Đường Xanh Viễn Xứ (tô Giang)

duong-xanh-vien-xu-to-giang

Đường Xanh Viễn Xứ (tô Giang)

Ở xứ người, sống trong căn biệt thự sang trọng, ban ngày anh vào vai một trí thức com lê cà vạt, sáng sáng lái xe xịn đi làm, nhưng ban đêm hiện hình là một “nông dân” đích thực. Hầu như không ai biết sau vẻ ngoài lịch lãm của anh ta là nỗi đau khổ, cô đơn, sự bấn loạn và tuyệt vọng.

Cuốn tự truyện của Tô Giang lần đầu tiên phơi bày rõ ràng hiện thực trồng cần sa của người Việt ở đất Úc. Người đọc cảm nhận sự chân thật từ những diễn biến ly kỳ đến tâm lý nhân vật phức tạp trong từng phi vụ trồng cần sa.

Tô Giang sinh tại Nghệ An, làm công việc biên tập viên Đài Phát thanh-Truyền hình Nghệ An. Năm 2013, vì muốn đổi đời, Tô Giang đến vùng Melbourne, tiểu bang Victoria của nước Úc. Sau 5 tháng đi bán cá trong các trung tâm thương mại, làm dịch vụ vệ sinh nhà cửa cho người Việt, Giang lần mối đường dây của “dân chăn mèo” và được “trùm” giao trồng cần sa trong một ngôi nhà nhỏ.

Công việc phi pháp này nguy hiểm và luôn bị cảnh sát địa phương lùng sục rình bắt. Người trồng cần sa phải có biện pháp để đối phó, để tránh sự rình mò của “mèo” –  và họ trở thành “dân chăn mèo”.

“Gặt” vụ đầu thành công, thu lãi 25 – 30 AUD (đôla Úc) sau sáu tuần, Giang hứng khởi chăm chút công việc để “gặt” tiếp. Việc kiếm tiền nơi xứ người có vẻ suôn sẻ. Anh gặp may trong một số vụ tiếp theo nên có tiền gửi về quê trả nợ chuyến đi. May nữa, Giang được “trùm” giao sản xuất tại một trang trại cần sa trong căn nhà khép kín, đảm bảo an toàn. “Gặt” tiếp thành công, Giang trở thành “trùm cần” chính hạng.  Siêu lợi nhuận khiến anh giàu lên nhanh chóng, dù chỉ mới vào nghề, chỉ đi làm thuê.

Nhưng đây là lúc “ma quỷ” hiện hình trong thế giới ma mị cần sa. Sau 25 vụ thành công với nhiều biến cố ăn chia, lừa đảo, kết hôn giả…, Giang bất ngờ bị băng cướp quét sạch. Mất số tiền lớn, Giang bắt đầu trượt dài trong sai lầm. Quyết một lần lấy lại tất cả, Giang làm tiếp trang trại cần sa cỡ hàng trăm ngàn AUD với hy vọng “gặt” xong sẽ “ôm” tiền về thành phố Vinh mở một doanh nghiệp truyền thông như mơ ước năm 35 tuổi (2013). Nhưng ảo mộng làm giàu của nhà báo trẻ lỡ bước, trở thành ác mộng khi trang trại cần sa của anh bị toán trộm vét sạch một lần nữa. Sau vụ “đứng tim” đó, khi đang tính kế khôi phục nghề cần sa phi pháp này thì Giang bị cảnh sát Úc bắt. Anh phải chịu án 30 tháng tù.

Không chỉ là chuyện trồng cần, Đường xanh viễn xứ’ cho thấy khá đầy đủ những vấn đề của cộng đồng người Việt ở xứ người. Đấy là chuyện khi hết visa du học thì phải chuyển sang trường nào dễ nhận học sinh để được gia hạn visa. Đấy là việc kết hôn giả để được cư trú lâu dài, sau đó bảo lãnh cho vợ con sang đoàn tụ. Thậm chí có người trong nước chỉ là anh thợ ít học nhưng sang xin nhập cư theo diện tỵ nạn chính trị, dịch vụ có thể làm đủ hồ sơ trong nước bị đàn áp, có bản sao giấy truy nã, biên bản tố tụng tòa án… Tất cả những xảo thuật này đều có dịch vụ ngay trong chính cộng đồng. Tất thảy đều do đồng tiền chi phối, cho nên ở đó bộc lộ hết những thủ đoạn tráo trở, lừa lọc, phản bội, thậm chí hãm hại tàn bạo.

Người kể cũng chỉ ra một phần nguyên nhân của tệ nạn: đấy là vì luật pháp Úc còn nhiều kẽ hở để lợi dụng, cảnh sát Úc thiếu phương pháp để đối phó, cùng lúc luật pháp Úc đối với di dân quá nhân đạo nên bị lợi dụng. Chẳng hạn họ có phúc lợi khá tốt cho người mẹ đơn thân nhập cư, dẫn đến cộng đồng mẹ đơn thân thoải mái sinh con, trở thành gánh nặng xã hội. “Úc là đất nước nhân đạo và cả thế giới đang lợi dụng sự nhân đạo đó để tìm đến thiên đường sống này”.

Đã đành những kẻ làm thuê khát tiền làm tiền bằng mọi giá đều sa vào bế tắc. Nhưng những kẻ giàu lên nhờ cần sa, trong tay hàng triệu đô la Úc, số phận cũng xoay vần quanh những tệ nạn như đánh bạc, nghiện ngập. Những trang viết về cơn khát của con bạc và cơn say của con nghiện thật là sinh động, cũng có tác dụng thức tỉnh cho người đọc.

Tác giả không kể chuyện một cách khách quan, lạnh lùng. Vốn là một phóng viên chuyên nghiệp, anh biết cách kể chuyện một cách chân thực và tạo dựng đường dây kể chuyện thông suốt. Không tự cho mình là người vô can, mà luôn tỉnh táo tự nhìn nhận, thẳng thắn vạch ra tội lỗi của mình trong cái nghề vô nhân tính. Khi cầm hàng vạn đô la trên tay cũng như khi bị lừa đảo mất trắng, anh luôn tự vấn lương tâm, tự mổ xẻ con người mình, luôn tự dằn vặt vì những hành vi của mình trước xã hội và trước gia đình. Nhiều lần tự hứa sẽ thoát ra khỏi vòng xoáy đen tối, nhưng sự bế tắc về kinh tế của gia đình, sự quyết tâm làm giàu để tự cứu đã đẩy anh đi như thiêu thân rồi rơi vào vòng tù tội.

Thông qua chỉ một số phận trên Đường xanh viễn xứ này thôi, người đọc cũng có thể hình dung được đại cảnh số phận người lao động Việt, không chỉ ở Úc mà còn ở Âu – Mỹ, tuy diễn biến mỗi nơi mỗi khác. Tác giả chỉ kể chuyện mình, cũng không tham vọng nói hộ ai. Nếu toàn những con người như các nhân vật trong tự truyện này, thì không ai rút ra được bài học từ kinh nghiệm của người khác. Tự nhận thức tự cảnh tỉnh là cần thiết. Nhưng trách nhiệm cải thiện tình hình lại ở trong tay thể chế và những người làm luật cùng những tổ chức xã hội.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.