Đóng vai nhân vật Trương Sinh kể lại Chuyện người con gái Nam Xương

dong-vai-nha-vat-truong-sinh-ke-lai-chuyen-nguoi-con-gai-nam-xuong

Đóng vai nhân vật Trương Sinh kể lại “Chuyện người con gái Nam Xương”

  • Mở bài:

Khi bóng hình Vũ Nương dần dần mờ khuất trong sương khói mịt mờ, hàng xóm dần tản về hết. Bến sông lại vắng lặng như tờ. Tôi vẫn ngồi đó giờ lâu. Bây giờ, mong muốn nàng trở về cũng đâu thể được nữa. Tất cả cũng chỉ tại tôi quá ích kỉ, hành động hồ đồ, mù quáng, thiếu suy nghĩ mà gây ra nông nỗi này.

  • Thân bài:

Tôi sinh ra trong một gia đình hào phú. Cha tôi mất sớm, mẹ tôi tuổi già sức yếu nhưng gia sản vẫn còn sung túc. Tôi ỷ lại gia thế, từ nhỏ đã không chăm lo học hành gì. Đến tuổi trưởng thành, mẹ tôi muốn có cháu bế, lại lo có người nối dõi tông đường. Thương mẹ, tôi cũng lo tìm người hợp ý, xây dựng gia đình cho êm ấm cửa nhà. Nghe làng bên có một người con gái họ Vũ, người xinh đẹp, lại nết na nhu mì, lễ nghĩa hết mực, tôi lần sang hỏi thăm. Gặp người ưng ý, tôi liền về xin mẹ trăm đồng bạc sang hỏi cưới nàng về làm vợ. Mẹ tôi từ ngày có con dâu cũng vui lắm. Bà trở nên tươi trẻ hẳn lên,suốt ngày cùng con chăm lo trong ngoài, hết sức viên mãn. Vợ tôi biết tính tôi gia trưởng nên cũng hết sức giữu gìn khuôn phép, hiếu thuận với mẹ, chưa lúc nào vợ chồng trở nên thất hòa. Có nàng chăm lo gia đình, tôi hết sức yên tâm.

Hạnh phúc chưa được bao lâu, năm ấy, giặc Chiêm Thành xâm lấn biên cương. Tôi tuy là con một nhưng cũng có tên trong danh sách phải tòng quân. Mẹ tôi vì chuyện ấy mà hết sức lo lắng. Bà lo nhỡ có chuyện gì nơi biên ải xa xôi. Lại thêm chưa con chưa cháu, việc gia tiên ai sẽ đỡ đàn. Trước lúc tôi lên đường, bà tha thiết căn dặn không ham gì bã công danh, chỉ cần vẹn toàn trở về là bà an lòng. Vợ tôi đang có mang cũng sắp đến ngày sinh nở. Nàng buồn rầu rót chén rượu tiễn đưa. Chiến trận vô tình, đường tên mũi đạn biết đâu mà lần. Nàng cũng mong tôi được bình an, chứ chẳng mong gì phong ấn công hầu.

Hết lời, tiếng trống gọi quân thúc giục vang dội. Tôi gạt nước mắt lên đường. Biên cương xa xôi, vó ngựa hồng hoang rong ruổi. Kẻ thù hiểm nguy, nỗi nhớ nhà đằng đẵng. lại lo mẹ già tuổi mòn sức yếu, biết gắng gượng được bao lâu. Càng nghĩ, lòng tôi càng đau thương. Vợ tôi sau đó mươi ngày cũng hạ sinh con và đặt ten là Đản. Có cháu nội, chắc mẹ tôi cũng vơi bớt buồn đau.

Hai năm sau, giặc dữ quy hàng, tôi hồ hởi trở về. Gặp vợ con tôi vô cùng hạnh phúc như thể cuộc đời đã được tái sinh lần thứ hai. Nhưng, khi hay tin mẹ tôi vì ngày đêm mong nhớ con hao kiệt thân thể mà sớm qua đời, tôi vô cùng đau lòng.

Sáng hôm sau, tôi bế con ra đồng viếng một mẹ. Trong lúc cáu gắt, con tôi nói rằng có một người dàn ông hay tìm đến nhà mỗi đêm và rất thân thiết với vợ tôi. Lòng ghen mù quáng, thói ích kỉ, tính hồ đồ đã khiến tôi không kịp suy nghĩ đã buông lời sỉ nhục, đánh đạp vợ tôi tàn tệ cho hả giận. Không những thế, tôi còn đuổi nàng đi vì không muôn gia phong bị làm ô nhục. Nàng hết lời phân giải, hàng xóm cũng đến can ngăn, nhắc lại ân xưa của Vũ nương dối với mẹ tôi khi tôi còn ở nơi chiến trận, nhưng tôi nhất quyết không nghe.

Vũ Nương vợ tôi vì qua tủi nhục, đau đớn và tuyệt vọng, trong một đêm vắng lặng, nàng đã tìm đến cái chết trên dòng sông Hoàng Giang để chứng minh mình trong sạch. Hàng xóm khóc thương thảm thiết, nhiều người tìm xác nàng để an táng nhưng chẳng thấy. Tôi vì cả giận nên cũng chẳng động lòng.

Vũ Nương ra đi, căn nhà vắng lặng, đìu hiu. Lúc này tôi mới thấy hạnh phúc thật mong manh. Bé Đản một đem không có mẹ dỗ dành nên khóc nhiều, tôi dỗ thế nào cũng không chịu nín. Bỗng con tôi ngừng khóc, chỉ len bức vách và nói rằng cha Đản lại đến kìa. Tôi nhìn thay hướng tay con chỉ, giật mình thẳng thốt: “Trời ơi, lẽ nào….”

Thì ra, người đàn ông bí ẩn mà con tôi nói đến lúc trước chính là cái bóng ở trên tường. Lúc trước, mỗi khi con quấy khóc. Vũ nương thường hay chỉ lên cái bóng của mình ở trên bức vách và bảo rằng đó là cha cho con đỡ sợ mà không khóc nữa. Con trẻ ngây thơ, cứ tưởng là thật. Đến lúc ấy, tôi mới biết Vũ Nương bị hàm oan. Chính tôi đã gây ra cái chết oan nghiệt cho nàng, tôi hối hận lắm.

Thời gian lặng lẽ trôi qua, bỗng một hôm Phan Lang tìm đến nhà tôi khiến tôi sửng sốt. Số là Phan Lang đã mất tích trong một lần ra khơi, ai cũng cho rằng Phan đã chết, giờ xuất hiện trước mặt tôi, lẽ nào đây là hình ma bóng quỷ. nhưng không phải, đó là Phan Lang còn sống. Phan Lang kể rằng, lúc trước ông đánh bắt được một con rùa xanh. Đêm ấy, ông nằm mộng thấy một người đến cầu xin ông thả con rùa xanh ấy đi. Hôm sau, Phan Lang đã thẻ nó đi. Thì ra, con rùa xanh ấy chính là Linh Phi, vợ vua Thủy Tề, chúa chủ động rùa nơi cung nước. Trong trận bão khủng khiếp, Phan Lang tử nạn, xác trôi vào động rùa và được Linh Phi cứu sống. Trong bữa tiệc tiễn đưa, Phan Lang có gặp vợ tôi. Nàng kể cho Phan Lang nghe rằng nàng cũng được Linh Phi cứu và cho tá túc ở nơi ấy. Nàng còn nhờ Phan Lang về bảo lại với tôi rằng hãy lập đàn giải oan để linh hồn nàng được giải thoát.

Tôi nghe Phan Lang kể, lòng vẫn còn hoài nghi. Xưa nay chuyện ma quỷ đâu có lạ gì. Phan Lang chẳng lừa tôi để làm gì nhưng biết đâu lợi dụng việc này để khiến tôi đau khổ, dằn vặt. Nhưng khi Phan Lang đưa tôi cây trâm cài, vật đính ước khi xưa tôi tặng cho Vũ nương thì tôi mới tin. Nước mắt tôi chảy xuống. Thì ra, khi đã là hồn ma, Vũ Nương vẫn còn tha thiết vói gia đình, mong được minh chứng oan tình. Người phụ nữ hiền đức đến thế mà tôi đã nỡ phụ lòng nàng.

Ngay hôm sau, tôi mời thầy lập đàn tế lễ suốt ba ngày ba đêm trên bến sông, cầu mong linh hồn của Vũ nương được thanh thản. Đến buổi chiều hôm ngày thứ ba, mặt sông bỗng nhiên phủ khói mịt mờ. Từ trong đám sương dày, xuất hiện những chiếc thuyền mờ mờ ảo ảo. Tôi nhận ra Vũ Nương đang đứng trên chiếc thuyền hoa.Thấy tôi, từ xa nàng nói vọng vào lời từ biệt, mong tôi chăm con thật tốt và đừng tiếc thương cho nàng nữa. Lời nói vang vọng rồi nhỏ dần, nàng cùng chiếc thuyền hoa từ từ biến mất. Bến sông trở lại vắng lặng như tờ. Những người có mặt hôm ấy xót thương vô cùng, tiếng khóc thảm thương nhuốm cả không gian mênh mông.

  • Kết bài:

Nhân tình thế thái đa đoan, mấy ai biết được chữ ngờ. Số tôi duyên phận hẩm hiu, lỗi là tại mình, đâu dám trách than. Chỉ mong Vũ Nương nơi cửu tuyền, linh hồn nàng được an ủi. Từ nay, tôi sẽ cố công chăm con thật tốt để không phụ lòng vợ tôi.


Bài tham khảo:

Đóng vai nhân vật Trương Sinh kể lại câu chuyện đau thương của gia đình mình.

  • Mở bài:

Chuyện ma quỷ hiện linh lưu truyền trong nhân gian xưa nay không hiếm, tôi chưa hẳn đã tin. Nhưng cầm chiếc trâm cài trong tay, tôi mới hay Phan Lang quả thật đã không nói dối. Chiếc trâm hoa này chính tôi đã mua tặng cho Vũ Nương khi cưới nàng về là vợ. Nghĩ lại cảnh đời trớ trêu tôi càng ân hận và thấy thương Vũ Nương vô cùng.

  • Thân bài:

Tôi là Trương Sinh, vốn sinh ra là con nhà hào phú. Cha tôi mất sớm, chỉ còn có mẹ già nhưng gia cảnh vẫn hết sức sung túc. Thực hiện niềm mong mỏi của mẹ, có người nối dõi tông đường về sau, tôi ngày đêm ưu tư, tìm kiếm người con gái thảo hiền để mẹ có người bầu bạn sớm hôm cho đỡ hờn tủi.

Nghe ở huyện Nam Xương có một người con gái tên là Vũ Thị Thiết tôi đã đem lòng yêu mến. Nàng tuy con nhà nghèo khó nhưng là người đã thùy mị nết na. Lại thêm nàng là người có tư dung tốt đẹp. Nên tôi xin mẹ trăm lạng bac xin cưới nàng về làm vợ.

Tôi từ lâu do được cha mẹ nuông chiều, lại sống trong phú quý nên tính tình có phần kiêu hãnh, lại thêm hay đa nghi người khác. Hiểu được tính tôi, nàng cũng giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hòa.

Cuộc đoàn viên chưa được mấy lâu thì giặc Chiêm Thành quấy nhiễu biên cương. Triều đình bắt nhiều lính tráng đầu quân. Tôi tuy con nhà dòng, nhưng không có học, tên đã ghi trong sổ khai tráng phải ra sung binh loạt đầu. Lo sợ tôi gặp hiểm nguy nơi xa trường, không người thừa tự tông phả, mẹ tôi lo láng vô cùng. Nhiều lần lo lót tiền bạc nhưng cũng không thể miễn được.

Ngày ra đi đất trời u ám. Xóm làng cũng ngậm ngùi đến tiễn đưa đứng kín cả sân nhà. Mẹ tôi ngồi trên phản lớn, nước mắt lưng tròng dặn dò tôi hết sức chu đáo:

– Nay con phải tạm ra tòng quân, xa lìa dưới gối. Tuy là hội công danh từ xưa ít gặp. Nhưng trong chỗ binh cách, phải lấy việc giữ mình làm trọng. Biết gặp nạn thì lui, lượng sức mà đánh. Đừng nên tham miếng mồi thơm, để lỡ mắc vào lưới cá. Quan cao tước lớn nhường để người ta. Có như thế thì mẹ ở nhà mới đỡ lo lắng vì con được.

Tôi cũng chẳng tham gì công trạng. Từ lâu chỉ muốn sống yên thân, bó buộc nơi thôn dã. Công danh sự nghiệp của người làm trai tuy có quan trọng nhưng phụng dưỡng mẹ già chu toàn vẹn tất. Trọn đời chỉ mong thực hiện đạo hiếu với mẹ. Nắm lấy tay mẹ, tôi quỳ xuống lạy tạ vâng lời, hứa sẽ trở về bình an. Mẹ tôi cũng yên tâm phần nào.

Vũ Nương đứng cạnh cũng rót ly rượu từ biệt thiết tha:

– Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong được đeo ấn hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ. Chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi. Chỉ e việc quân khó liệu, thế giặc khôn lường, rợ man chạy tội, vương sư uổng công. Lời tâu công lớn phá giặc đã chầy. Kỳ hẹn thay quân hóa muộn, khiến thiếp ôm nỗi quan hoài, mẹ già triền miên lo lắng. Trông mảnh trăng Trường An, nhanh tay đập áo rét. Ngắm liễu tàn rủ bóng động nỗi niềm biên ải xa xôi. Giả sử có muôn hàng thư tín, chỉ e không một tin về”.

Nàng nói đến đấy, mọi người đều ứa hai hàng lệ. Rồi đó, chén rượu tống tiễn tay đưa vừa cạn, dứt áo chinh phu. Ngước mắt trông lên đã đẫm nỗi buồn ly biệt. Trống hội quân vang lên giục giã như cào xé trong lòng. Dù hết sức điềm tĩnh nhưng tôi cũng không thể cầm được dòng nước mát đang lăn chảy. Ra đi chuyến này muôn trùng cách trở, chưa biết ngày về mà nàng lại đang có mang con nhỏ. Lại thêm mẹ già tuổi đã xế chiều, sức không còn khỏe nhỡ có mệnh hệ gì thì biết làm sao.

Tôi suy nghĩ rất nhiều nhưng quân tình gấp gáp đành gác lại riêng tư lên đường cho kịp ngày giờ. Thoáng một cái, gót ngựa đã đến nơi xa. Trong lại chỉ còn trong thấy bóng quê nhà trong mịt mờ khói bụi. Từ đậy, chiến trận ác liệt nên tin tức quê nhà cũng bặt vô âm tính.

Hai năm đằng đẵng trôi qua, cuối cùng giặc dữ cũng quy hàng. Cõi biên thùy lại yên lặng sóng gió. Tôi trở về sau bao năm tháng ly biệt. Hai vợ chồng gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Nhìn đứa con thơ ngơ ngác lần đầu gặp cha toi vô cùng xúc động. Lại thêm mẹ già cùng kiệt đợi con về mà không thấy đã sớm lìa đời, tôi vô cùng đau đớn. Nhiều lần tự trách mình bất hiếu đã không thể làm tròn bổn phận của người con. Mẹ tôi trước lúc lìa khỏi trần gian đã không được nhìn thấy đứa con trai duy nhất. Tôi cũng không được thắp nén hương tiễn đưa vong linh người về suối vàng.

Sáng hôm sau, tôi bế con trai ra viếng mộ mẹ, trong lòng trĩu nặng ưu tư. Lúc thắp hương tưởng niệm, con trai tôi cứ quấy khóc không chịu ở lại, cứ nằng nặc đòi về. Tôi nhẹ nhàng dỗ dành:

– Con nín đi, đừng khóc! Cha về bà đã mất, lòng cha đã buồn khổ lắm rồi! Con đừng khóc thêm nữa!

Nào ngờ, con tôi buộc miệng ngây thơ khiến tôi không khỏi sửng sốt:

– Ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha trước kia chỉ nín thin thít.

Tính tôi hay hoài nghi, lại rất hay ghen, từ trước vốn đã không nặng lòng tin tưởng vợ tôi, nên khi nghe câu nói con trẻ khiến lòng ghen nỗi dậy nhấm chìm cả lí trí:

– Khi ông chưa về đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến. Mẹ đi cũng đi, mẹ ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả.

Vin vào lời con nói, tôi đinh ninh cho rằng Vũ Nương ở nhà đã không biết giữ gìn trinh tiết, dan díu với gian tình, bôi nhọ gia phong, làm nhục gia thế. Trở về nhà, tôi nặng lời mắng nhiếc thậm tệ, đánh đập cho bỏ tức. Nàng hết lời minh giải, gợi nhắc tình xưa, than lời ai oán. Nàng thề đã giữ trọn tiết hạnh khả phong chẳng khi nào sai trái. Hỏi có làm sao, tôi vẫn không nói. Hàng xóm cảm thương đến can ngan, minh chứng tôi cũng không nghe. Giận qua mất khôn, tôi đã đuổi nàng đi, từ nay đoạn tuyệt, không thèm nhìn nhận nữa.

Quá tuyệt vọng, nàng thốt lời đâu đớn:

– Thiếp sở dĩ nương tựa vào chàng, vì có cái thú vui nghi gia nghi thất, có sự yên ổn được tựa bóng cây cao. Đâu ngờ ân tình tựa lá, gièm báng nên non. Nay đã bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió; khóc tuyết bông hoa gãy cuống, kêu xuân cái én lìa màn, nước thẳm buồm xa, đâu còn thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa.

Tôi chỉ nghĩ nàng sẽ đi đâu đó dăm ba ngày, đợi tôi hồi tỉnh sẽ trở về biện minh, oan giải. Nào ngờ, nàng trong lúc bế tắc, lại bị chính chồng mình phủ nhận đã trầm mình xuống sông xanh tận tuyệt, kết liễu cuộc đời trong phẫn uất. Tôi tuy giận là thất tiết, nhưng thấy nàng tự tận, cũng động lòng thương. Tôi vội tìm vớt thây nàng nhưng chẳng thấy tăm hơi đâu cả.

Khi Vũ Nương mất ròi, tôi đêm đêm ôm ấp con trẻ thay mẹ. Đứa con không còn mẹ, buồn tủi mà khóc suốt đêm thâu. Tôi phải bế lên dỗ dành. Bất ngờ, con tôi chỉ lên cái bóng của tôi trên tường mà thốt lên rằng:

– Cha Đản lại đến rồi!

Lúc này tôi mới hoảng hồn nhận ra. Thì ra khi tôi đi vắng, Vũ Nương thường chỉ lên cái bóng của mình trên tường nói rằng là cha đó để chơi đùa cùng con. Nàng muốn làm con bớt nỗi trống vắng bóng hình người cha. Tôi vô cùng ân hận, bế con đi khắp làng trên xóm dưới tỏ bày sự tình và xin mọi người tha thứ. Ai cũng ngùi ngùi cảm động. Có người còn khóc thương thảm thiết.

Họ kể tôi nghe, những ngày tôi ở ngoài mặt trận, Vũ Nương ở nhà tuy hết sức đảm đang, khổ nhọc chăm con nhỏ. nàng còn tận tâm phụng dưỡng mẹ già chu đáo nhưng chưa lúc nào than vãn điều gì. Nàng một mình cam chịu, lầm lũi sớm hôm, thay tôi lo chu toàn mọi việc. Mẹ tôi vô cùng cảm động, dù đã gắn gượng đợi tôi về nhưng sức cùng lục kiệt, không thể đợi chờ được thêm. Trước lúc ra đi còn gửi lời dặn dò tha thiết, ca ngợi tấm lòng hiếu thảo của Vũ Nương. Bà còn cầu mong điều may mắn, an lành đến với nàng.

Những đêm con khóc quấy dỗ mãi không nín, nàng thường chỉ lên cái bóng của mình ở trên tường, nói rằng là cha đó. Con tôi tưởng thật, không khóc nữa. Nàng muốn con luôn có cha, an tâm trong giấc ngủ. Tấm lòng của nàng thật ấm áp biết bao.

Trời ơi! Chỉ vì nghe lời nói vu vơ của con trẻ mà tôi đã hại chết người vợ hiền đức, thủy chung. Chỉ vì sự ngu ngốc, mê muội của tôi mà tôi đã phụ lòng nàng, phủ nhận công ơn của nàng. Mẹ ơi! Con là đứa con bất hiếu, đã phụ lòng mong mỏi của mẹ. Ơi Vũ Nương! Kiếp này nàng đến với ta bằng tấm lòng trinh bạch. Chỉ vì lòng ghen quá độ mà ta đã nghi oan cho nàng, ích kỉ đến đê tiện, phụ tình khiến nàng phải chết oan uổng.

Đêm khuya vắng, ly rượu nhạt nhòa, nước mắt lưng tròng. Nghĩ đến chuyện xưa mà lòng nặng trĩu như Thái Sơn, ai oán hơn trăm vạn nỗi buồn thảm. Oan nghiệp ấy dù vô tình hay cố ý cũng không thể nào tha thứ được. Tôi không mong muốn điều gì hơn là Vũ Nương sẽ rời khỏi cung nước, trở về cùng chồng, cùng con nhỏ để con thơ có mẹ, mà tôi còn có cơ hội để đáp đền công đức của nàng.

Tôi đã lập đàn giải oan cho vợ đúng như lời Phan Lang đã dặn dò. Lại còn bày biện lễ nghi sẵn sàng đón rước Vũ Nương trở về. Hôm ấy, người trong làng cũng cùng ra xem hết sức đông đảo. Bỗng nhiên trời đất tối sầm lại, sương khói không biết từ đâu tràn phủ khắp mặt sông nước. Rồi quả thấy Vũ nương ngồi trên một chiếc kiệu hoa đứng ở giữa dòng. Theo sau lại có đến hơn năm mươi chiếc thuyền nữa, cờ tàn tán lọng, rực rỡ đầy sông. Đoàn thuyền lúc ẩn lúc hiện trong sương khói. Tôi vô cùng mùng rỡ, liền với gọi, van xin nàng tha thứ:

– Ta đã biết mình sai rồi, hãy tha thứ cho ta. Nàng hãy vì tình xưa mà trở về với con đi.

Vũ Nương vẫn ở giữa dòng mà nói với vào, giọng vang vọng như lời gió thổi mây bay:

– Thiếp cảm ơn đức của Linh Phi, đã thề sống chết cũng không bỏ. Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể lại về nhân gian được nữa.

  • Kết bài:

Tôi có gọi mãi nhưng nàng không nghe nữa. Đoàn thuyền dần ra xa rồi biến mất. Mặt sông hiện ra trơ trọi. Tất cả đã không còn gì nữa. Người trong làng cũng bỏ về hết, mặc tôi một mình than khóc không nguôi. Tôi không trách nàng, chỉ trách mình phụ bạc, ăn ở bất nghĩa, bất tín, vô tình vô cảm. Nàng sẽ tìm thấy sự bình yên nơi cung nước thẳm, không bao giờ trở về trần gian nữa. Tôi mãi mãi mất đi một người vợ thủy chung.  Đây là hậu quả xứng đáng dành cho kẻ bạc tình vô tâm như tôi.


Bài tham khảo:

Tưởng tượng là nhân vật Trương Sinh kể lại câu chuyện bi thương của gia đình mình.

Tôi sinh ra trong gia đình khá giả ở Nam Xương. Tôi có một gia đình hạnh phúc nhưng chính tôi đã phá vỡ sự hạnh phúc ấy. Nói đến đây, chắc hẳn mọi người đã hình dung ra tôi là ai rồi nhỉ ? Tôi chính là Trương Sinh, và tôi sẽ kể lại câu chuyện của gia đình tôi cho mọi người nghe nhé !

Vì sinh ra trong một gia đình khá giả nên tôi chẳng lo lắng về việc học nên khi trưởng thành tôi sống dựa vào nếp gia đình. Lúc bấy giờ, tôi nghe nói trong làng có một người con gái đẹp người, đẹp nết, tính đã thùy mị, nết na lại thêm tư dung tốt đẹp nên được mọi người yêu mến, nàng ấy tên là Vũ Thị Thiết, mọi người trong làng thường gọi là Vũ Nương.

Trong một lần dạo chơi, tôi đã gặp được nàng và đem lòng thương nhớ nàng bèn về xin mẹ đem trăm lượng vàng cưới về. Khi cưới được nàng về làm vợ tôi rất vui sướng vì tôi đã có một người vợ hiền và mẹ tôi có được một con dâu thảo. Biết tôi có tính đa nghi, phòng ngừa quá sức nên nàng rất giữ gìn khuôn phép nên chúng tôi chung sống với nhau rất hạnh phúc và sắp sửa đóng đứa con đầu tiên.

Cuộc sống hạnh phúc của chúng tôi không được bao lâu thì giặc Chiêm chiếm thành,triều đình bắt rất nhiều trai tráng khỏe mạnh đi lính và tôi cũng phải đi. Ngày ra trận mẹ tôi ôn tồn bảo : “ Nay con phải tạm ra tòng quân, xa lìa dưới gối, con ráng giữ mình, gặp khó nên lui lường sức mà tiến. quan cao tước lớn nhường cho người ta, có như thế mẹ ở nhà mới khỏi lo lắng vì con được”.

Tôi quỳ xuống vâng lời mẹ dạy. Vợ tôi rót chén rượu đầy nâng bằng hai tay đưa cho tôi và ngậm ngùi bảo rằng :

“Chàng ra đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo hai chữ bình yên”.

Nàng nói đến đây mọi người đều ứa hai hàng lệ vì cảm động. Riêng tôi, tôi rất cảm động vì những lời nàng nói và một cảm giác ân hận bỗng dưng dâng lên, ân hận vì sao lúc nhỏ không chịu học hành đàng hoàng nên bây giờ phải chia xa mẹ già, vợ trẻ để lên đường ra trận.

Tiệc tiễn vừa tàn, tôi dứt áo lên đường. Mọi vật xung quanh cũng như vậy nhưng lòng tôi đã lượm buồn bởi cảnh sinh li. Ngày qua tháng lại, đã thấm thoát một năm, giặc ngoan cố đã chịu trói, đất nước đã trở lại bình yên. Tôi khăn gói trở về, trong lòng vô cùng hớn hở.

Nỗi mong nhớ quá lớn khiến bước chân tôi như đang nhảy múa. Dù đêm đã muộn nhưng tôi không muốn dừng chân. Nếu đi tiếp, đến tầm giữa trưa ngày mai  là tôi đã tới nhà.

Đúng như dự tính, lúc mặt trời vừa đứng bóng, tôi tôi đã đến nhà. Từ ngoài cổng đã nghe tiếng Vũ Nương hò ru con ngủ. Khi tôi đứng trước cửa, nàng lặng người nhìn tôi xúc động, nghẹn ngào không thể nói nên lời. Nhìn đưa con trai kháu khỉnh đang im ngủ, tôi hạnh phúc tột cùng. Hai năm trời đằng đẵng, biết bao mong đợi, giờ được trong nhìn thấy con yêu nỗi vui sướng trong tôi trào dâng không gì sánh nổi.

Tôi rất đau buồn khi nghe tin mẹ giờ đã không thể đợi chờ đến ngày tôi trở về, đau buồn mà đi sớm. Đạo làm con kiếp này đã không thể vẹn tròn, chỉ mong linh hồn mẹ dưới tuyền đài được an nghỉ, đừng lo lắmg gì thêm nữa.

Nghỉ ngơi hôm đó, đến sáng sớm hôn hôn, tôi bế con ra viếng mẹ. Đến mộ,  bé Đản quấy khóc, tôi bèn dỗ dành :

“Nín đi con, đừng khóc. Cha về, bà đã mất, lòng cha buồn khổ lắm rồi”.

Nghe tôi nói, bé Đản quả thực không không khóc nữa. Nó ngước nhìn tôi vặn hỏi

“Ô hay! Ra ông cũng là cha tôi ư?”

Tôi kinh ngạc và gặng hỏi mãi Đản mới giải bày rằng lúc tôi chinh chiến ở ngoài mặt trận, có một người đàn ông thường tới nhà. Mẹ Đản đứng, người ấy cũng đứng. Mẹ Đản ngồi, người ấy cũng ngồi. Người ấy chỉ đến vào buổi tối và không vao giờ bế Đản.

Lời nói của con khiến tôi kinh hãi, sững sốt. Trời ơi, lẽ nào lúc tôi vắng nhà, vợ tôi đã gian tình với người khác. Lẽ nào nàng có thể phỉ báng đạo đức, coi thường luân lí mà làm việc bất nghĩa, thấy tiết, bại hoại gia phong như thế được. Vũ Nương là người đoan chính nhưng trẻ con bào biết nói dối. Đã quá rõ ràng và không cần một lời biện bạch nào được thốt ra.

Tôi về nhà đánh đập vợ tôi liên miên. Lúc ấy, tôi nghĩ giây phút đoàn viên là giây phút hạnh phúc nhất cuộc đời tôi nhưng không phải vậy ! Người vợ mà tôi một mực yêu thương, người vợ tôi nghĩ là chung thủy, mẫu mực đã “ thất tiết “ . Vợ tôi đã nhiều lần muốn giải thích nhưng ngọn lửa giận trong lòng tôi cứ cháy phừng phực nên tôi đã không cho nàng cơ hội để giải thích. Cả những người hàng xóm thấy vậy cũng qua giải thích cho nàng nhưng tôi vẫn một mực không tin. Tôi một mực đánh đập nàng và những vết thương ấy cứ theo thời gian mà để lại trên làn da của nàng.

Sau khi nàng khóc lóc thảm thiết thì nàng đi vào tắm rửa sạch sẽ rồi bỏ đi. Tiếp đến tôi không thấy nàng trở lại nữa. Tuy tôi giận vì nàng thất tiết nhưng tôi cũng động lòng thương xót và khi tôi đang kiếm tìm nàng thì nghe dân làng bảo rằng nàng đã gieo mình xuống sông tự vẫn để chứng minh nàng trong sạch. Một đêm ấy, tôi cố gắng vớt nàng lên để chôn nhưng tìm mãi không được. Một đêm, tôi và con trai ngồi  buồn bã trước ngọn đèn dầu, bất chợt đứa con trai thốt lên : “Cha Đản lại đến kìa”,  rồi chỉ tay vào bóng tôi in trên vách. Lúc ấy tôi chợt hiểu ra tất cả và ân hận vô cùng.

Lúc ấy, tôi mới thấu được nỗi oan của vợ tôi. Hóa ra cái bóng ấy nàng đã gửi vào những tram tư, yêu nhớ khôn nguôi khi tôi còn ở chiến trường đồng thời cũng là khát vọng của một người cha dù chỉ là trong tâm trí. Hơn hết, cái bóng đã trơ thành chỗ dựa tinh thần của nàng. Lòng tôi lại đau như cắt khi nghĩ đến ánh mắt tuyệt vọng của nàng khi bị tôi đánh đập. Cảnh còn mà người mất, giá như lúc ấy tôi cho vợ tôi cơ hội để giải thích, giá như tôi chịu tin là nàng chung thủy và giá như nàng không tự vẫn…Mất đi nàng, cuộc đời tôi trở nên u ám, đen tối, tôi sẽ không bao giờ thấy được bóng dáng người vợ của tôi nữa và gia đình của tôi tan vỡ từ ấy,…

Vài hôm sau, có chàng trai xưng là Phan Lang đến tìm tôi và kể lại mọi chuyện nhưng tôi không tin. Sau đó anh ta đưa ra chiếc hoa vàng của vợ tôi thì tôi mới tin là sự thật. Phan Lang bảo tôi lập đàn giải oan và tôi làm theo. Quả nhiên, tôi nhìn thấy nàng ấy ngồi trên chiếc kiệu hoa đứng giữa dòng sông, lúc ấy tôi vội gọi thì tiếng nàng vọng vào “ Thiếp cảm ơn đức của Linh Phi, đã thề sống chết cũng không bỏ. Đa tạ tình chàng nhưng thiếp không thể trở về nhân gian nữa ! “

Trong phút chốc, mọi thứ tan biến.Một sự ân hận da diết đã giày vò tôi. Chỉ vì một cơn ghen mù quáng mà tôi đã đánh mất người vợ này. Sai lầm của tôi đã vô phương cứu chữa. Mong sao các cặp phu thê có thể tin tưởng lẫn nhau để mang lại cho nhau cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn.


Bài tham khảo 3:

Đóng vai nhân vật Trương Sinh, ân hận kể lại lỗi lầm của mình.

Tôi  là Trương Sinh. Tôi sẽ kể cho mọi người nghe sai lầm lớn nhất trong cuộc đời tôi , đó là sai lầm tôi làm tôi rất ân hận và mãi mãi không thể nào quên được .

Tôi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả ở Nam Xương. Ở  làng tôi, có một cô gái tên là Vũ Thị Thiết  dung mạo xinh đẹp, tính tình  lại  thùy mị nết na .Tôi vì mến những tính tốt đó của nàng, bèn xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới về làm vợ. Tôi thì có  tính đa nghi phòng ngừa quá mức nên nàng rất giữ gìn khuôn phép, không bao giờ để vợ chồng bất hòa. Chúng tôi sống với nhau rất hòa thuận, hạnh phúc .

Nhưng chúng tôi hạnh phúc chưa được bao lâu thì triều đình bắt lính đi đánh giặc Chiêm. Tuy tôi là con nhà hào phú nhưng tôi không có học nên tên tôi đành ghi trong sổ lính . Trước khi đi mẹ tôi dặn: “Nay con phải tạm ra tòng quân , phải biết giữ mình làm trọng, gặp khó nên lui, lường sức mà tiến, đừng nên tham miếng mồi mà mắc vào cạm bẫy! Có thế thì mẹ ở nhà mới khỏi lo lắng cho con được”. Tôi liền quỳ xuống đất và vâng lời mẹ. Vợ tôi thì rót chén rượu đầy tiễn tôi rằng : “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng mong đeo được ấn phong hầu , mặc áo gấm trở về quê cũ , chỉ xin ngày về mang chưa bình yên. Dù có thư tín hàng ngàn, cũng không sợ có cánh hồng bay bổng “ .

Nàng nói đến đây, tôi và mọi người đều rơi nước mắt. Tôi đưa mắt nhìn cảnh vật còn như cũ, mà lòng đã nhuộm mối tình muôn dặm, tôi đành từ biệt mọi người để ra trận. Lúc đó, vợ tôi có mang, sau khi xa tôi vừa đầy tuần, thì sinh ra một đứa con trai đặt tên là Đản. Thắm thoát đã nửa năm, mẹ tôi vì nhớ tôi mà đã mất, vợ tôi lo việc ma chay tế lễ, lo liệu cho mẹ tôi như cha mẹ đẻ của nàng ấy. Khi tôi trở về, tôi nghe tin mẹ tôi đã qua đời, không có nỗi đau nào như nỗi đau mất mẹ .

Trong lòng tôi lúc ấy hụt hẫng vô cùng. Nhưng tôi cũng hạnh phúc khi đứa con đầu lòng của mình đã bập bẹ biết nói. Khi tôi biết tin mẹ mất, tôi liền bế bé Đản đi thăm mộ. Nhưng khi ra đến đồng, bé Đản không chịu và quấy khóc. Tôi liền dỗ dành: ” Nín đi con, đừng khóc. Cha về, bà đã mất, trong lòng cha buồn khổ lắm rồi”.  Bé Đản ngây thơ nói : “Ô hay, thế ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói , không giống cha tôi trước kia chỉ nin thin thít”. Tôi ngạc nhiên gạn hỏi, bé Đản nói: “Trước đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi , mẹ Đản ngồi cũng ngồi , nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả”.

Tính tôi hay ghen, nghe con nói vậy, tôi liền nghi oan cho vợ là thất tiết. Khi về đến nhà, tôi liền đánh đập và mắng nàng không một chút thương tiếc. Tuy rằng nàng giải thích cho tôi nghe, nhưng tôi vẫn không quan tâm, mặc cho những người hàng xóm can ngăn và giải thích cho vợ tôi nhưng cái đa nghi trong lòng tôi gần như đã khống chế đầu óc tôi. Tôi lúc đó không thể nào tin tưởng vợ mình được .

Tôi còn không cho nàng một cơ hội để giải thích , mà còn đánh đập nàng . Những hành động đó đã tổn thương đến tinh thần và thể xác của vợ tôi. Lúc đó đã xế chiều, tôi chỉ thấy vợ tôi ngồi khóc lóc, rồi nàng vào tắm gội chay sạch, và bỏ đi ra khỏi nhà. Một lúc sau, tôi nghe tiếng bà con hàng xóm gọi tôi, nói với tôi rằng vợ tôi đã gieo mình xuống sông mà chết. Tôi tuy giận nàng thất tiết nhưng cũng vì thời gian tôi đi đánh giặc, nàng đã chăm sóc cho mẹ tôi nên cơn giận cũng nguôi bớt phần nào.

Một đêm phòng vắng vẻ, tôi ngồi buồn bã , chợt đứa con nói rằng: “Cha Đản lại đến kìa” . Tôi liền hỏi bé Đản đâu, nó chỉ bóng chàng ở trên vách rồi nói: “Đây này”. Lúc đó tôi mới thất tỉnh ra , thì ra người đàn ông đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, đó chỉ là cái bóng của vợ tôi. Bấy giờ tôi mới tỉnh ngộ, là do tôi quá hồ đồ và vội vàng mà dẫn vợ tôi đến con đường chết. Đã vậy tôi còn làm cho bé Đản không có mẹ. Bây giờ hạnh phúc gia đình của tôi cũng biến mất chỉ vì sự mù quáng của tôi .

Một hôm có một chàng trai xưng là Phan Lang ở cùng làng với vợ tôi. Cậu ấy nói với tôi rằng đã gặp vợ tôi và kể cho tôi cái chết oan của nàng. Tôi thì sao có thể tin một chàng trai mới gặp vậy chứ , sau đó anh ta liền rút ra chiếc trâm hoa vàng , thứ tôi đã tặng cho vợ tôi ngày xưa. Giờ đây tôi liền tin những lời Phan Lang nói. Anh ta nói với tôi hãy lập đàn tràng đen ba ngày đem ở bến Hoàng Giang để có thể gặp vợ mình. Quả thật tôi đã gặp vợ mình , nàng đứng trên một cái kiệu hoa giữa dòng, lúc ẩn lúc hiện. Tôi liền gọi nàng, nàng vẫn giữa dòng và nói vọng vào:

– “Thiếp cảm ơn đức của Phi Linh , đã thề sống chết cũng không bỏ. Đa tạ tình chàng , thiếp chẳng trở về trần gian được nữa”.

Nói xong bóng nàng mờ dần và biến mất. Bây giờ tôi không thể nào gặp nàng được nữa , trong lòng tôi hối hận , khóc không thành tiếng.

Dù gì mọi chuyện cũng đã qua, nhưng trong lòng tôi không thể nào quên được cái khoảnh khắc ấy . Tôi chỉ muốn khuyên mọi người đừng có mà vội vàng hồ đồ như tôi , đến lúc xảy ra chuyện thì hối hận không kịp thì đã quá muộn rồi.


Tham khảo 4:

Đóng vai Trương Sinh kể lại “Chuyện người con gái Nam Xương”.

Trong cuộc đời mỗi một người, chắc hẳn ai cũng đã từng phạm phải những sai lầm. Tuy nhiên, sai lầm đó có ảnh hưởng gì đến cuộc sống hay không và cách ta đối diện với nó, sửa chữa nó như thế nào mới là quan trọng. Tôi đã từng mắc một sai lầm mà cho đến nay tôi vẫn không thể tha thứ cho chính mình được. Đó là việc tôi đã gây nên cái chết của vợ tôi. Nếu các bạn đã và đang có những hành động như tôi ngày đó, hãy sửa sai ngay khi còn có thể, bởi bây giờ tôi có hối hận cũng không kịp nữa rồi…

Tôi tên là Trương Sinh. Cha tôi mất sớm nên tôi sống với mẹ. Chuyện xảy ra khi tôi bắt đầu đến tuổi cưới vợ, tôi có để ý một cô gái xinh đẹp, thùy mị và nết na tên là Vũ Thị Thiết. Thấy nàng vừa xinh đẹp, vừa hiền lành, tôi đã xin mẹ tôi một trăm lạng để cưới nàng về. Tôi đã không trân trọng nàng từ khi tôi dùng tiền để hỏi cưới cô ấy mà không hề quan tâm xem cô ấy có yêu mình hay không. Nhưng vợ tôi quả là một người phụ nữ vẹn toàn. Cưới nàng về, tôi và mẹ được chăm sóc chu đáo, cơm nước, nhà cửa lúc nào cũng tinh tươm. Ấy vậy mà tôi chẳng những không biết hạnh phúc với hiện tại mà còn đi ghen tuông với vợ những chuyện vụn vặt cỏn con, tôi không muốn một người đàn ông nào bén mảng đến bên vợ mình. Thế rồi cũng vài năm trôi qua, Vũ nương và tôi đón tin vui đầu tiên. Đó là gia đình sắp có thêm một thành viên mới, tôi sung sướng lắm! Nhưng ai ngờ đâu, chiến tranh lại đột ngột ập đến, tôi bắt buộc phải đi lính, để lại mẹ và vợ ở nhà. Trước lúc chia tay, vợ tôi có nói với tôi rằng: “Chàng ra đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong chàng được đeo ân phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ. Chỉ xin ngày về mang theo hai chữ bình yên, thế là đủ.” Nghe được những lời từ vợ, tôi cảm thấy an lòng.

Ở nhà, vợ tôi vẫn là một người vợ đảm đang, tháo vát và chu toàn. Chẳng lâu sau, con tôi ra đời, vợ tôi đặt tên cho con là Đản. Cả nhà ba mẹ con, bà cháu nương tựa lẫn nhau mà sống. Tôi ở chiến trường vẫn không nguôi nhớ về quê nhà, nhớ về mẹ, về vợ và cả về đứa con tôi chưa từng được một lần gặp mặt nữa. Nhưng rồi chuyện gì đến cũng sẽ đến, mẹ tôi già cả nên bị lâm bệnh nặng. Trước lúc bà qua đời, bà đã có lời trăn chối với vợ tôi:
– Ngắn dài có số, tươi héo bởi trời. Mẹ không phải là không muốn đợi chồng con trở về. Song lòng tham vô cùng mà vận trời khó tránh. Nước hết, chuông rền, số cùng khí kiệt. Một tấm thân tàn, nguy trong sớm tối, việc sống chết không khỏi phiền đến con. Chồng con nơi xa xôi, chưa biết sống chết thế nào, không thể về đền ơn được, sau này, trời xét lòng thành, ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn. Xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con đã chẳng phụ mẹ.

Cả đời mẹ tôi tần tảo nuôi dạy tôi nên người, đến lúc chết dù không được nhìn mặt con trai nhưng lại có một nàng dâu coi bà chẳng khác nào cha mẹ đẻ, bà cũng rất yên lòng. Nếu tôi có thể hiểu được vợ tôi như bà thì tốt biết mấy. Có thể mọi chuyện sẽ chẳng ra nông nỗi này! Vợ tôi lo tang ma cho mẹ thay tôi vô cùng chu đáo. Ai nấy đều cảm động trước tấm lòng của nàng.

Rồi thời gian cũng trôi qua đi, chiến tranh tạm chấm dứt, tôi háo hức trở về với vợ con ở quê nhà. Hay tin mẹ đã mất, tôi đau buồn khôn xiết, liền đi ra mộ của mẹ ngay. Nhưng vì không biết đường, tôi để con trai tôi chỉ đường để cùng đi ra đó. Đến nơi, chẳng hiểu sao thằng bé cứ khóc, tôi mới dỗ dành con:

– Nín đi con, đừng khóc nữa! Cha về, bà đã mất, lòng cha buồn khổ lắm rồi!

Vừa nói xong, nó đã hỏi lại tôi:

– Ô hay! Thế ra ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít.

Tôi ngạc nhiên lắm! Vợ tôi có người nào khác ngoài tôi ư? Nàng ta lại dám không chung thủy với chồng của mình ư? Tôi gặng hỏi con và biết được rằng có một người đàn ông đêm nào cũng đến, vợ tôi ngồi cũng ngồi, vợ tôi đứng cũng đứng, nhưng chưa bao giờ người đàn ông đó bế con tôi cả. Máu ghen tuông vốn có của tôi trỗi dậy, tôi liền về nhà, quát tháo ầm ĩ. Vợ tôi khóc, bảo rằng:

– Thiếp vốn con nhà nghèo khó, may được nương tựa nhà giàu. Vợ chồng sum họp chưa thỏa tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh. Cách biệt ba năm, giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn, từng đã nguôi lòng, ngõ liễu đường hoa, chưa hề bén gót. Đâu có sự mất nết như lời chàng nói. Dám xin chàng cho thiếp được bày tỏ, để cởi mối nghi ngờ. Mong chàng đừng nghi oan cho thiếp!

Nhưng lúc đó tôi đâu có mảy may suy nghĩ đến đúng sai, nàng lại nói tiếp:

– Thiếp sở dĩ nương tựa vào chàng vì có cái thú vui nghi gia nghi thất. Nay đã bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió; khóc tuyết bông hoa rụng cuống, kêu xuân con én lìa đàn, nước thẳm buồm xa, đâu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa?

Trước những lời minh oan đau đáu, khẩn thiết ấy, tôi lại nhẫn tâm đuổi nàng đi mà không phân rõ đúng sai, tìm hiểu ngọn ngành. Tôi trách mình khi ấy quá đa nghi, vội vàng, để rồi vợ tôi phải tìm đến cái chết. Tôi không bao giờ quên những lời mà nàng nói trước khi trẫm mình xuống sông:

– Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám! Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, xin vào nước làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ.

Vợ tôi đã phải chọn cách đau đớn nhất là tìm đến cái chết. Chỉ có cái chết mới có thể chứng minh cho sự trong sạch của nàng. Sau này, khi tôi bế con, thấy cái bóng ở trên tường, con tôi mới chỉ và bảo: “Cha Đản đến rồi kìa”. Hóa ra, người tình của vợ tôi là cái bóng, vợ tôi muốn dỗ dành con, bớt đi sự cô đơn nên mới bảo đấy là cha đứa bé… Mà tôi lại không hề biết, lại đi trách mắng, lăng mạ, xỉ nhục và đuổi vợ đi, khiến cho vợ tôi phải chết, chết trong sự oan ức. Tôi đau lòng và dằn vặt bản thân mỗi khi nhớ lại chuyện này. Mãi sau, vợ tôi được Linh Phi – người cùng làng với cô ấy giải oan cho. Tôi thấy bóng hình vợ hiện về và bảo: “Thiếp không thể trở về bên chàng và con được nữa…” Đó là câu nói khiến tôi ám ảnh và đau lòng nhất.

Giờ đây, đã hai mươi năm trôi qua, tôi vẫn không thể nào quên được câu chuyện đó. Bi kịch mà chính tôi tạo ra khiến tôi muốn xám hối cả đời, sống đơn thân nuôi con trai khôn lớn. Tôi hiểu ra rằng, khi yêu một người thì cần phải có sự tin tưởng, cần phải đặt niềm tin vào người đó chứ đừng ghen tuông mù quáng. Nếu có chuyện gì xảy ra thì cần phải tìm hiểu thật kĩ trước khi làm gì bởi khi ta nóng giận có thể hành xử mất kiểm soát, dẫn đến hậu quả khôn lường.


Tham khảo 5:

Mỗi lần bé Đản nhắc đến mẹ nó là lòng tôi lại dâng lên một niềm ân hận, xót xa. Tôi không thể nào quên được những việc làm mà mình gây ra khiến vợ tôi – Vũ Nương chọn con đường chết. Chỉ vì nóng giận, ghen tuông, không tin tưởng vợ, tôi đã gây nên bi kịch cho người vợ thân yêu của mình.

Tôi sinh ra trong nhà hào phú ở Nam Xương nhưng tuổi trẻ không chăm lo học tập. Cha tôi mất sớm, chỉ còn mẹ già. Lúc bấy giờ, có một người con gái trong làng đẹp người lẫn đẹp nết tên Vũ Thị Thiết, mọi người xung quanh thường gọi là Vũ Nương. Nên tôi đã xin mẹ cưới cô ấy về làm vợ. Tôi hết lòng yêu thương vợ mình, nhưng tính tôi lại hay ghen, sợ vợ mình xinh đẹp, thùy mị như vậy sẽ nhiều người theo đuổi nên tôi vẫn hết sức phòng ngừa.

Biết tôi tính như thế nên Vũ Nương cũng hết sức giữ gìn, bởi vậy gia đình tôi luôn được êm đềm, yên ấm. Bất ngờ chiến tranh bùng nổ, loạn lạc xảy ra khắp chốn. Nhận được lệnh sung vào lính, tôi đành chia tay mẹ già, vợ trẻ để lên đường ra trận. Tuy là con nhà hào phú nhưng không có học, nên tên phải ghi trong sổ lính đi vào loại đầu. Ngày tiễn tôi lên đường hành quân mẹ tôi vô cùng lo lắng nên bà đã dặn dò cẩn trọng, không tham vinh hoa, công trạng cốt giữ gìn thân thể để trở về. Tôi quỳ xuống vâng lời mẹ dạy. Vợ tôi rót chén rượu tiễn đưa. Nước mắt nàng rưng rưng, nghẹn ngào nói lời từ biệt. Nàng nói xong thì mọi người đều ứa hai hàng lệ. Thế mới biết giây phút chia tay buồn da diết đến mức nào.

Nơi chiến trường, không lúc nào tôi thôi mong nhớ. Một phàn lo cho mẹ già tuổi đã xế chiều, một phần lo cho vợ trẻ không người nương tựa. Nỗi lòng đau đáu không biết tỏ cùng ai, chỉ mong ngày tháng nhanh đi, giặc dữ mau hàng để tôi trở về.

Hai năm chinh chiến, cuối cùng giặc dữ cũng chịu trói, biên cương cũng sạch bóng quân thù, tôi vội vã trở về nhà và gặp lại hai mẹ con Vũ Nương lòng tôi vô cùng hạnh phúc. Khi nhìn thấy đứa cin nhỏ tôi đã quên đi những ngày tháng gian nan ở chiến trường. Nhưng vui buồn lẫn lộn được tin mẹ mất tôi đau khổ vô cùng vì chẳng thể làm tròn bổn phận người con chăm sóc mẹ già và ngày bà ra đi, tôi đã không được gặp mặt bà lần cuối.

Sáng hôm sau, tôi dắt bé Đản ra thăm mồ mẹ. Tôi lặng lẽ nhìn nấm mồ khô mà thầm trách mình chưa làm tròn bổn phận. Có lẽ mẹ già đã mong nhớ biết bao. Càng nghĩ càng thấy đau lòng. Con tôi vì đợi lâu quá nên quấy khóc. Tôi khuyên con nán lại tí nữa nhưng nó cứ không chịu. Bực dọc, tôi dọa đánh, nó liền nói những lời khiến tôi sủng sốt rằng nó có một người cha thường đến nhà vào mỗi đêm. Người ấy chẳng bao giờ nói gì hay bế nó. Mẹ nó đi đâu, người đó theo đó. 

Nghe đứa con nói, cơn ghen trong tôi ngày càng lớn dần, tôi đinh ninh vợ mình đã không chung thủy. Trở về nhà, tôi nặng lời mắng chiếc Vũ Nương thậm chí là dùng đến vũ lực và tôi đã đuổi nàng ra khỏi nhà. Mặc dù nàng đã cố gắng giải thích, minh oan cho mình nhưng tôi vẫn không tin. Họ hàng làng xóm láng giềng cũng đã bênh vực nàng nhưng cũng chẳng ăn thua gì cả. Nàng tha thiết van xin, nhưng tôi chẳng động lòng mà còn đuổi nàng đi.

Quá phẫn uất, tuyệt vọng, vợ tôi vì muốn khẳng định phẩm giá trong sạch, đã tắm gội sạch sẽ, ra bến Hoàng Giang gieo mình xuống sông tự vẫn. Tuy vẫn còn giận, nhưng tôi cũng thương vợ mình, đi tìm nàng nhưng chẳng thấy đâu.

Màn đêm buông xuống, không có mẹ, con trai tôi quấy khóc, tôi dỗ thế nào cũng không nín. Khi tối bế lên, nó bất chợt nói: “Cha Đản lại tới kìa”. Nhìn theo tay con chỉ, tôi nhận ra đó là chiếc bóng của mình in lên bức vách. Tôi giật mình hiểu ra. Trời ơi! Người cha mà con tôi nói lúc trước chính là cái bóng. Thì ra, những lúc vắng vẻ, để dỗ con, vợ tôi thường chỉ lên chiếc bóng của mình trên vách và bảo với con rằng đó là tôi để con yên tâm mà không khóc nữa. 

Tôi thật là ngu ngốc, chỉ vì lòng ghen tuông mù quáng, nghe lời đứa trẻ ngây thơ, không tìm hiểu rõ nguồn cơn nên đã gây nên cái chết oan nghiệt cho nàng. Tôi ân hận lắm.

Mấy hôm sau, có người tên Phan Lang mang chiếc hoa vàng của vợ tôi đến, nói rằng đã gặp vợ tôi ở động của phu nhân vua Nam Hải long vương , nhắn rằng: – Nếu còn nhớ chút tình xưa, nên lập một đàn giải oan ở bến sông, đốt cây thần đăng chiếu xuống nước, vợ tôi sẽ hiện về. Tôi đã lập đàn giải oan cho vợ đúng như lời Phan Lang đã dặn dò. Bỗng nhiên trời đất tối sầm lại, sương khói không biết từ đâu tràn phủ khắp mặt sông nước. Rồi tôi thấy Vũ Nương ngồi trên một chiếc kiệu hoa đứng ở giữa dòng, theo sau lại có đến hơn năm mươi chiếc xe cờ tán lọng, rực rỡ đầy sông lúc ẩn, lúc hiện. Tôi vội gọi, nàng vẫn ở giữa dòng mà nói với vào: “- Thiếp cảm ơn đức của Linh Phi, đã thề sống chết cũng không bỏ. Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể lại về nhân gian được nữa”. Rồi trong chốc lát, bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần mà tan biến đi.

Nàng trở về chẳng hề trách cứ, oán thán tôi một lời. Điều ấy càng làm tôi đau đớn, day dứt hơn. Chỉ một phút nóng nảy, chỉ vì tính ghen tuông tôi đã cướp đi tình yêu thương của mẹ mà bé Đản vốn được hưởng, và tôi đã đánh mất hạnh phúc của chính mình, mất người vợ thảo hiền, dịu dàng. Cả đời này tôi sẽ sống trong day dứt, đau khổ, và mãi mãi không quên nàng. Đây là hậu quả dành cho những kẻ hay ghen tuông, đa nghi như tôi.


Tham khảo 6:

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả ở huyện Nam Xương. Vì ỷ lại gia đình khá giả nên tôi chỉ biết rong chơi mà không học hành gì cả. Ở làng bên, có một cô gái tên là Vũ Thị Thiết  dung mạo xinh đẹp, tính lại  thùy mị nết na. Tôi vì những tính tốt ấy mà mến nàng, bèn xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới về làm vợ. Biết tôi có tính đa nghi phòng ngừa quá sức nên nàng rất giữ gìn khuôn phép, không bao giờ để vợ chồng bất hòa. Chúng tôi sống với nhau rất hòa thuận, hạnh phúc .

Sau khi cưới vợ chưa được bao lâu thì giặc Chiêm đánh chiếm thành. Bắt nhiều trai tráng trong nước phải đi lính. Tôi tuy con nhà dòng dõi thương nhân giàu có nhưng không có học nên có tên trong hàng đầu danh sách phải đi lính. Trước khi đi mẹ tôi có dặn:”Nay con phải tạm đi tòng quân, chiến trường binh đao không có mắt nên con phải cẩn thân. Tuy là công danh từ xưa ít gặp nhưng trong chỗ binh cách phải biết giữ thân mình làm trọng, gặp khó nên lu, biết lượng sức mà tiến, đừng vì miếng mồi thơm để lỡ mắc vào cạm bẫy! Quan cao tước lớn nhường người ta. Có như thế, mẹ ở nhà mới khỏi lo cho con được”.

Tôi quỳ xuống vâng lời mẹ dạy. Vợ tôi thì rót chén rượu đầy tiễn đưa, đôi dòng lệ chăn chứa. Rồi đó chén đưa vừa cạn dứt áo chinh phụ ,ngước mắt trông lên đã đẫm nỗi buồn ly biệt. Khi tiệc tiễn tàn, tôi cố gắng nén nỗi đau buồn bịn rịn, lưu luyến chia tay mẹ già vợ trẻ, để ra trận. Nhưng trong lòng không thể ngừng nỗi nhớ người mẹ già, người vợ trẻ và đứa con vẫn còn trong bụng vợ. Tôi chỉ mong công cuộc đi lính này sẽ sớm kết thúc để tôi có thể trở về đoàn tụ với gia đình tôi ở chốn quê cũ. Tôi luôn nhớ lời dạy của mẹ, lời khuyên nhủ của vợ nên không màng danh lợi nơi chiến trận chỉ mong có thể an toàn trở về với người mẹ , người vợ đầu ấp tay gối với mình và đứa con thơ còn nhỏ dại !

Ba năm sau, biên cương tan bóng giặc, tôi trở về nhà. Chỉ mới vừa về tới nhà, bên tai tôi đã truyền một tin sét đánh là người mẹ tôi thương yêu và kính trọng đã mất. Bên cạnh đó là một tin mừng khiến tôi hạnh phúc là đứa con vừa bập bẹ học nói. Nhưng quá đau buồn vì người mẹ đã mất, tôi liền bé bé Đản ra thăm mộ mẹ tôi.

Chỉ vì lời nói của đứa con miệng còn hơi sữa mà tôi đã hồ đồ nghi oan cho vợ mình là đã thất tiết, mối nghi ngờ này càng sâu, ngọn lửa hờn ghen đốt cháy tâm can tôi.Khi về đến nhà khiến những hành động ác độc cứ liên tiếp xảy ra. Tôi mắng nhiếc, đánh đập vợ tôi không một chút thương tiếc. Khi ấy, hai chữ “thất tiết” cứ quanh quẩn mãi trong đầu óc của tôi. Tôi không màng đến việc vợ mình đã ngày đêm chăm sóc mẹ già cực khổ, một mình nuôi con vất vả như thế nào.

Tuy rằng hàng xóm có vào giải thích và ngăn cản cho vợ tôi nhưng ngọn lửa đa nghi ấy như đang khống chế đầu óc của tôi. Tôi không thể nào tin tưởng vào lời minh oan ấy. Cả vợ tôi – Vũ Nương cũng mong tôi cho cô ấy một cơ hội để giải thích nhưng không tôi vẫn đánh đập nàng. Tôi đã không hề tin tưởng vào tấm lòng chung thủy của nàng. Tôi không biết rằng tình yêu thiêng liêng của người vợ cao cả đến thế.

Những hành động đó đã tổn thương sâu sắc đến tinh thần và thể xác của vợ tôi. Vết thương ấy cứ theo thời gian mà in lên da vợ tôi. Chính vì hồ đồ, đa nghi mà tôi đã đánh mất nàng. Vì quá đau khổ, VŨ Nương đã tìm đến cái chết trên bến sông Hoàng Giang.

Đêm đó tôi buồn bã vô cùng, tưởng rằng về nhà được đoàn tụ, sum vầy nhưng nào ngờ gia đình tan nát. Trong ngọn đèn khuya, bé Đản chợt nói :”Cha Đản lại đến kìa”. Tôi giật mình hỏi đâu. Nó chỉ bóng tôi trên vách:” Đây này”. Thì ra người đàn ông “đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi” chỉ là cái bóng. Lúc đó tôi biết tôi đã quá hồ đồ, mù quáng và đa nghi. Vì thế mà tôi đã đưa vợ tôi đến con đường chết. Vì thế mà tôi làm cho bé Đản – con tôi trở thành một đứa bé mồ côi mẹ. Sự hạnh phúc trong gia đình tôi đã tan biến.

Một ngày kia, khi tôi đang ở nhà, thì một chàng trai bước vào và tự xưng là Phan Lang, người cùng làng. Cậu ấy nói với tôi rằng cậu ta đã gặp thê tử tôi và kể với tôi cái chết oan của nàng. Làm sao mà tôi có thể tin được một người vừa mới gặp như vậy chứ? Nhưng sau đó chàng ta rút ra chiếc trâm hoa vàng điêu khắc tinh xảo tuyệt đẹp , thứ ngày xưa tôi đã tặng cho thê tử. Tôi sửng sốt. Giờ đây tôi đã tin những gì mà Phan Lang đã nói.

Chàng Phan nói với tôi rằng hãy lập đàn tràng đen ba ngày đêm ở bến Hoàng giang để gặp vợ. Tôi theo lời và quả thật tôi đã gặp vợ mình. Nàng ngồi trên một chiếc kiệu hoa đứng giữa dòng, phía sau có đến năm mươi chiếc xe cờ tán lộng lẫy nhiều sắc màu khắp trên mặt sông ẩn hiện. Tôi vội vẫy gọi nàng. Nàng vẫn ở giữa dòng, nói lời từ biệt rồi từ từ biến mất.

Giờ đây, mọi chuyện dù sao cũng đã qua rồi, bây giờ tiếc nuối lại cũng chỉ còn nỗi ân hận mà thôi. Bây giờ một thân “gà trống nuôi con” tôi mới hiểu nỗi khổ của vợ như thế nào. Tôi chỉ muốn nhắc lại cho mọi người phải biết trân trọng, tin tưởng người phụ nữ của mình, đừng quá gia trưởng nam quyền độc đoán mà phải xảy ra bi kịch.

Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ

5 Trackbacks / Pingbacks

  1. Đóng vai nhân vật Phan Lang kể lại "Chuyện người con gái Nam Xương" - Theki.vn
  2. Đọc - hiểu văn bản: "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ - Theki.vn
  3. Ý nghĩa hình tượng 'chiếc bóng" trên tường của Vũ Nương trong "Chuyện người con gái Nam Xương" - Theki.vn
  4. Đóng vai người lính Tây Sơn kể lại cuộc hành quân thần tốc và những chiến công hiển hách của Quang Trung Nguyễn Huệ - Thế Kỉ
  5. Tưởng tượng là một người hàng xóm kể lại tấn bi kịch cuộc đời của nhân vật Vũ Nương - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.