Không đọc sách tức là không còn nhu cầu về cuộc sống trí tuệ nữa (Nguyên Ngọc)

doc-sach-la-sinh-hoat-va-nhu-cau-tri-tue-thuong-truc-cua-con-nguoi-co-cuoc-song-tri-tue-nguyen-ngoc

Đọc sách là sinh hoạt và nhu cầu trí tuệ thường trực của con người có cuộc sống trí tuệ (Nguyên Ngọc)

Đọc sách là sinh hoạt và nhu cầu trí tuệ thường trực của con người có cuộc sống trí tuệ. Rất đáng kinh ngạc là ngày nay, trong giới quan chức cả ở những cấp rất cao, đặc biệt cả trong giới được gọi là trí thức và tự coi mình là trí thức, rất ít người đọc sách, thậm chí có thể nói không sợ quá lời có không ít người hầu như hoàn toàn suốt đời không hề đọc một cuốn sách nào, và thản nhiên coi đó là hết sức bình thường. Tôi từng nghe nói một vị thủ trưởng cấp rất cao, cứ hết giờ làm việc thì lao vào đánh tu lơ khơ và kéo cả các cấp dưới của mình vào cuộc chơi say mê ấy nhiều khi đến suốt đêm… Ngày nay còn có bao nhiêu bậc cha mẹ muốn để lại cho con một tủ sách thay vì một tủ rượu? Cũng có thể nói cách khác: cứ nhìn tình tình các tủ sách gia đình trong một xã hội thì ắt biết trình độ văn minh, đời sống tinh thần và đạo đức của xã hội ấy…

Đời sống văn hóa của một đất nước như vậy thì quả đã đến mức báo động. Không đọc sách tức là không còn nhu cầu về cuộc sống trí tuệ nữa. Và khi không còn có nhu cầu đó nữa, thì đời sống tinh thần của con người nghèo đi, mòn mỏi đi, tắt đi, và cuộc sống đạo đức cũng mất luôn nền tảng. Đây là một câu chuyện nghiêm túc và dài, cần được trao đổi, thảo luận rất nghiêm túc, lâu dài. Tôi chỉ muốn thử nêu lên ở đây một đề nghị: Tôi đề nghị các tổ chức thanh niên của chúng ta, bên cạnh những sinh hoạt thường thấy hiện nay, trong đó phải nói thật có nhiều sinh hoạt rất hình thức, ồn ào và vô bổ, nên có một cuộc vận động đọc sách trong thanh niên cả nước. Và vận động từng nhà gây dựng tủ sách gia đình. Tạo trở lại thói quen đọc sách cho từng người, cho toàn xã hội, trước hết trong thanh niên. Gần đây có một nước đã phát động phong trào trong toàn quốc mỗi người mỗi ngày đọc lấy 20 dòng sách. Chúng ta cũng có thể làm như thế, hoặc vận động mỗi người trong một năm đọc được lấy một cuốn sách. Có thể cứ đọc sách gì cũng được, để cho người ta trở lại thấy việc cầm đọc một cuốn sách không phải là việc quá xa lạ. Rồi dần dần sẽ nói đến chuyện chọn sách, cách đọc sách Cứ bắt đầu bằng việc rất nhỏ, không quá khó, việc nhỏ đấy nhưng rất có thể là việc nhỏ khởi đầu công cuộc lớn, phục hưng dân tộc.

Để cho đất nước ta trở lại là một đất nước văn minh. Để cho đất nước ta khi giàu lên như chúng ta đang phấn đấu ngày nay, không là một đất nước của những anh chàng trọc phú. Để cho sự phát triển của đất nước là phát triển bền vững, tức phát triển có văn hóa.

(trích Một nhận định – Nguyên Ngọc)

Suy nghĩ về vai trò của sách đối với đời sống con người

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.