Đề bài: Đọc – hiểu về chủ đề tình yêu quê hương, đất nước

de-bai-doc-hieu-ve-chu-de-tinh-yeu-que-huong-dat-nuoc

Đề bài: Đọc – hiểu về chủ đề tình yêu quê hương, đất nước

Đề bài 1:

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu:

NHỚ BẮC

– Huỳnh Văn Nghệ –

Ai về Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.
Ai nhớ người chăng? Ôi Nguyễn Hoàng!
Mà ta con cháu mấy đời hoang
Vẫn nghe trong máu hồn xa xứ
Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương.
Vẫn nghe tiếng hát thời quan họ
Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn
Vẫn thương vẫn nhớ mùa vải đỏ
Mỗi lần phảng phất hương sầu riêng.
Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên
Chinh Nam say bước quá xa miền.
Kinh đô nhớ lại xa muôn dặm
Muốn trở về quê mơ cảnh tiên.

Câu 1. Nhân vật trữ tình trong bài thơ đang ở đâu và nhớ về vùng đất nào?
Câu 2. Bài thơ gợi nhớ những truyền thuyết về Lạc Hồng, Rồng Tiên với mục đích gì?
Câu 3. Nêu tác dụng của điệp từ “vẫn” trong khổ thơ sau:

Vẫn nghe tiếng hát thời quan họ
Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn
Vẫn thương vẫn nhớ mùa vải đỏ
Mỗi lần phảng phất hương sầu riêng.

Câu 4. Từ câu thơ Muốn trở về quê mơ cảnh tiên, anh/chị liên tưởng gì về vai trò của quê hương đối với thế hệ trẻ ngày nay?

* Hướng dẫn trả lời:

Câu 1. Nhân vật trữ tình đang ở trong Nam nhớ về đất Bắc.
Câu 2. Những từ Lạc Hồng, Rồng Tiên gợi nhớ truyền thuyết Con rồng cháu tiên với mục đích tự hào về nguồn gốc cao quý.
Câu 3. Điệp từ “vẫn” gợi tâm trạng nhớ quê khắc khoải, khôn nguôi của nhân vật trữ tình.
Câu 4. Trình bày ngắn gọn quan điểm, suy nghĩ của cá nhân. Giải thích vì  sao có suy nghĩ quan điểm như vậy. Chẳng hạn, từ khao khát quê hương của nhân vật trữ tình trong bài thơ, có thể thấy quê hương có vai trò quan trọng, là bến đỗ tinh thần của con người ở mọi thời đại, tình cảm với quê hương sẽ làm hình thành ở thế hệ trẻ ý thức trách nhiệm với nguồn cội,…


Đề bài 2:

I: ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu :

(1) “Lấy chủ đề về cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng nhất tại châu Âu kể từ sau Thế chiến II, bộ phim tài liệu Hành trình của sự sống và cái chết thể hiện một cách chân thực nhất, cận cảnh nhất, khách quan nhất về cuộc sống của những người dân tị nạn ở Trung Đông. Song song với đó, theo chân những dòng người di cư, bộ phim còn giúp khán giả chứng kiến sự khốc liệt, tội ác tột cùng của chiến tranh.

(2) Câu chuyện của Hành trình của sự sống và cái chết bắt đầu bằng giọng hát của những đứa trẻ tại một trại tị nạn gần biên giới Libăng và Syria – “Thiên đường, thiên đường, thiên đường. Quê hương em là thiên đường”. Hình ảnh những đứa trẻ vô tội bị đói, lạnh và bệnh tật dưới thời tiết 0 độ song vẫn hồn nhiên nở nụ cười được nhắc lại nhiều lần trong hơn 40 phút của bộ phim. Ở đó, mỗi đứa trẻ có một số phận, một hành trình gian nan khác nhau để đến với miền đất hứa nhưng điểm chung giữa chúng là khát vọng được sống trong bình yên, có đồ ăn và áo ấm. Những hình ảnh ấy có lẽ sẽ khiến nhiều người không thể quên, thậm chí bị ám ảnh.

(3) Không chỉ khắc họa chân thực cuộc sống của những người di cư, bộ phim còn trả lời một phần câu hỏi – Tại sao những người tị nạn phải rời bỏ quê hương, để tìm đến cuộc sống khổ cực cùng tận và cả những cái chết oan uổng trên nẻo đường tìm về miền đất hứa?. Câu trả lời cho câu hỏi này chỉ đơn giản là bởi nỗi sợ hãi, ám ảnh với chiến tranh và IS, là mơ ước về một cuộc sống thoát khỏi những cơn ác mộng đến hàng đêm.

(Lời bình của phim tài liệu “Hành trình của sự sống và cái chết” – VTV đặc biệt, tháng 12/2015).

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích?

Câu 2. Những thông tin người xem có thể thu thập được khi xem bộ phim tài liệu “Hành trình của sự sống và cái chết” (VTV đặc biệt, tháng 12/2015).

Câu 3. Trong đoạn (2), người viết đã sử dụng các phép liên kết nào? Tác dụng của các phép liên kết ấy?

Câu 4. Câu hát của những đứa trẻ trong trại tị nạn “Thiên đường, thiên đường. Quê hương em là thiên đường” gợi cho anh (chị) suy nghĩ gì? Trình bày trong khoảng 7-10 dòng?

* Hướng dẫn trả lời:

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Thuyết minh

Câu 2: Những thông tin người xem có thể thu thập khi xem bộ phim tài liệu “Hành trình của sự sống và cái chết” là: Cuộc sống của những người dân tị nạn ở Trung Đông; sự khốc liệt, tộiác tột cùng của chiến tranh và nguyên nhân vì sao những người tị nạn phải rời bỏ quê hương của mình .

Câu 3: Trong đoạn (2), người viết đã sử dụng phép lặp “những đứa trẻ”; phép thế “ở đó”,những hình ảnh ấy”. Tác dụng: Tô đậm hình ảnh đáng thương của trẻ em trong trại tị nạn, câu văn ám ảnh, sinh động.

Câu 4: Câu hát của những đứa trẻ trong trại tị nạn cho thấy: Với chúng, quê hương là nơi đẹp đẽ,nơi có những điều tốt lành, hạnh phúc và mơ ước. Vậy mà chúng phải rời bỏ quê hương để cùng người lớn di cư tìm đến cuộc sống khổ cực. Câu hát cũng chính là lời tố cáo chiến tranh, IS đã đẩy con người, nhất là trẻ em, những nạn nhân đáng thương đến tình cảnh khổ sở.


Đề bài 3:

I: ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu :

Tôi chưa từng đi qua chiến tranh
Chưa thấy hết sự hi sinh của bao người ngã xuống
Thưở quê hương còn gồng gánh nỗi đau
(…)
Tôi lớn lên từ những khúc dân ca
Khoan nhặt tiếng đờn kìm
Ngân nga sáo trúc
Đêm trăng thu say sưa nghe bà kể
Chú Cuội một mình ngồi gốc cây đa.
 
Thời gian qua
Xin cảm ơn đất nước
Bom đạn mấy mươi năm vẫn lúa reo sóng hát
Còn vọng vang với những câu Kiều
Trong từng ngần ấy những thương yêu
Tiếng mẹ ru hời
Điệu hò thánh thót
Mang hình bóng quê hương tôi lớn thành người.

(Cảm ơn đất nước – Huỳnh Thanh Hồng)

1) Xác định hai phương thức biểu đạt trong văn bản trên
2) “Hình bóng quê hương” được miêu tả bằng những từ ngữ, hình ảnh, phương diện nào ?
3) Tác giả đã thể hiện thái độ, tình cảm gì trong văn bản trên.
4) Anh chị viết một đoạn văn ngắn nêu ý kiến về những điều cần làm, thái độ cần có của giới trẻ đối với quá khứ hào hùng, truyền thống anh dũng của đất nước.

* Hướng dẫn làm bài:

1. Hai phương thức biếu đạt trong văn bản: biểu cảm, tự sự.
2. Hình bóng quê hương được tác giả miêu tả bằng những giá trị vật chất ( lúa reo, sóng hát) và những giá trị tinh thần bất biến ( khúc dân ca, điệu hò với những thanh âm dân tộc thân quen, lời ru của mẹ, câu chuyện cổ tích bà hay kể, Truyện Kiều…) dù chiến tranh đau thương tàn phá           0,5

3. Tác giả thể hiện tình cảm ngợi ca, trân trọng những giá trị vật chất và tinh thần của dân tộc, đồng thời thể hiện sự biết ơn sâu sắc bao lớp người đi trước gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp ấy.

4. Có thể trình bày theo những cách khác nhau nhưng cần đạt được những ý cơ bản :
+ Hiểu được thành quả vĩ đại của dân tộc ta đã giành được, những truyền thống quí báu đã được gìn giữ phát huy qua bao cuộc chiến tranh giữ nước và quá trình xây dựng đất nước.
+ Bồi dưỡng niềm say mê, yêu thích lịch sử, có kiến thức sâu rộng về lịch sử dân tộc, am hiểu truyền thống đất nước.
+ Mỗi cá nhân phải cố gắng giữ được bản sắc truyền thống, cốt cách văn hóa của dân tộc.


Đề bài 4:

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII, người châu Âu vẫn chưa phân biệt rõ sự khác nhau giữa quần đảo Trường Sa với quần đảo Hoàng Sa. Cho đến năm 1787-1788, đoàn khảo sát Kergariou Locmaria mới xác định rõ vị trí của quần đảo Paracel (là quần đảo Hoàng Sa hiện nay) và từ đó người phương Tây mới bắt đầu phân biệt quần đảo Hoàng Sa ở phía bắc với một quần đảo khác ở phía nam, tức quần đảo Trường Sa. Đến năm 1791, Henry Spratly, người Anh, du hành qua quần đảo và đặt tên cho đá Vành Khăn là Mischief. Năm 1843 Richard Spratly đặt tên cho một số thực thể địa lý thuộc Trường Sa, trong đó có Spartly’s Sandy Island cho đảo Trường Sa. Kể từ đó, Spartly dần trở thành tên tiếng Anh của cả quần đảo. Đối với người Việt, thời nhà Lê các hải đảo ngoài khơi phía đông được gọi chung là Đại Trường Sa đảo. Đến thời nhà Nguyễn triều vua Minh Mạng thì tên Vạn Lí Trường Sa xuất hiện trong bản đồ Đại Nam nhất thống toàn thổ của Phan Huy Chú. Bản đồ này đặt nhóm Vạn Lí Trường Sa ở phía nam nhóm Hoàng Sa. Về mặt địa lí thì cả hai nhóm đều nằm dọc bờ biển miền trung nước Đại Nam…

(Theo Wikipedia)

Câu 1: Đoạn văn trên viết về vấn đề gì? Đặt tiêu đề cho đoạn văn.
Câu 2: Đoạn văn trên có những cơ sở nào chứng tỏ quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam?
Câu 3: Đọc đoạn văn trên trong không khí chính trị – xã hội hiện nay, em có suy nghĩ gì về chủ quyền biển đảo Tổ quốc? (Viết đoạn văn 5-7 câu).

Hướng dẫn trả lời:

Câu 1:.

– Đoạn văn trên viết về lịch sử và các tên gọi khác nhau của 2 quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa, đưa những cơ sở chứng tỏ 2 quần đảo này là của Việt Nam.

– Đặt nhan đề: Trường Sa và Hoàng Sa – Lịch sử và tên gọi.

Câu 2:. Trong đoạn văn trên đã nêu những cơ sở chứng tỏ quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam:

– Thứ nhất, thời nhà Lê các hải đảo ngoài khơi phía đông được gọi chung là Đại Trường Sa đảo.

– Thứ hai, đến thời nhà Nguyễn triều vua Minh Mạng thì tên Vạn Lí Trường Sa xuất hiện trong bản đồ Đại Nam nhất thống toàn thổ của Phan Huy Chú.

Câu 3:. – HS biết cách viết đoạn văn theo đúng qui định về số câu. Nội dung thể hiện suy nghĩ, thái độ và có ý thức hành động về việc bảo vệ chủ quyền dân tộc nói chung và quyền biển đảo nói riêng.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.