Đề bài: Đọc – hiểu về chủ đề thái độ sống

de-bai-doc-hieu-ve-chu-de-thai-do-song

Đọc – hiểu về chủ đề thái độ sống

Đề bài 1:

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Cùng một cơn mưa, người tiêu cực sẽ bực mình vì phải trùm áo mưa, người lạc quan thì nghĩ đến cây cối xanh tươi, không khí sẽ được trong lành. Và một khi chúng ta không thể thay đổi được hiện tượng xảy ra, tốt nhất là nhìn nó bằng ánh mắt tích cực. Cái thiện có thể sẽ thua cái ác trong một thời điểm nhưng chung cuộc sẽ chiến thắng. Cứ sau một sự cố, con người lại tìm nguyên nhân và khắc phục nó. Sau lũ lụt, phù sa sẽ làm màu mỡ hơn cho cánh đồng, sâu bọ sẽ bị quét sạch ra biển, dư lượng hóa chất trong đất đai sẽ bị rửa sạch. Lỗi lầm của người khác, thay vì giữ trong lòng và tức giận, thôi bỏ qua, mình sẽ thấy thoải mái hơn rất nhiều. Nói một cách khác, nếu bạn được sống 100 năm, xem như là một bộ phim có 100 tập, thì hãy tạo ra ít nhất 2/3 tập có tiếng cười thay vì tập nào cũng rơi vào bi kịch chán chường, đau khổ, chia ly, mất mát.

Trong từ Hán Việt, nguy cơ bao gồm nguy và cơ. Và đối với người có tư duy tích cực, “nguy” (problem) sẽ được họ biến thành “cơ” (opportunity). Người tích cực và lạc quan sẽ có gương mặt sáng bừng, nụ cười thường trực trên môi, sống và cháy hết mình, học tập và làm việc hết mình dù ngày mai trời có sập.

(Trích Tư duy tích cực, Trên đường băng, NXB Trẻ, 2016, tr 37)

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích trên.

Câu 2. Qua đoạn trích, tác giả ngầm phê phán những người có thái độ sống như thế nào?

Câu 3. Đứng trước một nguy cơ, người tư duy tích cực sẽ có cách ứng xử như thế nào?

Câu 4. Anh/Chị rút ra bài học gì từ nội dung đoạn trích trên?

* Hướng dẫn trả lời:

Câu 1 – Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.

Câu 2 – Đoạn văn ngầm phê phán người có thái độ sống tiêu cực, bi quan.
Câu 3 – “Nguy” sẽ được họ biến thành “cơ”. Nghĩa là những khó khăn sẽ được chuyển thành cơ hội.

Câu 4 – Bày tỏ được suy nghĩ, diễn đạt rõ ràng, thuyết phục về bài học từ đoạn trích: Nên nhìn cuộc sống bằng cái nhìn tích cực, lạc quan dù phải đối mặt với những “nguy cơ”.


Đề bài 2:

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Bạn hãy tưởng tượng cuộc đời như một trò chơi tung hứng. Trong tay bạn có năm quả bóng mang tên là: công việc, gia đình, sức khoẻ, bạn bè, và tinh thần. Bạn sẽ hiểu ngay rằng công việc là quả bóng cao su. Vì khi bạn làm rơi nó xuống đất, nó sẽ nảy lên lại. Nhưng bốn quả bóng còn lại – gia đình, sức khoẻ, bạn bè và tinh thần – đều là những quả bóng bằng thủy tinh. Nếu bạn lỡ tay đánh rơi một quả, nó sẽ bị trầy sướt, có tì vết, bị nứt, bị hư hỏng hoặc thậm chí bị vỡ nát mà không thể sửa chữa được. Chúng không bao giờ trở lại như cũ. Bạn phải hiểu điều đó và cố gắng phấn đấu giữ cho được sự quân bình trong cuộc sống của bạn.

Bạn đừng tự hạ thấp giá trị của mình bằng cách so sánh mình với người khác vì mỗi chúng ta là những con người hoàn toàn khác nhau. […]

Bạn chớ đặt mục tiêu của bạn vào những gì mà người khác cho là quan trọng. Chỉ có bạn mới biết rõ điều gì tốt nhất cho chính mình […]

Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay vì bạn cứ đắm mình trong quá khứ hoặc ảo tưởng về tương lai. Chỉ bằng cách sống cuộc đời mình trong từng khoảnh khắc của nó, bạn sẽ sống trọn vẹn từng ngày của đời mình. […]

Bạn chớ quên nhu cầu tình cảm lớn nhất của con người là cảm thấy mình được đánh giá đúng. […]

Cuộc đời không phải là đường chạy. Nó là một lộ trình mà bạn phải thưởng thức từng chặng đường mình đi qua.

(Trích bài phát biểu Sống trọn vẹn từng ngày của tổng giám đốc Tập đoàn Cocacola; Quà tặng cuộc sống)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính ? (0,5 điểm)
Câu 2.  Nêu và chỉ ra hiệu quả của các biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản? (0,75 điểm)
Câu 3. Vì sao khi so sánh mình với người khác lại là cách chúng ta hạ thấp mình? (0,75 điểm)
Câu 4. Anh, chị hiểu thế nào về câu sau: “Cuộc đời không phải là đường chạy. Nó là một lộ trình mà bạn phải thưởng thức từng chặng đường mình đi qua” (1,0 điểm)

* Hướng dẫn trả lời:

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
Câu 2. Chỉ ra được 2 biện pháp nghệ thuật chính:
Câu 3. So sánh (cuộc đời như một trò chơi tung hứng, công việc là quả bóng cao su, gia đình, sức khỏe, bạn bè và tinh thần là những quả bóng bằng thủy tinh). Lối so sánh hình tượng này tạo sự tương tác giữa các giá trị sống quan trọng trong cuộc đời mỗi con người. Điệp cấu trúc (bạn … chớ để/ chớ đặt/ chớ quên….. ) khẳng định, nhấn mạnh ý thức, vai trò của bản thân trong cuộc đời. Khi đem ra so sánh mình với người khác, cả người so sánh và cả người bị đem ra so sánh đều bị tổn thương và không được tôn trọng. Bởi vậy, hãy biết trân trọng những gì mình có bởi chúng ta là một cá nhân đặc biệt; chúng ta hãy sống cuộc sống trọn vẹn của chính mình.

Câu 4.  Cuộc đời không phải là một đường chạy thẳng liên tục và bằng phẳng để chúng ta có thể dễ dàng đến đích hay vội vàng băng qua. Cuộc đời là một lộ trình bao gồm nhiều chặng đường dài: có thể là chặng đường đang sống, có thể là chặng đường đã qua, cũng có thể là chặng đường ta định tới: có vui – buồn, có khổ đau – hạnh phúc, có thành công – thất bại, thậm chí phải trả giá bằng máu và nước mắt. Để có một cuộc đời trọn vẹn ta phải suy ngẫm “thưởng thức”, “nhấm nháp” lần lượt tất cả những điều đó.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.