Đề bài: Đọc -hiểu về chủ đề đề cao cái tôi của bản thân

de-bai-doc-hieu-ve-chu-de-cai-toi-cua-ban-than

Chủ đề đề cao cái tôi của bản thân

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản dưới đây và trả lời các câu hỏi:

(1) Một khi đã phân biệt chuyện nào đúng, chuyện nào sai, người nào đúng, người nào sai, khi đó bạn đã tự mặc định việc lựa chọn phe cho mình. Khi phân định rạch ròi đúng – sai, chúng ta có xu hướng tấn công thuyết phục những người xung quanh để họ có cùng niềm tin như mình, thậm chí còn ghét bỏ, không thể đứng cùng một chỗ với người có tư tưởng đối lập. Bạn có bao giờ tự hỏi, điều gì khiến bạn cảm thấy khó chịu, ghét bỏ đối phương vào lúc đó chưa?Vì họ có quan điểm trái ngược? Hay vì họ không chịu lắng nghe bạn, không tin bạn, không tuân theo bạn, không thừa nhận rằng bạn đúng? (…)

(2) Chúng ta có nhất thiết cần phải chiến đấu đến cùng với người khác để giành được phần thắng, để được thừa nhận? Đến cuối cùng, chiến thắng đó liệu sẽ đem lại cho bạn điều gì? Bạn có thực sự chiến thắng không hay đó đơn thuần là chiến thắng của “cái Tôi” bên trong bạn?

(3) Một “cái Tôi” luôn kêu gào muốn người khác phải nghe mình, phải tôn trọng mình, phải để mình làm chỉ huy. Một “cái Tôi” khắc khoải mong được thừa nhận. Một “cái Tôi” thích chiến đấu hơn là nhún nhường. Một “cái Tôi” nói lý lẽ rất giỏi, nhưng lại chỉ thích bịt tai, vì không chịu lắng nghe nên không thể hiểu, chưa thể thương một người có lựa chọn khác biệt. Một “cái Tôi” vẫn còn cầm tù mình trong những vai trò, ranh giới, ẩn giấu bên trong là những lo toan, sợ hãi nên khi đứng trước sự đối lập, mới vội vàng nóng giận, vội vàng tức tối, cảm thấy bị đe dọa và lo lắng về tương lai. Khi “cái Tôi” tù túng thì sẽ rất khó để nó thực sự tôn trọng sự tự do của kẻ khác.

(Trích Chúng ta đâu chỉ sống cho riêng mình, Dương Thùy, Nxb Hà Nội, 2016, Tr 118-119)

Câu 1. Theo tác giả, một “cái Tôi” tù túng thường có những biểu hiện như thế nào? (0,5 điểm)
Câu 2. Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn (3) của văn bản?(0.75 điểm)
Câu 3. Qua đọc – hiểu văn bản, anh/chị hãy cho biết việc đề cao “cái Tôi” cá nhân sẽ tác động như thế nào đến lối sống của thế hệ trẻ hiện nay? (0.75 điểm)
Câu 4. Theo anh/ chị “Chúng ta có nhất thiết cần phải chiến đấu đến cùng với người khác để giành được phần thắng” không?Tại sao? (1.0 điểm)

* Gợi ý trả lời:

Câu 1: Theo tác giả, một “cái Tôi” tù túng thường có những biểu hiện như: luôn kêu gào muốn người khác phải nghe mình, phải tôn trọng mình, phải để mình làm chỉ huy; khắc khoải mong được thừa nhận; thích chiến đấu hơn là nhún nhường;…

Câu 2: Phép tu từ được sử dụng trong đoạn (3)

– Phép liệt kê -> diễn tả đầy đủ, rõ ràng những biểu hiện của “cái Tôi” tù túng để mọi người nhận biết rõ, sâu sắc hơn sự phong phú, phức tạp của nó.

– Phép điệp từ, điệp ngữ (một “cái Tôi”, mình) -> tạo giọng hùng biện mạnh mẽ, thuyết phục, nhấn mạnh mặt không tích cực của “cái Tôi” khi bị đẩy đến mức thái quá, cực đoan. Qua đó, bộc lộ thái độ không đồng tình, phê phán của tác giả và thức tỉnh những cá nhân luôn đề cao cái tôi bản thân nhằm định hướng nhận thức, cách sống đúng đắn, tích cực.

Câu 3: Việc đề cao “cái Tôi” cá nhân có tác động nhiều chiều đối với lối sống của thế hệ trẻ hiện nay:

– Ở chiều hướng tích cực: việc đề cao “cái Tôi” cá nhân là nhu cầu chính đáng, là khát vọng mang tính nhân bản và nhân văn. Nó giúp mỗi người trở nên khác biệt, nổi bật; khẳng định được giá trị và năng lực của bản thân; sống bản lĩnh, chủ động: dám làm những điều mình muốn, dám thể hiện bản thân, tự tin, năng động hơn trong cuộc sống và độc lập trong suy nghĩ…

– Ở chiều hướng tiêu cực: không ít bạn trẻ tuyệt đối hóa, tôn sùng “cái Tôi” cá nhân một cách cực đoan, tìm mọi cách thể hiện nó một cách thái quá dẫn đến hàng loạt những hệ lụy: làm xấu đi hình ảnh của bản thân, biến mình thành người dị biệt, nảy sinh bệnh ích kỉ, vô trách nhiệm, khiến xã hội lo ngại, mất niềm tin vào thế hệ trẻ,…. Vì vậy, mỗi cá nhân cần phải biết đặt “cái Tôi” trong mối quan hệ với “cái Ta”, với cộng đồng; “cái Tôi” dám thể hiện sự khác biệt nhưng cần tuân theo những chuẩn mực đạo lí, văn hóa dân tộc, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội,…

Câu 4: Học sinh có thể trả lời: có hoặc không và có sự lí giải hợp lí

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.