Giới thiệu sự nghiệp văn học nhà văn Thạch Lam

gioi-thieu-su-nghiep-van-hoc-nha-van-thach-lam

Giới thiệu sự nghiệp văn học nhà văn Thạch Lam

Thạch Lam là một trong những cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam trong chặng đường nửa đầu thế kỉ XX. Tác phẩm của ông đã đem đến cho văn xuôi Việt Nam một phong cách mới, góp phần làm phong phú diện mạo của nền văn học nước ta trong bước chuyển mình trên con đường hiện đại hóa.

Thạch Lam tên khai sinh là Nguyễn Tường Vinh, sau đổi thành Nguyễn Tường Lân. Ngoài bút danh Thạch Lam, ông còn bút danh khác là Việt Sinh. Thạch Lam sinh ngày 07 tháng 07 năm 1910, tại ấp Thái Hà, Hà Nội. Ông là con thứ sáu trong gia đình có bảy người con. Ông sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh gia đình bắt đầu sa sút về kinh tế. Thuở nhỏ, có thời gian ông cùng gia đình chuyển dời về sống ở thị trấn Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, một phố huyện nhỏ, nơi Thạch Lam đã gắn bó gần nửa cuộc đời của mình, và cũng chính nơi đây đã để lại dấu ấn sâu sắc trong sáng tác của ông từ cảnh vật thiên nhiên đến cuộc sống của con người.

Năm 1931, Thạch Lam đỗ tú tài, bắt đầu viết báo, viết truyện. Sau đó, ông cùng hai người anh là Nhất Linh và Hoàng Đạo lập ra nhóm Tự lực văn đoàn, đây chính là cái nôi ươm mầm cho tài năng nghệ thuật của ông. Bắt đầu từ năm 1933 đến năm 1941, ông liên tục có tác phẩm được xuất bản, bao gồm đủ các thể loại, trong đó thành công nhất của Thạch Lam vẫn là ở thể loại truyện ngắn:

– Gió đầu mùa (tập truyện ngắn);
– Nắng trong vườn (tập truyện ngắn);
– Ngày mới (tiểu thuyết);
– Theo Giòng (tập tiểu luận);
– Hà Nội băm sáu phố phường (tập kí)…

Ông mất ngày 28 tháng 6 năm 1942 tại làng Yên Phụ vì bị bệnh lao phổi.

Quan niệm văn chương của Thạch Lam

1. Quan niệm về chức năng của văn chương:

Quan niệm văn chương của Thạch Lam không chỉ thể hiện bằng những sáng tác mà nó còn được nêu lên như một tuyên ngôn trực tiếp của ông. Trong lời nói đầu cho Gió đầu mùa, ông viết: “Bởi vì đối với tôi, văn chương không phải là cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên, trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, vừa để tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”.

Với quan niệm tích cực như vậy, ông đã tự tách mình ra và vươn xa hơn so với các nhà văn thuộc khuynh hướng lãng mạn đương thời. Ông đã phủ nhận loại văn chương thoát li, xa rời hiện thực đồng thời ông khẳng định vai trò, sức mạnh cao cả của văn chương, đó là vừa tố cáo vừa cải tạo hiện thực và vừa thanh lọc tâm hồn con người.

2. Quan niệm về nhà văn:

Khi nói về phẩm chất của người nghệ sĩ, nếu như nhà văn Nam Cao đề cao khả năng tìm tòi, đào sâu suy nghĩ và sáng tạo thì Thạch Lam đặc biệt coi trọng tính thành thực. (Thành thực ở đây là vừa trung thành với hiện thực cuộc sống xã hội vừa chân thành với chính tâm hồn mình). Theo Thạch Lam, một nhà văn không thành thực, không bao giờ trở nên một nghệ sĩ. Đối với ông, mọi sự tô hồng cũng như bôi đen cuộc sống này đều là giả dối.

Trong những trang viết của Thạch Lam không có những chuyện tình thơ mộng kiểu kẻ trần gian người tiên giới, không có bức tranh thiên nhiên hoa mĩ diễm lệ hay xây dựng những tình huống xung đột một cách khuôn sáo mà trong tác phẩm của ông luôn là những cảnh thực, người thực. Từ cảnh sống cùng quẫn, đói nghèo của người mẹ quê đông con (Nhà mẹ Lê) đến bức tranh chiều quê êm đềm, buồn bã, tẻ nhạt (Hai đứa trẻ) hay là một căn phòng trọ nhớp nháp, bẩn thỉu (Tối ba mươi)…tất cả là một sự thu nhỏ của hiện thực cuộc sống đang diễn ra từng ngày, nó được thể hiện bằng cảm xúc chân thành của một trái tim nhân ái bao la. Không có sự dũng cảm, thành thực trong nghề văn thì không thể làm được điều ấy

3. Quan niệm về tác phẩm:

Theo Thạch Lam, một tác phẩm nghệ thuật muốn có sự tồn tại bền vững thì nhất thiết tác phẩm ấy không phải nhằm mục đích chạy theo phong trào, thỏa mãn những thị hiếu nhất thời của độc giả mà tác phẩm ấy phải vươn đến sự vĩnh hằng, diễn tả một cách sâu sắc và chân thực bản chất của đời sống hiện thực và đạt đến chiều sâu trong trong cảm xúc con người. Làm sao để mọi người dù ở đâu, lúc nào mà mỗi khi soi vào đó, họ cảm thấy có cái gì đó phải suy nghĩ, trăn trở. Có lẽ vì vậy mà nhân vật trong sáng tác của ông thường là kiểu nhân vật nội tâm, nhân vật tự thức tỉnh.

Nhà văn Thạch Lam không nhìn nhận cuộc sống hiện thực một cách xuôi chiều hay đánh giá con người từ một phía mà ông để cho nhân vật của mình luôn có sự nhìn lại bản thân, suy xét thông qua đối lập giữa bản thân mình và người khác, giữa quá khứ và hiện tại. Đi sâu khám phá và diễn tả sâu sắc những khía cạnh còn khuất trong tâm hồn con người , Thạch Lam đã tạo cho nhân vật của mình một sự hấp dẫn kì lạ, có sức sống lâu dài và sức lay động sâu xa, đúng như ông đã từng tâm niệm về “một thứ khí giới thanh cao và đắc lực”.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.