Đề cương ôn tập Tiếng Việt Học kỳ 1 Ngữ văn 8

de-cuong-on-tap-tieng-viet-ngu-van-8-hoc-ky-1

Đề cương ôn tập Tiếng Việt Học kỳ 1 Ngữ văn 8

Cấp độ khái quát nghĩa của từ.

* Nghĩa của một từ ngữ có thể rộng hơn hoặc hẹp hơn nghĩa của từ ngữ khác:

– Một từ được coi là có nghĩa rộng khi phạm vi nghĩa của từ ngữ đó bao hàm phạm vi nghĩa của một số từ ngữ khác.

– Một từ ngữ được coi là có nghĩa hẹp khi phạm vi nghĩa của từ ngữ đó được bao hàm trong phạm vi nghĩa của một từ ngữ khác.

– Một từ ngừ có nghĩa rộng đối với những từ ngữ này, đồng thời có thể có nghĩa hẹp đối với một từ ngữ khác.

Ví dụ:

– Giáo dục:

+ Thầy giáo: Thầy giáo dạy Toán, Thầy giáo dạy Văn…

+ Học sinh: Học sinh giỏi, HS yếu…

Trường từ vựng.

Trường từ vựng là tập hợp của những từ có ít nhất một nét chung về nghĩa.

Ví dụ:

+ Trường từ vựng Y phục: quần áo, giày dép, mũ nón…

+ Trường từ vựng màu sắc: xanh, đỏ, tím, vàng, cam,…

+ Trường từ vựng đồ dùng học tập: bút, thước, cặp, sách vở, bàn học,….

Từ tượng hình, Từ tượng thanh.

Từ tượng hình là từ gợi tả hình ảnh, dáng vẻ, trạng thái của sự vật.

Từ tượng thanh là từ mô phỏng âm thanh của tự nhiên, của con người.

Chức năng: Từ tượng hình, từ tượng thanh gợi được hình ảnh, âm thanh cụ thể, sinh động, có giá trị biểu cảm cao, thường được dùng trong văn miêu tả và tự sự.

Từ địa phương và biệt ngữ xã hội.

1. Khái niệm:

– Khác với từ ngữ toàn dân, từ ngữ địa phương là từ ngữ chỉ sử dụng ở một (hoặc một số) địa phương nhất định.

– Khác với từ ngữ toàn dân, biệt ngữ xã hội chỉ được dùng trong một tầng lớp xã hội nhất định.

2. Sử dụng:

– Việc sử dụng từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội phải phù hợp với tình huống giao tiếp. Trong thơ văn, tác giả có thể sử dụng một số từ ngữ thuộc hai lớp từ này để tô đậm màu sắc địa phương, màu sắc tầng lớp xã hội của ngôn ngữ, tính cách nhân vật.

– Muốn tránh lạm dụng từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội, cần tìm hiểu các từ ngữ toàn dân có nghĩa tương ứng để sử dụng khi cần thiết.

Trợ từ, Thán từ.

1. Khái niệm:

Trợ từ là những từ chuyên đi kèm một từ ngữ trong câu để nhấn mạnh hoặc biểu thị thái độ đánh giá sự vật, sự việc được nói đến ở từ ngữ đó.

Ví dụ: những, có, chính, đích, ngay,…

Thán từ là những từ dùng để bộc lộ tình cảm, cảm xúc của người nói hoặc dùng để gọi đáp. Thán từ thường đứng ở đầu câu, có khi nó được tách ra thành một câu đặc biệt.

2. Phân loại:

– Thán từ gồm hai loại chính:

+ Thán từ bộc lộ tình cảm, cảm xúc: a, ái,ơ, ôi, ô hay, than ôi, trời ơi,…

+ Thán từ gọi đáp: này, ơi, vâng, dạ, ừ,…

Tình thái từ.

1. Khái niệm:

Tình thái từ là những từ được thêm vào câu để cấu tạo câu nghi vấn, câu cầu khiến, câu cảm thán và để biểu thị các sắc thái tình cảm của người nói.

2. Phân loại:

– Tình thái từ gồm một số loại đáng chú ý sau:

+ Tình thái từ nghi vấn: à, ư, hả, hử, chứ, chăng,…

+ Tình thái từ cầu khiến: đi, nào, với,…

+ Tình thái từ cảm thán: thay, sao,…

+ Tình thái từ biểu thị sắc thái tình cảm: ạ, nhé, cơ, mà,…

3. Sử dụng:

– Khi nói, khi viết, cần chú ý sử dụng tình thái từ phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp (quan hệ tuổi tác, thứ bậc xã hội, tình cảm,…)

Nói quá.

1. Khái niệm:

Nói quá là biện pháp tu từ phóng đại mức độ, quy mô, tính chất của sự vật, hiện tượng miêu tả để nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm.

Ví dụ:

– Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm

(Hoàng Trung Thông, Bài ca vỡ đất)

– Cái cụ bá thét ra lửa ấy lại xử nhũn mời hán vào nhà xơi nước.
(Nam Cao, Chí Phèo)

– Nhìn thấy tội ác của giặc, ai ai cũng căm giận đến bầm gan tím ruột.

Nói giảm nói tránh.

1. Khái niệm:

Nói giảm nói tránh là một biện pháp tu từ dùng cách diễn đạt tế nhị, uyển chuyển, tránh gây cảm giác quá đau buồn, ghê sợ, nặng nề; tránh thô tục, thiếu lịch sự.

Ví dụ:

– Cô ấy hát không hay lắm.

– Anh ấy trở về thì cha không còn nữa.

Câu ghép.

1. Khái niệm:

Câu ghép là những câu do hai hoặc nhiều cụm C-V không bao chứa nhau tạo thành. Mỗi cụm C-V này được gọi là một vế câu.

2. Cách nối các vế câu trong câu ghép:

Có hai cách nối các vế câu:

– Dùng những từ có tác dụng nối:

+ Nối bằng một quan hệ từ.

+ Nối bằng một cặp quan hệ từ.

+ Nối bằng một cặp phó từ, đại từ hay chỉ từ thường đi đôi với nhau (cặp từ hô ứng).

– Không dùng từ nối: Trong trường hợp này, giữa các vế câu có dấu phẩy, dấu chấm phẩy hoặc dấu hai chấm.

3. Quan hệ giữa các vế cau trong câu ghép:

– Các vế của câu ghép có quan hệ ý nghĩa với nhau khá chặt chẽ. Những quan hệ thường gặp là:

  • Quan hệ nguyên nhân.
  • Quan hệ điều kiện (giả thiết).
  • Quan hệ tương phản.
  • Quan hệ tăng tiến.
  • Quan hệ lựa chọn.
  • Quan hệ bổ sung.
  • Quan hệ tiếp nối.
  • Quan hệ đồng thời.
  • Quan hệ giải thích.

– Mối quan hệ thường được đánh dấu bằng những quan hệ từ, cặp quan hệ từ hoặc cặp từ hô ứng nhất định. Tuy nhiên, để nhận biết chính xác quan hệ ý nghĩa giữa các vế câu, trong nhiều trường hợp, ta phải dựa vào văn cảnh hoặc hoàn cảnh giao tiếp.

Dấu ngoặc đơn, Dấu hai chấm.

Dấu ngoặc đơn dùng để đánh dấu phần chú thích (giải thích, thuyết minh, bổ sung thêm).

Dấu hai chấm dùng để:

+ Đánh dấu (báo trước) phần giải thích, thuyết minh cho một phần trước đó;

+ Đánh dấu (báo trước) lời dẫn trực tiếp (dùng với dấu ngoặc kép) hay lời đối thoại (dùng với dấu gạch ngang).

Dấu ngoặc kép.

Dấu ngoặc kép dùng để:

+ Đánh dấu từ ngữ, đoạn dẫn trực tiếp;

+ Đánh dấu từ ngữ được hiểu theo nghĩa đặc biệt hay có hàm ý mỉa mai;

+ Đánh dấu tên tác phẩm, tờ báo, tập san,… được dẫn.

Ví dụ:

– Thánh Găng-đi có một phương châm: “Chinh phục được mọi người ai cũng cho là khó, nhưng tạo được tình thương, lòng nhân đạo, sự thông cảm giữa con người với con người lại càng khó hơn”. (Theo Lâm Ngữ Đường, Tinh hoa xử thế)

– Tre với người như thế đã mấy nghìn năm. Một thế kỉ “văn minh”, “khai hoá” của thực dân cũng không làm ra được một tấc sắt. Tre vẫn phải còn vất vả mãi với người. (Thép Mới, Cây tre Việt Nam)

– Hàng loạt vở kịch như “Tay người đàn bà”, “Giác ngộ”, “Bên kia sông Đuống”,… ra đời. (Ngữ văn 7, tập một)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.