Đề thi HSG Ngữ văn 10. Chủ đề 1: “Người ta yêu những người cố mở đường mà thất bại, yêu những người biết thất bại mà dám mở đường”. Chủ đề 2: Tài năng và tấm lòng của Nguyễn Du trong đoạn trích “Trao duyên” (Truyện Kiều)

de-thi-hsg-ngu-van-10-chu-de-1-nguoi-ta-yeu-nhung-nguoi-co-mo-duong-ma-that-bai-yeu-nhung-nguoi-biet-that-bai-ma-dam-mo-duong-chu-de-1-tai-nang-va-tam-long-cua-nguyen-du-trong
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BẮC KẠN
TRƯỜNG THPT CHUYÊN BẮC KẠN
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI OLIMPIC-TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG LẦN THỨ XV
MÔN NGỮ VĂN – KHỐI 10
ĐỀ THI ĐỀ XUẤT Thời gian làm bài: 180 phút
(Đề này có 02 câu; gồm 01 trang)

Câu 1 (8 điểm):

“Người ta yêu những người cố mở đường mà thất bại, yêu những người biết thất bại mà dám mở đường” (Văn Cao)
Trình bày suy nghĩ của anh (chị) về những người mở đường trong cuộc sống.

Câu 2 (12 điểm):

Tài năng và tấm lòng của Nguyễn Du trong đoạn trích “Trao duyên” (Truyện Kiều)

——— HẾT ———  

Hướng dẫn trả lời:

CÂU 1:

* YÊU CẦU VỀ KĨ NĂNG:

Bài làm đáp ứng được yêu cầu của bài văn nghị luận xã hội: bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt chính xác, lưu loát, không mắc lỗi về dùng từ, ngữ pháp…

* YÊU CẦU VỀ KIẾN THỨC:

Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý sau:

1. Giải thích (2,0 điểm)

– “Mở đường”: tìm ra cái mới, có thể là một tư tưởng mới, một học thuyết mới, một phát minh sáng chế mới… Nó là sự đột phá so với tư duy thông thường, hướng đến sự phát triển của nền văn minh.

– “Thất bại”: có thể là thất bại trong việc tìm ra cái mới (do năng lực bản thân hoặc do những yếu tố khác), cũng có thể là thất bại khi cái mới vừa ra đời đã bị phủ nhận, có khi khiến người đã sáng tạo ra nó phải trả giá.

Yêu: hiểu, cảm thông, chia sẻ, trân trọng.

– Cách diễn đạt: 2 vế câu, sắp xếp theo trình tự tăng tiến, nhấn mạnh lòng yêu dành cho những người cố mở đường và dám mở đường.

→ Hiện tượng đời sống xã hội: những người mở đường, khai sáng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống (như khoa học, nghệ thuật, văn hóa,…) ban đầu đều gặp nhiều khó khăn trở ngại, chịu nhiều thiệt thòi, đau khổ thậm chí phải trả giá đắt vì thường không được mọi người đương thời thấu hiểu, đồng tình và ủng hộ ngay. Nhưng với bản lĩnh, niềm tin, khát vọng cống hiến, đặc biệt là khả năng sáng tạo, những người mở đường” thường vẫn đạt được thành công, được ghi nhận xứng đáng và đóng góp to lớn cho cộng đồng, cho nhân loại.

2. Bình luận (4,5 điểm)

– Những “người mở đường” thường là những con người có tài năng, có khát vọng vươn lên, khát vọng sáng tạo. Họ cố mở đường bằng những nỗ lực bản thân để chinh phục những đỉnh cao tri thức. Họ đáng được trân trọng.

– Nhưng khi đặt những bước chân đầu tiên trên con đường mới, những “người mở đường” thường đơn độc bởi không phải cái mới nào khi vừa ra đời cũng dễ dàng được chấp nhận. Nó luôn có xu hướng vượt ra ngoài quán tính thông thường trong tư duy loài người. Vì thế nó có thể phải nhận sự kì thị của cộng đồng, cũng có thể làm hại chính người đã sáng tạo ra nó.

– Tuy nhiên, với bản lĩnh, ý chí và nghị lực kiên cường, những “người mở đường” dù vấp phải thử thách khó khăn vẫn không hề bỏ cuộc. Họ dám vượt qua tất cả, tiếp tục mở đường, để sống với khát vọng sáng tạo của mình, theo đuổi đến cùng niềm tin của mình. Vì thế, họ càng đáng trân trọng.

(HS đưa dẫn chứng cụ thể phù hợp).

3. Bài học (1,5 điểm)

Câu nói của Văn Cao có ý nghĩa khuyến khích, động viên mọi người:

+ Có khả năng tư duy độc lập, sáng tạo.

+ Nỗ lực trong công việc của mình để không ngừng chinh phục đỉnh cao.

+ Có bản lĩnh dám đương đầu và vượt qua mọi khó khăn thử thách.

+ Có tư duy mở, luôn sẵn sàng tiếp nhận những cái mới và tôn trọng những “người mở đường” đã sáng tạo ra nó.

+ Phải dựa trên nền tảng suy nghĩ và bản lĩnh cá nhân nhưng cũng cần biết kế thừa và học hỏi những người đi trước.

CÂU 2:

* Yêu cầu về kĩ năng:

Thí sinh biết cách làm bài nghị luận văn học, biết phối hợp nhiều thao tác lập luận. Diễn đạt lưu loát, giàu cảm xúc, bố cục chặt chẽ.

* Yêu cầu về kiến thức:

Thí sinh cần có kiến thức lý luận về đặc trưng truyện ngắn, đặc trưng thơ. Biết so sánh đặc điểm của hai thể loại. Biết vận dụng phân tích một truyện ngắn cụ thể để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.

Nhìn chung, bài viết cần đáp ứng một số ý cơ bản sau:

1. Giải thích:

Tài năng của nhà thơ là khả năng, năng lực, tài hoa, cá tính sáng tạo trong sáng tác thơ ca.

Tấm lòng: tình cảm của nhà thơ. Sự yêu thương chia sẻ, quan tâm tới nỗi đau khổ bất hạnh, hiểu được nguyên nhân của những đau khổ bất hạnh ấy, thấu hiểu những khát vọng chân chính của con người, thiết tha với những giá trị của con người, của cuộc sống.

2. Làm rõ tài năng và tấm lòng của Nguyễn Du trong đoạn “Trao duyên”:

* Tài năng của Nguyễn Du.

– Nghệ thuật tạo tình huống:

+ Khó nói, khó trao: tình duyên của Kiều nhưng phải nhờ Vân tiếp tục, người yêu Kim Trọng là Kiều chứ không phải là Vân. Phải lựa chọn cách nói sao cho Thuý Vân nhận lời mà không cảm thấy chạnh lòng.

+ Khó xử: Lí trí thôi thúc phải trao duyên nhưng trong tình cảm Kiều không đành lòng dứt bỏ. Có thể trao duyên nhưng khó trao tình.

– Bút pháp khắc họa tâm lí bậc thầy:

+ Sử dụng đối thoại: Thuý Kiều nói với Thuý Vân để trao duyên

+ Độc thoại nội tâm: Nói với Kim Trọng như nói với chính mình.

– Ngôn ngữ điêu luyện: Sử dụng từ thuần Nôm, thành ngữ, thán từ, các từ chỉ số nhiều, các từ trái nghĩa. Nhịp ngắt như giằng đi xé lại.

– Biện pháp nghệ thuật: . Ẩn dụ, đối lập:

– Thể thơ lục bát tạo âm hưởng trầm lắng xót xa.

* Tấm lòng của nguyễn Du.

– Cảm thông, đồng cảm sâu sắc với số phận người tài hoa bạc mệnh

– Đồng tình với những khao khát của của tuổi trẻ: tình yêu, tự do và hạnh phúc.

– Lên án xã hội bạo tàn huỷ hoại ước mơ, tình yêu, hạnh phúc của tuổi trẻ.

– Ca ngợi vẻ đẹp của Kiều: vị tha, khéo léo, tinh tế…

* Mối quan hệ giữa tài năng và tấm lòng.

– Tình cảm là gốc, yếu tố thứ nhất của thơ ca.

– Tài năng làm cho tấm lòng có sức lay động

– Sự kết hợp giữa tài năng và tấm lòng làm nên sức hấp dẫn của đoạn trích “Trao duyên” và ngòi bút Nguyễn Du.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.