Đối tượng và mục đích sáng tác của bản Tuyên Ngôn Độc Lập

doi-tuong-va-muc-dich-sang-tac-cua-ban-tuyen-ngon-doc-lap

Đối tượng và mục đích sáng tác của bản Tuyên Ngôn Độc Lập

Khi cầm bút, Hồ Chí Minh bao giờ cũng xuất phát từ mục đích, đối tượng tiếp nhận để quyết định nội dung và hình thức của tác phẩm.

Đối tượng hướng tới của bản tuyên ngôn trước hết là tất cả đồng bào Việt Nam (những người hơn 80 năm qua rên xiết dưới ách xâm lược của Thực dân Pháp và phát xít Nhật, nay khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Phát xít Nhật đã đầu hàng đồng minh, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, đứng đầu là Hồ Chí Minh, họ đã đứng dậy giành chính quyền). Mở đầu bản Tuyên Ngôn Độc Lập, Bác đã nói rõ điều đó: “Hỡi đồng bào cả nước!”.

Bản Tuyên Ngôn Độc Lập còn hướng tới cả nhân dân thế giới nói chung và các thế lực thù địch và cơ hội quốc tế nói riêng (thực dân Pháp và đế quốc Mỹ) đang có dã tâm tái nô dịch nước ta. Bản Tuyên Ngôn Độc Lập đã tuyên bố rất trịnh trọng “vì những lẽ trên, chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa trịnh trọng tuyên bố với thế giới.”

Bản Tuyên Ngôn Độc Lập không chỉ hướng tới đối tượng cụ thể mà còn có mục đích xác định.

Bản Tuyên Ngôn Độc Lập nhằm tuyên bố với đồng bào cả nước và nhân dân thế giới về quyền độc lập tự do của dân tộc ta. Sau gần 1000 năm dưới sự thống trị của phong kiến, 100 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, 5 năm dưới sự thống trị tàn bạo của phát xít, nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đại diện cho Cách Mạng vô sản khai sinh ra nước Việt Nam mới.

Bản Tuyên Ngôn Độc Lập thể hiện lập trường nhân đạo, chính nghĩa, nguyện vọng hòa bình cũng như tinh thần quyết tâm bảo về độc lập tự do của dân tộc Việt Nam: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh nhần, lực lượng, tính mạng, của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Tuyên ngôn xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, tuyên bố nền độc lập của dân tộc, khẳng định vị thế bình đẳng của dân tộc ta trên thế giới. Cương quyết bác bỏ những luận điệu xảo trá và âm mưu xâm lược trở lại của các thế lực thực dân đế quốc. Thể hiện quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Bản Tuyên Ngôn Độc Lập thực sự là một cuộc đấu lí, cuộc tranh luận ngầm với thực dân Pháp. Bởi vì lúc này, Pháp tung ra dư luận trên thế giới, Đông Dương là đất bảo hộ của người Pháp bị Nhật xâm chiếm, nay Nhật đầu hàng Đồng Minh, Đông Dương đương nhiên phải trở lại với người Pháp. Đây là luận điệu xảo trá của kẻ thù nhằm hợp thức hóa cuộc chiến tranh trở lại Đông Dương. Bản Tuyên Ngôn Độc Lập đã bác bỏ dứt khoát luận điệu này, đồng thời tuyên bố xóa bỏ mọi đặc quyền, đặc lợi của Pháp trên đất nước ta, tuyên bố xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã kí về Việt Nam, đồng thời mở ra một kỉ nguyên mới, kỉ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội.

Với đối tượng cụ thể, mục đích xác định, bản Tuyên Ngôn Độc Lập xứng đáng là áng văn chính luận mẫu mực, là “ thành công thứ ba” khiến Người cảm thấy sung sướng trong suốt cuộc đời hoạt động Cách Mạng, cầm bút viết văn, làm báo của mình.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.