Đề thi HSG Ngữ văn 10. Chủ đề 1: Khi niềm tin bị đánh cắp. Chủ đề 2: Làm rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của Truyện Kiều trong cuộc sống hôm nay.

de-thi-hsg-ngu-van-10-chu-de-1-khi-niem-tin-bi-danh-cap-chu-de-2-lam-ro-y-nghia-va-tam-quan-trong-cua-truyen-kieu-trong-cuoc-song-hom-nay
SỞ GD &  ĐT THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG THPT CHUYÊN THÁI NGUYÊN
ĐỀ THI CHỌN HSG CÁC TRƯỜNG CHUYÊN
KHU VỰC DH & ĐBBB LẦN THỨ XII – 2019
MÔN NGỮ VĂN LỚP 10
ĐỀ THI ĐỀ XUẤT Thời gian làm bài: 180 phút (Không kể thời gian phát đề)
( Đề thi gồm 01 trang)

Câu 1 (8 điểm):

Khi niềm tin bị đánh cắp?

Câu 2 (12 điểm)

Trong bài thơ “Kiều” (Rút trong tập nháp Cầm tay, tập 1), Chế Lan Viên có viết:

Bây giờ đọc Kiều, ta cảm ơn ai?
Chả lẽ cảm ơn cái mưa bụi tà dương làm Du khổ,
Cảm ơn sông Tiền Đường đánh đắm cô Kiều xấu số,
Cảm ơn vành trăng xẻ nửa
Và cỏ non xanh tận chân trời…?
Không có Du, thế kỉ này đành tay không
Mà Du cũng tay không, nếu không có mưa ấy, sông này, trăng kia, cỏ nọ…

(Di cảo thơ, tập 2, tr.102, NXB Thuận Hóa, 1993)

Anh chị hiểu vấn đề mà nhà thơ Chế Lan Viên đặt ra trong đoạn thơ trên là gì? Bằng hiểu biết về tác phẩm Truyện Kiều, hãy làm sáng tỏ.

———————————— HẾT ———————————–

SỞ GD &  ĐT THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG THPT CHUYÊN THÁI NGUYÊN
ĐỀ THI CHỌN HSG CÁC TRƯỜNG CHUYÊN
KHU VỰC DH & ĐBBB LẦN THỨ XII – 2019
MÔN NGỮ VĂN LỚP 10
HƯỚNG DẪN CHẤM Thời gian làm bài: 180 phút (Không kể thời gian phát đề)
( Đề thi gồm 01 trang)

I/ YÊU CẦU CHUNG:

– Học sinh nắm được đặc trưng của kiểu bài văn nghị luận xã hội và nghị luận văn học. bài viết không mắc lỗi cơ bản về diễn đạt như chính tả, dung từ, đặt câu.

– HS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau song cần đạt được kiến thức cơ bản

II/ YÊU CẦU CỤ THỂ

Câu 1 (8 điểm): 

Khi niềm tin bị đánh cắp?

1/ Giải thích vấn đề nghị luận (2 điểm)

Niềm tin: sự đinh ninh, sự tin tưởng của con người vào điều gì đó tốt đẹp rằng nó chắc chắn xảy ra, chắc chắn tồn tại hay có thật trên đời. Sống trên đời, mỗi người cần có niềm tin vào bản thân, tin vào con người, tin vào những điều đẹp đẽ trong cuộc sống.

Niềm tin bị đánh cắp: sự tin tưởng trong mỗi người bị mất đi do tác động của những yếu tố bên ngoài.

2/ Bàn luận (4,5 điểm):

– Khi nào niềm tin bị đánh cắp?

+ Những lời mai mỉa, chê bai, sự thiếu tin tưởng của người khác cùng những định kiến xã hội có thể khiến mỗi chúng ta đánh mất niềm tin vào chính mình, không con tin tưởng ở khả năng, sức mạnh của bản thân, không còn dám tin vào những điều tốt đẹp trong chính bản thân mình.

+ Những dối trá, lọc lừa, sự độc ác và tàn nhẫn của con người ngày ngày diễn ra xung quanh ta, trong đời sống xã hội, nó thậm chí len lỏi vào cả những miền không  gian vốn là nơi đức tin ngự trị, đã làm sụp đổ niềm tin trong chúng ta vào con người, niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

– Con người sẽ ra sao khi niềm tin bị đánh cắp?

+ Con người sẽ bi quan, chán nản, không còn động lực và khát vọng vươn lên hoàn thiện chính mình trong cuộc sống.

+ Người ta hoài nghi tất cả. Người ta luôn cảnh giác và đề phòng lẫn nhau. Mỗi cá nhân sẽ dựng lên những rào chắn kiên cố để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi những thương tổn mà cuộc sống có thể mang lại cho họ bất cứ lúc nào. Tình yêu thương, lòng tốt, sự tử tế sẽ dần trở nên hiếm hoi và đơn độc. Lúc ấy, nhân loại sẽ đứng bên bờ vực của sự diệt vong.

– Làm thế nào để bảo vệ và nhân rộng niềm tin trong xã hội đầy hiểm họa và khủng hoảng niềm tin?

+ Luôn dành cho nhau những lời khen, sự khích lệ trước những việc tử tế, trước mỗi sự cố gắng, mỗi thành quả hay thậm chí trước cả những thất bại sau bao nỗ lực không thành.

+ Pháp luật phải nghiêm minh, chính xác, công bằng và thực thi hết chức năng của nó để cái ác phải biết run sợ và người lương thiện cảm thấy được bảo vệ trong một xã hội an toàn.

+ Nhân rộng những việc tử tế trong xã hội.

3/ Liên hệ bản thân (1.5 điểm): HS nêu trải nghiệm của bản thân và rút ra bài học.

Câu 2 (12 điểm) : Bàn về đoạn thơ của Chế Lan Viên                                        

1. Giải thích:

Bây giờ đọc “Kiều”,  ta cảm ơn “cái mưa bụi tà dương làm du khổ”, cảm ơn sông Tiền Đường đánh đắm cô Kiều xấu số, cảm ơn vành trăng, cỏ non xanh,…: hiện thực đời sống phong phú chính là chất liệu sáng tác của nhà văn, là cơ sở để nhà văn viết nên tác phẩm.

– Không có Du, thế kỉ này đành tay khôngMà Du cũng tay không, nếu không có mưa ấy, sông này, trăng kia, cỏ nọ…: Nếu không có chất liệu hiện thực cuộc sống, nhà văn sẽ chẳng thể sáng tác; nhưng tự bản thân hiện thực cũng không thể trở thành nghệ thuật nếu không có nhà văn. Thế kỉ XVIII với bao sóng gió và biến động cũng sẽ lùi sâu vào dòng lịch sử, chẳng để lại vang hưởng gì trong văn chương và trong lòng người đọc muôn đời nếu không có sự xuất hiện của những thiên tài văn học như Nguyễn Du.

⇒ Đoạn thơ bàn về mối quan hệ giữa văn học và đời sống, về vai trò và sứ mệnh của nhà văn với cuộc đời.

2. Bàn luận:

– Hiện thực cuộc sống là chất liệu sáng tác văn chương: Văn học là hình thái ý thức xã hội, nó nảy sinh trên cơ sở hiện thực đời sống và phản ánh đời sống qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ. Khách thể của văn học là toàn bộ thế giới khách quan nhưng chỉ những gì làm cho trái tim nhà văn thực sự rung động mới được lựa chọn trở thành đối tượng thẩm mĩ của nghệ thuật. Dường như có một hiện tượng đã trở thành quy luật trong nền văn học của nhiều dân tộc, đó là ở những giai đoạn mà lịch sử xã hội rơi vào khủng hoảng, suy thoái trầm trọng, số phận và quyền sống của con người bị đe dọa, văn học lại chứng kiến sự xuất hiện của những nhà văn vĩ đại và sự ra đời của những kiệt tác nghệ thuật.

– Ở Việt Nam thế kỉ XVIII, xã hội phong kiến khủng hoảng trầm trọng, các tập đoàn phong kiến tranh giành quyền lực, tiêu diệt lẫn nhau. Đời sống nhân dân lầm than, khốn khổ. Vấn đề quyền sống con người được quan tâm và được đặt ra ráo riết hơn bao giờ hết. Hiện thực ấy là mảnh đất màu mỡ cho các nhà văn khai thác. Nó hắt bóng vào trang văn Nguyễn Du và tạo nên những vang hưởng chấn động thời đại (“Tiếng thơ ai động đất trời!” – Tố Hữu). Sáng tác của Nguyễn Du, đặc biệt kiệt tác “Truyện Kiều” là thành tựu quan trọng của văn học thế kỉ XVIII, góp phần kiến tạo nên gương mặt văn chương không thể trộn lẫn của một giai đoạn văn học.

– Nhưng hiện thực đời sống ấy chỉ trở thành nghệ thuật nhờ sự xuất hiện của những nghệ sĩ thiên tài: Không có Du, thế kỉ này đành tay không!

– Nghệ thuật phản ánh hiện thực qua lăng kính chủ quan của nghệ sĩ. Trong đó bao hàm cách nhìn, cách cảm, cách cắt nghĩa, lí giải,… những hiện tượng đời sống và số phận con người. Phẩm chất cần thiết ở nghệ sĩ ngoài tài năng thiên bẩm còn là vốn sống, là trái tim giàu xúc cảm luôn thường trực mối âu lo cho số phận con người. Sinh ra trong thế kỉ đầy “tà dương mưa bụi” (Trong trường dạ tối tăm trời đất”), bản thân cuộc đời cũng trải những năm tháng lưu lạc lênh đênh nơi góc bể chân trời, chứng kiến bao nông nỗi cùng khổ của nhân sinh, ở Nguyễn Du hình thành một trái tim nhân đạo sâu sắc. Trái tim ấy, cùng với một trí tuệ mẫn tiệp đã làm nên một Nguyễn Du không chỉ là nhà nhân đạo vĩ đại mà còn là nhà tư tưởng vĩ đại. Tư tưởng nhân văn vượt thời đại của ông trong Truyện Kiều không chỉ góp phần xoa dịu nỗi đau con người mà còn góp phần đấu tranh giải phóng con người, góp phần “ngăn chặn một thế giới đang bị tàn phá” (A. Camus)

“Chả lẽ” lại cảm ơn: sự cảm ơn của chúng ta đối với những nỗi đau mà nhà văn và con người thời đại phải chịu dường như có chút gì bất nhẫn, nhưng quả thật trong sáng tác văn chương vẫn tồn tại một hiện tượng như vậy: Nhà văn càng từng trải nhiều, càng phải chịu nhiều tổn thương cay đắng trong một xã hội mà nhân sinh lắm bi kịch thì càng có cơ hội cho ra đời những kiệt tác văn chương bất hủ!

3. Chứng minh qua tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du:

– Mưa ấy, sông này, hoa kia, cỏ nọ – thiên nhiên, nhất là thiên nhiên dải đất miền trung nơi quê hương đại thi hào và nơi ông làm quan những năm cuối đời đã hóa thân thành những hình tượng nghệ thuật tuyệt đẹp, làm nên chất thơ và chất trữ tình cho tác phẩm.

–  Hiện thực đầy bất công đau khổ, qua trái tim nhân đạo sâu sắc của nhà văn đã tạo nên những hình tượng nghệ thuật đầy ám ảnh.

– Giá trị của Truyện Kiều với thời đại xưa và nay – điều mà chúng ta phải cảm ơn tác giả.
4.  Đánh giá chung:

– Không được đồng nhất việc phản ánh sự thật đời sống với sự sao chép, chụp ảnh đời sống một cách máy móc, giản đơn. Sự phản ánh trong nghệ thuật là phản ánh sáng tạo, qua lăng kính thẩm mĩ, tư tưởng và tài năng cuả nghệ sĩ.

– Nhà văn phải sống kĩ lưỡng, sống sâu sắc với cuộc đời, để trái tim mình rung lên cùng nhịp đập với con người thời đại, lắng nghe tiếng nói, hơi thở thời đại mới có thể cho ra đời những tác phẩm thực sự giá trị, sống mãi với thời gian.

– Làm nên một thế kỉ văn học không phải chỉ có một thiên tài là Nguyễn Du. Mảnh đất hiện thực ấy con sản sinh và nuôi dưỡng nhiều tài năng văn học nữa như Hồ Xuân Hương, Đặng Trần Côn, Nguyễn Gia Thiều, Phạm Thái,… Thơ văn của họ cũng là vũ khí sắc bén góp phần đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng con người.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.