Giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp thơ ca của tác giả Tố Hữu

gioi-thieu-cuoc-doi-va-su-nghiep-tho-ca-cua-tac-gia-to-huu-13107-2

 Cuộc đời và sự nghiệp thơ ca của tác giả Tố Hữu.

Vài nét về cuộc đời Tố Hữu.

Tố Hữu (1920-2002) sinh tại Quảng Nam. Đến năm 9 tuổi, ông cùng cha trở về sống và học tập ở Thừa Thiên Huế. Cha Tố Hữu là một nhà nho nghèo, tuy cuộc sống chật vật nhưng rất thích ngâm vịnh, sưu tầm thơ ca. Mẹ Tố Hữu là một người phụ nữ hiền hậu, thuộc nhiều ca dao và các làn điệu trữ tình xứ Huế. Chính cha và mẹ là những người hình thành nên hồn thơ của Tố Hữu ngay từ thuở ban đầu.

Chính quê hương xứ Huế thơ mộng, có nền văn hóa độc đáo bao gồm cả văn hóa cung đình và văn hoá dân gian và tình cảm gia đình tốt đẹp đã bồi đắp tâm hồn thơ ca của Tố Hữu ngay từ thuở bé. Thơ Tố Hữu mang đậm chất dân ca xứ Huế mượt mà và tha thiết. Lời ăn tiếng nói của con người Huế từ đó cũng đi vào thơ ông hết sức tự nhiên.

Năm 16 tuổi, Tố Hữu đã đứng trong hàng ngũ Đoàn thành niên Dân chủ Đông Dương và nhiệt tình tham gia vào các phong trào đấu tranh dân chủ của tổ chức. Đến năm 18 tuổi, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Hoạt động chưa được bao lâu thì đầu năm 1939, ông bị bắt tại Huế. Tố Hữu bị giặc tra tấn dã man và lưu đày hết nơi này đén nơi khác nhằm làm lung lay ý chí cách mạng của ông. Thế nhưng, người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi luôn giữ vững khí tiết, tiếp tục hoạt động cách mạng ở mọi hoàn cảnh. Ông lấy thơ ca làm vũ khí chiến đấu, cổ vũ tinh thần đấu tranh của các chiến sĩ.

Tháng 3-1942, ông vượt ngục Đắc Giêi (nay thuộc Kon Tum) rồi tìm ra Thanh Hóa, bắt liên lạc với Đảng (về hoạt động bí mật ở huyện Hậu Lộc và thôn Tâm Quy, xã Hà Tân, huyện Hà Trung, Thanh Hóa). Đến năm 1945, khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên – Huế.

Từ sau năm 1946, cho đến khi qua đời năm 2002, ông vừa giữ những chức vụ quan trọng trong cơ quan tỉnh, trung ương, tổ chức Đảng, tổ chức văn nghệ và nhiệt tình sáng tác văn nghệ để phục vụ cho đất nước. Năm 1996, ông được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (đợt 1).

Con đường đến với lí tưởng Cách mạng.

Tố Hữu là người sớm được giác ngộ lý tưởng Cộng sản. Năm 13 tuổi, ông vào học trường Quốc học Huế. Tại đây, ông được tiếp xúc với tư tưởng của những nhà tư tưởng lớn như: Karl Marx, Friedrich Engels, Vladimir Ilyich Lenin. Ông còn thường xuyên đọc những tác phẩm của Maxim Gorky,… Bởi thế, tinh thần yêu thương con người và ý chí đấu tranh giải phóng con người sớm hình thành và âm thầm lớn lên trong ông. Tại Huế, ông cũng sớm tiếp xúc với phong trào đấu tranh cách mạng do Đảng cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ vận động

Năm 18 tuổi, ông trở thành đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương. Đến năm sau, trong một lần tham gia phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên, ông bị bắt, bị tra tấn dã man và đày đến nhà lao Lao Bảo và nhiều nhà tù khác ở Tây Nguyên. Trong giai đoạn đó, ông viết nhiều bài thơ nổi tiếng khẳng định ý chí chiến đấu và tấm lòng trung thành với lý tưởng cách mạng.

Năm 1942, Tố Hữu vượt ngục trở về miền Bắc, tiếp tục tham gia đấu tranh và lãnh đạo phong trào cách mạng cho đến khi đất nước giải phóng.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ và cho đến năm 1986, Tố Hữu giữ nhiều trọng trách và  chức vụ khác nhau trên cương vị là nhà quản lý trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và nhà nước nhưng vẫn tiếp tục làm thơ về được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.

Con đường cách mạng và con đường thơ của Tố Hữu.

Tố Hữu sáng tác thơ ca để phục vụ sự nghiệp Cách mạng, con đường thơ cùa Tố Hữu bắt đầu cùng lúc với con đường hoạt dộng Cách mạng của ông. Thơ Tố Hữu phản ánh từng bước đi của lịch sử Cách mạng và sự trường thành về tư tưởng, nghệ thuật cùa bản thân ông.

Sự nghiệp thơ Tố Hữu được đánh dấu bằng những tập thơ tiêu biểu ghi nhận những dấu mốc lịch sử lớn lao của dân tộc và cũng thể hiện sự vận động tư tưởng và nghệ thuật thơ Tố Hữu:

  • Tập “Từ ấy” ( 1937- 1946).

Từ ấy là tập thơ đầu tiên của Tố Hữu ghi lại bước trưởng thành của nhà thơ từ khi gặp mặt trời chân lý. Tập thơ chia làm 3 phần: “máu lửa”, “xiềng xích”“giải phóng”.

+ Phần “Máu lửa” gồm những bài được sáng tác trong thời kỳ mặt trận dân chủ, là sự cảm thông sâu sắc của nhà thơ với cuộc sống cơ cực của những người nghèo khổ trong xã hội (lão đày tớ, chị vú em, cô gái giang hồ,…). Đồng thời khơi dậy ở Họ ý chí đấu tranh và niềm tin vào tương lai.

+ Phần “Xiềng xích” gồm những bài thơ được sáng tác trong thời gian tác giả bị giam cầm. Đó là tâm tư của một người trẻ tuổi tha thiết yêu đời và khát khao tự do, là ý chí kiên cường của người chiến sĩ quyết tâm tiếp tục cuộc chiến đấu ngay trong nhà tù.

+ Phần “Giải Phóng” gồm những bài được sáng tác từ khi Tố Hữu vượt ngục đến những ngày đầu giải phóng vĩ đại của toàn dân tộc. Đó là lời ngợi ca thắng lợi của cách mạng, nên độc lập tự do của tổ quốc, Khẳng định sự tin tưởng của nhân dân vào chế độ mới.

“Từ ấy” là niềm vui say của người thanh niên khi giác ngộ lý tưởng cộng sản, là sự thể hiện cái tôi trữ tình mới sôi nổi, thiết tha và chất lãng mạn trong trẻo.

  • Tập “Việt Bắc” (1946 – 1954).

– Là bản hùng ca ca ngợi cuộc kháng chiến và những con người kháng chiến.

– Phản ánh trung thực chặng đường gian lao anh dũng và thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.

– Thể hiện thành công những hình ảnh, tâm tư tình cảm của nhiều tầng lớp con người Việt Nam trong kháng chiến.

– Là tập thơ đậm đà tính dân tộc và đại chúng với nhiều bài thơ hùng tráng mang đậm chất sử thi.

“Việt Bắc” là bản anh hùng ca về cuộc sống kháng chiến, nhân dân anh hùng và những tình cảm lớn trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

  • Tập “Gió lộng” (1955 – 1961).

– Là tập thơ viết về giai đoạn cách mạng mới và nguồn cảm hứng dạt dào.

– Là những tình cảm bao trùm trong đời sống tinh thần của người Việt Nam đương thời: niềm vui, niềm tự hào, sự tin tưởng công cuộc xây dựng cuộc sống mới xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc; tình cảm với miền Nam ruột thịt và ý chí thống nhất đất nước; là tình cảm quốc tế động mở…

“Gió lộng” là niềm vui chiến thắng và xây dựng cuộc sóng mới, con người mới và tình cảm hướng về miền Nam ruột thịt.

  • Tập “Ra trận” (1962- 1971) và tập “Máu và hoa” (1972 – 1977).

– Là  âm vang  khí thế của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và niềm vui toàn thắng.

Ra trận” là bản anh hùng ca về “miền Nam trong lửa đạn, sáng ngời” với những hình ảnh tiêu biểu cho dũng khí kiên cường của dân tộc: là anh giải phóng quân “con người đẹp nhất”, là bà mẹ anh hùng “một tay lái chiếc đò ngang”, là “những em thơ cũng  hóa anh hùng”.

“Máu và hoa” ghi lại một chặng đường lịch sử đầy gian khổ hi sinh, khẳng định niềm tin sâu sắc vào sức mạnh tiềm tàng của quá khứ anh cũng như của mỗi con người Việt Nam mới. Tập thơ là niềm tự hào và niềm vui phơi phới khi “toàn thắng về ta”.

Hai tập thơ là khúc ca ra trận, là tiếng hát chiến đấu kiên cường bất khuất và chiến thắng, tin tưởng vươn tới tương lai.

  • Tập “Một tiếng đờn” (1992) và tập “Ta với ta” (1999).

– Là hai tập thơ đánh dấu bước chuyển biến mới trong thơ Tố Hữu.

– Là những cảm xúc suy tư của nhà thơ trước những thay đổi lớn lao của cuộc sống với bao vui buồn, sướng khổ,  được mất và cả mừng lo. Ông tìm đến với những chiêm nghiệm mang tính phổ quát về cuộc đời và con người.

– Vượt lên tất cả, thơ Tố Hữu vẫn thể hiện niềm tin kiên định vào lý tưởng và con đường cách mạng, tin vào chữ nhân luôn tỏa sáng trong tâm hồn mỗi con người.

Hai tác phẩm này thể hiện sự chiêm nghiệm về cuộc sống, về lẽ đời, hướng tới những qui luật phổ quát và kiếm tìm những giá trị bền vừng. Vì thế, giọng thơ trầm lắng, giàu chất suy tư.

Tóm lại, bảy chặng đường đời của Tố Hữu gắn liền với bảy chặng đường của cách mạng Việt Nam. Bảy tập thơ của ông có thể coi là những cuốn biên niên sử bằng thơ ghi lại đời sống và tâm hồn dân tộc trong sự vận động của tiến trình lịch sử đất nước. Những chặng đường thơ Tố Hữu luôn gắn bó với những chặng đường cách mạng của bản thân nhà thơ, với những giai đoạn phát triển của cách mạng Việt Nam. Tố Hữu xứng đáng là một trong những lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam hiện đại.

Phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu

– Thơ Tố Hữu mang tính chất trữ tình chính trị sâu sắc.

Thơ Tố Hữu lấy nguồn cảm hứng từ lý tưởng Cách mạng, từ các vấn đề và sự kiện chính trị của đất nước,của dân tộc và hoạt động Cách mạng của bản thân trở thành nguồn cảm xúc, tình cảm to lớn khơi gợi nguồn cảm hứng thực sự. Trong việc biểu hiện tâm hồn, thơ Tố Hữu hướng tới cái ta chung với lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn của con người cách mạng, của cả dân tộc. Tố Hữu được xem là thơ của lẽ sống lớn, của những tình cảm lớn, niềm vui lớn của cách mạng và con người cách mạng.

– Khuynh hướng sử thi là nét nổi bật trong thơ Tố Hữu.

Nội dung chính trị trong thơ Tố Hữu thường gắn liền với khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn. Cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu là cái tôi chiến sĩ, cái tôi công dân, cái tôi nhân danh dân tộc, cách mạng. Nhân vật trữ tinh trong thơ Tố Hữu luôn đại diện cho những phẩm chất của giai cấp, dân tộc.

Cảm hứng lớn nhất trong thơ Tố Hữu là cảm hứng lịch sử – dân tộc, những vấn đề được nhà thơ quan tâm và phản ánh trong thơ luôn là những vấn đề lớn lao của vận mệnh cộng đồng. Những sự kiện lịch sử, những vấn đề chính trị quan trọng có tác động lớn đến vận mệnh dân tộc, thông qua trái tim nhạy cảm của nhà thơ đều có thể trở thành đề tài và cảm hứng nghệ thuật thực sự

Trong việc miêu tả đời sống, thơ Tố Hữu mang đậm tính sử thi. Đối tượng chủ yếu là những sự kiện chính trị. Thơ ông luôn đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa lịch sử và có tính toàn dân.

Hầu hết các vấn đề to lớn của dân tộc, của cách mạng đều được đề cập đến trong thơ ông. Từ cái tôi trữ tình đã dần dần trở thành cái tôi nhân danh cộng đồng, nhân danh Đảng và dân tộc. Nhân vật trữ tình trong thơ Ông là những con người tập trung những  phẩm chất tốt đẹp của cộng đồng, của giai cấp, của dân tộc.

– Thơ Tố Hữu có giọng điệu tâm tình ngọt ngào.

Cảm hứng chủ đạo trong thơ Tố Hữu là cảm hứng lãng mạn, Con người trong thơ luôn hướng về tương lai, khơi dậy niềm vui, lòng tin. Nghĩa tình và niềm say mê với con đường cách mạng. Những điều đó được thể hiện qua giọng thơ mang tính chất tâm tình, rất tự nhiên, đằm thắm mà chân thành.

Thơ Tố Hữu tác động vào tình cảm con người bằng hình ảnh gợi cảm, bằng giọng điệu tâm tình tha thiết, bằng cách xưng hô gần gũi thân quen như trong gia đình.

Từ những ngày đầu, cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu đã là cái tôi chiến sĩ, càng về sau càng xác định rõ là cái tôi nhân danh Đảng, nhân danh cộng đồng dân tộc: tác giả tập trung thể hiện những phẩm chất giai cấp, dân tộc:  tình cảm lớn , tiêu biểu, phổ biến của con người cách mạng. Đó là tình yêu lí tưởng (Từ ấy); tình cảm kính yêu lãnh tụ (Sáng tháng năm); tình cảm đồng bào, đồng chí, tình quân dân (Cá nước); tình cảm quốc tế vô sản (Em bé Triều Tiên). Niềm vui trong thơ Tố Hữu không nhỏ bé, tầm thường mà là niềm vui lớn, sôi nổi, hân hoan.

– Cảm hứng chủ đạo trong thơ Tố Hữu là cảm hứng lãng mạn.

Ông luôn hướng về tương lai, khơi dậy niềm tin, niềm vui đến náo nức, say mê. Cảm hứng chủ đạo là cảm hứng lịch sử – dân tộc, chứ không phải cảm hứng thế sự – đời tư, nổi bật lên là vấn đề cộng đồng, chứ không phải vấn đề số phận cá nhân

– Thơ Tố Hữu đậm đà tính dân tộc.

Thơ Tố Hữu khắc họa hiện thực của đời sống cách mạng, những tình cảm chính trị, đạo lí cách mạng qua cảm nhận của Tố Hữu đã hòa nhập, gắn bó với những truyền thống tinh thần, tình cảm, đạo lí của dân tộc và làm phong phú hơn truyền thống ấy. Nhà thơ thường sử dung các thể thơ thuần dân tộc: lục bát, song thất lục bát… Sử dụng lối nói, hình ảnh quen thuộc của đại chúng và sử dụng phong phú, sáng tạo các thanh diệu, từ láy của tiếng Việt.

Về nghệ thuật, thơ Tố Hữu nghiêng về tính truyền thống hơn là khuynh hướng hiện đại, đổi mới. Ông thành công khi sử dụng thể thơ truyền thống dân tộc: 6/8 – mang cả lục bát ca dao và lục bát cổ điển. Ngôn ngữ bình dị. Thơ Tố Hữu thường sử dụng những từ ngữ và cách nói quen thuộc với dân tộc, tạo ra nhạc tính thể hiện cảm xúc dân tộc, tâm hồn dân tộc.

Giọng điệu thơ trữ tình ngọt ngào, ân tình sâu lắng và những hình thức, thể loại, ngôn ngữ, cách biểu đạt… rất gần gũi với tâm hồn người Việt Nam. Hơn thế, thơ Tố Hữu còn rất giàu nhạc điệu.

  • Kết luận:

Tố Hữu là một trong những lá cờ đầu của thơ ca Việt Nam hiện đại, có đóng góp lớn lao cho sự nghiệp Cách mạng và đời sống tinh thần của nhân dân. Sức thu hút cùa thơ Tố Hữu là ở sự say mê lý tưởng và tính dân tộc đậm đà. Thơ Tố Hữu thể hiện lẽ sống, lí tưởng, tình cảm cách mạng của con người Việt Nam hiện đại nhưng mang đậm chất dân tộc truyền thống.

2 Trackbacks / Pingbacks

  1. phan tích khuynh hướng sử thi trong thơ Tố Hữu - Theki.vn
  2. Nhớ đồng (Tố Hữu) (Bài 1, Ngữ văn 8, tập 1, Chân Trời Sáng Tạo) - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.