Đóng vai bà mai mối trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều

dong-vai-ba-mai-moi-trong-doan-trich-ma-giam-sinh-mua-kieu

Đóng vai bà mai mối trong đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều”

Cuộc sống này đầy những bất ngờ mà con người ta không thể nào biết được. Liệu có thể một gia đình đang hạnh phúc, mà chỉ sau một lời vu oan đã nhà tan cửa nát. Liệu từ một cô gái tài sắc vẹn toàn, nay vì tình cảnh gia đình mà đã phải đớn đau, bán thân mình chuộc cha. Tôi đây vốn là một người mai mối rất có tiếng trong vùng, đã chứng kiến được việc đó.

Khoảng vài ngày trước, Vương Thúy Kiều, con gái đầu của Vương Viên Ngoại – một vị quan có tiếng trong vùng, vốn là một gia đình trung lưu, gia giáo, rất nề nếp, đã đến gặp tôi để xin mai mối. Bao lần tôi nghe những người trong vùng kể và nói về tài sắc và vẻ đẹp của nàng, nhưng đến hôm ấy tôi mới lần đầu nhìn thấy nàng.

Thoạt tiên, tôi sững sờ trong giây lát, nhưng cũng vào lúc đấy, tôi biết rằng đây sẽ là món hời lớn nhất từ trước đến đây của mình. Thế là tôi liền đem đi rao tin gần xa. Khắp nơi mọi người bàn tán xôn xao, ai ai cũng bất ngờ, ngạc nhiên. Đây quả là tin mừng cho tôi, mối của tôi chắc chắn sẽ vô cùng béo bở. Và quả đúng vậy, chỉ mới trong hai, ba ngày, tôi đã có một người khách từ phương xa đến, hỏi xem Thúy Kiều.

Sáng hôm đó, tôi đến nhà Kiều để sửa soạn cho nàng. Buồng trong, tôi cho gọi vài tì nữ đề giúp nàng trang điểm. Sau đó tôi chạy ra , giúp Vương phu nhân và các tì nữ trong nhà dọn dẹp lại đồ đạc cho đàng hoàng. Lúc nhà cửa tươm tất, cũng là lúc ngoài cửa có tiếng lao xao, ồn ào. Người khách ấy đã đến. Khi hắn vào trong nhà, tôi hỏi tên hắn, hắn chỉ nói: – Mã giám sinh! Quả thật không còn câu trả lời nào cộc lốc hơn nữa.

Tôi bắt đầu suy nghĩ, giám sinh là chỉ sinh viên của trường Quốc Tử Giám, một ngôi trường vốn rất nổi tiếng, chuyên đào tạo nhân tài. Thế thì tại sao tên giám sinh họ Mã này lại có cách ăn nói thiếu học thức như thế. Hỏi quê, hắn cũng chỉ nói: – Huyện Lâm Thanh cũng gần. Câu trả lời “nhát gừng” ,cộc lốc cho thấy sự thiếu văn hóa của gã Sinh mua người. Cách ăn nói của hắn ta còn không bằng được những người mai mối tầm thường khác trong vùng. Ngay từ đầu, tôi đã nghi ngờ về thân phận và tên tuổi của hắn. Nhưng thôi tôi cũng không quan tâm lắm. Rồi tôi bắt đầu quan sát hắn.

Trông độ hắn đã trạc ngoài 40 tuổi, thế mà quần áo thì gấm hoa sặc sỡ, lòe loẹt, bảnh bao, khuôn mặt thì nhẵn thín, không có một sợi râu. Một con người ở tuổi này mà còn ăn mặc những bộ quần áo chỉ dành cho giới trai trẻ thế này thì qua con mắt dày dạn, đầy kinh nghiệm của tôi, tên này có vẻ thuộc phong lưu, ăn chơi đàng điếm. Dù thế nào thì hắn vẫn là 1 tay “phong tình” rất trọng hình thức ăn mặc. Nhưng trông hắn vẫn là một người giàu có, một món hàng rất béo bở cho tôi. Bằng chứng là hắn ta có rất nhiều tùy tùng đi theo sau mình.

Tuy nhiên bọn họ rất mất trật tự, không hề đi theo hàng lối gì cả. Đã thế, mới vào nhà thôi, hắn ta đã chọn ngay ghế trên của gia chủ mà ngồi tót lên một cách sỗ sàng đã tố cáo y là kẻ hợm của và vô văn hóa. Kiểu ngồi ấy có thể sánh với kiểu ngồi “vắt nóc” của Tú Bà (đúng là “mạt cưa mướp đắng đôi bên 1 phường”). Những người nhà trong gia đình Vương Viên Ngoại trông việc ấy có vẻ khó chịu vô cùng.

Sau đó, tôi liền chạy vào buồng trong của nàng Kiều, trông nàng trang điểm còn chưa đâu tới đâu, tôi hoảng hốt, liền thúc giục các tì nữ nhanh lên, đồng thời vào phụ giúp. Kiều như một cái máy, không có cảm xúc gì trên mặt, Trông nàng Kiều gầy guộc, mặt mày xanh xao, đôi mắt thì thâm quầng một trũng sâu, có lẽ đã nhiều đêm nàng thức trắng không ngủ. Nhưng nghĩ lại mà tôi cũng chợt thấy chạnh lòng cho nàng. Gia đình nàng trước đây vốn rất nổi tiếng trong vùng vì là gia đình gia giáo, có nề nếp, lại có 2 cô con gái Vân-Kiều tài sắc vẹn toàn, nên ai cũng ganh tị.

Nhưng rồi chỉ vì một lời vu oan của tên bán tơ vô lại, mà nay đã nhà tan cửa nát. Nhìn quanh tôi thấy cả nhà thật trống rỗng, chẳng còn một đồ vật quí giá nào. Dường như bọn sai nha đã bưng đi hết rồi. Tôi cố gắng trát phấn nhiều lên trên gò má hốc hác, đôi mắt quầng thâm của nàng. Khi đã xong, tôi dìu nàng ra ngoài. Khi ấy, cả thân nàng run lên, nhìn nàng cứ như người mất hồn, chỉ còn xác lại. Rồi nước mắt nàng chợt ào ra, từng bậc thềm nàng bước, hai hàng lệ lại cứ chảy rơi xuống. Tim tôi nhói đau. Thúy Kiều đẹp vô cùng, khi buồn bã, đau khổ vẫn đẹp. Tôi lấy chiếc khăn lau mặt Kiều, vén tóc tai nàng mà lòng cứ thắt lại.

Khi Mã Giám Sinh nhìn thấy Thúy Kiều , trông hắn có vẻ sựng lại trong giây lát. Ai cũng vậy cả, nhìn tháy nàng lần đầu tiên, đều phải sững sờ một hồi lâu vì sắc đẹp của nàng. Tuy nhiên, tên giám sinh này chỉ khựng lại trong vài giây, rồi sau đó tôi thấy hắn lại nhìn chăm chăm vào cả người Kiều. Chỉ cần ánh mắt đó, tôi đã thấy được rằng hắn mang dáng dấp của một con buôn chính hiệu. Sau đó, hắn nói với tôi rằng: – Mụ đã rao về tài sắc cầm-kì-thi-họa của nàng Kiều này như thế nào, thì bây giờ hãy cho ta xem đi. Nàng hãy thử đánh một bản nhạc xem sao. Rồi sau đó, tên Mã Giám Sinh còn bắt nàng phải làm bài thơ quạt.

Trong tình cảnh, tâm trạng này của Kiều mà hắn ta lại muốn nàng làm thơ, đối với tôi, quả thật là tấn hài kịch. Nhưng rồi sau đó nàng đã viết nên những bài thơ đầy đau thương, bi uất về tình cảnh gia đình, có lẽ nàng nhớ về cha và em mình còn đang bị hành hạ chăng. Một hồi sau, tôi thấy hắn ta có vẻ toại nguyện, bằng lòng. Trong đầu tôi khấp khởi mừng. Hắn ta quay sang nói với Vương phu nhân: – Ngày xưa, có lệ rằng mua ngọc phải đến Lam Kiều. Nay tôi đã thấy được nàng Kiều tuyệt thế giai nhân đây, xin hỏi quí vị sính nghi bao nhiêu là đủ? Thế là con mồi đã cắn câu. Trong lòng tôi như đang hân hoan mở cờ hội. Trông Vương phu nhân và nàng Kiều có vẻ bối rối, ngại ngùng, tôi liền đỡ lời: – Thưa quan nhân, như ngài đã thấy đây, nàng Kiều tài sắc vẹn toàn, xinh đẹp tài hoa chắc chắn phải đáng giá hơn nghìn vàng.

Tuy nhiên, do nhà nàng đây đang gặp tai biến, xin quan nhân thương tình mà định giá giùm cho, chớ tôi không dám nài. Nghe đến đó, Mã Giám Sinh bỗng biến sắc, khuôn mặt hắn thay đổi hẳn với lời lẽ ngọc vàng khi nãy: – Cái gì? Sao đắt thế? Thôi 100 lượng vàng được rồi. Tôi sững sờ. Thôi rồi, tôi đã gặp phải một con buôn chính hiệu rồi. Tên này giàu, nhưng hóa ra lại là người keo kiệt. Thế là tôi liền nói: – Dạ thưa quan nhân, 100 lượng thì ít quá ạ, không thể nào xong. Dạ ngài nghĩ thế nào về cái giá 800 lượng. Hắn lại không chịu. Thế là chúng tôi lại tiếp tục cò kè với nhau từng chút một.

Hắn mãi cứ đòi một thì thêm hai. Đến phải một hồi lâu sau, chúng tôi mới thỏa thuận được giá 400 lượng vàng. Nếu nói thật lòng, thì cái giá này vẫn còn rất thấp so với giá trị của Kiều. Nhưng tôi nhận thấy đến đây, tiền hoa hồng của tôi cũng đã nhiều, và Kiều cũng đã đủ tiền để chuộc lại cha. Thế là tôi và tên Mã Giám Sinh bắt đầu kí giấy cam kết. Trông sang nàng Kiều mà tôi thấy nàng thẫn thờ, lòng tan nát.

Chỉ vài ngày thôi, nàng đã phải rời xa vòng tay của cha mẹ sao bao năm tháng bao bọc, êm đềm trướng rủ màn che. Tôi tự hỏi lòng mình, liệu sống với tên Mã Giám Sinh như thế này, liệu nàng sẽ có bao giờ được yên vui, hạnh phúc không. Rồi sau này thân nàng sẽ trôi dạt về nơi phương xa vô định nào, sóng gió, bão táp nào đang chờ nàng. Nhưng thôi, đó là chuyện của nàng. Công việc và hoa hồng của tôi đã ở đây. Số phận nàng Kiều đành để lại cho ông trời xô đẩy vậy.

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Đóng vai Mã Giám Sinh kể lại cảnh mua Kiều - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.