Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Chí Phèo

gia-tri-phan-anh-hien-thuc-va-gia-tri-nhan-dao-trong-truyen-ngan-chi-pheo-6447-2

Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Chí Phèo

Truyện ngắn Chí phèo là một trong  những tác phẩm nổi bậc nhất viết về đề tài người nông dân Việt Nam trước Cách mạng. Tác phẩm có giá trị phản ánh hiện thực và giá trị nhân đạo hết sức to lớn. Một góc nhìn khác biệt về hiện thực cuộc sống giúp Nam Cao phát hiện và kịp thời phản ánh chân thực xã hội Việt Nam trong đêm trước Cách mạng. Tác phẩm là tiếng thét gào bất lực của con người trong đêm trường đau khổ qua câu chuyện cuộc đời Chí Phèo

1. Giá trị hiện thực của truyện ngắn Chí Phèo:

Chí Phèo phản ánh những mâu thuẫn, xung đột gay gắt ở nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám trên bình diện rộng lớn và tầm khát quát lớn hơn.

Trước hết là mâu thuẫn giữa nội bộ giai cấp thống trị ở cấp làng xã. Cụ thể là mâu thuẫn sống còn giữa phe cánh Bá Kiến và những kẻ có thế lực khác. Tại làng Vũ Đại – một mảnh đất “quần ngư tranh thực”, các phe nhóm tìm cách thanh trừng lẫn nhau. Chúng lún nhau xuống bùn và luôn ra sức tác oai tác oái. Chúng không trừ bất kì thủ đoạn nào để có thể hạ bệ lẫn nhau. Càng xung đột, chúng lại càng mạnh lên vì không ngừng tăng cường lực lượng và sức mạnh của mình để sinh tồn. Điều đáng nói là chính mâu thuẫn gay gắt giữa hai phe là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai ương cho những người dân lương thiện.

Tiếp đến là mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị và giai cấp nông dân. Đây là mâu thuẫn xã hội quyết liệt nhất. Tiêu biểu cho giai cấp thống trị là nhân vật Bá Kiến. Bá Kiến hội tụ đủ những điều xấu xa và tàn bạo của một kẻ thống trị điển hình. Lão không những gian manh mà còn xằng bậy hết sức. Lão không những tàn bạo, độc đoán mà còn hết sức khôn ngoan, quỷ quyệt.

Đây là một góc nhìn sâu sắc của nhà văn về giai cấp thống trị trong xã hội. Bá Kiến khác với một số nhân vật khác như Nghị Quế (trong Tắt đền – Ngô Tất Tố) hay Nghị Lại (trong Bước đường cùng –  Nguyễn Công Hoan ), dù có tham lam nhưng không xảo trá. Bá Kiến giỏi che đậy. Lão sinh ra trong gia đình sáu đời làm lý trưởng. Lão giỏi trong việc trị dân. Trời phú cho lão cái giọng quát rất sang và nụ cười Tào Tháo.

Trong phép trị người, lão có phương sách thống trị hẳn hoi: mềm nắn rắn buông, túm thằng có tóc chứ không túm thằng trọc đầu, lấy thằng đầu bò trị thằng đầu bò, dùng thằng liều trị thằng liều. Lão lại hết sức khôn ngoan, lọc lõi róc đời. Lão tìm mọi cách đẩy người khác xuống nước rồi giả vờ vớt lên. Hãm hại người ta nhưng cuối cùng lại để người ta mang ơn mà làm việc cho lão. Từ tội nhân mà lão biến thành ân nhân. Còn nạn nhân thì biến thành tội nhân phải ghi ơn cứu vớt của lão. Thật là cách đối nhân xử thế thâm hiểm vô cùng.

Cuộc đời và số phận của Chí Phèo tiêu biểu cho số phận người nông dân Việt Nam trước Cách mạng:

Chí Phèo vốn là người nông dân lương thiện nhưng xui rủi bị đẩy vào con đường tha hóa để rồi bị loại ra khỏi xã hội loài người và khi thức tỉnh lương tâm phải chết một cách thảm khốc.

Cuộc đời Chí Phèo là chuỗi dài của những khổ đau cùng cực. Không chỉ Bá Kiến là kẻ trực tiếp tước đoạt quyền sống, quyền làm người của hắn mà xung quanh Chí còn có biết bao thế lực khác. Không Bá Kiến thì kẻ khác cũng gây ra những bất hạnh đối với cuộc đời hắn thôi. Sự chuyển biến của Chí Phèo cũng là sự chuyển biến của người nông dân trước Cách mạng. Trong bước đường cùng, họ cũng làm liều, họ cũng vùng lên tìm lối thoát. Nhưng càng phản khán, cái dây ràng buộc của giai cấp thống trị như chiếc thòng lọng càng xiết chặt hơn. Cuối cùng cũng đi vào bế tắc, tuyệt vọng.

Nam Cao cũng phát hiện ra mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị thực dân và giai cấp nông dân là mâu thuẫn không thể điều hòa được. Giai cấp thống trị với tham vọng vơ vét thật nhiều tài sản và không ngừng đàn áp nông dân để củng có quyền thống trị của mình. Còn giai cấp nông dân trong cảnh sống bức bối, ngột ngạt không ngừng phản kháng mãnh liệt. Đó là một quy luật tất yếu của xã hôi. Hễ còn xã hội bất công, vô nhân đạo thì vẫn còn hiện tượng Chí Phèo. Hay rộng hơn là hiện tượng người thiện lương bị tha hóa rồi phải chết một cách thê thảm.

2. Giá trị nhân đạo của truyện ngắn Chí Phèo:

Chí Phèo là một bài ca cảm động về tình yêu thương con người.

Qua cuộc đời và số phận đầy bi thảm của nhân vật Chí Phèo, Nam Cao thể hiện sâu sắc tình yêu thương vô hạn của mình đối với những số phận khổ đau trong cuộc đời. Dù xuyên suốt tác phẩm chỉ là một giọng kể khách quan sắc lạnh. Nhưng ẩn sâu trong đó là một nỗi đau và niềm thương sót đối với bi kịch con người bị tước đoạt cả quyền được sống và quyền được làm người một cách chính đáng. Đó là nỗi đâu về hiện trạng con người bị chà đạp, bị hủy hoại cả nhân hình lẫn nhân tính. Từ tư cách con người phải sống như một con vật vô tri và đơn độc.

Không những ở nhân vật Chí Phèo, cả nhân vật Thị Nở cũng là một thành công của Nam Cao. Bên trong con người đàn bà xấu xí đến “ma chê quỷ hờn” kia lại có một sự cảm thông cao quý mà những người bình thường, đẹp đẽ khác không có được. Trong người đàn bà ngờ nghệch, dở dở ương ương ấy lại có một tình yêu thánh thiện, vô tư đến thế. Có lẽ, chỉ có một trái tim không toan tính như Thị Nở mới thấu hiểu, mới không sợ hãi, thù ghét, mới có thể cảm hóa được con quỷ tàn bạo trong con người Chí Phèo.

Chí Phèo là một bản cáo trạng đanh thép xã hội bất nhân đã chà đạp lên nhân phẩm con người, đẩy người nông dân hiền lành vào bước đường cùng không lối thoát.

Chính cái xã hội vô nhân đạo và giai cấp thống trị bất nhân ấy đẩy những người nông dân lương thiện vào con đường tha hóa, biến dạng đến khủng khiếp. Bá kiến là một đại diện điển hình và hết sức sinh động cho cái xã hội “chó đểu” ấy. Hằng ngày, hắn cưỡng đoạt, cướp bóc, vun vét cho thật đầy túi tham của hắn. Ghét ai thì hắn làm cho điêu đứng. Thâm hiểm nhất là cái mưu trị người của hắn. Hắn âm thầm xô cho người ta ngã rồi đưa tây đỡ họ dậy để họ phải mang ơn. Mấy thằng cứng đầu không trị được thì hắn dùng, lấy “đầu bò trị mấy thằng đầu bò”. Quả thực, hắn là tên cáo già thâm hiểm, xảo quyệt và gian manh lừng lẫy.

Xã hội ấy cũng tìm cách tiêu diệt tận cùng quyền sống của con người, hủy hoại cả nhân hình lẫn tính của họ. Bất kì một sự phản kháng, thậm chí là hiền lành nào cũng đều bị tiêu diệt. Cái giai cấp thống trị ấy không muốn để ai được yên. Chí Phèo hiền như cục đất, tưởng chừng như một cuộc đời êm đẹp sẽ đến với Chí để bù đắp cho cái thân phận mồ côi, hèn nhục của hắn. Có ai ngờ, một ngày, người ta bắt giải hắn lên huyện không rõ vì lí do gì. Rồi hắn bặt vô âm tính luôn từ đó. Bảy, tám năm sau hắn trở về làng, cái anh Chí hiền lành ngày xưa giờ không còn nữa. Hắn trở nên thô lỗ, ngang ngược và thích rạch mặt ăn vạ như bao kẻ côn đồ khác.

Lần thứ nhất, Chí Phèo bị tước đoạt quyền sống và quyền làm người một cách trắng trợn và tàn bạo. Trong lòng Chí Phèo chất chứa hận thù. Nhưng hắn không thể nhận ra ai mới là kẻ thù đích thực của mình. Thế nên hắn mới chửi mọi thứ có liên quan tới hắn và hi vọng trong đó có cả kẻ thù của mình. Đó là một sự phản kháng mù quáng và tuyệt vọng của người nông dân trong bóng tối cuộc đời. Họ quá khổ nhưng không biết vì sao họ khổ, ai làm họ khổ?

Lần thứ hai, khi tình yêu của Thị Nở đánh thức lương tri và khát vọng sống lương thiện của hắn trong chuỗi ngày say sỉn, Chí Phèo lại bị cướp mất đi cơ hội duy nhất. Thị Nở rời đi, cánh cửa bước vào cuộc đời đóng sầm lại trước mắt. Hắn rơi vào tuyệt vọng cùng cực. Trong phẫn uất, Chí nhận ra cái nguyên nhân đích thực gây nên bi kịch cho cuộc đời hắn. Đó chính là Bá Kiến. Và một kết cục bi thảm đã xảy ra như một quy luật tất yếu. Chí Phèo cầm dao đâm chết Bá Kiến rồi tự vẫn sau đó. Hắn chết trước ngưỡng cửa bước vào cuộc đời.

Hình tượng nhân vật Chí Phèo là một minh chứng sinh động cho cái hiện thực tàn khốc của xã hội Việt Nam trước Cách mạng. Muốn tồn tại bằng nhân hình thì nhân tính mất đi, phải bán đi linh hồn của mình để tồn tại. Một  khi nhân tính trở về thì nó không thể chấp nhận cái nhân hình ấy. Nó cự tuyệt, nó xua đuổi một cách quyết liệt. Cái chết của Chí Phèo là tất yếu, không thể khác được.

Tác phẩm thể hiện lòng trân trọng con người, khẳng định và đề cao những phẩm chất tốt đẹp của con người.

Dù sống trong bối cảnh ngột ngạt nhưng bản chất lương thiện vẫn tiềm tàng trong những con người nghèo khổ. Trước hết là bản chất lương thiện ở những con người xấu xí, kệch cỡm chưa hẳn đã mất đi. Chí Phèo bị chà đạp nhân hình lẫn nhân tính. Bá Kiến nhuộm đen nhân tính Chí Phèo. Trong con người tưởng như cả xác lẫn hồn đều mất đi nhưng vẫn tồn tại bản chất lương thiện.

Xã hội dù khô héo tình người nhưng nhân tính trong Chí vẫn chưa cạn. Chí khóc khi được ăn cháo hành của thị Nở chính là minh chứng sinh động cho bản chất lương thiện trỗi dậy của y. Chí trở lại lương thiện bằng nước mắt. Tình thương của thị giúp bản tính thiện lương của Chí hiện hình. Rồi Chí lại khóc khi không níu kéo được Thị Nở ở lại. Một khi còn biết khóc, còn biết sợ hãi thì cái nhan tính con người hãy còn đó.

Chính Thị Nở là phát hiện lớn nhất về Chí Phèo của nhà văn Nam Cao. Thị dở hơi, đần độn. Người đàn bà ấy là sản phẩm không hoàn thiện của tạo hóa nhưng ở thị có cái mà cả một xã hội lạnh lùng kia không có: ấy chính là tình thương. Tình thương của thị đánh thức lương tâm Chí, cứu vớt số phận Chí. Chính thị đã mang đến cho Chí cuộc sống đúng nghĩa một kiếp người, dù chỉ có năm ngày ngắn ngủi.

Sự thức tỉnh lương tâm của con người lầm lỗi là nguồn cội của sức mạnh phản kháng quyết liệt, dữ dội như vũ bão. Cái chết của Chí chính là sự chiến thắng của lương tâm. Chí Phèo gắng gượng về với xã hội con người. Hắn đã rất cố gắng. Chỉ cần mở được cánh cửa là trở về. Nhưng nó lại đóng sầm lại trước mặt Chí. Nếu Chí không chết, Chí lại sẽ trở về cuộc sống của loài quỹ dữ. Chí chết trên ngưỡng cửa trở về với xã hội loài người.

Sự thức tỉnh khiến y nhận ra được giá trị của sự lương thiện, thà chọn cái chết còn hơn là quay về cuộc sống loài quỹ, loài thú như trước đây.

Tác phẩm Chí Phèo đặt ra một câu hỏi lớn: làm sao để con người được sống trong lương thiện?

Ai cũng muốn sống lương thiện. Đó không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi chính đáng của con người. Nhưng trong xã hội tàn bạo ấy, họ không thể có được một cuộc sống yên ổn như chính bản chất của họ. Bá Kiến và những phe cánh đối địch liên tiếp gây nên những nghịch cảnh đớn đau đối với người nông dân. Không chỉ Chí Phèo bị tha hóa, mà trước đó đã có những Binh Chức, Binh Thọ, Tư Lãng,… Một khi còn có những tên như Bá Kiến thì vẫn xuất hiện những người như Chí Phèo. Bởi thế, tìm kiếm sự lương thiện trong xã hội đen tối ấy quả thực còn khó hơn cả cái chết.

Qua tác phẩm, Nam Cao đã chỉ ra, hãy ngăn chặn xã hội vô nhân đạo làm tha hóa con người là phải thay đổi, cải tạo xã hội để nó nhân đạo hơn. Chỉ khi đó lương thiện mới được xác lập.

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Giá trị hiện thực của tác phẩm văn học - Thế Kỉ

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.