Đọc hiểu văn bản: Cuộc chia tay của những con búp bê (Khánh Hoài) – SGK Ngữ văn 7

doc-hieu-van-ban-cuoc-chia-tay-cua-nhung-con-bup-be-khanh-hoai-ngu-van-7

Đọc hiểu văn bản:

Cuộc chia tay của những con búp bê
(Khánh Hoài)

I. Đọc – hiểu chú thích:

1. Tác giả:

– Khánh Hoài, sinh năm 1937, quê tỉnh Thái Bình.Ông chủ yếu viết về đề tài trẻ em.

– Có thể nói tác phẩm truyện ngắn “Cuộc chia tay của những con búp bê” đã giúp đưa tên tuổi của tác giả Khánh Hoài đến gần hơn với người đọc. Đây cũng là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của tác giả.

2. Tác phẩm:

– Văn bản “Cuộc chia tay của những con búp bê” được trao giải Nhì, cuộc thi thơ – văn viết về quyền trẻ em, do Viện Khoa học Giáo dục và Tổ chức cứu trợ trẻ em Rát-đa Bác-nen Thụy Điển tổ chức năm 1992.

– Kiểu văn bản: văn bản nhật dụng.

– Bố cục chia làm 3 phần:

+ Phần 1 (từ đầu đến “hiếu thảo như vậy”): Cảnh hai anh em chia đồ chơi.

+ Phần 2 (tiếp đó đến “trùm lên cảnh vật”): Thủy chia tay lớp học.

+ Phần 3 (còn lại): Cảnh hai anh em chia tay.

– Nội dung:

+ Tóm tắt văn bản: Vì bố mẹ chia tay nhau, hai anh em Thành và Thuỷ cũng phải mỗi người một ngả: Thuỷ về quê với mẹ còn Thành ở lại với bố. Hai anh em nhường đồ chơi cho nhau, Thuỷ đau đớn chia tay thầy cô, khi chia tay còn quyến luyến anh không muốn rời,… Ba cuộc chia tay gợi lên ở bạn đọc những xúc cảm mạnh mẽ cùng nỗi xót thương cho cảnh ngộ mà lẽ ra những người bạn nhỏ không phải gánh chịu.

+ Ý nghĩa văn bản: Cuộc chia tay đau đớn và đầy cảm động của hai em bé trong truyện khiến người đọc thấm thía rằng: Tổ ấm gia đình là vô cùng quý giá và quan trọng. Mọi người hãy cố gắng bảo vệ và giữ gìn, không nên vì bất cứ lí do gì làm tổn hại đến những tình cảm tự nhiên, trong sáng ấy.

II. Đọc – hiểu văn bản:

1. Cảnh hai anh em Thành và Thủy chia đồ chơi.

– Tâm trạng của Thành và Thủy khi biết tin hai anh em sắp phải xa nhau:

+ Thủy: bất giác run lên bần bật, kinh hoàng và tuyệt vọng, khóc cả đêm, mất hồn, loạng choạng, không cho chia rẽ hai con búp bê, buồn thăm thẳm,…

+ Thành: cắn chặt môi để khỏi bật lên tiếng khóc to, nhưng nước mắt cứ tuôn ra như suốt, ướt dầm cả gối và hai cánh tay áo, lạy trời đây chỉ là một giấc mơ.

→ Hai anh em đau khổ, ngậm ngùi trước nỗi đau chia xa.

– Hai anh em nhớ lại những kỉ niệm đã có cùng nhau:

+ Thủy mang kim ra tận sân vận động vá áo cho anh.

+ Thành giúp em học, chiều nào cũng đến đón em về.

– Khi chia đồ chơi, tình cảm yêu thương và sự gắn bó của hai anh em càng thể hiện rõ:

+ Chia đồ chơi, Thành nhường hết cho em.

+ Thủy thương anh, “không có ai gác đêm cho anh ngủ nên nhường lại cho anh con vệ sĩ”.

→ Thành và Thủy rất mực gần gũi, quan tâm, yêu thương và sẵn sàng chia sẻ cùng nhau.

2. Thủy chia tay cô giáo và lớp học:

– Khóc thút thít vì Thủy phải chia xa nơi này mãi mãi và có thể Thủy sẽ không còn được đi học nữa.

– Cô giáo tái mặt, nước mắt dàn dụa.

– Bọn trẻ khóc mỗi lúc một to hơn.

→ Mọi người đều ngạc nhiên, thương xót và đồng cảm với nỗi bất hạnh của Thủy.

– Bức tranh cảnh vật vẫn tươi vui như mọi ngày: mọi người vẫn đi lại bình thường, nắng vàng ươm trùm lên cảnh vật.

3. Cảnh hai anh em Thành và Thủy chia tay nhau:

– Tâm trạng và hành động của Thủy:

+ Thủy như người mất hồn, mặt tái xanh như tàu lá.

+ Lấy con Vệ Sĩ ra đặt cạnh đầu giường anh để nó gác đêm cho anh ngủ.

+ Nhắc anh, lúc nào có áo rách, tìm về chỗ em để em vá.

+ Cuối cùng, Thủy đặt con Em Nhỏ ở lại và dặn anh không bao giờ được để chúng nó ngồi xa nhau.

– Tâm trạng của Thành: mếu máo, chân như chôn xuống đất, hứa với em sẽ để con Vệ Sĩ và Em Nhỏ cạnh nhau

→ Khung cảnh chia tay đau thương, buồn bã, ngậm ngùi của hai anh em Thành và Thủy.

III.Tổng kết:

1. Nội dung:

Với giọng văn nhẹ nhàng, da diết và đầy day dứt, văn bản Cuộc chia tay của những con búp bê đã khiến cho người đọc cảm nhận được nỗi đau, sự mất mát mà hai anh em Thành và Thủy phải hứng chịu khi gia đình li tán. Từ đó gợi cho những người làm cha, mẹ phải suy nghĩ: Trẻ em cần được sống trong mái ấm gia đình. Mỗi người cần phải biết gìn giữ gia đình hạnh phúc.

2. Nghệ thuật:

– Ngôi kể thứ nhất, giúp bộc lộ cảm xúc chân thật, dễ dàng.

– Lời kể chân thành, giản dị, không có xung đột dữ dội, ồn ào…phù hợp với tâm trạng nhân vật và có sức truyền cảm.

– Miêu tả tâm lí nhân vật sâu sắc, tinh tế, kết hợp giữa quá khứ và hiện tại,…

– Lựa chọn chi tiết, hình ảnh độc đáo, hấp dẫn.


* Trả lời câu hỏi SGK:

Câu 1 (trang 26 sgk): Đọc kĩ văn bản để nắm được: truyện viết về ai, về việc gì? Ai là nhân vật chính trong truyện?

Trả lời:

Truyện viết về cuộc chia lìa đầy xót xa, cảm động của hai anh em ruột thịt. Nhân vật chính là Thành và Thủy.

Câu 2 (trang 27 sgk):

a. Câu chuyện được kể theo ngôi thứ mấy? Việc lựa chọn ngôi kể này có tác dụng gì?

Trả lời:

a.

Câu chuyện được kể theo ngôi thứ nhất – người anh. Người xưng “tôi” trong truyện là người trong cuộc, là người trực tiếp chứng kiến các sự việc xảy ra và cùng chịu nỗi đau như em gái mình. Cách chọn ngôi kể này giúp tác giả dễ thể hiện sâu sắc những suy nghĩ nội tâm, những tình cảm và tâm trạng của nhân vật hơn. Ngoài ra, cách lựa chọn ngôi kể như vậy giúp làm tăng thêm tính chân thực của truyện và sức thuyết phục của truyện.

b.

Hai anh em Thành và Thủy vốn là trẻ con, còn vô tư, hồn nhiên, chẳng làm nên tội tình gì cũng giống như những con búp bê xinh đẹp, ngộ nghĩnh dễ thương kia. Thế mà, do lỗi của người lớn để rồi hai anh em sớm phải rơi vào cảnh ngộ éo le. “Cuộc chia tay của những con búp bê” hay đó cũng là cuộc chia tay của Thành và Thủy. Cách đặt tên rất hay, đã gợi nên được tình huống và ý nghĩa nội dung của truyện mà tác giả muốn thể hiện.

Câu 3: (trang 27 sgk): Hãy tìm các chi tiết trong truyện để thấy hai anh em Thành, Thủy rất mực gần gũi thương yêu, chia sẻ và luôn quan tâm đến nhau.

Lời giải chi tiết:

Hai anh em Thành, Thủy rất mực gần gũi, thương yêu, chia sẻ và quan tâm lẫn nhau, điều đó thể hiện qua một số chi tiết sau:

– Chia sẻ, giúp đỡ và quan tâm đến nhau:

+ Thủy đem kim chỉ ra tận sân vận động vá áo cho anh.

+ Thành giúp em học bài, chiều nào cũng đón em đi học về.

– Rất mực gần gũi thương yêu nhau:

+ Nắm tay nhau vừa đi vừa trò chuyện.

+ Chia đồ chơi. Thành “Anh cho em tất”, Thủy “Em để lại hết cho anh”, đem con Vệ Sĩ để đầu gường gác cho anh ngủ.

+ Khi chia tay nhau cả hai anh em đều bật khóc.

Câu 4 (trang 27 sgk): Lời nói và hành động của Thủy khi thấy anh chia hai con búp bê Vệ Sĩ và Em Nhỏ ra hai bên có gì mâu thuẫn? Có cách gì để giải quyết mâu thuẫn ấy không? Cách giải quyết của Thủy gợi lên cho em những suy nghĩ và tình cảm gì?

Trả lời:

– Lời nói và hành động của Thủy mâu thuẫn ở chỗ, một mặt em giận dữ khi thấy Thành chia rẽ con Vệ sĩ và con Em Nhỏ; mặt khác, em vì thương anh nên đã bối rối sau khi “tru tréo lên”.

– Tình huống trớ trêu này. Đã gợi lên trong lòng người đọc sự ước mong phải chi hai anh em Thành và Thủy được đoàn tụ, phải chi cha mẹ đừng li dị. Chỉ có cách đó mới có thể giải quyết được những mâu thuẫn trên.

– Kết thúc truyện, Thủy quyết định để lại cho Em Nhỏ bên cạnh con Vệ Sĩ để chúng không bao giờ chia cách. Chi tiết này khiến người đọc thương cảm trước tấm lòng đầy vị tha, nhân hậu, trong sáng của Thủy. Em biết thương anh, thương luôn cả những con búp bê, thà mình bị chia lìa chứ không để búp bê phải rơi vào cảnh ngộ như vậy. Ước gì cuộc chia tay của hai anh em Thành và Thủy đừng xảy ra.

Câu 5 (trang 27 sgk): Chi tiết nào trong cuộc chia tay của Thủy với lớp học làm cô giáo bàng hoàng và chi tiết nào khiến em cảm động nhất, vì sao?

Trả lời:

– Chi tiết chia tay của Thủy với lớp học làm cô giáo bàng hoàng:

+ Cô giáo tặng Thủy quyển số và chiếc bút máy nắp vàng nhưng: “Em không dám nhận… Em không đi học nữa”. “Nhà bà ngoại em ở xa trường học lắm. Mẹ em bảo sẽ sắm cho em một thúng hoa để ra chợ ngồi bán”.

+ Ý nghĩa: Sự đau xót của số phận tuổi thơ, Thủy phải mất mát quá lớn: xa bố, xa anh, thiếu thốn tình thương. Phải chịu cảnh thất học. Phải lăn lộn vào đường đời để kiếm sống lúc còn quá nhỏ.

– Chi tiết làm em cảm động nhất:

+ Chi tiết chia tay của Thủy với lớp học làm cô giáo bàng hoàng

+ Chi tiết cô giáo và cả lớp cùng khóc khi biết Thủy không còn được đi học nữa.

+ Chi tiết Thủy đã trèo lên xe, nhưng bỗng em lại tụt xuống đi về phía đầu giường, đặt con Em Nhỏ cạnh con Vệ Sĩ.

Câu 6 (trang 27 sgk): Em hãy giải thích vì sao khi dắt tay Thủy ra khỏi trường, tâm trạng của Thành lại: “kinh ngạc thấy mọi người vẫn đi lại bình thường và nắng vẫn vàng ươm trùm lên cảnh vật”.

Trả lời:

Thành cùng Thủy đang trong tâm trạng ngổn ngang, đau buồn, hơn nữa em vừa chứng kiến cảnh chia tay đầy nước mắt giữa Thủy với cô giáo và các bạn. Vì thế, trong suy nghĩ chủ quan của Thành, thế giới cuộc đời này dường như tan vỡ tất cả. Cho nên, em “kinh ngạc” thấy mọi người vẫn đi lại bình thường và nắng vẫn vàng ươm trùm lên cảnh vật”. Chính khung cảnh bên ngoài, sự vật vẫn hoạt động bình thường như vậy đã làm tăng thêm nỗi bơ vơ, lạc lõng của nhân vật trong truyện.

Câu 7 (trang 27 sgk): Qua câu chuyện này, theo em, tác giả muốn nhắn gửi đến mọi người điều gì?

Trả lời:

Qua câu chuyện này, theo em có thể tác giả muốn nhắn gởi đến mọi người rằng: Tình cảm gia đình là vô cùng quý giá và quan trọng. Mọi người hãy cố gắng bảo vệ và gìn giữ, không nên vì bất kì lí do gì để làm tổn hại đến những tình cảm tự nhiên, trong sáng ấy.

Cảm nhận văn bản “Cuộc chia tay của những con búp bê” của Khánh Hoài

Phân tích văn bản “Cuộc chia tay của những con búp bê” của Khánh Hoài

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.