Đề bài: Đọc – hiểu về chủ đề lối sống văn hóa

de-bai-doc-hieu-ve-chu-de-loi-song-van-hoa

Chủ đề lối sống văn hóa

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích và thực hiện các yêu cầu:

Truyền thống văn hoá của dân tộc ta đã được hun đúc, tích lũy, chọn lọc trên bốn ngàn năm dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước. Bản chất nền văn hoá dân tộc là tính tự hào, tính đoàn kết, tính nhân ái, biết tôn trọng tự do và hạnh phúc của người khác, biết hy sinh vì đại nghĩa, biết xa lánh và đẩy lùi cái xấu cái ác ra khỏi lòng mình. Ở đâu và lúc nào các hiện tượng phi đạo đức xuất hiện phổ biến trong cuộc sống cộng đồng, như tranh giành, kỳ thị, bảo thủ, độc đoán tôn thờ vật chất, lừa đảo, manh động, thì biết rằng ở đó văn hoá đã bị suy đồi đã bị lãng quên, con người đã bị mất gốc. Tiến bộ vật chất chưa chắc đã có văn hoá, tri thức khoa học chưa chắc đã có văn hoá, nếu sự tiến bộ và tri thức đó được sử dụng để phục vụ cho tham vọng cá nhân hay một nhóm người, phục vụ cho sự tàn phá và huỷ diệt loài người.

Một nền văn hóa chân chính phải được bắt nguồn từ giáo dục và đạo đức. Giáo dục là hạt nhân, đạo đức là gốc rễ, văn hoá là cành lá. Thiếu giáo dục cây không có hạt nhân tốt, thiếu đạo đức gốc rễ không thể bám sâu vào lòng đất, thiếu văn hoá cành lá không thể xanh tươi phát triển được. Giáo dục là hạt nhân để cấu tạo con người, đạo đức là yếu tố nền tảng để con người phát triển đúng hướng, và văn hoá là nhựa sống là nét đẹp nội tâm được phát tiết ra trong cách ứng xử, giao tiếp. Thiếu văn hoá chúng ta xử sự với nhau thiếu lịch sự, thô lỗ, mất cảm thông, mất vô tư trong sáng.

Đã đến lúc chúng ta phải xây dựng, phát triển con người và xã hội trên nét đẹp văn hoá. Nét đẹp văn hoá giúp chúng ta suy nghĩ hành động theo tiêu chuẩn đi lên mà cuộc sống hôm nay cần phải có.

(http://www hoalinhthoai.com, trích Văn hóa và cuộc sống)

Câu 1. Theo tác giả đoạn trích, bản chất của nền văn hóa dân tộc là gì?
Câu 2. Vì sao sự tiến bộ về vật chất, tri thức khoa học nhiều lúc không song hành cùng với sự tiến bộ về văn hóa?
Câu 3. Tại sao giáo dục và đạo đức là hai yếu tố cốt lõi làm nên một nền văn hóa?
Câu 4. Anh/chị có cùng quan điểm với tác giả: Thiếu văn hoá chúng ta xử sự với nhau thiếu lịch sự, thô lỗ, mất cảm thông, mất vô tư trong sáng? Vì sao?


* Gợi ý trả lời:

Câu 1. Bản chất nền văn hoá dân tộc là tính tự hào, tính đoàn kết, tính nhân ái, biết tôn trọng tự do và hạnh phúc của người khác, biết hy sinh vì đại nghĩa, biết xa lánh và đẩy lùi cái xấu cái ác ra khỏi lòng mình.

Câu 2. Sự tiến bộ của vật chất, tri thức khoa học nếu chỉ để phục vụ cho tham vọng cá nhân, không hướng đến lợi ích chung của con người thì chưa song hành cùng với sự tiến bộ về văn hóa.

Câu 3. Tại vì:

– Giáo dục là yếu tố hạt nhân tạo nên một con người có tri thức để nhận biết những vấn đề trong cuộc sống. (0,5đ)
– Đạo đức là yếu tố gốc rễ, nền tảng để định hướng con người phát triển đúng hướng, biết cách ứng xử, giao tiếp chuẩn mực trong cuộc sống.

Câu 4. HS có thể chọn nhiều cách trả lời sao cho thuyết phục, tuy nhiên hướng trả lời phù hợp là:

– Cùng quan điểm với tác giả. Vì:

+ Văn hóa là một trong những phẩm chất tốt đẹp của con người. Văn hóa là thước đo sự hiểu biết của con người.
+ Vì vậy người có văn hóa sẽ có cách ứng xử lịch thiệp không thô lỗ,…

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.