Đề bài: Đọc – hiểu về chủ đề sống có ước mơ

chu-de-song-co-uoc-mo

Chủ đề: Sống có ước mơ

Đề bài 1:

I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau, và trả lời các câu hỏi :

“Chúng tôi có một kế hoạch kinh tế rất lớn. Chúng ta sẽ tăng gấp đôi tốc độ tăng trưởng hiện tại và trở thành nền kinh tế mạnh nhất thế giới. Đồng thời chúng ta sẽ đi cùng với những quốc gia sẵn sàng ủng hộ chúng ta. Chúng ta sẽ có được những mối quan hệ tuyệt vời. Không có ước mơ nào là quá lớn, không có thử thách nào là quá khó. Không có gì thuộc về tương lai chúng ta muốn chạm tới mà chúng ta không thể thực hiện được.

Nước Mỹ sẽ không chấp nhận những gì mà không phải là tốt nhất. Chúng ta phải đòi lại số phận của nước ta và có những ước mơ lớn, táo bạo và liều lĩnh. Chúng ta phải làm điều đó. Một lần nữa, chúng ta sẽ mơ về những điều đẹp đẽ, thành công cho đất nước.”

(Bài phát biểu nhận chức Tổng thống Mỹ của Donal Trum, 09/11/2016)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên?

Câu 2: Lời phát biểu của Donal Trum đã đặt ra những mục tiêu gì cho nước Mỹ trong tương lai?

Câu 3: Nêu nội dung chính của lời phát biểu trên?

Câu 4: Anh/chị có đồng tình với câu nói: “Không có ước mơ nào là quá lớn, không có thử thách nào là quá khó.”?

* Hướng dẫn trả lời:

Câu 1: Phương thức biểu đạt: Nghị luận.

Câu 2: Mục tiêu là đưa nước Mỹ trở thành nền kinh tế mạnh nhất trên thế giới.

Câu 3: Nội dung chính: Thể hiện khát vọng và nỗ lực thực hiện khát vọng của nước Mỹ.

Câu 4: HS có thể trả lời đồng tình hoặc không đồng tình. Lí giải hợp lí, thuyết phục, quan điểm đúng đắn.


Đề bài 2:

I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

(1) Trong mỗi chú bé đều âm ỉ giấc mơ bay lên. Tôi cũng thế. Em chắc vẫn còn nuôi giấc mơ đó. Nhưng khi lớn lên, đôi khi những tầng mây thâm thấp thôi cũng khiến ta như bị che khuất tầm nhìn. Tệ hơn, những tầng mây sũng nước thậm chí có thể che khuất cả những giấc mơ, đè nén khát vọng của mỗi người. Một ngày mây mù có thể khiến ta yếu ớt và bi lụy. Một chút thất bại cũng giống như mây mù kéo đến, có thể làm em rút vào tổ kén bi quan. Ai đó nói rằng cách tốt nhất để hóa giải khó khăn là đi xuyên qua nó. Đi xuyên qua mây mù bằng giấc mơ phi công giữ gìn từ thơ bé. Đi xuyên qua gian khó bằng lòng lạc quan. Đi xuyên qua u mê bằng khao khát hướng đến trí tuệ, thông sáng. Đi xuyên qua thất bại bằng sự điềm đạm trưởng thành.

(2) Vì triệu năm đã là như thế, cuộc đời có hôm nắng đẹp, có ngày mưa dầm, có tuần mây đen như đè nặng, có khoảnh khắc u ám tối dạ, rỗng đầu, nhưng mặt trời vẫn mọc mỗi sớm mai. Không phải ai cũng trở thành phi công lái Airbus hay Boeing đúng y như giấc mơ tuổi nhỏ. Nhưng ai cũng có thể học cách giữ cho mình giấc mơ bay xuyên qua những tầng mây, đón nắng rọi sáng tâm hồn khiến nụ cười luôn nở trên môi.

(Dẫn theo Hà Nhân, Bay xuyên những tầng mây, NXB Văn học. 2016, tr. 98)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích.

Câu 2: Theo tác giả, làm thế nào để hóa giải những khó khăn trong cuộc sống?

Câu 3: Anh/ chị hiểu thế nào về câu “ai cũng có thể học cách giữ cho mình giấc mơ bay xuyên qua những tầng mây, đón nắng rọi sáng tâm hồn khiến nụ cười luôn nở trên môi”.

Câu 4: Kể về giấc mơ bay lên của anh/ chị bằng đoạn văn khoảng 05 dòng có sử dụng phương thức biểu đạt tự sự.

* Hướng dẫn trả lời:

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

Câu 2. Theo tác giả, để hóa giải những khó khăn là đi xuyên qua nó. Đi xuyên qua mây mù bằng giấc mơ phi công giữ gìn từ thơ bé. Đi xuyên qua gian khó bằng lòng lạc quan. Đi xuyên qua u mê bằng khao khát hướng đến trí tuệ, thông sáng. Đi xuyên qua thất bại bằng sự điềm đạm trưởng thành.

Câu 3. “ai cũng có thể học cách giữ cho mình giấc mơ bay xuyên qua những tầng mây, đón nắng rọi sáng tâm hồn khiến nụ cười luôn nở trên môi”nghĩa là:

– Mỗi người dù trong hoàn cảnh khó khăn nào cũng đều có thể vượt qua và hướng đến ước mơ, khát vọng của mình mình bằng cách chấp nhận, đối diện với khó khăn, thất bại; giữ vững tinh thần lạc quan, niềm tin cuộc sống…

Câu 4. Học sinh có thể thể hiện bằng nhiều cách khác nhau nhưng phải đáp ứng yêu cầu sau:

– Xác định đúng phương thức biểu đạt.

– Nội dung đoạn văn hướng đến những điều tích cực…


Đề bài 3:

I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Tôi được tặng một chiếc xe đạp leo núi rất đẹp nhân dịp sinh nhật của mình. Trong một lần tôi đạp xe ra công viên chơi, một cậu bé cứ quẩn quanh ngắm nhìn chiếc xe với vẻ thích thú và ngưỡng mộ thực sự.

– Chiếc xe này của bạn đấy à? Cậu bé hỏi.

– Anh mình đã tặng nhân dịp sinh nhật của mình đấy. Tôi trả lời, không giấu vẻ tự hào và mãn nguyện.

– Ồ, ước gì tôi… Cậu bé ngập ngừng.

Dĩ nhiên là tôi biết cậu bé đang nghĩ gì rồi. Chắc chắn cậu ấy ước ao có được một người anh như thế. Nhưng câu nói tiếp theo của cậu bé hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của tôi.

– Ước gì tôi có thể trở thành một người anh như thế! Cậu ấy nói chậm rãi và gương mặt lộ rõ vẻ quyết tâm. Sau đó, cậu đi về phía chiếc ghế đá sau lưng tôi, nơi một đứa em trai nhỏ tật nguyền đang ngồi và nói:

– Đến sinh nhật nào đó của em, anh sẽ mua tặng em chiếc xe lăn lắc tay nhé.

(“Hạt giống tâm hồn”, tập 4, nhiều tác giả. NXB tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2006)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt của văn bản trên? (0,5 điểm)

Câu 2. Cậu bé ước trở thành người anh thế nào? (0,5 điểm)

Câu 3. Theo anh (chị) câu “Cậu ấy nói chậm rãi và gương mặt lộ rõ vẻ quyết tâm” có ý nghĩa gì? (1,0 điểm)

Câu 4. Văn bản trên gửi đến chúng ta thông điệp gì? (1,0 điểm)

* Hướng dẫn trả lời:

Câu 1.  Phương thức biểu đạt: Tự sự, biểu cảm

Câu 2. Cậu bé ước trở thành người anh thế nào? HS có thể trả lời 1 trong các cách sau:

– Cậu bé ước trở thành người anh mang lại niềm vui, niềm tự hào cho người em.

– Cậu bé ước trở thành người anh có tình thương em, mang lại niềm hạnh phúc cho em.

– Cậu bé ước trở thành người anh nhân hậu, được bù đắp, chia sẻ, yêu thương.

– Các câu trả lời tương tự…

Câu 3. HS có thể trả lời 1 trong các cách sau:

– Câu văn cho ta biết rõ hơn về sự trăn trở và lòng quyết tâm thực hiện ước mơ của cậu bé: trở thành người anh đáng tự hào.

– Câu văn cho thấy lòng quyết tâm cao độ của cậu bé muốn biến ước mơ của mình thành hiện thực.

– Cậu bé đang nung nấu quyết tâm thực hiện ước mơ của mình là tặng xe lăn cho người em tật nguyền.

– Các câu trả lời tương tự…

Câu 4.  Đây là câu hỏi mở. Học sinh có thể rút ra một bài học nào đó miễn là hợp lí, có sức thuyết phục. Chẳng hạn như: Sống phải biết yêu thương, quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, nhất là với những người bất hạnh, tật nguyền để họ có được sự bình đẳng như mọi người…


Đề bài 4:

I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

            Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Khi nói đến ước mơ của mỗi người thì điều đầu tiên cần phải xác định đó không phải là những mong ước viển vông mà chính là mục đích con người đặt ra và cố gắng phấn đấu để đạt đến trong cuộc đời mình.

Đồng thời một yếu tố cũng hết sức quan trọng là cần phải xác định cách thức để đạt được mục đích đó, bởi không ai trong cuộc đời này lại không muốn đạt đến một điều gì đó. Sự khác biệt chính là ở phương thức thực hiện, cách thức đạt đến ước mơ của mỗi người và điều này sẽ quyết định“đẳng cấp” về nhân cách của mỗi người.

Có người đi đến ước mơ của mình bằng cách trung thực và trong sáng thông qua những nỗ lực tự thân tột cùng. Đây là những người có lòng tự trọng cao và biết dựa vào sức của chính mình, tin vào khả năng của chính mình và sự công bằng của xã hội. Đối với họ, mục tiêu chưa chắc là điều họ quan tâm, cái họ quan tâm hơn chính là phương thế để đạt đến mục tiêu trong cuộc sống.

Chính vì vậy họ là những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận“tầm gửi”, trở thành công cụ trong tay người khác hay giao phó tương lai của mình cho người khác. Sở dĩ như thế là bởi họ chỉ tự hào với những gì do chính bản thân họ làm ra và đạt đến, đồng thời cũng là những người xem phương tiện quan trọng như mục tiêu của cuộc đời mình.

            (Nguồn: Lê Minh Tiến, Đẳng cấp về nhân cách, http://tuoitre.vn)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 2. Theo tác giả, điều gì sẽ quyết định “đẳng cấp” về nhân cách của mỗi người?

Câu 3. Vì sao tác giả cho rằng: những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận “tầm gửi” chỉ tự hào với những gì do chính bản thân họ làm ra và đạt đến.

Câu 4. Từ đoạn trích trên, hãy rút ra bài học có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?

* Hướng dẫn trả lời:

Câu 1:  Phương thức biểu đạt chính: nghị luận

Câu 2: Điều sẽ quyết định “đẳng cấp” về nhân cách của mỗi người là: phương thức thực hiện, cách thức đạt đến ước mơ của mỗi người.

Câu 3: Những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận “tầm gửi” chỉ tự hào với những gì do chính bản thân họ làm ra và đạt đến. Tác giả nói như vậy vì:

– “Tầm gửi” là lối sống dựa dẫm vào người khác, là những người kém bản lĩnh, bất tài.

Những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận “tầm gửi” là những người có lòng tự trọng, có ý thức về giá trị bản thân, luôn nỗ lực vươn lên để đạt được mục đích.

Câu 4:  Thí sinh có thể rút ra bài học:

– Nỗ lực thực hiện ước mơ bằng chính khát vọng và khả năng của bản thân.

– Tự tin, tự trọng làm nên giá trị con người.

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Cảm nghĩ về thời gian tuổi trẻ - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.