớn trong đời sống xã hội. Đối với từng cá nhân, từng người: lối sống vô cảm làm tàn phá tâm hồn, làm trái tim con người trở nên chai sạn và dễ dẫn đến tội ác. Đối với gia đình, xã hội: vô cảm làm suy thoái đạo đức của một cá nhân hay của một tập thể, đẩy đất nước đến tụt hậu, có thể làm nguy hại đến tính mạng con người và vận mệnh dân tộc.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thói vô cảm. Nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ bản thân mỗi người. Có thể những người vô cảm do họ bị ngoại cảnh tác động, hoặc bị cái xấu hãm hại nên mất niềm tin vào cuộc sống. Do lối sống ích kỷ thực dụng, hưởng thụ người ta thấy cuộc sống đơn điệu, vô nghĩa dẫn đến những cảm xúc đạo đức bị hạn chế thậm chí bị triệt tiêu.

Một số người sống thiếu bản lĩnh, sống khép mình, sợ va chạm, không muốn những mất mát, khổ đau của người khác đụng chạm vào sự bình an thanh thản trong lòng mình và cuộc sống của mình.

Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ sự giáo dục của gia đình. Một số gia đình chưa coi trọng việc giáo dục con cái về sự đồng cảm, yêu thương giúp đỡ nhau và biết bao dung, tha thứ cho người khác. Có nhiều bậc cha mẹ, phụ huynh thiếu gương mẫu về lối sống và giao tiếp.

Cha mẹ quá cưng chiều con nên sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu vô lối của con một cách vô điều kiện, nên tạo cho con lối sống chỉ biết nhận, không biết cho, sống nghèo nàn cảm xúc,vô tâm trước tình người, làm ngơ trước nỗi đau của người khác.

Nguyên nhân thứ ba xuất phát từ sự giáo dục của nhà trường. Nhà trường chú trọng nhiệm vụ giáo dục tri thức, xem nhẹ việc giáo dục tình cảm, đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh. Chương trình giáo dục phiến diện không đầy đủ, chỉ chủ yếu chạy đua theo thành tích về văn hoá, ít quan tâm hoặc chưa đầy đủ về giáo dục đạo đức, thiên về dạy chữ, nhẹ về dạy người.

Mặt khác, một bộ phận giáo viên ít quan tâm đến số phận, hoàn cảnh khó khăn, tâm sự vui buồn của học sinh, có xu hướng phai nhạt tình yêu thương. Đi dạy là trách nhiệm, là nghĩa vụ nên ít gần gũi và xây dựng tình yêu thương gắn bó với học sinh.

Môi trường giáo dục bị ảnh hưởng xã hội cũng gây nhiều bất ổn cho giáo dục đạo đức lối sống, giữa lý thuyết và thực tế chênh nhau khá lớn.

Nguyên nhân thứ tư là do xã hội. Cuộc cách mạng về khoa học và công nghệ đã làm thay đổi cách thức làm việc, tư duy, sự giao tiếp làm cho giới trẻ không quan tâm những việc xung quanh, khi thế giới mạng xã hội, những blog xuất hiện, lớp trẻ tự do thể hiện mình – khi giam mình quá lâu trong thế giới ảo sẽ trở nên trầm cảm và vô cảm.

Nền kinh tế thị trường một mặt phát huy được một số giá trị đạo đức truyền thống và sản sinh ra những giá trị mới, nhưng mặt khác nó lại tạo điều kiện cho cái tôi phát triển cực đoan, đề cao giá trị vật chất nảy sinh cách sống ích kỷ, lãng quên trách nhiệm cộng đồng.

Những tiêu cực của lối sống phương tây qua sách báo, phim ảnh, mạng … làm cho giá trị đạo đức truyền thống bị mai một, con người ít quan tâm lẫn nhau, sống co mình trong thế giới riêng theo kiểu “đèn nhà ai, nhà nấy rạng ”.

Để xây dựng xã hội tốt dẹp, văn minh, giàu lòng nhân ái, cần ngăn chặn căn bệnh vô cảm ngay bây giờ.

Đối với bản thân mỗi người, hãy sống đúng với chuẩn mực đạo đức của con người trong xã hội, biết yêu thương đùm bọc và chia sẻ lẫn nhau. Biết học tập noi gương những con người giàu lòng nhân ái, biết sống vì mọi người. Nên tránh xa những tệ nạn xã hội, cảnh giác với lối sống vô cảm. Có nhận thức đúng đắn có niềm tin vào con người vào lòng tốt, biết sửa đổi bản thân mình khi có lỗi lầm trong lối sống dẫn đên tình trạng vô cảm.

Đối với gia đình, trước hết, các thế hệ trong gia đình phải biết quan tâm lẫn nhau, từ đó giáo dục, xây dựng lối sống yêu thương đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau. Cha mẹ trong gia đình khi dạy bảo con cái cũng cần phải lắng nghe, thấu hiểu cảm xúc của con cái, không chỉ dạy con nhận biết cảm xúc của người khác mà còn hướng dẫn trẻ hiểu biết nguồn gốc của cảm xúc đó. Giáo dục dạy bảo con cháu lối sống đẹp, biết nhận và cũng biết cho, đó vừa là trách nhiệm vừa là tình cảm.

Đối với nhà trường, không chỉ dạy chữ mà từ dạy chữ để dạy cách làm người có nhân cách, có đạo đức, có xúc cảm và sự sẻ chia bằng nhiều hình thức dạy lồng ghép qua bộ môn Công dân, qua môn Văn và những sinh hoạt tập thể. Mỗi thầy, cô luôn quan tâm đến đồng nghiệp, chia sẻ với đồng nghiệp những vui buồn và quan tâm thương yêu học sinh bằng tình cảm chân thành nhất.

Nhà trường cần giáo dục học sinh lòng tin vào cái tốt, cái thiện, biết tránh xa và phát hiện cái xấu để cảnh giác và đấu tranh với nó. Có kế hoạch và tích cực giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, kỹ năng sinh hoạt tập thể bằng mọi hình thức có sức hấp dẫn lôi cuốn các em tạo ra mối liên hệ mật thiết để các em có điều kiện tiếp xúc cảm thông với nhau. Tổ chức tốt các phong trào đền ơn đáp nghĩa, làm việc từ thiện … học tập noi theo các gương sống tốt, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh để học sinh học tập tu dưỡng và rèn luyện …

Đối với xã hội: Các cấp có thẩm quyền có kế hoạch xây dựng một lối sống đẹp văn minh thân thiện trong toàn xã hội để tạo dựng niềm tin cho thế hệ trẻ. Tích cực tuyên truyền giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức và những gương người tốt việc tốt. Xây dựng hệ thống pháp luật, các chế tài đủ mạnh để trừng phạt những kẻ phạm tội, những kẻ xấu đi ngược lại lối sống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc. Tạo điều kiện cho lớp trẻ sống rèn luyện theo chuẩn mực của xã hội, luôn luôn quan tâm giúp đỡ họ để họ sống tốt hơn, thân ái trong xã hội mới.

  • Kết bài:

Vô cảm là cái chết tâm hồn, cái chết của tình người. Khi tình người khô kiệt, sự tử tế và lòng tốt không còn nữa thì đạo đức bị khinh thường, tội ác lan rộng, xã hội cũng sớm tan rã. Bởi thế, tuổi trẻ không nên vô cảm, đừng để tâm hồn chết khi bạn còn sống chỉ vì ích thói kỉ và lòng tham lam.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.