Đọc hiểu văn bản Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống aids, 1 -12 – 2003 (Cô-phi An-nan)

doc-hieu-van-ban-thong-diep-nhan-ngay-the-gioi-phong-chong-aids-1-12-2003-co-phi-an-nan.jpg

Đọc – hiểu văn bản:

Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống aids, 1 -12 – 2003
(Cô-phi An-nan)

I. Tìm hiểu chung.

1. Tác giả:

– Cô-phi An-nan sinh ngày 8/4/1938, tai Ga – na, một nước cộng hoà thuộc châu Phi.
– 1962 bắt đầu làm việc ở tổ chức liên hợp quốc.
– 1996 là Phó Tổng thư kí Liên hợp quốc phụ trách gìn giữ hòa bình.
– 1/1/1997 được bầu làm Tổng thư kí Liên hợp quốc.
– 2001 được trao Giải thưởng Nô – ben Hoà bình.

2. Tác phẩm:

– Xuất sứ: Văn bản là thông điệp của Cô-phi An-nan gửi nhân dân thế giới nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS, 1-12-2003

– Thể loại: Văn nhật dụng.

– Nội dung: Phòng chống HIV/AIDS phải là mối quan tâm hàng đầu của toàn nhân loại, và những cố gắng của con người về mặt này vẫn còn chưa đủ. Tác giả thiết tha kêu gọi các quốc gia và toàn thể nhân dân thế giới hãy coi việc đẩy lùi lại đại dịch đó là công việc của chính mình, hãy sát cánh bên nhau để cùng “đánh đổ các thành lũy của sự im lặng, kì thị và phân biệt đối xử” với những người bị HIV/AIDS.

– Bố cục: 3 phần

+ Đoạn 1 (“Từ đầu → chiến đấu chống lại dịch bệnh này”): Tầm quan trọng của việc phòng chống đại dịch HIV/AIDS. Cả thế giới nhất trí, cam kết, phòng chống, chiến đấu, đánh bại căn bệnhHIV/AIDS.
+ Đoạn 2 (“Tiếp theo → đồng nghĩa với cái chết”): Tổng kết thực trạng và hành động phòng chống HIV/AIDS. Điểm lại tình hình thực tế và nêu nhiệm vụ của mỗi người, mọi người, mọi quốc gia.
+ Đoạn 3 (còn lại): Lời kêu gọi tha thiết.

+ Sau hơn nửa thế kỉ(1945 – 1997), liên hợp quốc mới có một người thuộc châu Phi, da đen được bầu vào chức vụ tổng thư kí: Co – phi An – nan. Đó không chỉ là chiến thắng của tinh thần bình đẳng, bình quyền của các dân tộc trên trái đất. Việc đảm đương trong hai nhiệm kì liền, cương vị người đứng đầu tổ chức quốc tế lớn nhất, quan trọng nhất, có uy tín nhất, còn là sự thừa nhận những phẩm chất ưu tú, của cá nhân Cô – phi An – nan

+ Có thể coi giải thưởng Nô – ben Hoà bình  được trao tặng năm 2001, là sự ghi nhận những đóng góp to lớn của ông đối với việc xây dựng  “một thế giới được tổ chức tốt hơn và hoà bình hơn”. Giữa bề bộn những lo toan nhiều mặt cho đời sống nhân loại, ông vẫn không quên dành sự ưu tiên đặc biệt cho cuộc chiến chống đại dịchHIV/AIDS. Bản thông điệp nhân Ngày thế giới chống HIV/AIDS là bằng cứ có thể nói lên mối quan tâm đặc biệt đó

II. Đọc hiểu văn bản.

1. Tầm quan trọng của việc phòng chống đại dịch HIV/AIDS.

– Nhắc lại:

+ Cam kết của các quốc gia về nguồn lực và hành động trong phòng chống AIDS.

+  Các quốc gia đã nhất trí thông qua Tuyên bố về cam kết phòng chống HIV/AIDS (trong đó đưa ra một loạt mục tiêu cụ thể kèm theo thời hạn chiến đấu chống lại dịch bệnh này) → vì đó là căn bệnh nguy hiểm, cướp đi hàng loạt sinh mệnh của con người

2. Tổng kết thực trạng và hành động phòng chống HIV/AIDS. Điểm lại tình hình thực tế và nêu nhiệm vụ của mỗi người, mọi người, mọi quốc gia.

* Luận điểm 1: “Song những hành động của chúng ta vẫn quá ít so với yêu cầu thực tế”.

– Điểm lại tình hình của văn kiện:

* Những mặt đã làm được:

+ Ngân sách tăng tại từng quốc gia
+ Quỹ phòng chống HIV/AIDS và lao đã được thông qua
+ Đại đa số các quốc gia đã xây dựng được chiến lược phòng chống AIDS
+ Ngày càng nhiều các công ty áp dụng chính sách phòng chống HIV/AIDS tại nơi làm việc. Có nhiều nhóm từ thiện và hoạt động cộng đồng tích cực

* Ý nghĩa:

+ Ghi nhận những nỗ lực, cố gắng to lớn của các chính phủ, tổ chức xã hội và nhân dân toàn thế giới. Điều đó chứng tỏ nhận thức và hành động của nhân loại về đại dịch HIV/AIDS đã được quán triệt sâu sắc và nâng cao hơn một bước.
+ Động viên, cổ vũ tinh thần cho các quốc gia bước tiếp chặng đường mới.

→ Tầm nhìn rộng lớn, xứng đáng với cương vị một người đang gánh vác trọng trách Tổng thư kí liên hợp quốc

* Thực tế những mặt chưa làm được:

+ HIV/AIDS vẫn hoành hành, ít suy giảm
+ Mỗi phút đồng hồ có khoảng 10 người bị nhiễm.
+ HIV lây lan với tốc độ báo động ở phụ nữ: số phụ nữ bị nhiễm chiếm tới một nửa trong tổng số người nhiễm HIV
+ Bệnh dịch đang lan rộng ở khu vực đông Âu và toàn bộ châu Á, từ dãy núi U – ran đến Thái Bình Dương
+ Không hoàn thành được mục tiêu, chậm trong việc giảm quy mô và tác động của dịch so với chỉ tiêu đã đề ra cho năm 2005.

→ Nhấn mạnh mặt chưa làm được để gióng lên hồi chuông báo động về nguy cơ của đại dịch AIDS. Khẳng định chúng ta sẽ không đạt được bất cứ mục tiêu nào vào năm 2005 → Những cố gắng của con người về mặt này là chưa đủ,

– Cách viết ngắn gọn, giàu sức thuyết phục và lay động lòng người, thể hiện sự thẳng thắn, trung thực (đánh giá cả hai mặt làm được và chưa làm được), tầm bao quát rộng lớn (từ khu vực, giới tính đến độ tuổi). Những số liệu cụ thể (là những con số biết nói). Tình cảm và trách nhiệm của tác giả.

* Luận điểm 2: Thông điệp hành động trong giai đoạn tiếp theo. Chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hiện cam kết của mình bằng những nguồn lực và hành động cần thiết”.

– Chúng ta không vì các mục tiêu trong sự cạnh tranh mà quên đi các thảm hoạ cướp đi cái đáng quý nhất là sinh mệnh và tuổi thọ của con người.

– Chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hiện cam kết bằng những nguồn lực và hành động cần thiết.

– Chúng ta phải đưa vấn đề AIDS lên vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự về chính trị và hành động thực tế của mình.

– Hãy lên tiếng chống lại HIV/AIDS. Đó là ý nghĩa sinh tử, tồn vong “sống hay không sống”.

– Không được kì thị và phân biệt đối xử đối với những người không may mắc phải HIV/AIDS.

– Đừng để một ai có ảo tưởng rằng chúng ta có thể bảo vệ được chính mình bằng cách dựng lên các bức tường rào ngăn cách giữa “chúng ta” và “họ”.

– Trong thế giới AIDS khốc liệt này không có khái niệm “chúng ta” và “họ”. Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết. Có nghĩa là phải hành động để chống lại đại dịch AIDS đang đe dọa mọi người trên hành tinh này, không trừ một ai.

– Cách tổng kết có trọng tâm và  điểm nhấn. Sức nặng trong những lời tổng kết được tập trung nhiều nhất vào luận điểm: “Song hành động của chúng ta vẫn quá ít so với yêu cầu thực tế”. Hiệu quả nghị luận ấy không chỉ nhờ tác giả viết về những điều chưa làm được nhiều hơn, tỉ mỉ, kĩ lưỡng hơn mà còn ở cảm xúc chân thành của tác giả

* Ý nghĩa: Nhấn mạnh nhiệm vụ cấp bách trước hiểm họa. Những câu văn giàu hình ảnh và gợi cảm có tác động mạnh đối với người đọc. Từ đây có thể thấy tác giả là một con người có trái tim nhân hậu, chan chứa yêu thương, một tấm lòng nhân đạo sâu sắc, ở ông có tầm nhìn sâu rộng đối với sự vận động không ngừng của sự sống, luôn quan tâm đến vận mệnh của con người hơn bao giờ hết, một con người sống vì công việc vì sự ổn định tốt đẹp của toàn nhân loại.

3. Lời kêu gọi tha thiết:

+ Hãy cùng tôi lên tiếng thật to về HIV/AIDS
+ Hãy cùng tôi đánh đổ các thành luỹ của sự im lặng, kì thị và phân biệt đối xử đang vây quanh bệnh dịch này
+ Hãy sát cánh cùng tôi, bởi lẽ cuộc chiến chống lại HIV/AIDS bắt đầu từ chính các bạn

→ Tác giả tha thiết kêu gọi các quốc gia và toàn thể nhân dân thế giới, hãy coi việc đẩy lùi đại dịch đó là công việc của chính mình, hãy sát cánh bên nhau để cùng đánh đổ các thành luỹ của sự im lặng, kì thị và phân biệt đối xử với những người bị HIV/AIDS.

– Những lời kêu gọi đó càng khẳng định tấm lòng ấy, phẩm chất ấy. Cho nên bản thông điệp có sức thuyết phục mạnh mẽ đối với người đọc/nghe: Không ai có thể cố thủ trong thành luỹ của sự im lặng, để lảng tránh trách nhiệm tham gia vào cuộc chiến đấu chống lại đại dịch HIV/AIDS.  Không nên giữ thái độ phân biệt, đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS. Chính những suy nghĩ sau sắc và cảm xúc chân thành của tác giả đã làm cho bài văn có sức thuyết phục mạnh mẽ.

Lời kêu gọi thiết tha, gần gũi, thân thiện và có sức lay động lòng người. Lời kêu gọi đó xuất phát từ tấm lòng nhân ái, sự quan tâm, yêu thương đồng loại. Chính cái tâm ấy đã làm nên cái đặc sắc của văn bản.

III. Tổng kết.

1. Nội dung:

– Tác giả cho chúng ta thấy phòng chống HIV/AIDS là mối quan tâm hàng đầu của toàn nhân loại, những cố gắng của con người vẫn chưa đủ.

– Thiết tha kêu gọi các quốc gia, toàn thể nhân dân trên thê giới hãy sát cánh bên nhau để cùng lật đổ thành lũy của sự im lặng, kì thị và phân biệt đối xử với những người bị nhiễm HIV/AIDS.

2. Nghệ thuật:

– Sử dụng thành công thể văn nghị luận với các luận điểm, luận cứ, luận chứng rõ ràng, lập luận chặt chẽ, sắc sảo.

– Vận dụng sáng tạo các thao tác lập luận so sánh, bác bỏ….

– Lời văn ngắn gọn, súc tích, giàu sức thuyết phục.

III. Luyện tập.

+ Một số đoạn, câu văn gây xúc động:

– Đoạn văn: “Nhưng cũng chính trong lúc này…. Vào năm 2005 (cuối tr81 – đầu 82) → cảm xúc chân thành, ta như nghe được nhịp đập của trái tim đang ngày đêm lo lắng và bức xúc. “Lẽ ra chúng ta phải” (3 lần) nghe như nỗi day dứt, xót xa đến khôn nguôi của người cầm bút

– Trong phần cuối, những câu văn thường ngắn gọn và được viết với một cảm xúc kìm nén, không ồn ào, khoa trương. Chúng mang vẻ đẹp của sự sâu sắc và cô đúc

– Tác giả tìm cách nén chặt ngôn từ, sao cho có thể nói được nhiều ý nghĩ và tình cảm lớn bằng một số lời tối giản. Chính sự tìm tòi này đã đem lại cho bài văn không ít kết quả đặc sắc VD: Có những câu văn gọn ghẽ nhưng độc đáo, bát ngờ: “Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết”. Lại có câu yêu cầu cô đọng không ngăn cản việc tạo ra hình ảnh dễ hình dung và gợi cảm “Hãy cùng tôi giật đổ…vây quanh bệnh dịch này”. Có những câu cộng hưởng cả hai sức mạnh và vẻ đẹp nói trên “Hãy đừng để một ai có ảo tưởng… không có khái niệm chúng ta và họ”

→ Những câu văn như thế xứng đáng để chúng ta học tập và vận dụng trong việc làm văn và làm văn nghị luận

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.