Đề thi HSG Ngữ văn 10. Chủ đề 1: Lẽ sống “mặt trời ở trong tim”. Chủ đề 2: “Khi đặt bút viết một tác phẩm, nhà văn phải tìm kiếm và đặt ra rất nhiều câu hỏi. Chiều sâu của tác phẩm thể hiện ở khả năng đặt ra câu hỏi về mọi vấn đề trong xã hội. Chính người đọc sẽ tìm được câu trả lời chính xác theo cách riêng của mình” (Milan Kundera)

de-thi-hsg-ngu-van-10-chu-de-1-le-song-mat-troi-o-trong-tim-chu-de-2-khi-dat-but-viet-mot-tac-pham-nha-van-phai-tim-kiem-va-dat-ra-rat-nhieu-cau-hoi-chieu-sau-cua-tac-pham-the-hien-o-kha-nang
TRƯỜNG ĐẠI HỌC GIÁO DỤC- ĐHQGHN
TRƯỜNG THPT KHOA HỌC GIÁO DỤC
KÌ THI HỌC SINH GIỎI CÁC TRƯỜNG CHUYÊN KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ
LẦN THỨ XII, NĂM 2019
Môn: Ngữ văn – Khối 10
Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian phát đề)
  Ngày thi: 20/04/2019

Câu 1 (8.0 điểm)

Ngày 5/1/2019, chương trình We Choice Awards 2019 chủ đề Mặt trời ẩn trong tim đã được tổ chức với thông điệp:

Có những người mang trong mình trái tim như mặt trời. Họ truyền cảm hứng và lòng tin, giúp chúng ta mỉm cười vì được chiếu rọi dù là giữa những mịt mù của cuộc sống. Họ giống như chúng ta, có xuất phát điểm như bất cứ ai, họ đến từ bất cứ nơi nào trong xã hội – thế nhưng, họ khiêm nhường giấu trong tim mình những mặt trời rực rỡ đó, để nó âm thầm lan toả hơi ấm của mình cho tất cả những người ở cạnh bên. Họ là những người có mặt trời ẩn trong tim.

 

Hãy viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của anh/chị về lẽ sống với “mặt trời ẩn trong tim”.

Câu 2 (12.0 điểm)

Bàn về nhà văn và quá trình sáng tác, Milan Kundera nhận định: Khi đặt bút viết một tác phẩm, nhà văn phải tìm kiếm và đặt ra rất nhiều câu hỏi. Chiều sâu của tác phẩm thể hiện ở khả năng đặt ra câu hỏi về mọi vấn đề trong xã hội. Chính người đọc sẽ tìm được câu trả lời chính xác theo cách riêng của mình

Anh/chị hiểu thế nào về ý kiến trên? Bằng hiểu biết về những tác phẩm trung đại trong chương trình Ngữ văn lớp 10, anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến đó.

———————–Hết ——————-


TRƯỜNG ĐẠI HỌC GIÁO DỤC- ĐHQGHN
TRƯỜNG THPT KHOA HỌC GIÁO DỤC
GỢI Ý ĐÁP ÁN KÌ THI HỌC SINH GIỎI CÁC TRƯỜNG CHUYÊN KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ
LẦN THỨ XII, NĂM 2019
Môn: Ngữ văn – Khối 10
Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian phát đề)
  Ngày thi: 20/04/2019

 

Câu Nội dung Điểm
Câu 1
 
I. Về kĩ năng: Biết cách làm bài nghị luận xã hội. Lập luận chặt chẽ, bố cục rõ ràng, diễn đạt trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp. 2.0

 

II. Về kiến thức: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng luận điểm phải rõ ràng, lí lẽ và dẫn chứng hợp lí. Khuyến khích bài làm sáng tạo. Cần làm rõ được các ý chính sau:
1. Giải thích thông điệp và hình ảnh “mặt trời ẩn trong tim”

–  Mặt trời tự thân nó đã có sức lan toả mạnh mẽ, là biểu tượng bất diệt của sự sống, của niềm hy vọng.

–  Mặt trời vĩ đại ấy lại khiêm nhường được ẩn sâu trong trái tim. Những mặt trời ấy âm thầm toả sáng và sưởi ấm, mang đến cảm hứng và lòng tin cho chúng ta – dù là giữa đêm đông mịt mù của cuộc sống

–  “Mặt trời ẩn trong tim” là một hình ảnh vừa rất đẹp đẽ, lại vừa rất chân thành để truyền cảm hứng về tình người, về sự quyết tâm, về giấc mơ thành hiện thực.

2. Bình luận:

–  Trong cuộc sống, niềm vui và nỗi buồn, cái xấu và cái tốt luôn là những cặp phạm trù song song tồn tại. Thế nhưng, sứ mệnh của con người là luôn hướng về ánh sáng để đẩy lùi những điều xấu xa, u ám, giữ vững niềm tin về cái đẹp, cái thiện trên đời. Những điều đó cần bắt nguồn từ từng cá nhân trước khi lan tỏa giá trị sống đến cả cộng đồng.

–  Sống với “mặt trời ẩn trong tim” là sống với những trái tim chứa đầy tình yêu thương, niềm tin và cả sự lạc quan sống, lòng yêu sống, hừng hực lửa nhiệt thành và đam mê.

–   Những trái tim – mặt trời ấy sẽ thắp lửa dẫn đường cho những hành động đáng quý, làm cho cuộc sống của bản thân mỗi người trở nên có ý nghĩa và lan tỏa giá trị sống tốt đẹp tới cộng đồng.

–  Những việc làm, hành động tốt đẹp không mưu cầu được người khác ngợi ca, tôn vinh. Mặt trời tuy chói chang nhưng ẩn trong tim lại ấm áp, khiêm nhường. Chính nó sẽ trở thành nguồn ánh sáng tự thân lung linh tỏa sáng.

(Thí sinh cần lấy dẫn chứng để làm rõ luận điểm; ví dụ: bé Hải An, dự án Memento Mori, hoa hậu H’hen Niê…)

4.0
Liên hệ, rút ra bài học:

–   Tôn vinh những hành động đẹp, những con người, việc làm truyền cảm hứng tích cực trong xã hội.

–   Mỗi người hãy sống tích cực, có ý nghĩa với “mặt trời ẩn trong tim” để giúp cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

2.0
Tổng điểm 8.0
Câu 2 I. Yêu cầu chung: Hiểu đúng đắn vấn đề, nắm được cách làm bài văn nghị luận văn học. Biết phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề. Bài viết nêu được ý kiến riêng, có sức thuyết phục. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Hành văn trôi chảy. Văn viết có cảm xúc. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
II. Yêu cầu cụ thể: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các yêu cầu sau:
1. Giải thích ý kiến

–   Khi đặt bút viết một tác phẩm, nhà văn phải tìm kiếm và đặt ra rất nhiều câu hỏi: sự trăn trở của nhà văn với những vấn đề của đời sống, là cách nhìn nhận và đánh giá cuộc sống của người cầm bút. Từ nhà văn ở đây nên được hiểu là từ chỉ tác giả văn học nói chung.

–   Càng đặt ra được nhiều câu hỏi, nhà văn sẽ càng có cơ hội nhận thức sâu sắc hơn về một vấn đề trong xã hội và truyền tải được nó một cách đầy ý nghĩa và mới mẻ qua tác phẩm của mình.Việc làm nên chiều sâu của tác phẩm – vấn đề tư tưởng cho tác phẩm cũng bắt nguồn từ việc nhà văn đặt ra rất nhiều câu hỏi như vậy.

–   Và cũng chính những tác phẩm có chiều sâu, thể hiện cái nhìn sâu sắc và tư duy mới mẻ của nhà văn như vậy mới có thể có sức sống trong lòng người đọc, khơi gợi ở người đọc sự đồng cảm, suy tư cùng với nhà văn.
® Nhận định của Milan Kundera đã đề cập đến sứ mệnh của nhà văn khi đặt bút viết tác phẩm, hay nói rộng ra là khi nhận thức mình với tư cách là một tác giả chân chính, giá trị của một tác phẩm văn chương và sự đồng sáng tạo nơi người đọc.

2.0
2. Bình luận:

–   Một trong những chức năng quan trọng nhất của văn học là giáo dục và nhận thức. Thiên chức cao cả của văn chương và nghệ thuật là phản ánh con người và hướng tới phục vụ con người.

–   Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó (Nguyễn Khải). Một tác phẩm nghệ thuật có giá trị, trước hết nó phải đề xuất được một tư tưởng lớn hay một ý niệm mới mẻ. Một nhà văn có tầm cỡ, trước tiên phải là một nhà tư tưởng độc đáo, là người biết đi sâu và có những phát hiện riêng của mình về chân lý đời sống, biết nhìn ra những điều mới lạ, khác thường trong những vấn đề xã hội tưởng như đã quen thuộc. Và một khi đã cảm nhận được sự khác lạ, đặc biệt ấy, nó sẽ gây cho người viết một sự tò mò, thích thú được khám phá, tìm tòi nhằm tìm ra câu trả lời thích đáng nhất cho những thắc mắc và suy nghĩ của mình.

–   Cách nhìn nhận và đánh giá vấn đề ở khía cạnh như thế nào sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Chính những vấn đề tư tưởng được nhà văn truyền đạt trong tác phẩm ấy sẽ là sức mạnh lớn nhất níu giữ người đọc ở lại với tác phẩm và có những trăn trở, suy nghĩ, những nhận định đánh giá riêng về các vấn đề ấy theo cách của riêng mình.

2.0
3. Chứng minh:

HS có thể sử dụng đa dạng các dẫn chứng để chứng minh cho nhận định đã nêu, diễn giải hợp lí, phân tích bám sát vào vấn đề.

* Gợi ý:

–   Câu hỏi lớn của Nguyễn Du về những kiếp tài hoa bạc phận, thuyết tài mệnh tương đố: Cổ kim hận sự thiên nan vấn/ Phong vận kì oan ngã tự cư (Độc Tiểu Thanh kí).

–  Nỗi trăn trở của Nguyễn Du về số phận dập vùi, chìm nổi của những kiếp má hồng, hồng nhan bạc phận trong xã hội phong kiến thối nát đề cao nam quyền và tiền quyền (Truyện Kiều).

–   Quan điểm về dại- khôn và vấn đề về quan niệm sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm (Nhàn).
 

6.0
4. Đánh giá, mở rộng, nâng cao:

–  Ý kiến của Kundera như một bài học cho những người cầm bút về một cách tiếp cận và khai thác vấn đề từ hiện thực đời sống. Càng khai thác được ở một vỉa quặng ẩn kín, ít ai đào tới thì nhà văn càng tìm ra được những viên đá quý hiếm cho tác phẩm của riêng mình. Tư tưởng và sáng tạo là sứ mệnh của nhà văn khi đến với văn chương.

–  Bên cạnh việc có giá trị tư tưởng lớn, một tác phẩm muốn lưu truyền lại ở đời cũng cần phải có sức hấp dẫn, sinh động, mới mẻ ở phương diện nghệ thuật. “Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và khám phá về nội dung”.

–  Đọc văn là quá trình tự nhận thức, tự giáo dục. Độc giả cũng cần là người đồng sáng tạo với nhà văn, qua đó bồi đắp và thanh lọc tâm hồn cho giàu có hơn, trong sáng hơn.

2.0
Tổng điểm: 12.0

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.