Giới thiệu nhà văn Tô Hoài và truyện ngắn Vợ chồng A Phủ.

gioi-thieu-nha-van-to-hoai-va-truyen-vo-chong-a-phu

Giới thiệu nhà văn Tô Hoài và truyện ngắn Vợ chồng A Phủ.

I. Nhà văn Tô Hoài.

1. Tiểu sử.

– Tô Hoài (1920-2014) tên khai sinh là Nguyễn Sen. Ông sinh ra tại quê nội ở thôn Cát Động, Thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ trong một gia đình thợ thủ công. Tuy nhiên, ông lớn lên ở quê ngoại là làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam.

– Bút danh Tô Hoài gắn với hai địa danh: sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức.

– Bước vào tuổi thanh niên, ông đã phải làm nhiều công việc để kiếm sống như dạy trẻ, bán hàng, kế toán hiệu buôn,… nhưng có những lúc thất nghiệp

– Năm 1943, Tô Hoài gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc.

– Trong chiến tranh Đông Dương, ông chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực báo chí, nhưng vẫn có một số thành tựu quan trọng như Truyện Tây Bắc.

– Ông mất ngày 6 tháng 7 năm 2014 tại Hà Nội, hưởng thọ 94 tuổi.

2. Sự nghiệp văn chương của Tô Hoài.

– Trước cách mạng tháng 8, văn học của ông chủ yếu viết về các loài vật và những câu chuyện về người dân nông thôn sống trong cảnh nghèo khổ.

– Tô Hoài gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc, bắt đầu tham gia vào các phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1943. Từ đây, ông hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực báo chí, văn hoá văn nghệ và đạt rất nhiều thành tựu xuất sắc. Đặc biệt là ở đề tài văn học dành cho thiếu nhi  và cuộc sống của người nông dân.

  • Dế mèn phiêu lưu kí (1941)
  • Quê người (1941)
  • O chuột (1942)
  • Giăng thề (1943)
  • Nhà nghèo (1944)
  • Xóm Giếng ngày xưa (1944)
  • Cỏ dại (1944).

– Tác phẩm nổi bật nhất trong số đó là truyện Dế Mèn phiêu lưu kí – một tác phẩm văn xuôi viết về loài vật miêu tả bức tranh thiên nhiên vô cùng sinh động và thú vị cùng rất nhiều bài học nhân sinh ý nghĩa được tác giả gửi gắm. Đây là một tác phẩm dành cho lứa tuổi thiếu nhi và đã được tái bản nhiều lần, được dịch và xuất bản ở một số nước trên thế giới.

– Sau cách mạng tháng 8, ông có những chuyển biến mạnh mẽ về phong cách và tư tưởng sáng tác với những tác phẩm phản ánh cuộc sống cơ cực của nhân dân dưới ách thống trị tàn bạo của của giặc xâm lược và con đường đến với cách mạng giải phóng của họ. Đồng thời ông cũng tiếp tục có đóng góp tích cực ở mảng đề tài văn học dành cho thiếu nhi.

+ Truyện ngắn: Núi cứu quốc (1948), Xuống làng (1950), Truyện Tây Bắc (1953, Giải nhất tiểu thuyết năm 1956 của Hội Văn nghệ Việt Nam), Khác trước (1957), Vỡ tỉnh (1962), Người ven thành(1972).

+ Tiểu thuyết : Mười năm (1957), Miền Tây (1967, Giải thưởng Bông sen vàng năm 1970 của Hội Nhà văn Á Phi), Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ (1971), Tự truyện (1978), Những ngõ phố, người đường phố(1980), Quê nhà (1981, Giải A năm 1980 của giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội), Nhớ Mai Châu (1988).

+ Kí: Đại đội Thắng Bình (1950), Thành phố Lênin (1961), Tôi thăm Cămphuchia (1964), Nhật kí vùng cao (1969), Trái đất tên người (1978), Hoa hồng vàng song cửa (1981). Cát bụi chân ai (1992).

+ Truyện thiếu nhi : Tuyển tập Văn học thiếu nhi, tập I & II (1999)

– Tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác : Một số kinh nghiệm viết văn của tôi (1959), Người bạn đọc ấy (1963), Sổ tay viết văn (1977), Nghệ thuật và phương pháp viết văn (1997).

* Nhận xét: Tô Hoài là một nghệ sĩ rất đa tài, trong suốt sự nghiệp văn chương của mình ông đã miệt mài sáng tác hàng trăm tác phẩm thuộc đủ thể loại như: tiểu thuyết, truyện vừa, bút ký, ký sự, truyện ngắn, hồi ký, tự truyện, tiểu luận phê bình, truyện viết cho thiếu nhi, cho đến cả các bài báo ngắn.

3. Phong cách nghệ thuật của Tô Hoài.

Văn Tô Hoài hấp dẫn người đọc bởi lối trần thuật hóm hỉnh, sinh động của người từng trải, vốn từ vựng giàu có, nhiều khi rất bình dân và thông tục, nhưng nhờ cách sử dụng đắc địa và tài ba nên có sức lôi cuốn, lay động người đọc.

a. Không gian nghệ thuật và đối tượng khám phá, thể hiện rất tập trung.

– Tác phẩm của Tô Hoài viết chủ yếu về hai địa bàn: vùng ngoại thành Hà Nội và miền núi Tây Bắc. Đối tượng được Tô Hoài khai thác nhiều nhất, thành công nhất trong tác phẩm của ông là cuộc sống của người lao động đói nghèo ở ngoại thành Hà Nội và miền núi Tây Bắc.

– Bên cạnh đó, Tô Hoài là một trong số ít nhà văn Việt Nam có sở trường viết truyện về loài vật. Thế giới loài vật phong phú, đa dạng được nhân hóa xuất hiện trong tác phẩm của ông luôn có sức hấp dẫn đối với người đọc, giúp họ nhận ra sự sinh tồn tự nhiên của xã hội loài vật đó.

– Có thể nói, những tác phẩm tiêu biểu nhất trên con đường văn chương của Tô Hoài cũng không nằm ngoài không gian nghệ thuật và đối tượng khám phá, thể hiện nói trên.

b. Lối viết đậm đà màu sắc dân tộc.

– Đặc điểm phong cách nghệ thuật này của Tô Hoài được biểu hiện cụ thể ở các điểm sau:

+ Cách đặt tên cho tác phẩm của Tô Hoài có khi được xuất phát từ thành ngữ dân gian: “ Đất khách, quê người”; “ Hoa đồng cỏ dại”; “ Giăng thề còn đó trơ trơ”.

+ Cách kể chuyện, dẫn truyện của Tô Hoài có sức lôi cuốn, hấp dẫn người đọc, biểu hiện rõ ở tác phẩm Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ, Dế Mèn phiêu lưu kí .

+ Tô Hoài thường đi vào khám phá và thể hiện truyền thống nhân nghĩa của con người Việt Nam như : trọng nghĩa khinh tài, khí tiết, thủy chung,…

+ Tô Hoài khai thác đề tài lịch sử để ngợi ca phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam, tiêu biểu là tác phẩm Đảo hoang, Chuyện ông Gióng.

c. Cách quan sát thông minh hóm hỉnh và rất tinh tế.

– Cách quan sát thông minh hóm hỉnh và rất tinh tế là khả năng nổi trội của Tô Hoài trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Khả năng này của ông được biểu hiện rõ ngay từ trước cách mạng qua những truyện viết về loài vật. Càng về sau càng được phát huy ở nhiều tác phẩm khác.

– Những trang văn của Tô Hoài khi miêu tả cảnh sắc thiên nhiên, phong tục tập quán, lễ hội ở vùng ngoại thành Hà Nội và vùng núi Tây Bắc đều để lại cho người đọc ấn tượng sâu bền, cũng như luôn mang đến cho họ nguồn tư liệu rất phong phú về lịch sử, địa lí và đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc. Đặc biệt, khi miêu tả ngoại hình và diễn biến tâm lí của nhân vật, Tô Hoài đã chọn lựa những chi tiết độc đáo có sức gợi cảm nhằm tác động mãnh liệt đến tình cảm nhận thức của người đọc về thân phận của nhân vật.

– Nhà văn còn sử dụng yếu tố ngoại cảnh để góp phần làm nổi bật hơn nội tâm của nhân vật trong từng hoàn cảnh, tình huống cụ thể. Chính vì thế, các nhân vật trong tác phẩm của Tô Hoài thường mang nét riêng và gợi cho người đọc biết bao điều suy ngẫm.

d. Đặc sắc trong cách sử dụng ngôn ngữ.

– Ngôn ngữ trong tác phẩm của Tô Hoài là ngôn ngữ xuất phát từ đời sống quần chúng. Tô Hoài quan niệm đó là kho của cải vô giá và ông đã biết cách chọn lựa, nâng cao và nghệ thuật hóa trong các sáng tác của mình để tăng thêm giá trị của nó. Ông khẳng định: “Mỗi chữ phải là một hạt ngọc buông xuống những trang bản thảo, hạt ngọc mới nhất của mình tìm được, do phong cách văn chương của mình mà có”…“Câu nói là bộ mặt của ý. Ý không bao giờ lặp lại, cũng như cuộc sống không bao giờ trở lại giống nhau như đúc thì lời văn cũng phải thế” (Sổ tay viết văn).

– Với sự nhận thức trên, Tô Hoài đã luôn trau dồi học hỏi ngôn ngữ trong cuộc sống đời thường của nhân dân ở làng quê ngoại thành Hà Nội và cả ở miền núi Tây Bắc. Ở từng vùng đất, từng đối tượng, từng loại nhân vật, ông đều có cách sử dụng ngôn ngữ thích ứng với đặc điểm của nó. Mặt khác, ông còn sử dụng thành công những từ ngữ giàu sức tạo hình, từ chỉ màu sắc, từ địa phương,… Điều đó tạo cho tác phẩm của ông vừa có vẻ đẹp giản dị, vừa không kém phần kì thú.

Nhạn xét về Tô Hoài, nhà thơ Trần Đăng Khoa từng nói: “Tô Hoài như một từ điển sống, một pho sách sống. Ông như cuốn Bách khoa Toàn thư mà không Viện sĩ nào, không Học giả nào có thể sánh được. Tôi đã có dịp tò mò hỏi ông về Hà Nội và rất ngạc nhiên. Tôi không ngờ ông hiểu Hà Nội sâu sắc đến thế. Tôi gọi ông là Nhà Hà Nội học, dù ông không nghiên cứu”.

* Nhận xét: Với sự cần mẫn, bền bỉ, dẻo dai, không ngừng học hỏi, tích lũy, tự vượt mình để sáng tạo đó chính là điều làm nên bản lĩnh và tài năng nghệ thuật của Tô Hoài. Với những thành tựu to lớn đã đạt được sau hơn nửa thế kỉ sáng tạo nghệ thuật, Tô Hoài xứng đáng là một trong những cây bút tiêu biểu của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại, là tấm gương lao động nghệ thuật cho văn nghệ sĩ noi theo.

II. Truyện Vợ chồng A Phủ.

1. Hoàn cảnh sáng tác Vợ chồng A Phủ

Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ là tác phẩm đặc sắc trong tập Truyện Tây Bắc (1953) Đó là kết quả của chuyến đi tham dự chiến dịch giải phóng Tây Bắc của nhà văn Tô Hoài mà tác giả đã “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với đồng bào dân tộc Tây Bắc trong suốt 8 tháng của năm 1952. Tác giả đã thổ lộ “Đất nước và con người Tây Bắc đã để thương để nhớ cho tôi nhiều, không thể bao giờ quên”.

– Qua hoàn cảnh sáng tác đó giúp cho người đọc không những hiểu thêm mà còn xúc động trước cuộc sống nô lệ đầy tủi nhục của đồng bào dân tộc nghèo miền núi Tây Bắc (trong tác phẩm là nhân vật  Mị và A Phủ) dưới ách thống trị của phong kiến (cha con lí Pá Tra và thực dân) đồng thời hiểu thêm về sức sống tiềm tàng mãnh liệt cũng như con đường mà họ đã đến với Cách mạng.

2. Tóm tắt nội dung Vợ chồng A Phủ.

Truyện kể về cuộc đời của vợ chồng A Phủ. Mị là cô gái trẻ đẹp, nhà nghèo, sống ở Hồng Ngài. Cô bị bắt cóc về làm vợ A Sử, làm con dâu gạt nợ nhà thống Lí Pá Tra. Cô phải lao động quần quật, sống không khác gì con trâu, con ngựa. Khi mùa xuân đến, cô cũng muốn đi chơi liền bị A Sử trói đứng trong buồng. Chỉ đến khi A Sử bị đánh, cô mới được cởi trói để đi lấy lá thuốc, xoa dầu cho chồng. A Phủ là một chàng trai nghèo, mô côi, khỏe mạnh, gan góc, giỏi lao động. Vì đánh A Sử đến phá rối cuộc chơi nên bị bắt, bị đánh đập, bị phạt vạ, phải vay vốn thống lí để nộp phạt, rồi trở thành người ở đợ trừ nợ trong nhà thống lí. Một lần để hổ ăn mất một con bò, A Phủ bị trói đứng, bị bỏ đói suốt mấy ngày đêm. Một đêm, khi trở dậy thổi lửa để sưởi, Mị bắt gặp dòng nước mắt chảy trên gò má đen sạm của A Phủ. Mị nghĩ về thân phận mình, đồng cảm về cảnh ngộ của A Phủ. Cô đã cắt dây trói giải thoát cho A Phủ và bỏ trốn khỏi nhà thống lí Pá Tra. Hai người đến Phiềng Sa, thành vợ thành chồng, tạo dựng một cuộc sống mới. A Phủ được sự giác ngộ của cán bộ cách mạng A Châu trở thành tiểu đội trưởng du kích. Họ cùng mọi người cầm súng để gìn giữ bản làng.

3. Giá trị truyện ngắn Vợ chồng A Phủ.

a. Giá trị hiện thực.

+ Phản ánh chân thực số phận của người dân nghèo miền Tây Bắc dưới ách thống trị của bọn cường quyền phong kiến tàn bạo.

+ Thấy rõ sự tàn bạo, độc ác của kẻ thù mà tiêu biểu là cha con nhà thống lí Pá Tra. Chúng đã bóc lột, hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần người dân lao động nghèo, miền núi.

+ Thông qua cuộc đời của Mị và A Phủ, Tô Hoài đã diễn tả thật sinh động quá trình thức tỉnh vươn lên tìm ánh sáng cách mạng của người dân nghèo Tây Bắc.

b. Giá trị nhân đạo:

+ Cảm thông sâu sắc với nỗi thống khổ cả về tinh thần và thể xác của những người lao động nghèo khổ như Mị, A Phủ.

+ Phát hiện và ca ngợi vẻ đẹp đáng quý ở Mị, A Phủ. Đó là vẻ đẹp khỏe khoắn, cần cù, yêu tự do và đặc biệt là sức sống tiềm tàng, mãnh liệt ở họ.

+ Tố cáo ách thống trị phong kiến miền núi bạo tàn, lạc hậu đã chà đạp và bóc lột con người đến xương tủy. Có thể nói truyện ngắn Vợ chồng A Phủ là bức tranh chân thực về số phận đau khổ của đồng bào dân tộc miền núi dưới chế độ phong kiến chúa đất.

+ Hướng người lao động nghèo khổ đến con đường tươi sáng là tự giải phóng mình, tìm đến cách mạng và cầm súng chiến đấu chống lại kẻ thù.

“Vợ chồng A Phủ” là câu chuyện về những người dân lao động vừng núi cao Tây Bắc không cam chịu bọn thực dân, chúa đất áp bức, đày đọa, giam hãm trong cuộc sống tối tăm đã vùng lên phản kháng đi tìm cuộc sống tự do

– Truyện cũng nói lên ước mơ về một cuộc sống tự do, hạnh phúc của người dân.

c. Giá trị nghệ thuật.

– Nghệ thuật miêu tả phong tục tập quán của Tô Hoài rất đặc sắc với những nét riêng (cảnh xử kiện, không khí lễ hội mùa xuân, những trò chơi dân gian, tục cướp vợ, cảnh cắt máu ăn thề…).

– Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên miền núi với những chi tiết, hình ảnh thấm đượm chất thơ.

– Nghệ thuật kể chuyện tự nhiên, sinh động, hấp dẫn. Truyện có kết cấu, bố cục chặt chẽ, hợp lý; dẫn dắt những tình tiết đan xen, kết hợp một cách khéo léo, tạo sức lôi cuốn.

– Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng rất thành công. Mỗi nhân vật được sử dụng bút pháp khác nhau để khắc họa tính cách khác nhau trong khi họ có số phận giống nhau. Tác giả tả ngoại hình, tả tâm lý với dòng kí ức chập chờn, những suy nghĩ thầm lặng để khắc họa nỗi đau khổ và sức sống của Mị, còn A Phủ thì tả ngoại hình, hành động và những mẩu đối thoại ngắn để thấy tính cách giản đơn.

– Ngôn ngữ tinh tế mang đậm màu sắc miền núi. Giọng điệu trần thuật có sự pha trộn giữa giọng người kể với giọng nhân vật nên tạo ra chất trữ tình.


Tham khảo:

Giới thiệu tác giả Tô Hoài và tác phẩm Vợ chồng A Phủ

  • Mở bài:

Đi cùng dòng thời gian với văn học Việt Nam đã không biết có bao nhiêu tên tuổi nhà văn, nhà thơ nổi danh đóng góp cống hiến tài lực giúp cho nền văn học nước nhà có những viên ngọc sáng như ngày hôm nay. Những tên tuổi kỳ cựu là lực lượng có thể xem như là đã đặt những viên gạch vững chắc để xây nên một bức tường thành văn chương đồ sộ cho đất nước. Trông đó, không thể không nhắc đến nhà văn Tô Hoài – một cây đại thụ trong nền văn học Việt Nam thế kỉ XX.

  • Thân bài:

Tô Hoài tên khai sinh là Nguyễn Sen, là người con của mảnh đất Hà Thành văn hiến nhưng ông lại được sinh ra và có tuổi thơ gắn với làng Nghĩa Đô, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông chính là quê ngoại của Tô Hoài. Một con người rất có ý chí từ khi còn trẻ nhà văn đã phải vật lột kiếm sống làm đủ mọi nghề từ gia sư dạy trẻ, anh bán hàng đến việc làm kế toán cho một hiệu buôn nhỏ.

Con đường không có gì là bằng phẳng thậm chí ông còn phải đối mặt với nhiều chông gai khó khăn, nhiều khi thất nghiệp tưởng rằng không còn cách nào tự nuôi nổi bản thân. Hồi đó văn chương được coi là thứ gì đó rất mơ hồ chỉ là thứ giải khuây, nó không phải một nghề để có thể kiếm sống để nuôi cả gia đình. Ấy vậy mà Tô Hoài bước vào con đường văn học bằng chính tài năng của mình khi ông tự mình sáng tác một số những bài thơ rất lãng mạn hay những cuốn truyện vừa, được viết theo kiểu vô hiệp, nhưng rồi ông nhanh chóng chuyển sang văn xuôi hiện thực và được chú ý ngay từ những sáng tác đầu tay, trong đó có Dế Mèn phiêu lưu kí.

Năm 1943, ông gia nhập Hội văn hóa cứu quốc. Trong kháng chiến cống thực dân Pháp ông làm báo và hoạt động nghệ thuật rất sôi nổi ở Việt Bắc. Và có thể nói Tô Hoài một người rất có duyên gắn bó máu thịt với quê hương Tây Bắc và đồng bào các dân tộc nơi đây. Ông là một nhà văn lớn, có số lượng tác phẩm đạt kỉ lục trong văn học hiện đại Việt Nam. Ông cho rằng: “Viết văn là một quá trình đấu tranh để nói ra sự thật. Đã là sự thật thì không tầm thường, cho dù phải đập vỡ những thần tượng trong lòng người đọc”. Một người tài năng và có trái tim nóng bỏng với sự hiểu biết phong phú, sâu rộng đặc biệt là về những văn hóa tập quán của nhiều vùng miền trên đất nước ta. Ông yêu những gì giản dị, yêu những gì thuộc về nét đẹp dân tộc và yêu nồng hậu những con người của dân tộc ấy.

Tô Hoài có biệt tài luôn thu hút người đọc bởi chính những gì chân thật nhất mà ông đã từng trải qua và ông viết văn như viết bằng chính máu của mình, cộng thêm lối trần thuật hóm hỉnh, vốn từ vựng giàu có – nhiều khi rất bình dân và thông tục, nhưng nhờ cách sử dụng đắc địa và tài ba nên có sức lôi cuốn lạ thường động lòng biết bao trái tim bạn đọc.

Để hiểu hơn về Tô Hoài ta phải nhắc đến nơi đã gắn bó với ông suốt bao năm tháng, nơi xứ sở của hoa ban, hoa mơ, hoa đào của những đêm tình mùa xuân lãng mạn, những chợ tình đắm say. Nơi ấy Tô Hoài sau tám tháng sống và gắn bó máu thịt đã thốt lên: cảnh và người Tây Bắc đã để thương để nhớ để cho tôi quá nhiều, niềm thương nỗi nhớ ấy đã thăng hoa thành truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” là kiệt tác bất hủ giàu giá trị nhân đạo, ám ảnh lòng người đến muôn đời.

Tô Hoài viết truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” năm 1952, được in trong tập “Truyện Tây Bắc” (1953). Cảm hứng để nhà văn viết tác phẩm bất hủ này chính là từ một hiên thực đặc biệt đó là khi bộ đội giải phóng tới đâu, nhà văn Tô Hoài khoác ba lô đi thực tế tới đó, sống và gắn bó máu thịt với nhân dân ông chứng kiến một hiện thực vô cùng xúc động đó là đồng bào các dân tộc Tây Bắc bị giai cấp thống trị miền núi là “thống lý”: tước đoạt tài sản, dùng cường quyền và thần quyền để bóc lột sức lao động, họ bị giai cấp thống trị xúc phạm nhân phẩm, coi như xúc vật. Chính vì thế họ rất yêu cách mạng và làm cách mạng rất nhiệt tình.

Những sự kiện này tác động vào sâu thẳm trái tim giàu lòng nhân hậu yêu thương của Tô Hoài để trào dâng cảm xúc mãnh liệt vỡ òa ra những trang văn xúc động trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”. Câu chuyện xoay quanh nhân vật một cô gái xinh đẹp nết na tên Mị và những trông gai của cuộc đời Mị phải chịu khi sống dưới sự kìm kẹp của bọn thống lý ác ôn. Nhà văn đã miêu tả một cách chân thực xúc động cuộc đời của nhân vật chính này và hơn nữa đã miêu tả sức sống tiềm tàng mãnh liệt trong con người của Mị qua những lần tiếng sáo cất lên, tiếng sáo gọi bạn tình một trong những nét đẹp đặc trưng văn hóa của người dân nơi vùng cao này, tiếng sáo của tình yêu, tiếng sáo của những trái tim nhân hậu muốn đến gần nhau. Tô Hoài đã giới thiệu Mị từ giữa cuộc đời đi ra.

Mở đầu truyện nhà văn như đưa người đọc đến với thế giới của truyện cổ tích với cảnh vật nơi miền đất xa xôi vừa hoang sơ vừa đẹp đến lạ thường rồi ông đã để cho người đọc dừng chân tại nhà thống lý Pá Tra. Một tên địa chủ giàu có nhất vùng có quyền, có tiền hắn dẫm lên đầu dân để đàn áp khiến cuộc sống cũng như số phận biết bao người sống không bằng chết. Mị một cô gái hiền lành nhưng phải chịu số phận vô cùng bất hạnh bị ép bắt trở thành một thiếu phụ mặt lúc nào cũng buồn rười rượi ngồi bên cạnh tảng đá, tàu ngựa vô tri vô giác. Mị hy sinh cuộc đời mình muốn cứu cha và gia đình để chấp nhận trở thành con dâu gạt nợ tội nghiệp, khốn khổ của nhà thống Lý và từ đó Mị luôn sống trong bóng tối. Một thân xác bị trói buộc như vậy nhưng không thể trói buộc tâm hồn Mị, Mị như bao cô gái khác cũng muốn diện váy mới, chải tóc,Mị muốn đi chơi, Mị muốn đi đến chợ tình để tìm cho mình tình yêu đích thực.

Tô Hoài đã rất khéo léo diễn tả tâm trạng nhân vật của mình qua những khung bậc cảm xúc tiếng sáo cất lên. Tâm hồn Mị như được bay lên thoát ly khỏi sự u tối của căn phòng, thoát ra khỏi những lễ giáo phong kiến cổ hủ xưa. Để đến kết thúc truyện tác giả như mở ra một con đường tươi sáng đầy hy vọng hơn, Mị đã quyết chạy trốn khỏi bọn thống lý đi theo A Phủ rồi hai người trở thành những người cách mạng bảo vệ quê hương, rồi hạnh phúc cũng se duyên họ thành vợ thành chồng.

  • Kết bài:

Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài đã khắc họa chân thực những nét riêng biệt về phong tục, tập quán, tính cách và tâm hồn người dân các dân tộc thiểu số bằng một giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế, đượm màu sắc và phong vị dân tộc, vừa giàu tính tạo hình vừa giàu chất thơ.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.