Đọc hiểu văn bản: Ôn dịch, thuốc lá (Nguyễn Khắc Viện)

doc-hieu-van-ban-on-dich-thuoc-la-nguyen-khac-vien

Đọc hiểu văn bản:

Ôn dịch, thuốc lá
(Nguyễn Khắc Viện)

I. Đọc – hiểu chú thích:

1. Tác giả:

– Nguyễn Khắc Viện: (1913 – 1997), quê làng Gôi Vị, nay là xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh

– Ông là bác sĩ nhi khoa, một nhà nghiên cứu văn hóa và tâm lí- y học. Ông thường xuyên viết những tác phẩm giới thiệu về Việt Nam, phê phán chủ nghĩa thực dân.

2. Tác phẩm:

– Xuất xứ: Ôn dịch, thuốc lá là bài viết của tác giả Nguyễn Khắc Viện trích trong Từ thuốc lá đến ma túy- Bệnh nghiện (NXB Giáo dục, Hà Nội, 1992)

– Bố cục 3 phần:

+ Phần 1: (Từ đầu đến “nặng hơn cả AIDS”): nêu lên vấn đề và sự nghiêm trọng của vấn đề: nạn nghiện thuốc lá

+ Phần 2: (Từ tiếp đến “con đường phạm pháp”): Tác hại của thuốc lá

+ Phần 3: Còn lại: Lời kêu gọi chống thuốc lá

– Nội dung: Với những phân tích thấu đáo, tác giả đã chỉ ra nhiều tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe và tín mạng mỗi người. Nghiện thuốc lá còn ghê gớm hơn cả ôn dịch, muốn chống lại nó chúng ta phải quyết tâm bảo và có những biện pháp triệt để hơn là phòng chống ôn dịch.

II. Đọc – hiểu văn bản:

1. Thông báo về nạn dịch thuốc lá thuốc lá:

– Những ôn dịch mới xuất hiện vào đầu thế kỉ: dịch hạch, thổ tả, AIDS, thuốc lá.

+ Ôn dịch thuốc lá đe doạ sức khoẻ và tính mạng của loài người còn nặng hơn cả AIDS.

⇒ Sử dụng từ ngữ thông dụng của ngành y tế, phép so sánh. Thông báo ngắn gọn, chính xác nạn dịch thuốc lá và nhấn mạnh hiểm hoạ của nạn dịch này.

2. Những tác hại ghê gớm của thuốc lá:

a. Ảnh hưởng tới sức khoẻ con người.

– Dẫn lời Trần Hưng Đạo bàn về việc đánh giặc khi nói về sự nguy hiểm của thuốc lá: So sánh thuốc lá tấn công loài người như giặc ngoại xâm đánh phá

– Hút thuốc lá có hại cho cơ thể, cho sức khoẻ người hút một cách từ từ, chắc chắn

– Khói thuốc lá chứa nhiều chất độc thấm vào cơ thể người hút:

+ Chất hắc ín: ho hen, viêm phế quản

+ Ô -xit các-bon: hạn chế sự tiếp nhận ô xi.

+ Ni- cô- tin: huyết áp cao, nhồi máu ⇒ tử vong.

– Khói thuốc lá còn đầu độc những người xung quanh: nhiễm độc, viêm phế quản, ung thư…

– Bác bỏ quan điểm sai lầm: “Tôi hút, tôi bị bệnh, mặc tôi!” thông qua nêu ra tác hại của thuốc lá đối với cộng đồng

– Thừa nhận quyền tự do, trong đó có tự do hút thuốc, nhưng cũng căn cứ vào quyền của con người để phê phán

– So sánh với một hành vi tự đầu độc khác là uống rượu, thì hút thuốc lá rõ ràng là nguy hại hơn vì nó còn đầu độc những người xung quanh

⇒ Căn cứ khoa học, những số liệu cụ thể → người đọc bị thuyết phục hoàn toàn → Thuốc lá huỷ hoại nghiêm trọng sức khoẻ con người, là nguyên nhân của nhiều cái chết.

b. Ảnh hưởng của thuốc lá đến đạo đức con người:

– Người lớn hút thuốc đầu độc con em và nêu gương xấu

– Tỉ lệ thanh thiếu niên hút thuốc lá cao

– Cảnh báo nạn đua đòi thuốc lá dẫn đến các tệ nạn khác ở thanh niên.

– Huỷ hoại lối sống, nhân cách của con người

3. Lời kêu gọi chống thuốc lá:

– Đưa ví dụ, số liệu, so sánh → Khẳng định tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ sức khoẻ con người và giữ gìn bầu không khí trong lành là nhiệm vụ chung của toàn nhân loại.

– Cần tuyên truyền chống hút thuốc lá; khuyên người thân hạn chế rồi bỏ thuốc lá; bản thân không đua đòi, không tập hút thuốc lá, không coi việc hút thuốc là biểu hiện sành điệu, quý phái,..

III. Tổng kết:

1. Nội dung:

Nạn nghiện thuốc lá dễ lây lan và gây những tổn thất to lớn cho sức khỏe và tính mạng con người; gây tác hại nhiều mặt với cuộc sống gia đình và xã hội. Bởi vậy, muốn chống lại nó, cần có quyết tâm cao hơn và biện pháp triệt để hơn là phòng chống ôn dịch.

2. Nghệ thuật:

– Cách lập luận vô cùng chặt chẽ, cụ thể thuyết phục với lối văn viết giàu nhiệt huyết đã tạo nên hiệu quả cho văn bản.


Trả lời câu hỏi SGK:

Trả lời câu 1 (trang 121 sgk): Ý nghĩa của việc dùng dấu phẩy trong đầu đề của văn bản

Trả lời:

– Thuốc lá ở đây chính là tệ nghiện thuốc lá. Tác giả so sánh tệ nghiện này với ôn dịch là xác đáng vì tệ nghiện thuốc lá cũng rất dễ lây lan.

– Ngoài ra từ ôn dịch là một từ thường dùng làm tiếng chửi rủa như Đồ ôn dịch! Dấu phẩy ngăn cách giữa “ôn dịch” và thuốc lá là nhằm nhấn mạnh sắc thái biếu cảm thế hiện sự căm tức là ghê tởm, một lời nguyền rủa: Thuốc lá! Đồ ôn dịch!

– Vẫn có thể sửa tên nhan đề thành “ôn dịch thuốc lá” hoặc “thuốc lá là một loại ôn dịch” tuy nhiên sẽ giảm tính biểu đạt, biểu cảm của tên nhan đề.

Trả lời câu 2 (trang 121 sgk): Vì sao tác giả dẫn lời Trần Hưng Đạo bàn về việc đánh giặc trước khi phân tích tác hại của thuốc lá? Điều đó có tác dụng gì trong lập luận?

Trả lời:

– Trước khi phân tích tác hại của thuốc lá, tác giả dẫn lời Trần Hưng Đạo bàn về việc đánh giặc: “Nếu đánh giặc như vũ bão thì không dáng sợ, đáng sợ là giặc gặm nhấm như tằm ăn dâu.”

– Tác giả trích dẫn lời của Trần Hưng Đạo:

+ Lấy lối so sánh của nhà quân sự đại tài nói tới vấn nạn thuốc lá

+ Tạo sự liên tưởng bằng lối lập luận sắc bén.

+ Thuốc lá cũng là một loại giặc cần chống

+ Giặc thuốc lá không đánh như vũ bão, nó “gặm nhấm như tằm ăn dâu”

+ Tác hại của thuốc lá không nhìn thấy ngay nên mức độ nguy hiểm khôn lường.

⇒ Đây là so sánh sáng tạo, làm cho lập luận chặt chẽ, tạo liên tưởng thú vị.

Trả lời câu 3 (trang 121 sgk): Vì sao tác giả đặt giả định có người báo: “Tôi hút; tôi bị bệnh, mặc tôi!” trước khi nêu lên những tác hại về phương diện xã hội của thuốc lá?

Trả lời:

– Đặt giả định “tôi hút, tôi bị bệnh, mặc tôi!” để phủ định, bác bỏ:

+ Thực tế, nhiều người coi thường sức khỏe người thân, người xung quanh nên mặc sức hút thuốc lá.

+ Họ ngụy biện bằng cách vin vào quyền tự do cá nhân, tuyên bố tự chịu trách nhiệm về việc làm của mình.

+ Tác giả phản bác vì người hút thuốc không chỉ hủy hoại sức khỏe bản thân mà còn hủy hoại sức khỏe của những người xung quanh.

+ Hút thuốc là quyền cá nhân, nhưng kg thể sử dụng quyền đó làm ảnh hưởng tới không khí người khác.

⇒ Tác giả dùng chính quyền chính đáng để bác bỏ quyền không chính đáng của người hút thuốc chống chế.

Trả lời câu 4 (trang 122 sgk): Vì sao tác giả so sánh tình hình hút thuốc lá ở nước ta với các nước Âu – Mĩ trước khi đưa ra kiến nghị: Đã đến lúc mọi người phải đứng lên chống lại, ngăn ngừa nạn ôn dịch này?

Trả lời:

– So sánh tình hình hút thuốc ở nước ta ngang với các thành phố lớn ở Âu- Mĩ:

+ Dù nước ta nghèo hơn các nước Âu- Mĩ nhưng tỉ lệ hút thuốc ngang với họ ⟶ điều đáng báo động

+ Các nước phát triển ở Âu- Mĩ cấm, có chiến dịch chống hút thuốc mạnh mẽ, còn nước ta chưa có biện pháp quyết liệt.

+ Nước ta còn quá nhiều bệnh dịch cần thanh toán thế mà chúng ta lại rước về nhiều thứ bệnh dịch nguy hiểm và tốn kém.

– Sự so sánh là rất cần thiết vì nó cảnh báo mạnh mẽ vấn nạn hút thuốc lá đang trở nên phổ biến ở nước ta, cần đưa ra các biện pháp khắc phục.


Tham khảo:

Phân tích văn bản Ôn dịch, thuốc lad của Giáo sư Nguyễn Khắc Viện

Đọc bài Ôn dịch, thuốc lá của bác sĩ – nhà văn hoá Nguyễn Khắc Viện – chúng ta được cảnh báo thêm về một vấn đề thiết yếu với đời sống mỗi người. Đây là một vãn bản thuyết minh, kết hợp những lập luận khoa học rất sáng tỏ và chặt chẽ. Từ nhan đề của văn bản đến bố cục, các dẫn chứng, các lời giải thích, lập luận, nhất là hai cụm từ (một ở phần mở đầu, một ở phần kết thúc), tác giả đã vừa chỉ rõ những nguy hại ghê gớm vừa bày tỏ sự kinh hãi, lời lên án gay gắt với tộ nghiện thuốc lá. Lấy ra hai cụm từ đặc sắc của bài văn, chúng ta có thể coi đây là những tiếng báo động khẩn thiết về nạn nghiện thuốc lá mà mỗi lần nghĩ đến ai cũng phái rùng mình, kinh sợ: Ôn dịch, thuốc lá, tiếng báo động… nghĩ đến mà kinh!

Tiếng báo động đáng kinh sợ ấy thể hiện ngay từ cái tiêu đề của bài viết. Tác giả dùng từ “thuốc lá” là nói tắt của “tệ nghiện thuốc lá”. Đặt “thuốc lá” sau từ “ôn dịch” là muốn so sánh tệ nghiện thuốc lá như một thứ bệnh có đặc điểm là dễ lây lan như “dịch tả”, “dịch cúm”,… Nhưng không viết “dịch thuốc lá” mà viết “Ôn dịch…”, một từ thường dùng làm tiếng chửi rủa, hơn nữa lại đặt dấu phẩy giữa “ôn dịch”“thuốc lá” như một biện pháp tu từ, người viết đã biểu lộ tình cảm vừa căm tức vừa ghê rợn.

Và tiếp theo, ngay ở phán mở bài (từ câu đầu đến “… còn nặng hơn cả AIDS”), tiếng báo động đã trực tiếp vang lên. Từ tin mừng loài người hầu như đã diệt trừ được dịch hạch, dịch tá, người viết nói tới đại dịch AIDS, rồi giống lên hồi còi dài bằng một câu vãn trĩu nặng nỗi lo: “… nhiều nhà bác học sau mấy chục năm và hơn năm vạn công trình nghiên cứu đã lớn tiếng báo động: Ôn dịch thuốc lá đang đe doạ sức khỏe và tính mạng loài người còn nặng hơn cả AIDS”. Đúng là một hồi còi báo động làm kinh sợ người đọc, người nghe. Bởi vì, tác giả đã đặt ôn dịch thuốc lá ngang tầm với AIDS, đã sử dụng con số hơn năm vạn công trình nghiên cứu sau mấy chục năm của các nhà bác học để nhấn mạnh tính xác đáng, tầm quan trọng của thông tin. Tuy là văn bản khoa học, văn thuyết minh, nhưng cách dùng từ, đặt câu của tác giả khá tinh tế, phần nào bộc lộ được cảm xúc người viết và truyền tới người đọc.

Tiếng báo động đáng kinh sợ ấy được triển khai, như những âm thanh lan toả trong phán thân bài, và xuống cả phần kết luận. Sau mở bài nói về hiểm hoạ của ôn dịch thuốc lá trong xã hội ngày nay, tác giả đổi ý nói chuyện đánh giặc của cha ông xưa: “Ngày trước Trần Hưng Đạo căn dặn nhà vua: Nếu giặc đánh như vũ bão thì không đáng sợ, đáng sợ là giặc gặm nhấm như tằm ăn dâu”. Viết như thế có ý gì ? Phải chăng, muốn mượn lời người xưa bàn về binh pháp, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện nhấn mạnh mức độ nguy hiểm và kiểu cách phá hoại của tệ nghiện thuốc lá. Nói cụ thể là: tệ nghiện thuốc lá nguy hiểm không kém gì giặc cướp, giặc ngoại xâm. Thuốc lá phá hoại cuộc sống con người như tằm gặm nhấm lá dâu. Với con tằm ăn lá dâu, ta có thể nhìn thấy, có thể cho phép hay ngăn chặn. Còn thuốc lá, nó phá hoại chúng ta bằng cách gặm nhấm âm thầm, bí mật, từng giờ, từng ngày không dỗ gì nhìn thấy được và không dễ gì ngăn chặn dược. Câu văn mở đầu phần thân bài đúng là hồi còi báo động, báo cho chúng ta biết: thuốc lá là giặc cướp, thuốc lá gặm nhấm sức lực và cả tâm hồn, đạo đức của loài người, của mỗi con người chúng ta.

Trước hết, thuốc lá gặm nhấm cơ thể, sức lực người hút, người nghiện. Tác giả chỉ rõ: “Khói thuốc lá chứa nhiều chất độc, thấm vào cơ thể”. Bằng lời giảng của một nhà khoa học, một bác sĩ tài giỏi, tác giả giải thích, phân tích cụ thể tác hại của khói thuốc lá đối với các bộ phận trong cơ thể người hút, người nghiện. Sau mỗi lời giảng giải là một sơ kết, nhấn mạnh những hậu quá thuốc lá gieo vào con người. Nào là “gây ho hen và sau nhiều năm gây viêm phế quán”, nào là “sức khoẻ người nghiện thuốc ngày càng sút kém”. Lại nữa, hỏi bệnh viện K, bác sĩ viện trường thông báo: “trên 80% ung thư vòm họng và ung thư phổi là do thuốc lá”, đến Viện tim mạch, cũng dược nghe Viện trưởng cho biết: “chất ni-cô-tin của thuốc lá làm các động mạch co thắt lại, gây những bệnh nghiêm trọng như huyết áp cao, tắc động mạch, nhồi máu cơ tim,… có thấy những người 40 – 50 tuổi đã chết đột xuất vì nhồi máu cơ tim… có thấy những khối u ghê tởm mới nhận ra tác hại ghê gớm của thuốc lá…”. Trong một câu ngắn có tính khoa học lạnh lùng, tác giả đã dùng liền hai từ biểu cảm ghê tởm, ghê gờm khiến người đọc, đọc lên không khỏi rùng mình. Đấy là tiếng báo động cấp 1.

Tiếp sau là tiếng báo động cấp 2: thuốc lá gặm nhấm cơ thể, sức khoẻ những người xung quanh. Để báo động điều này, tác giả sử dụng cách lập luận, tranh luận đơn giản mà thuyết phục. Dẫn lí sự của người nghiện: “Tôi hút, tôi bị bệnh, mặc tôi”, tác giả “đấu lại” luôn: “Hút thuốc là quyền của anh, nhưng anh không có quyền đầu độc những người ớ gần anh… Hút thuốc thì người gần anh cũng hít phái luồng khói độc. Điều này hàng nghìn công trình nghiên cứu đã chứng minh…”. Như thế là rõ, người nghiện thuốc, hút thuốc không chỉ tự đầu độc mình mà còn đầu độc những người xung quanh. Những người xung quanh đó là ai? Đó là vợ, con, những người làm việc cùng phòng, những người tiếp xúc với người nghiện. Họ hít phải khói thuốc, bị nhiễm độc, cũng đau tim mạch, viêm phế quản, cũng ung thứ,… Và “Tội nghiệp thay những cái thai còn nằm trong bụng mẹ, chỉ vì có người hút thuốc ngồi cạnh mẹ mà thai bị nhiễm độc, rồi mẹ đẻ non, con sinh ra đã suy yếu. Hút thuốc cạnh một người đàn bà có thai quả là một tội ác”. Những từ ngữ đầu độc, tội nghiệp thay, một tội ác… xen kẽ trong đoạn văn vừa nhấn mạnh mức độ nguy hại của thuốc lá vừa bày tỏ thái độ nghiêm khắc phê phán những người nghiện thuốc lá. Tri thức khoa học, kết hợp phương pháp lập luận và ngôn ngữ biểu cảm khiến cho đoạn văn sinh động, có sức thuyết phục cao.

Cao thêm một bậc nữa là thuốc lá gặm nhấm tâm hồn và lối sống của con người, nhất là thế hệ trẻ. Bố và anh, chú và bác hút thuốc không chỉ đầu độc thể lực mà còn nêu gương xấu cho con cháu. Tác giả nói như thế, rồi dẫn chứng số tiền thanh thiếu niên Âu Mỹ, thanh thiếu niên Việt Nam mua bao thuốc và nhấn mạnh: “đã hút là phải hút thuốc sang. Chỉ có một cách là trộm cắp… Từ điếu thuốc sang cốc bia rồi đến ma tuý, con đường phạm pháp đã mở đầu với điếu thuốc. Người lớn hút thuốc… chính là đã đẩy con em vào con đường phạm pháp”.

Ở đây, tác giả tập trung phê phán người lớn để đệm thêm cho tiếng báo động về tệ nạn nghiện thuốc lá. Song thế hệ trẻ, những học sinh THCS và THPT chúng ta cũng cần lắng nghe để giữ mình, đừng nên đổ lỗi hoàn toàn cho người lớn. Bởi vì, những người lớn nghiện hút nêu gương xấu trước mặt trẻ em, nếu trẻ em ý thức được cái xấu ấy, không đua đòi học theo thì thuốc lá không dỗ gì hoành hành, tác yêu tác quái. Có thể nói, tiếng còi báo động của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện về nạn nghiện thuốc lá, tác hại và cách gây hại của thuốc lá mỗi lúc một gióng cao thêm, vang xa hơn và thấm sâu vào trong lòng tất cả mọi lớp người.

Vào phần cuối của bài viết, giọng văn dịu đi chút ít để thông báo về các chiến dịch chống thuốc lá ở nhiều nước trên thế giới. Tác giả đưa ra những con số cụ thể những tên nước cụ thể với những yêu cầu, những khẩu hiệu cụ thể. Từ đó, đối chiếu với nước ta, vị bác sĩ, nhà khoa học rất mực thương dân, luôn lo , lắng cho tương lai đất nước ấy đã thốt ra những lời nói thống thiết: “Nước ta… đang còn trong tình trạng có nhiều bệnh tật do vi trùng, kí sinh trùng gây nên, nay lại… nhiễm thêm các bệnh do thuốc lá; sốt rét, bệnh phong, lao, ỉa chảy, chưa thanh toán được, lại ôm thêm ôn dịch thuốc lá này. Nghĩ đến mà kinh ! Đã đến lúc mọi người phải đứng lên chống lại, ngăn ngừa nạn ôn dịch này”. Đoạn vãn không chỉ thuyết minh, thông báo khoa học mà đã chuyển sang kêu gọi mạnh mẽ. Tiếng báo động chuyển thành lời kêu gọi chiến đấu khẩn trương, quyết liệt. Tác giả vừa biểu cảm – “nghĩ đến mà kinh”, rùng mình, kinh sợ thuốc lá, nạn nghiện thuốc lá, vừa truyền cảm, giục giã người đọc. Đọc đến dòng văn cuối cùng, nhất là cụm từ mệnh lệnh: “Đã đến lúc mọi người phải đứng lên chống lại, ngăn ngừa nạn ôn dịch này”, lòng chúng ta không khỏi xáo động, chân tay chúng ta không khỏi… ngứa ngáy. Tiếng báo dộng cất lên ở đầu bài văn dến đây đã thành tiếng kêu cấp cứu.

Tóm lại, giống như ôn dịch, nạn nghiện thuốc lá rất dễ lây lan và gây những tổn thất to lớn cho sức khoẻ và tính mạng con người. Song nạn nghiện thuốc lá còn nguy hiểm hơn cả ôn dịch. Nó gặm nhấm sức khoẻ con người nên không dễ nhận biết, nó gây tác hại nhiều mặt đối với cuộc sống gia đình và xã hội, mọi người hãy tìm cách chống lại nó, ngăn chặn nó. Muốn thế, ta cần có quyết tâm lớn, tự giác cao và nhiều biện pháp triệt để hơn cả việc phòng chống ôn dịch.dịch, thuốc lá.


Tham khảo:

Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người

Ai cũng biết hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ. Tuy nhiên, tỷ lệ người hút thuốc lá đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng này, nhưng đa số là do sự hiểu biết một cách cụ thể về tác hại của khói thuốc lá còn hạn chế, kiến thức chưa đầy đủ. Điều đó xuất phát từ việc thiếu các biện pháp tuyên truyền giáo dục về thuốc lá và tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ con người.

Khói thuốc lá chứa tới hơn 7000 chất phần lớn là chất độc hại, trong đó có khoảng 60 chất là tác nhân gây ung thư, đặc biệt nguy hiểm nhất là nicotin. Nicotin dưới dạng tinh khiết đó là một chất lỏng trong suốt, có mùi khó chịu và vị đắng, dễ tan trong nước và dễ dàng xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng, hô hấp, thậm chí qua cả da. Trong khói thuốc lá có nhiều chất kích thích khối u, tuy nhiên người nghiện hút thuốc lá quá nhiều không bị chết ngay vì liều lượng cứ ngấm dần vào cơ thể.

Khi hút thuốc lá, hoặc sống chung với người hút thuốc, khói thuốc hít qua phổi ngấm vào máu, tích luỹ lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên các bệnh tim mạch, viêm nhiễm đường hô hấp gây tổn thương trong lòng mạch máu. Vì vậy người hút thuốc lá dễ bị các bệnh như: rụng tóc, đục thủy tinh thể, da nhăn, giảm thính lực, sâu răng, ung thư da, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, loãng xương, bệnh tim mạch, vàng móng tay, ung thư cổ tử cung, tinh trùng biến dạng, bệnh vảy nến, viêm tắc mạch máu, ung thư phổi và các cơ quan khác như: mũi, miệng, lưỡi, tuyến nước bọt, họng, thanh quản, thực quản, thận, dương vật, tụy v.v.

Ngoài ra hút thuốc lá còn làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, dễ dẫn đến vô sinh ở nam giới; tăng nguy cơ ung thư tử cung, rối loạn kinh nguyệt, ung thư vú, đối với phụ nữ; dễ bị còi xương, trí tuệ chậm phát triển, suy dinh dưỡng đối với trẻ em.

Ở nước ta, mỗi năm có 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá và 33 triệu người không hút thuốc bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Nhằm tăng cường bảo vệ sức khỏe cho những người không hút thuốc lá, hạn chế ảnh hưởng của khói thuốc lá nơi công cộng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 45/2005 NĐ-CP, ngày 06 tháng 4 năm 2005 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực Y tế, theo đó sẽ phạt cảnh cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

– Hút thuốc lá, thuốc lào ở nơi công cộng như: trong rạp hát, rạp chiếu phim, phòng họp, phòng làm việc, bệnh viện, thư viện, phòng đợi của nhà ga, bến xe, sân bay, bến cảng, trên các phương tiện giao thông công cộng hoặc ở những nơi công cộng khác có quy định cấm.

– Bán thuốc lá, thuốc lào cho trẻ em dưới 16 tuổi. Thiết thực thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng, góp phần nâng cao chất lượng sống, mỗi chúng ta hãy tự giác thực hiện không hút thuốc trong nhà, nơi làm việc và những nơi công cộng bị cấm hút thuốc lá. không hút nơi có trẻ em và người già, nhắc nhở người khác khi hút thuốc nơi công cộng.

Lợi ích đối với sức khoẻ khi bỏ thuốc lá: Cơ thể sẽ không còn tích luỹ chất độc, loại trừ nguyên nhân và điều kiện gây các bệnh đã nêu trên. Nếu bỏ thuốc trước tuổi 50 sẽ giảm 50% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch sau khi bỏ thuốc được 1 năm, giảm 50% nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.

Vì một cộng đồng không khói thuốc! Vì sức khỏe của mỗi người. Vì tương lai con em chúng ta, hãy bỏ thuốc lá ngay từ bây giờ.

Suy nghĩ về những tác hại của khói thuốc lá qua bài Ôn dịch, thuốc lá của giáo sư Nguyễn Khắc Viện

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.