Đọc hiểu văn bản: Bánh trôi nước (Hồ Xuân Hương)

doc-hieu-van-ban-banh-troi-nuoc-ho-xuan-huong

Đọc hiểu văn bản:

Bánh trôi nước
(Hồ Xuân Hương)

Văn bản:

Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

Chú thích.

[1] Chỉ hiện tượng khi luộc bánh trôi, viên nào chín sẽ nổi trên mặt nước, những viên chưa chín thì vẫn chìm ở đáy nồi.
[2] Lòng son sắt, mượn nghĩa từ chữ Hán “đan tâm”, hàm ý chỉ nhân bánh trôi là cục đường phên màu đỏ sậm như màu son.

Khảo dị:

Thân em thời trắng phận em tròn
Bảy nổi ba chìm mấy nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Nhưng em vẫn giữ tấm lòng son

Nguồn: Hồ Xuân Hương, Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập III, NXB Văn hoá, Hà Nội, 1963

Đọc hiểu văn bản:

Câu 1: Bài thơ Bánh trôi nước thuộc thể thơ gì? Vì sao lại xác định như vậy?

Câu 2: Nghĩa thứ nhất của bài thơ thuộc về nội dung miêu tả bánh trôi nước khi đang được luộc chín. Nghĩa thứ 2 thuộc về nội dung phản ánh vẻ đẹp, phẩm chất và thân phận của người phụ nữ trong xă hội cũ. Từ sự gợi ý trên em hãy trả lời các câu hỏi sau:

  1. Với nghĩa thứ nhất, bánh trôi nước được miêu tả như thế nào?
  2. Với nghĩa thứ hai vẻ đẹp phẩm chất cao quý và thân phận chìm nổi của người phụ nữ được gợi lên như thế nào?
  3. Trong hai nghĩa, nghĩa nào quyết định giá trị bài thơ? Vì sao?
* Ghi nhớ:

Bài thơ bày tỏ sự trân trọng vẻ đẹp, phẩm chất trong trắng, son sắt của người phụ nữ Việt Nam. Đồng thời thể hiện niềm cảm thương sâu sắc cho thân phận chìm nổi của họ và lên án, tố cáo chế độ phong kiến.

Luyện tập

Hãy ghi lại những câu hát than thân đã được học ở bài 4 bắt đầu bằng hai chữ Thân em. Từ đó, tìm mối liên quan trong cảm xúc giữa hai bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương với các câu hát than thân thuộc ca giao, dân ca.


BÁNH TRÔI NƯỚC

1. Đọc hiểu chú thích.

1. Tác giả.

– Hồ Xuân Hương lai lịch chưa thật rõ. Nhiều sách vẫn nói bà là con Hồ Phi Diễn (1704-?), quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

– Hồ Xuân Hương là con vợ lẽ, ông thân sinh ra Bắc dạy học, lấy vợ lẽ là người Bắc Kinh.

– Gia đình Hồ Xuân Hương từng sống ở phường Khán Xuân, gần Hồ Tây của Hà Nội

– Hồ Xuân Hương được mệnh danh là Bà Chúa Thơ Nôm.

2. Tác phẩm.

– Hoàn cảnh sáng tác: Sống giữa một thời đại phong kiến xã hội trọng nam khinh nữa, đa thê thiếp khiến cho người phụ nữ phải chịu biết bao nhiêu là cảnh bất hạnh và những số phận bị hắt hủi đau thương. Bản thân là một nữ sĩ Hồ xuân Hương đồng cảm và thấu hiểu những nỗi bất hạnh của người phu nữ thời phong kiến cho nên bà đã chiêm nghiệm và sáng tác lên bài thơ này.

– Bố cục 2 phần:

+ Phần 1 (2 câu đầu): Hình ảnh chiếc bánh trôi nước.

+ Phần 2 (2 câu cuối): Thân phận, phẩm chất người phụ nữ qua hình ảnh bánh trôi nước.

II. Đọc hiểu văn bản.

1. Hai câu thơ đầu: hình ảnh bánh trôi nước.

Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son

– Hình dáng bên ngoài: trắng, tròn

– Số phận:

+ Bảy nổi ba chìm

+ Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn: hoàn toàn tùy thuộc vào sự khéo léo của người làm bánh

– Phẩm chất: Tấm lòng son →nguyên vẹn, thủy chung.

⇒ Tác giả miêu tả chiếc bánh trôi nước một cách căn kẽ, chi tiết, cụ thể, từ hình dáng bên ngoài, nhân bánh đến cách thức làm bánh. Nghĩa tả thực của bài thơ là hình ảnh chiếc bánh trôi nước trắng, tròn và luộc chưa chín thì chìm, chín rồi thì nổi.

2. Thân phận người phụ nữ qua hình ảnh chiếc bánh trôi nước.

– Hình thể: trắng, đẹp, duyên dáng.

– Phẩm chất: không bị cảnh ngộ chi phối, luôn giữ lòng son sắt, thủy chung

– Thân phận: chìm nổi bấp bênh giữa cuộc đời.

Với cách nói ẩn dụ, tác giả ca ngợi vẻ đẹp ngoại hình và tâm hồn của người phụ nữ, đồng thời, cảm thương sâu sắc cho số phận lênh đênh, chìm nổi, phụ thuộc của họ

III. Tổng kết.

  1. Nội dung:

– Bánh trôi nước là bài thơ có nhiều tầng ý nghĩa, với ý nghĩa tả thực là miêu tả chiếc bánh trôi nước trắng, tròn, chìm nổi

– Bài thơ là tiếng lòng cảm thông, xót xa cho thân phận lênh đênh, chìm nổi của người phụ nữ trong xã hội cũ. Là tiếng nói trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất trong sáng, tình nghĩa, sắt son của người phụ nữ Việt Nam ngày xưa.

  1. Nghệ thuật

– Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt.

– Ngôn ngữ thơ bình dị, thành ngữ, mô-típ dân gian.

– Sáng tạo trong việc xây dựng nhiều tầng ý nghĩa.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.