Giá trị tư tưởng và nghệ thuật trong phần hai bài Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn

gia-tri-tu-tuong-va-nghe-thuat-trong-phan-hai-bai-chieu-doi-do-cua-ly-cong-uan

Giá trị tư tưởng và nghệ thuật trong phần hai bài Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn

Sau một năm lên làm vua, 1010, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, sau đổi tên la Thăng Long. Đã ngót một nghìn năm trôi qua, Thăng Long – Hà Nội trở thành trái tim của đất nước Đại Việt, là niềm yêu mến, tự hào của dân tộc Việt Nam chúng ta.

Đọc phần hai “Chiếu dời đô”, ta vô cùng xúc động trước cách nói và cách viết của Lý Thái Tổ về sự thuận lợi của thành Đại La, nơi mà nhà vua dời đô đến để xây dựng sự nghiệp lâu dài.

Lý Công Uẩn đã có một cái nhìn sáng suốt, sâu sắc và toàn diện về Đại La.Miền đất ấy không còn xa lại nữa, vốn là kinh đô cũ của Cao Vương. Đại Việt sử kí toàn thư cho biết Cao Vương là Cao Biển, Đô hộ sứ Giao Châu đã xây thành Đại La vào năm 866.

Về vị trí địa lí, Đại La ‘ở vào nơi trung tâm trời đất…, đã đúng ngôi nam bắc tây đông’.Về mặt địa thế, Đại La rất hùng vĩ bao la “được cái thế rộng cuộn hổ ngồi’”, “lại tiện hướng nhìn sông dựa núi”, “địa thế rộng mà bằng, cao mà thoáng”. Đó cũng là một vùng đất lí tưởng, “dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực cũng phong phú tốt tươi”.

Từ miêu tả, tác giả bài chiếu đã dùng lối viết khẳng định và biểu cảm ca ngợi Đại La – kinh đô mới của Đại Việt là “thắng địa” của đất Việt ta, là “chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước”, là “kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”.

Về nghệ thuật Chiếu dời đô được viết bằng văn xuôi cổ, văn biền ngẫu. Ngôn ngữ trang trọng, lời văn đẹp, giàu hình ảnh. Những vế đối rất chỉnh, gây ấn tượng: “Ở vào nơi trung tâm của trời đất; được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi”. Hoặc “Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng”. Các yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm được kết hợp một cách hài hoà: “Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa.Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”.

Thăng Long – Hà Nội là trái tim tổ quốc, nơi ngàn năm văn vật. Thăng Long – Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, quốc phòng, văn hoá của đất nước ta. Đọc “Chiếu dời đô” ta có thêm một cái nhìn sâu sắc , một tình yêu nồng  đối với Thăng Long mến yêu.

Chiếu dời đô cho thấy tầm nhìn chiến lược của Lý Công Uẩn về Đại La, nơi sẽ dời đô đến. Một cái nhìn toàn diện, sâu sắc, chính xác về các mặt vị trí địa lí, địa thế, nhân văn… qua đó thể hiện khát vọng của nhân dân về một đất nước độc lập, thống nhất, đồng thời phản ánh ý chí tự cường của dân tộc Đại Việt đang trên đà lớn mạnh.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.