Giết con chim nhại (To Kill a Mockingbird).
Thế giới động vật trên không rất thú vị! Bồ câu trắng tượng trưng cho khát vọng hòa bình. Cánh chim đại bàng đem đến sự quyền lực tối thượng. Đàn chim chiền chiện làm sống dậy cái sắc xuân mơn mởn của đất trời. Còn, chim nhại, với bộ lông xám trắng cùng tài bắt chước giọng của loài khác, qua ngòi bút khéo léo của Harper Lee, từ một con chim tưởng như rất bình thường, thậm chí hơi lép vế trong họ chim, nó bỗng trở thành biểu tượng của sự ngây thơ và những con người thiện tâm khi bị chính xã hội mình đang sống hủy hoại, hình tượng đó được nhà văn Harper Lee khắc họa rõ nét trong tác phẩm để đời của nữ nhà văn. Tác phẩm mang tên “Giết Con Chim Nhại”
Lấy bối cảnh Alabama, một tiểu bang miền Nam nước Mỹ, Câu chuyện đề cập đến những vấn đề phức tạp, rắc rối của xã hội thời bấy giờ, bằng cách đặt chúng trong lăng kính ngây thơ, hồn nhiên của một đứa bé học sinh tiểu học tên là Scout. Qua cách nhìn của cô bé, chúng ta có cái nhìn sơ lược về bức tranh u buồn của xã hội thời bấy giờ. Và vấn đề nổi lên gây tranh cãi kịch liệt nhất chính là nạn phân biệt chủng tộc.
Nạn nhân được đề cập trong tác phẩm này là Tom Robinson – một chàng trai da đen hiền lành, tội nghiệp bị khép tội cưỡng hiếp Mayella Ewell – một người phụ nữ da trắng. Luật sư của anh là Atticus – bố của Scout , đã cố gắng để giúp anh bào chữa. Trong khi nhiều cư dân chống đối quyền biện hộ của người tù da đen thì ông vẫn đồng ý biện hộ cho Tom một cách vô tư, hết mình. Thậm chí, bất chấp cả những hiểm nguy đe dọa đến tính mạng mình, bất chấp cả việc những đứa con ông cũng bị đe dọa và chịu sự phỉ báng của mọi người, ông vẫn can trường vượt qua mọi thử thách, chống lại mọi định kiến tàn ác để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ niềm tin về sự bình đẳng của tất cả mọi người, không phân biệt màu da. Mặc dù không thể chiến thắng được những định kiến xã hội ở thời điểm đó và nỗ lực của ông Atticus chỉ như “muối bỏ biển” nhưng lòng bác ái vô song, lương tri sáng ngời của vị luật sư đã phần nào soi rọi vào những ngóc ngách tăm tối nhất của xã hội.
Atticus Finch là hình ảnh đại diện cho tiếng nói của lương tri và nhân quyền. Ông là một luật sư dũng cảm và chân chính khi dám đứng ra nhận biện hộ cho người da đen. Atticus cho rằng “Cho dù chúng ta đã bị đánh bại một trăm năm trước khi chúng ta bắt đầu thì đó cũng đâu phải là lý do khiến chúng ta không cố thắng.” Bằng lối hành văn ấm áp, tinh tế, Giết con chim nhại đã khắc hoạ thành công hình ảnh Atticus Frinch – một biểu tượng cho công lí, điểm sáng của chủ nghĩa anh hùng dân tộc và hình mẫu hoàn hảo cho các luật sư. Từ đó, một cách trân trọng và sâu kín, tác giả còn nhắc nhớ đến những con người tử tế thầm lặng trong thị trấn và tin tưởng về một tương lai tốt đẹp sẽ đến với đất nước Mỹ.
Dưới góc nhìn và quan sát của một bé gái sáu tuổi, bối cảnh xã hội Mỹ những năm 1930 hiện lên đầy chân thực và tinh tế, cũng chính vì thế mà dù đề cập đến vấn đề hết sức nhạy cảm khi đó là phân biệt chủng tộc nhưng Giết con chim nhại không hề gay gắt, giáo điều.
Cuộc chiến chống lại nạn phân biệt chủng tộc vẫn diễn ra đâu đó mỗi ngày trên đất nước Mỹ, cho dù chính phủ và người dân đã nỗ lực xóa bỏ, nhưng chúng ta đều biết dể làm điều đó thật không dễ dàng. Trong Giết con chim nhại, nhà văn chỉ đưa ra một vụ án nhỏ điển hình cho hàng loạt các vụ án vô lý diễn ra khắp miền Nam nước Mỹ nhưng chúng ta sẽ có cái nhìn toàn diện về nạn phân biệt chủng tộc tàn ác bấy giờ.
“Giết con chim nhại” không chỉ dừng lại ở việc vạch trần nạn phân biệt chủng tộc, nó còn mở rộng ra rất nhiều khía cạnh của xã hội dưới góc nhìn của một cô bé học sinh tiểu học. Trước hết, đó là góc nhìn đa chiều về giáo dục thông qua mối quan hệ giữa cha con nhà Finch. Việc giáo dục ấy không chỉ dừng lại ở trường học, mà còn phản ánh qua việc giáo dục trong gia đình. Với Atticus, giáo dục con cái là ưu tiên hàng đầu, ông dạy con về lương tâm, công bằng, bác ái, chống thành kiến và nhiều thật nhiều những thứ khác nữa. Một trong những bài học đắt giá mà Atticus dạy con là “Ta không bao giờ thực sự biết một người chừng nào ta chưa ở vào địa vị của họ và cư xử theo kiểu của họ.” Với cách nhìn này, ông dễ dàng thấu hiểu những mặt hạn chế của con người và cảm thông cho họ khi họ lầm lạc.
Không chỉ dừng lại ở đó, Giết con chim nhại cũng dạy con người ta những bài học sâu sắc về đạo lí làm người. Đó là bài học về cách ứng xử, cách sống, cách trải nghiệm cuộc sống này.“Có một thứ không tuân theo nguyên tắc đa số, đó là lương tâm con người” Câu nói này đã đề cập tới một loại tâm lý rất phổ biến trong xã hội ngày nay, ấy là tâm lý số đông, mà biểu hiện chính là việc cả một cộng đồng người da trắng đứng lên chống lại một con người da đen nhỏ bé, bần hèn. Thế nhưng, lương tâm thì lại không đi theo nguyên tắc ấy. Xét ở góc độ nào đó, lương tâm nhiều khi có nét tương đồng với can đảm.
Theo những chia sẻ của chính nhà văn Harper Lee, ban đầu cuốn sách có tên là Atticus nhưng rồi bà nhận ra những điều mình muốn truyền tải và thể hiện đã vượt ngoài phạm vi của một nhân vật nên sau đó nó đã được đổi tên thành Giết con chim nhại. “Giết con chim nhại không phải là một cuốn cổ tích nơi mà ở đó những kẻ yếu thế luôn chiến thắng”. Không chỉ gây ấn tượng ngay từ nhan đề mà hình ảnh chim nhại đã trở thành một biểu tượng đầy sức gợi và là dòng chảy chủ đạo xuyên suốt tác phẩm.
Bằng cách nào đó, tác giả đã đưa hình ảnh con chim nhại nhiều lần trong sách. Chim nhại chẳng làm gì khác ngoài đem tiếng bằng cả trái tim cho chúng ta nghe. Chúng là biểu tượng của sự trong sáng và tốt đẹp, do đó, giết chim nhại là một tội lỗi. Trong tác phẩm, hình ảnh chim nhại được lặp đi lặp lại ngụ ý cho những nạn nhân vô tội trong suốt tác phẩm, nó còn là biểu tượng của sự trong trắng và lòng dũng cảm chống lại nạn phân biệt chủng tộc.
Gắn với hình ảnh con chim nhại là nhân vật Tom Robinson. Cho dù mọi lập luận của Atticus đầy thuyết phục, cho dù ai cũng khinh miệt những người nhà Ewell nhưng chỉ cần Tom là người da đen thì anh buộc phải là kẻ có tội, đó là một kết cục đã định sẵn. “Bố Atticus đã sử dụng mọi công cụ sẵn có cho người tự do để cứu Robinson, nhưng trong tòa án bí mật của trái tim con người, bố Atticus không có cơ hội. Tom đã chết kể từ lúc Mayella Ewell mở miệng gào lên.” Đó không chỉ là số phận của một mình Tom mà còn là số phận của tất cả những người da đen khác khi họ phải sống trong một thời đại đầy bất công và khắc nghiệt với những thành kiến ăn sâu vào tiềm thức của cả một lớp người tự cho mình là thượng đẳng.
Giết con chim nhại khiến người đọc phải suy nghĩ, ám ảnh vì vẽ lên một bức tranh xã hội đầy chân thực, những điều xấu xa và tốt đẹp song hành, đôi khi cái đẹp bị che giấu trong lớp vỏ xấu xí. Tác phẩm không chỉ tố cáo bất công xã hội mà còn cho thấy tia hy vọng về những điều tốt đẹp nếu như mỗi người đều góp phần vào cuộc chiến chống lại những thành kiến, bất công và giành lấy quyền bình đẳng cho tất cả mọi người.
Nội dung câu chuyện có vẻ quen thuộc và đề tài phân biệt chủng tộc cũng không hề mới mẻ, thế nhưng đây thật sự là một tác phẩm rất độc đáo, bởi có lẽ câu chuyện được nhìn bằng con mắt của trẻ thơ – cô bé Scout và một nhân vật nữa giúp xua tan bầu không khí ảm đạm bất công của thời cuộc – Atticus. “Giết con chim nhại” là đem lại cho độc giả nhiều suy ngẫm và trăn trở. Đôi khi ta sống không phải để thay đổi thời cuộc, để làm gì to tát cho cuộc đời này, nhưng những phần thật nhỏ như đầu tư cho giáo dục trong chính gia đình mình cũng đủ thể thay đổi tư tưởng của cả một thế hệ tiếp theo, và Atticus đã làm được. Chúng ta cũng sẽ làm được.
Với nội dung và sức truyền tải mạnh mẽ, chỉ hai năm sau ngày xuất bản lần đầu tiên, Giết con chim nhại đã được đạo diễn Robert Mulligan tái hiện trên màn ảnh lớn với tựa đề tiếng Anh To kill a Mockingbird, có sự tham gia của Gregory Peck vai Atticus Finch và Mary Badham vai Jean Louis Finch – Scout. Sở hữu một kịch bản phim với nhiều giá trị nhân văn và lối diễn chân thực, xuất sắc của Greogry Peck, bộ phim thắng lớn ở nhiều hạng mục quan trọng của giải thưởng Oscar và Quả cầu vàng danh giá. Giết con chim nhại nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả và các nhà phê bình, cũng luôn nằm trong danh sách những bộ phim hay nhất mọi thời đại. Được cho là cuốn hồi kí tự truyện khi người ta tìm thấy nhiều điểm tương đồng giữa các nhân vật trong truyện với chính cuộc đời của tác giả song có lẽ điều Harpler Lee làm được to lớn và ý nghĩa nhiều hơn thế.
Giết con chim nhại là một tiểu thuyết viết về trẻ con nhưng không độc giả nào nghĩ mình đang đọc sách thiếu nhi vì những vấn đề nó đặt ra là quá lớn ngoài khả năng giải quyết của cá nhân. Song cuốn sách này thật sự rất đáng được dành một chỗ trên kệ sách của bạn vì những bài học của nó vẫn còn nguyên giá trị phổ quát, đúng với mọi xã hội theo thời gian.
Với tài kể chuyện xuất sắc và độc đáo, nữ nhà văn Harper lee đã phản ánh cuộc sống một cách đa diện, đa chiều, người ta có thể tìm thấy ở Giết con chim nhại không chỉ là câu chuyện về tuổi ấu thơ, về gia đình mà là cả hơi thở của thời đại.
Giết con chim nhại là một tiểu thuyết viết về trẻ con nhưng không độc giả nào nghĩ mình đang đọc sách thiếu nhi vì những vấn đề nó đặt ra là quá lớn ngoài khả năng giải quyết của cá nhân. Nhưng tất yếu mỗi người phải góp phần vào cuộc chiến chống bất công và thành kiến này, như Atticus nói, “cho dù chúng ta đã bị đánh bại một trăm năm trước khi chúng ta bắt đầu thì đó cũng đâu phải là lý do khiến chúng ta không cố thắng” khi ông quyết tâm bào chữa cho Tom Robinson dù biết chắc là mình sẽ thua kiện.
Giết con chim nhại là một câu chuyện bao gồm nhiều mô-típ, như sự ích kỷ, sự thù hận, lòng dũng cảm, sự kiêu hãnh, định kiến, và các giai đoạn trong cuộc đời, đặt trong bối cảnh cuộc sống miền Nam Hoa Kỳ. Cuốn tiểu thuyết đã được đạo diễn Robert Mulligan dựng thành phim với kịch bản do Horton Foote viết vào năm 1962. Cho tới nay, cuốn tiểu thuyết này là tác phẩm được xuất bản duy nhất của Harper Lee.