Góc nhìn mới về cuộc sống của nhà văn Nguyễn Minh Châu qua nhân vật người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa

goc-nhin-moi-ve-cuoc-song-cua-nha-van-nguyen-minh-chau-qua-nhan-vat-nguoi-dan-ba-hang-chai-trong-chiec-thuyen-ngoai-xa

Góc nhìn mới về cuộc sống của nhà văn Nguyễn Minh Châu qua nhân vật người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa

  • Mở bài:

Nguyễn Minh Châu được người học biết đến với tác phẩm Mảnh trăng cuối rừng – một sáng tác mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, cũng là đặc điểm chung của văn học 1945 – 1975. Sau 1975, Nguyễn Minh Châu – “người mở đường tinh anh và tài năng” trong công cuộc đổi mới nền văn học nước nhà đã cho ra lò những tác phẩm được khơi nguồn, được viết bởi cảm hứng thế sự như Bức tranh, Chiếc thuyền ngoài xa, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành… Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”, tiêu biểu cho quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu lúc bấy giờ là lấy con người làm đối tượng phản ánh thay cho hiện thực đời sống.

  • Thân bài:

Truyện kể về nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng trong một lần đi về vùng biển miền Trung để chụp một tấm ảnh cho cuốn lịch năm sau. Anh rất vui khi đã chụp được một chiếc thuyền ngoài xa đang ẩn mờ trong sương sớm. Nhưng khi chiếc thuyền tiến vào bờ, anh kinh ngạc khi chứng kiến cảnh bạo hành gia đình của gia đình hàng chài sống trên con thuyền đó. Cũng vì thế mà người đàn bà hàng chài được mới đến tòa án huyện và tại đây, Phùng đã được nghe và thấu hiểu về câu chuyện của người đàn bà này. Trong một buổi sớm còn mờ sương, từ chiếc thuyền vốn dĩ rất đẹp khi ở ngoài xa ấy xuất hiện hình ảnh một người đàn bà hàng chài.

Tác phẩm cũng đã tập trung khắc họa nhân vật người đàn bà hàng chài, vốn gây nhiều ấn tượng sâu sắc cho độc giả. Thường xuyên bị người chồng vũ phu đánh đập nhưng vì thương con, người phụ nữ này vẫn cam chịu, rất bản lĩnh để bảo vệ hạnh phúc gia đình bình dị của mình. Qua đó, Nguyễn Minh Châu ca ngợi những phẩm chất đáng quý của người phụ nữ Việt Nam: nhân hậu, bao dung, giàu đức hi sinh đồng thời gửi đến những người nghệ sĩ bức thông điệp: muốn hiểu đúng con người và cuộc sống cần phải có cái nhìn tỉnh táo, sâu sắc và đa chiều.

Chị không được nhà văn đặt cho cái tên như một sự mờ hóa nhằm tô đậm hơn số phận và cuộc đời của chị. Về ngoại hình, đối lập với chiếc thuyền mang vẻ đẹp nghệ thuật, người đàn bà có một dáng vẻ thô kệch, xấu xí. Chị trạc ngoài bốn mươi, thân hình cao lớn, “rỗ mặt” và “tấm lưng áo bạc phếch và rách rưới”. Khuôn mặt chị hằn rõ sự mệt mỏi, có lẽ vì thức trắng đêm kéo lưới: “tái ngắt và dường như đang buồn ngủ”. Đặc biệt, Nguyễn Minh Châu tập trung khắc họa vào ánh mắt của người đàn bà: “chị đưa cặp mắt nhìn xuống chân”, “nhìn ra ngoài bờ phá”…Cách miêu tả của nhà văn đã cho ta thấy phần nào cuộc sống lam lũ, vất vả của người đàn bà cũng những thiệt thòi, tủi nhục ẩn chứa đằng sau.

Về số phận và tính cách, Nguyễn Minh Châu xây dựng nhân vật người đàn bà hàng chài có một quá khứ không mấy tốt đẹp. Thuở nhỏ, chị sinh ra đã là một người con gái xấu xí, lại thêm trận đậu mùa khiến chị bị rỗ mặt. Chị có mang với một anh con trai nhà hàng chài cục tính, hiền lành. Người đó đã trở thành ân nhân của cuộc đời chị và các con. Tuy nhiên, cuộc sống bương trải khó khăn đã khiến chị phải chịu những bi kịch về thể xác. Trong gia đình, người đàn bà đứng giữa hai thế: một bên tên chồng ngược đãi, đánh đập, một bên là những đứa con thương yêu. Đối với chồng, tuy là nạn nhân của thói bạo hành nhưng chị vẫn cam chịu, nhẫn nhục và bao dung. Tên chồng ấy đánh chị như một thói quen thường ngày: “ba ngày một trận nặng, năm ngày một trận nhẹ”.

Bên cạnh đó, cách đánh của lão chồng thể hiện rõ sự bạo lực, hung hăng, hắn đánh như thể chị không phải là vợ hắn vậy: “lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà”. Đọc đến đó, chúng ta chắc hẳn rất kinh ngạc trước hành động tàn bạo bất ngờ của lão chồng, dường như hắn chỉ xem vợ như một phương tiện để giải tỏa sự bực tức trong lòng lòng. Thế nhưng, chúng ta sẽ lại càng kinh ngạc hơn khi biết rằng, người vợ ấy chẳng hề chống trả mà trái lại còn cam chịu: “không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách chạy trốn”. Đau đớn là thế, nhục nhã và tủi phận là thế, người đàn bà hàng chài vẫn chịu đựng, bởi lẽ chị thấu hiểu lí do mà lão đàn ông trút những đòn roi lên người chị.

Chính cuộc sống nghèo khổ, cảnh đông con đã biến một anh con trai hiền lành ngày nào trở thành kẻ bạo lực, vũ phu. Chiến tranh đã qua đi nhưng tàn dư của nó vẫn còn đọng lại – đó là cuộc sống nghèo khó đã làm tha hóa phẩm chất, tính cách của con người. Cũng vì thế mà người đàn bà, với lòng bao dung của mình đã cầu xin tòa án tha thứ cho chồng: “Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó”. Qua đó, chúng ta thấu hiểu phần nào phẩm chất của người đàn bà hàng chài thất học này: chị cam chịu bởi lẽ chị hiểu nguyên do gốc của nạn bạo hành, chị cam chịu bởi lẽ chị đã chịu ơn tên chồng vì đã cưu mang cuộc đời chị. Đối với những đứa con, chị là một người mẹ giàu lòng thương yêu có đức hi sinh. Khi bị chồng đánh, thằng Phác con chị đã lao đến, giật lấy chiếc thắt lưng và quật lại bố nó và bị lão tát cho hai cái, lảo đảo ngã xuống. Đến lúc này, chị mới lên tiếng và gọi con: “Phác, con ơi”, ôm lấy nó và rồi “chắp tay vái lấy vái để”.

Nếu như lời gọi con là sự đau đớn khi thấy con bị đánh ngã thì hành động vái lạy con rất lạ lùng kia lại cho thấy tình cảm sâu sắc của người mẹ. Chị biết thằng Phác vì thương chị mà đánh lại bố nhưng chị không muốn con vì nông nỗi mà làm điều trái đạo lí, bất hiếu đối với người cha. Chị đã xin lão chồng lên bờ mà đánh, chị còn gửi thằng Phác lên ở với ngoại để nó khỏi chứng kiến cảnh bạo hành… Chị rất thương con nên luôn có ý thức bảo vệ con, che chở con để con không phạm phải những sai lầm đáng tiếc. Và cũng chính những đứa con là lí do mà người đàn bà không chấp nhận bỏ chồng: “đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở tên đất được”. Đó là những lời nói xuất phát từ lòng thương con vô bờ bến mà mẹ dành cho con.

Trong gia đình là thế, còn đối với các mối quan hệ ngoài xã hội, người đàn bà tỏ ra bản lĩnh, dũng cảm chấp nhận hoàn cảnh để bảo vệ tổ ấm gia đình. Ban đầu, khi xuất hiện ở tòa án huyện, chị tỏ ra “sợ sệt, lúng túng”, “rón rén đến ngồi ghé vào mép chiếc ghế và cố thu người lại”. Có lẽ vì quen ở trên mặt nước mà chị chưa quen đến những nơi nghiêm túc như thế này. Nhưng nguyên nhân chính khiến chị có những hành động lạ lùng như vậy chắc hẳn là do sự mặc cảm về thân phận và đặc biệt chị luôn cảm thấy mình là người có lỗi. Khi biết được thiện ý và sự quan tâm của chánh án Đẩu, chị mạnh dạn giãi bày nỗi lòng và cảnh ngộ của mình.

Trước lời đề nghị của Đẩu, chị một mực từ chối và cương quyết gắn bó với người chồng vũ phu bởi lẽ tuy là người thất học nhưng chị thấu hiểu sâu sắc lẽ đời – chị nhận thức được rằng người đàn ông đó là ân nhân và là trụ cột trong gia đình chị. Trong nghề hàng chài cực khổ ấy không thể thiếu đi sức vóc của người đàn ông: “đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba”. Nếu chị bỏ lão chồng, tức là chị vừa thất nghĩa với một người đã giúp đỡ mình, vừa có lỗi với đàn con thơ vì một mình chị không thể gánh vác nổi công việc chài lưới.

Bên cạnh đó, trong cái khổ cực, người đàn bà vẫn tìm thấy những niềm vui, hạnh phúc bình dị, tuy nhỏ nhoi nhưng đáng trân trọng: “ở trên thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ”. Chị ý thức được rằng cuộc sống gia đình chị không phải là bể khổ triền miên mà đâu đó vẫn có những khoảng thời gian các thành viên ngồi với nhau rất hạnh phúc, đầm ấm. Niềm hạnh phúc nhỏ bé ấy chính là nguồn động lực để cho người đàn bà tiếp tục với cuộc sống nghèo khó của mình để nuôi các con. Câu chuyện của người đàn bà và những nghịch lí bên trong đó đã khiến Đẩu và Phùng ngộ ra nhiều điều: con người muốn thoát ra khỏi những nghịch lí cần phải có giải pháp thiết thực chứ không bằng thiện ý, tình thương và pháp luật. Họ bỗng hiểu đằng sau hành động vũ phu của người chồng, sự cam chịu của người vợ là biết bao vấn đề nhức nhối tồn đọng trong cuộc sống của người dân.

Bằng giọng văn tự sự, triết lí kết hợp với tình huống độc đáo, Nguyễn Minh Châu thực sự thành công khi xây dựng nhân vật người đàn bà hàng chài. Chị là hiện thân của tình mẫu tử cao cả, giàu đức hi sinh, thủy chung với chồng và bao dung, nhân hậu. Đó cũng chính là những phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam – chất ngọc ẩn lấp trong những góc cạnh xù xì của cuộc sống mà Nguyễn Minh Châu khám phá và trân trọng. Thông qua đó, nhà văn đã lên án thói bạo hành và bày tỏ lòng thương yêu đối với những thân phận nhỏ bé, bất hạnh. Giá trị nhân đạo của tác phẩm là ở chỗ nhà văn luôn quan tâm, hướng về con người, dùng ngòi bút để cải tạo cuộc sống.

Quả thật, cuộc đời không đơn giản xuôi chiều mà luôn chứa đựng nhiều nghịch lí. Cái nhìn đầy suy nghĩ của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng về bức ảnh được chọn với sự ẩn hiện giữa “cái màu hồng của ánh sương mai” và “người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh” như một lời phân bua của người nghệ sĩ với chính nghề nghiệp mình: nghệ thuật chân chính không bao giờ xa rời cuộc đời. Nghệ thuật chân chính là cuộc đời và luôn luôn vì cuộc đời.

Rõ ràng, Chiếc thuyền ngoài xa là một minh chứng cho sự lột bỏ “lớp xác” sử thi lãng mạn để dấn sâu hơn vào hiện thực đời sống. Sáng tác của Nguyễn Minh Châu đã “thoát khỏi thói quen mĩ hóa, lí tưởng hóa hiện thực” của một thời với hành trình “đi tìm hạt ngọc ẩn sâu trong tâm hồn con người” để tìm đến với những “giá trị thẩm mĩ của cái đời thường, đi sâu khám phá hành trình của con người giữa một thực tại ngổn ngang nhằm tìm kiếm hạnh phúc và khẳng định nhân cách” .

  • Kết bài:

“Trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu, dù có là tiểu thuyết hay truyện ngắn, cốt truyện thường không đóng một vai trò nào đáng kể. Nhà văn tập trung chú ý vào thân phận con người, tính cách nhân vật và đã huy động vào đấy tâm hồn đa cảm dồi dào ấn tượng tươi mới và xúc động về cuộc sống…” (Nguyễn Văn Hạnh) Nhân vật người đàn bà hàng chài là một phương tiện để nhà văn Nguyễn Minh Châu gửi đến bạn đọc bức thông điệp về mối quan hệ giữa cuộc đời và nghệ thuật, về cách nhìn nhận bản chất sự vật, hiện tượng đằng sau vẻ bề ngoài của nó. “Chiếc thuyền ngoài xa” quả thật là một tác phẩm đích thực, đã hội tụ tài năng của người nghệ sĩ suốt một đời tâm huyết với nghề, đóng góp thêm một đóa hoa nghệ thuật cho nền văn học nước nhà thêm rực rỡ.

2 Trackbacks / Pingbacks

  1. Qua phân tích tình huống dẫn đến cảm giác ngạc nhiên, bối rối của nhân vật Phùng và Đẩu trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, anh/ chị hãy làm sáng tỏ nội dung và ý nghĩa thông điệp mà nhà văn m
  2. Ý nghĩa biểu tượng của tấm ảnh trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.