Đề bài: Đọc – hiểu về chủ đề lối sống có đạo đức

de-bai-doc-hieu-ve-chu-de-loi-song-co-dao-duc

Đề bài: Đọc – hiểu về chủ đề lối sống có đạo đức

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Điều gì phải thì cố làm cho kì được, dù là một việc phải nhỏ. Điều gì trái, thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ.
Trước hết phải yêu Tổ quốc, yêu nhân dân. Phải có tinh thần dân tộc vững chắc và tinh thần quốc tế đúng đắn. Phải yêu và trọng lao động. Phải giữ gìn kỷ luật. Phải bảo vệ của công. Phải quan tâm đến đời sống của nhân dân. Phải chú ý đến tình hình thế giới, vì ta là một bộ phận quan trọng của thế giới, mọi việc trong thế giới đều có quan hệ với nước ta, việc gì trong nước ta cũng quan hệ với thế giới.

Thanh niên cần phải có tinh thần gan dạ và sáng tạo, cần phải có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên, vượt mọi khó khăn, gian khổ để tiến mãi không ngừng. Cần phải trung thành, thật thà, chính trực.

(Trích Một số lời dạy và mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh – NXB Chính trị Quốc gia)

Câu 1. Đối tượng hướng đến của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đoạn trích là ai? (0,5 điểm)
Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng của các phép liên kết mà tác giả sử dụng. (1,0 điểm)
Câu 3. Người gửi gắm lời dạy nào thông qua đoạn trích? (0,5 điểm)
Câu 4. Nếp sống đạo đức nào trong đoạn trích có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? (1,0 điểm)


* Gợi ý trả lời:

Câu 1: (0,5đ) Đối tượng hướng đến của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đoạn trích là thanh niên.

Câu 2: (1,0đ)

– Phép liên kết:

+ Phép lặp – lặp cấu trúc “Điều gì… thì phải… dù là một điều nhỏ”, lặp từ ngữ “phải…cần”.

+ Phép liên tưởng: trường từ vựng về đạo đức: yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, trung thành, thật thà, chính trực.

– Tác dụng của phép liên kết: nhấn mạnh về những bài học đạo đức đúng đắn, cần thiết và gây tác động mạnh mẽ tới nhận thức, hành động của người làm cách mạng đặc biệt với thế hệ thanh niên.

Câu 3: (0,5đ)

Qua đoạn trích, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi gắm những lời dạy sâu sắc: Tránh điều xấu, thực hiện điều tốt, yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, có tinh thần dân tộc và tinh thần quốc tế, yêu và trọng lao động, giữ gìn kỷ luật, bảo vệ của công, quan tâm đến đời sống của nhân dân, chú ý đến tình hình thế giới, có tinh thần gan dạ và sáng tạo, có chí khí hăng hái, trung thành, thật thà, chính trực.

Câu 4: (1,0đ)

– Có thể lựa chọn một trong những nếp sống đạo đức như: yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu và trọng lao động…

– HS trình bày suy nghĩ cá nhân, nêu rõ vì sao nếp sống đạo đức đó có ý nghĩa với em nhất?


Bài tham khảo:

Lối sống có đạo đức

1. Khái niệm:

Sống có đạo đức là suy nghĩ, hành động theo những chuẩn mực đạo đức xã hội. Tuân theo pháp luật là sống và hành động theo các quy định của pháp luật.

2. Mối quan hệ giữa đạo đức và pháp luật:

Sống có đạo đức là phải tuân thủ theo pháp luật và ngược lại việc sống tuân theo pháp luật cũng được thực hiện theo một số giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội.

3. Ý nghĩa:

Là điều kiện để con người phát triển, tiến bộ trở thành người có ích cho gia đình và xã hội, được mọi người kính trọng.
Là điều kiện để xây dựng gia đình hạnh phúc, thúc đẩy xã hội phát triển.

4. Trách nhiệm công dân, học sinh

Cần thường xuyên tự kiểm tra, đánh giá hành vi của bản thân trong việc sống có đạo được và tuân theo pháp luật.
Bản thân em và tập thể lớp chắc chắn sẽ còn có những biểu hiện chưa thực sự tốt với yêu cầu giáo dục đạo đức và pháp luật.

Cụ thể như: Che dấu khuyết điểm của bạn; khi làm bải kiểm tra còn xem tài liệu, trao đổi bài với bạn trong những lúc kiểm tra; trốn học, rủ bạn bè đi chơi; đi xe hàng ba, gây ảnh hưởng đến những người khác; không đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện.

5. Một số biện pháp khắc phục:

+ Tự kiểm điểm lại những vấn đề của mình chưa nghiêm túc trong việc học tập cũng như trong các vấn về quy định pháp luật.
+ Đóng góp ý kiến, khuyên bảo với bạn bè để thực hiện nghiêm túc hơn trong học tập.
+ Học và nắm vững Luật An toàn giao thông để không vi phạm.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.