Kể lại câu chuyện Bếp lửa với vai người cháu ở phương xa

dong-vai-nguoi-chau-ke-lai-cau-chuyen-bep-lua

Kể lại câu chuyện Bếp lửa với vai người cháu khi ở phương xa.

  • Mở bài:

Nhận được thư nhà tôi vui sướng vô cùng. Ngồi bên lò sưởi, giở đọc bức thư, lòng tôi lại nhớ đến quê hương tha thiết. Mùa đông châu Âu giá rét căm căm. Căn lò sưởi lửa cháy bừng bừng nhưng vẫn không đủ ấm. Ánh sáng chói gắt và hơi ấm phả vào mặt khiến tôi chợt nhớ về bếp lửa hắt hui và hình bóng bà tôi năm xưa. Nỗi nhớ ngập tràn chiếm lĩnh hồn tôi, bâng khuân đến lạ. Hình ảnh bếp lửa hiu hắt, chờn vờn trong sương sớm và người bà hiền hậu, tảo tần sớm hôm hiện về trong trí nhớ xa mờ.

  • Thân bài:

Tôi sinh ra giữa thời đói khổ cùng cực. Chính sách bóc lột tàn tệ của thực dân Pháp khiến cho đất nước kiệt quệ, người nông dân khốn khổ không sao kể xiết. Đất nước rơi vào bóng tối của cuộc khủng hoảng. Cuộc sống trở nên bế tắc. Một cảnh sống bức bối, ngột ngạt phủ khắp mặt đất.

Tôi không còn nhớ rõ tôi đã lớn lên như thế nào. Kí ức xa xăm và rõ ràng nhất là năm tôi lên bốn tuổi. Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi. Hết thiên tai, hạn hán lại đến đại dịch, sản xuất liên tục bị mất mùa, thất thu. Cái đói như bóng ma lạnh lùng len lỏi trong mọi gia đình. Đâu đó xung quanh, thỉnh thoảng vẳng nghe tiếng khóc tiễn người đi. Khói rấm um lên khắp cả làng, phủ trùm một không khí thương tang.

Bố đi đánh xe khô rạc cả ngựa gầy. Có khi bố đi nhiều ngày mới về. Còn mẹ tảo tần trên đồng dưới ruộng, sớm đi tối về để lo cuộc sống mưu sinh. Bà tôi tuổi già sức yếu ở nhà chăm nom tôi. Quẩn quanh chỉ có tôi và bà. Bà đi đâu tôi theo đấy. Bà làm gì, tôi cũng đứng cạnh. Tôi sợ hãi với những thứ có ở xung quanh. Bởi nó điêu tàn và im lặng đáng sợ.

Nhớ nhất là những lần cùng bà nhóm lửa, những làn cùng bà ngồi bên bếp lửa ấm. Khói bếp cuộn cay xè cả hai con mắt, cứ chớp lia lịa, rồi thở, nước mắt, nước mũi ròng ròng chảy. Cho đến bây giờ, mỗi khi nghĩ lại, tôi vẫn còn thấy cay cay trên sống mũi.

Không chịu được kiếp đời nô lệ lầm than, sớm giác ngộ lí tưởng Cách mạng, bố mẹ tôi thoát li đi kháng chiến, quyết chiến đấu tiêu diệt kẻ thù giành lại đất nước. Ở nhà vẫn chỉ còn lại tôi và bà tôi. Bao nhiêu năm thức dậy cùng bà là bấy nhiêu yêu thương, thấu hiểu. Hết mùa hạ, đến mùa thu, rồi đông tới, xuân sang, thời gian cứ lặng lẽ trôi đi. Đằng đẵng bao năm bố mẹ không ở nhà. Tôi cũng dần lớn lên trong vòng tay yêu thương, che chở của bà.

Tôi thương bà tảo tần khổ nhọc, bàn tay làm lụng không khi nào ngơi nghỉ. Việc đồng, việc nhà đều do một tay bà lo liệu cả. Mỗi sớm bà thức dậy, tôi cũng dậy theo bà. Bà nhóm lửa, tôi ngồi cạnh xem. Rồi tôi phụ bà nhóm bếp để bà đi vo gạo.

Ôi! Có giúp bà nhóm bếp mới thương bà cam chịu khổ nhọc đắng cay. Mùa khô nhóm lửa không khó. Nhưng vào mùa mưa và mùa đông lạnh thì đó là một việc làm kì công. Cái cúi rơm ẩm ướt thổi mãi mà không chịu cháy, cứ khói um lên mịt mù. Càng thổi mạnh, càng khói dữ hơn. Cái cúi rơm cứ lầm lì, bướng bỉnh và đáng ghét ấy. Nhiều lúc bực quá, tôi dập cho nó tắt rồi mồi lửa lại. Bà nhìn và cười bảo để bà nhóm cho.

Bố mẹ công tác không về được. Thỉnh thoảng, tôi thấy có người đến nhắn gửi cái gì đó. Biết là bố mẹ nhắn lời hỏi thăm. Bà tôi cũng dặn gửi mấy lời. Thương bà, tôi cũng ngoan lắm, luôn nghe lời bà và không nghịch ngợm bao giờ. Bà thường dạy tôi làm mọi việc, bảo rằng sau này lớn len còn biết mà làm. Bà tuổi già sức yếu, không biết sống được bao lâu, bố mẹ lại ở xa, cuộc chiến chưa biết khi nào kết thúc. Mỗi khi nhắc đến điều đó, khóe mắt bà rưng rưng muốn khóc.

Bà còn dạy tôi học. Bà nào biết chữ nên cũng không thể dạy tôi viết chữ. Bà dạy tôi đạo lí ở đời qua những câu chuyện kể. Có lẽ, cố tôi ngày xưa đã dạy bà những điều đó. Bà thuộc trong lòng và dạy lại cho cháu con. Mãi sau này, các anh chị quân giải phóng về làng và dạy tôi viết chữ, tôi mới biết viết, biết đọc.

Đêm đêm, bà ôm tôi vào lòng, kể chuyện cho tôi nghe. Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế. Rồi những chuyện ngày xửa, ngày xưa… Những câu chuyện cổ tích kì diệu đưa tôi vào thế giới thần tiên, có cái thiện và cái ác. Những câu chuyện ngụ ngôn nhắc nhở tôi phải biết sống tốt đẹp, thảo hiền. Ôi, những năm tháng thần tiên có bà là những tháng năm đầy mơ mộng và niềm vui. Tôi ước có một thần tiên nào đó đến đây ban cho bà thật nhiều điều ước. Và tôi chỉ ước là làm sao đất nước thái bình, để cho đời bà bớt khổ là tôi an lòng rồi.

Thế nhưng, đó chỉ là mơ ước thôi. Cuộc đời bà vẫn còn nhiều kham khổ. Mỗi buổi trưa hè, cái nắng hừng hực đốt lửa trên những cánh đồng khô khốc, trơ trọi, tiếng tu hú kêu khan khiến tôi không khỏi nao lòng. Tiếng tu hú khắc khoải u buồn vang lên từng nhịp. Mùa này tu hú kêu có cái gì đó khác lạ. Có phải vì đói quá mà lang thang tìm đến chốn này chăng?

Tiếng tu hú ảo não vọng về từ những lùm cây bụi rậm trên cánh đồng xa vật vờ đáng sợ. Tiếng tu hú vang lên trong buổi chiều tắt nắng, trên nghĩa địa tiêu ma mỗi khi có người chết vừa chôn cất. Âm thanh ấy ám ảnh trong tôi như một kí ức không thể phai mờ. Phải chăng nó cũng đang tìm một chỗ trú ngụ nhưng chưa tìm thấy? Nhiều lúc, tôi nghĩ sao nó chẳng đến ở cùng bà, kêu quanh vườn bà cho bớt cô đơn.

Thắm thoắt thời gian trôi đi. Cuộc chiến ngày càng ác liệt. Bố mẹ không về được. Kẻ thù tràn đến làng. Đi đến đâu chúng cướp sạch, đốt sạch đến đó. Không những cướp của con người nguồn sống, chúng còn muốn hủy diệt luôn nguồn sống của con người. Chúng là ác quỷ. Chúng không có trái tim. Bởi thế, chúng cũng không có lòng thương xót. Chúng hung hăng và cuồng bạo tràn đến gieo rắc tai họa.

Năm ấy, cả ngôi làng yên bình bỗng rực sáng. Mọi nóc nhà bao năm kiên cường trước mưa bão đều hóa thành tro. Công sức mấy mươi năm gây dựng của con người phút chốc trở thành cát bụi. Sau cuộc khủng bố ấy, mọi người trở về làng. Không đầu hàng, họ lại quyết tâm làm lại, quyết tâm gây dựng cuộc sống mới. Kẻ thù có tàn bạo, có hủy diệt bao lần đi chăng nữa cũng không thể khuất phục được họ. Bếp lửa tắt rồi lại cháy lên tin tưởng và mạnh mẽ.

Bà con xung quanh lại giúp bà tôi dựng lại túp lều tranh trên nền đất cũ. Lúc chạy giặc chẳng mang theo được thứ gì. Bà lại tay đan thúng, tay dựng lều, sửa lại cái kiềng cho thẳng, kê lại mấy cái kệ ngồi. Một không gian ấp lại hiện lên. Bếp lửa đêm ấy lại sáng. Hai bà cháu trông chờ nồi cháo chín. Một nỗi lo âu đeo đẳng trong lòng, không biết ròi mai nay sẽ ra sao?

Tuy khổ nhọc đến thế nhưng bà vẫn vững lòng, đinh ninh dặn dò tôi tha thiết rằng có viết thư cho bố thì chớ có kể chuyện nhà. Cứ bảo là nhà mình vẫn bình an, bà vẫn mạnh khỏe. Ôi, đến lúc này mà bà vẫn nghĩ cho đất nước. Dù có đâu khổ đến thế nào bà vẫn một lòng nghĩ về cuộc chiến đấu. Kẻ thù càng hung bạo thì lòng căm thù và quyết tâm đánh thắng kẻ thù trong bà càng lớn. Tôi thấu hiểu lòng bà nên “dạ” một tiếng thật rõ to.

Rồi sớm rồi chiều, bếp lửa từ đôi tay bà bừng cháy lên. Một ngọn lửa từ trong lòng bà luôn ủ sẵn. Nó cháy lên mọi lúc. Nó dai dẳng cháy mãi như niềm tin bất diệt của bà. Bà đã truyền ngọn lửa ấy cho tôi, đốt lên trong tôi một ngọn lửa ấm áp. Đó là ngọn lửa yêu nước. Đó là ngọn lửa đấu tranh, ngọn lửa của niềm tin và khát vọng đến tương lai.

Chiến tranh đi qua. Hòa bình lại đến. Niềm tin tưởng của bà đã được đền đáp. Bố mẹ tôi trở về quê hương. Ngày đoàn tụ xúc động vô cùng. Dù đã cố giấu đi giọt nước mắt hạnh phúc nhưng khóe mắt bà cứ rưng rưng. Bà lại đi nhóm lửa, nấu một cái gì đó để đãi cả nhà, ăn mừng ngày vui.

Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa, lao khổ đã nhiều, đau thương cũng không ít. Vậy mà mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ, bà vẫn giữ thói quen dậy sớm nhóm lên bếp lửa nồng ấm yêu thương. Đâu phải tuổi già mất ngủ. Ấy là do bà muốn giữ ấm quá khứ đau thương mà nghĩa tình đấy thôi. Bà muốn được tận tay bà nhóm lên những niềm vui, làm nên những bữa khoai sắn ngọt bùi, cùng xóm láng giềng gần chung vui lúa mới để nhắc nhở về những tháng ngày lầm lụi xưa kia mà thêm trân trọng và mến yêu.

Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa! Nó kì lạ bởi không bao giờ tắt. Có tắt đi rồi lại mạnh mẽ cháy lên. Nó cháy lên trong cả những tháng ngày mưa bão hay giá rét. Nó lại cháy sau mỗi lần kẻ thù đến và cố hủy dệt nó. Từ đôi bàn tay cằn cõi của bà lại làm cháy lên ngọn lửa ấm diệu kì. Thiêng liêng là bởi nó gắn chặt với hình bóng và tình cảm nồng ấm của bà tôi đã dành cho tôi tất cả.

Giờ tôi đã đi xa, cách tổ quốc trăm núi nghìn sông. Cuộc sống lầm than, đói khổ đã qua rồi. Cuộc sống mới hân hoan khắp mọi nơi. Thế nhưng, chẳng bao giờ tôi thôi nhớ về bếp lửa quê hương và người bà hiền hậu; chẳng bao giờ tôi quên nhắc nhở về bổn phận và trách nhiệm của tôi đối với bà tôi, đối với quê hương, đất nước tôi.

  • Kết bài:

Cha ông ta đã sống kiên cường, bất khuất, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ mảnh đất thiêng liêng này. Trách nhiệm của thế hệ chúng tôi hôm nay là bảo vệ thành quả lớn lao ấy và làm cho đất nước ngày càng giàu mạnh. Tôi dặn lòng mình nhớ lấy điều ấy và tiếp tục truyền ngọn lửa kì lạ và thiêng liêng ấy đến với mọi thế hệ mai sau.

Đóng vai người cháu trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt kể lại câu chuyện

11 bình luận

  1. Nói chung là trang của chú lúc nào cũng là đỉnh nhất ạ. Văn của chú vô cùng hay, mượt mà và đặc sắc. Chúc website ngày càng phát triển !
    P.s: cháu cảm ơn chú nhiều lắm ạ. Nhờ chú mà cháu có thêm nhiều tư liệu học tập bổ trợ cho việc học trên lớp. Với lại năm nay là năm cuối cấp nên nhờ có chú mà cháu có thể tự học Văn mà vẫn đảm bảo thành tích <33333333333

    • Vs lại nếu được thì chú có thể giới thiệu đôi điều về bản thân k ạ ? Nhóm bạn của cháu ai cũng hâm mộ chú hết mà tò mò không biết chú là ai =))))

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Phân tích hình ảnh người bà qua dòng cảm xúc của người cháu trong bài thơ "Bếp lửa" của Bằng Việt - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.